Không chỉ được các phạm nhân xem là ngôi nhà 'bất xuất"'một khi xui xẻo bị giam giữ, khám Chí Hoà (thuộc Q.10, TP. HCM) còn nổi tiếng bởi nhiều lời đồn đại ly kỳ.
Trại giam Chí Hoà chụp từ ảnh vệ tinh.
“Bát quái trận đồ” trong lòng thành phố
Tôi may mắn được gặp thượng tá Nguyễn Văn Cao, người có 16 năm gắn bó với khám Chí Hoà để tìm nghe ông kể chuyện. Thật bất ngờ, ông nói nơi bị sét đánh nhiều nhất là toà nhà quan trọng nhất: toà nhà hình bát giác nơi giam giữ hàng ngàn phạm nhân. Toàn bộ khu nhà giam rộng 7ha, trại giam Chí Hòa (tên thường gọi là khám Chí Hòa) được Pháp xây từ năm 1943, do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng với lối kiến trúc rất đặc biệt, theo ngũ hành bát quái.
Trại giam cao ba tầng, có hình bát giác với 8 cạnh đều, 8 góc A, B, C, D, E, F, G, H, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh dịch (cũng có người thì cho là kiến trúc này dựa trên Bát trận đồ của Khổng Minh), với lối kiến trúc độc đáo: vừa mang những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp (kiên cố, kín đáo, mát mẻ) vừa mang nét huyền bí (âm - dương ngũ hành của phương Đông). Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài, phía trong toàn song sắt. Chí Hoà chỉ có 1 cửa vào, người ta nói đó là cửa Tử. Qua cửa đó là hệ thống đường hầm, đường đi bên trong đều thiết kế theo cung vị, nếu không có người hướng dẫn thì một người đi vào đó sẽ mất hết phương hướng giống như lọt vào một mê cung đồ không thấy đường ra.
Chính giữa hình bát quái đồ là một sân rộng cũng hình bát giác chia thành 8 khu hình tam giác nhỏ, với rất nhiều cây cối, bãi cỏ sạch sẽ và thoáng mát. Ngay tâm của hình bát quái có một đài bơm nước, với một đoạn là bể nước phình to nhìn từ trên cao có hình một cây kiếm cắm thẳng xuống đất, có tên là "Tru Tiên Kiếm". Người ta đồn rằng, đây là thanh kiếm trấn, những tên tội phạm dù có xảo quyệt đến đâu thì khi ở đây mọi thủ đoạn của chúng cũng bị thanh kiếm "linh" này hoá giải hết. Thanh kiếm chính này chính là "trái tim" của của toà nhà, nếu thanh kiếm này bị nhổ lên thì toàn bộ "trận đồ" không cần phá mà sẽ tự vỡ.
Người ta nói, những ai từng vào đều có cảm giác rờn rợn, u uất, lạnh toát cả sống lưng. Người ta đồn rằng, ông Trời liên tiếp làm sấm sét như muốn đánh bể một góc khai một cửa Sanh, cho âm khí được thoát ra.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, chính Tổng thống Ngụy quyền Ngô Đình Diệm cũng tin chuyện này là có thật nên đã rước một thầy địa lý rất cao tay về nhằm hoá giải một phần "trận đồ" này. Một trong 8 nóc nhà của hình bát giác đã được san bằng, phá vỡ tính hoàn hảo của "bát quái", thuận theo thiên ý mở một cửa Sanh cho các linh hồn được bay đi. Trong khuôn viên trại còn có một nhà thờ (ngày nay được sử dụng làm Hội trường của Trại) được thực dân Pháp cho xây dựng làm nơi "rửa tội". Năm 1990, vị phó giám đốc mới được cử về công tác trong trại, một người không tin vào những lời đồn thổi "nhảm nhí" đã cho sửa nhà thờ thành Hội trường - nơi diễn ra hội họp, hội nghị của trại.
Những câu chuyện hi hữu cười ra nước mắt
Chính vì lối kiến trúc độc đáo đó mà hầu như tất cả các phạm nhân đều an phận chờ ngày mãn án. Nhưng cũng vì vậy mà họ không ngừng tìm kiếm cách liên lạc với nhau bằng những mật mã riêng, hay tự tìm cho mình thú vui lúc nhàn rỗi để giết thời gian. Ông Cao kể, khoảng trước năm 2002, một phạm nhân của Chí Hòa chẳng hiểu sao bắt được con chuột mới sinh đã giữ rịt bên mình, tỉ mỉ chăm sóc, san sẽ phần cơm cùng chú tới lúc chú lớn bằng… bắp chân mới bị cán bộ trại phát hiện. Nhân chuyện này, quản giáo rất bất ngờ khi phát hiện các phạm nhân ở các buồng giam khác nhau có thể chuyền đồ đạc, thức ăn cho nhau. Tra hỏi trưởng buồng, một số cho biết, hàng đêm thường thấy một bóng người đi lại trong đường hầm, mang thức ăn cho họ cứ như hồn ma vậy. Tất nhiên là cán bộ không tin điều này, tiếp tục điều tra thì được một trưởng buồng giam tiết lộ, "hồn ma" trên là người và hiện là "nhân khẩu" phòng mình.
Vốn dĩ phạm nhân này có thể rong chơi từ buồng này sang buồng khác được là nhờ biệt tài chui qua các song sắt phòng giam. Điều kinh ngạc là các song sắt trong trại giam rất lớn, khoảng cách giữa chúng nhỏ như ở cửa sổ. Để chứng thực, quản giáo đề nghị phạm nhân đó thử làm lại, nhưng hắn không chịu nhận do sợ kỷ luật. Sau khi hứa bỏ qua chuyện này và thưởng cơm thịt, gã từ từ tiến lại song sắt, uốn mình một cách điệu nghệ, trong tích tắc đã đặt chân ra ngoài phòng giam. Sau đó lãnh đạo trại giam quyết định cứ 50cm lại cho gắn thêm những thanh sắt ngang để phòng những phạm nhân có tài làm… xiếc.
Đó chưa phải là pha bi hài nhất trong trại. Thường thì buổi chiều sau giờ làm, cán bộ hay tổ chức đánh bóng chuyền, đá bóng, quần áo cởi ra treo luôn lên hàng rào cho tiện. Hôm đó, một phạm nhân trốn được ra ngoài phòng, nhẹ nhàng đi lại hàng rào lén lấy bộ đồ quân phục mặc vào. Khi lục trong túi phát hiện có chìa khoá xe máy, hắn ung dung lấy xe dắt ra ngoài. Thấy "đồng nghiệp" về sớm hơn thường lệ, người lính gác ngạc nhiên hỏi: "Anh không đánh bóng chuyền sao về sớm vậy?", hắn trả lời: "Thể thao gì chú, về với vợ con kẻo nó la cho thì chết", rồi lên xe phóng đi. Đánh bóng xong, người cán bộ tá hoả khi phát hiện quần áo mình bị mất, chiếc xe cũng không cánh mà bay thì biết có phạm nhân trốn trại, lập tức bủa vây truy tìm. Và cũng đúng như truyền thuyết "bất xuất" của trại, họ đã nhanh chóng tìm thấy kẻ trộm trọng một tiệm xe máy cách trại giam không xa khi gã đang… bán xe.
Ngoài những "quái chiêu" trên, các phạm nhân còn có biệt tài truyền tin cực "độc". Do cấu trúc bát giác, các phòng giam đối mặt với nhau thành những vòng tròn lớn nhưng rất riêng biệt để tránh sự trao đổi thông tin giữa các phạm nhân. Tuy nhiên, những người này vẫn trò chuyện, thông tin tức cho nhau bằng cách liên lạc riêng, độc nhất vô nhị . Mỗi khi trời tối, khắp các phòng giam đều loé lên những tia chớp nhấp nháy, dạ quang chiếu từ phòng này sang phòng khác. Theo cán bộ Cao, mỗi ánh sáng là một thông tin riêng, nghiêng bên này là câu chuyện này, nghiêng bên kia lại là thông tin hoàn toàn khác được các tù nhân quy ước bí mật với nhau. Suốt 16 năm gắn bó với trại, ông được một số phạm "bật mí" quy luật nhưng khá rối rắm, dù đã cố gắng học nhưng đến lúc nghỉ hưu, ông vẫn không "thuộc" được…