2/3 phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Tuy nhiên hầu hết đều không tìm đến sự trợ giúp của các dịch vụ công, trừ những vụ nghiêm trọng, xử lý hình sự.
Thông tin được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về khoảng trống trong việc thực thi chính sách với người bị bạo lực giới diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (3-4/12). Những số liệu quốc gia công bố gần đây cho thấy gần 60% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em nữ.
Những vật dụng được sử dụng trong các vụ bạo lực gia đình được trưng bày trong một triển lãm gần đây. Ảnh: Vương Linh.
Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc, 87% nạn nhân bạo lực gia đình không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chính quyền, dịch vụ chính thống. Điều đó cho thấy mức độ tin tưởng vào hệ thống tư pháp không cung cấp cho họ sự đảm bảo, giải pháp giúp đỡ. Trong số người tìm kiếm sự giúp đỡ của cảnh sát thì chỉ 12% có được các hình thức xử tại tòa hình sự, 60% về hòa giải.
"Việt Nam có Luật phòng chống bạo lực gia đình từ năm 2007, tuy nhiên khuôn khổ pháp chế hiện nay chưa cấm toàn diện, hình sự hóa các hình thức bạo lực với phụ nữ. Nhiều chính sách phát luật tốt nhưng triển khai chưa đáp ứng thực tiễn", bà Shoko nói.
Nghiên cứu về chất lượng dịch vụ tư pháp hình sự hiện nay dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam được công bố gần đây với sự tham gia của 900 phụ nữ bị ảnh hưởng cho thấy thực trạng tương tự. Theo đó, 43% các vụ bạo lực gia đình được báo cáo cho công an. Có đến 54% người bị bạo lực gia đình nghĩ rằng các biện pháp xử lý của công an là chưa nghiêm minh. Chỉ có 8% nạn nhân được cán bộ tư pháp, pháp lý trợ giúp.
Thậm chí, chỉ có 37% người được phỏng vấn cho rằng bạo lực gia đình là một dạng tội phạm, đa phần cho đây là hành vi sai nhưng không phải là tội phạm. 77% vụ việc được hòa giải không đạt kết quả mong đợi và bạo lực vẫn tiếp diễn. 66% không hài lòng với việc hòa giải tại cộng đồng. 90% phụ nữ bị bạo lực cho biết họ bị trầm cảm, sợ hãi, hoảng loạng và mất ngủ do bạo lực gia đình.
Ông Đinh Minh Thông, Phó trưởng công an thị trấn Mường Khến (Tân Lạc, Hòa Bình) thừa nhận việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình hiện còn gặp nhiều khó khăn. Người bị bạo lực che giấu, đôi khi không cung cấp thông tin đầy đủ. Bên cạnh đó, hầu hết gia đình có bạo lực ở nông thôn, người chồng thường không kiếm ra tiền, rượu chè tối ngày. Vì thế, khi bị phạt tiền, người vợ phải mang tiền đi nộp. Nhiều người bị bạo lực tiếc tiền nên không báo cáo vụ việc. Ông Thông kiến nghị nên áp dụng biện pháp khác như lao động công ích, thay cho xử phạt hành chính trong một số trường hợp.
Bà Lê Hoa, Phó trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam cho rằng, thông tin về hiện trạng bạo lực giới ở Việt Nam thực sự gây sốc. Hậu quả để lại với phụ nữ về kinh tế, tinh thần, ghê gớm hơn rất nhiều những con số được công bố. Công cuộc phòng chống bạo lực giới vô cùng thách thức.
"Thế hệ chúng tôi được nuôi dạy và lớn lên với niềm tin rằng nam giới là phái mạnh, có quyền làm những hành vi bạo lực với nữ giới. Ngược lại phụ nữ chúng tôi tin rằng những việc như thế là bình thương, là một phần của cuộc sống. Nguy hiểm hơn khi xã hội không cho rằng đấy là hành vi tội phạm", bà Hoa nhấn mạnh.