'Dòng tiền đi hàng ngàn tỉ đồng không có nội dung'
Hôm qua 22.12, ngày thứ 6 phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, những người tiến hành tố tụng tiếp tục xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ VietinBank thuộc nhóm tội “thiếu trách nhiệm…” và các bị cáo thuộc nhóm tội “cho vay lãi nặng”.
Trong khi nhóm bị cáo thiếu trách nhiệm chỉ xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng “làm theo chỉ đạo của cấp trên” thì ở nhóm tội cho vay lãi nặng, phiên tòa hôm qua mất cả ngày chỉ để thẩm vấn 2 bị cáo, với lượng tiền giao dịch vay mượn chỉ bằng tin nhắn điện thoại nhưng lên đến cả ngàn tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi vỡ nợ không có khả năng chi trả đến 200 tỉ đồng, bị cáo Như đã vay mượn của nhiều cá nhân như Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí… với lãi suất cao và số tiền rất lớn. Trong nhóm các bị cáo này có 2 bị cáo kháng cáo là Đào Thị Tuyết Dung (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) và Nguyễn Thiên Lý.
"Bị cáo phạm tội tin Như"
Chiếm nhiều thời gian là các khoản cho vay “khủng” của bị cáo Nguyễn Thiên Lý. Theo án sơ thẩm, Lý đã cho Như vay hơn 554 tỉ đồng và 340.000 USD với lãi suất 0,4 - 1,7%/ngày (tính theo năm là 140 đến 170%, cao hơn 10 lần lãi suất cao nhất mà NHNN quy định), thu lợi 414 tỉ đồng.
Được thẩm phán Phan Thanh Tùng gọi lên thẩm vấn, bị cáo Như trình bày bắt đầu vay của Lý từ 2008 cho đến khi bị bắt. Giữa hai bên chỉ là quan hệ vay tiền - trả lãi. Lãi suất do Lý đưa ra. Như khai: “Vay hơn 500 tỉ đồng, đã trả lãi và vốn là 1.296 tỉ đồng”. Trong khi đó, bị cáo Lý lại khai trước năm 2010 đã chuyển cho Như hai khoản 450 tỉ và 263 tỉ đồng để mua cổ phiếu, xuất khẩu gạo, mua bất động sản không có lãi, bị lỗ. Sau đó, từ 2010 - 2011 cho Như vay khoảng 600 tỉ đồng, đã nhận về vốn và lãi là 672 tỉ đồng và Như xác nhận còn nợ bị cáo Lý 200 tỉ đồng…
Tại tòa, Lý xin HĐXX xem xét lại tội danh, vì cho rằng lúc đầu bị khởi tố tội cho vay lãi nặng, sau đó thay đổi thành tội rửa tiền và cuối cùng bị truy tố tội cho vay lãi nặng. “Nếu đúng bản chất vụ việc thì bị cáo cũng chỉ là một nạn nhân thôi ạ”, bị cáo khai. Vị chủ tọa cắt ngang: “Dòng tiền đi hàng ngàn tỉ đồng không có nội dung. Tiền cho vay qua đêm với lãi suất cao. Nếu bị cáo không phạm tội cho vay lãi nặng thì phạm tội gì?”. Bị cáo Lý đáp: "Bị cáo phạm tội tin Như".
“Không có trong hồ sơ vụ án”
Tổng số tài sản bị cáo Lý bị kê biên gồm gần 147 tỉ đồng, 400 HKD, 156.610 EUR, 920 SGD, gần 20.000 USD...; ngoài ra còn căn nhà mặt tiền Lý Tự Trọng (Q.1), căn nhà ở đường Trần Quý Cáp (Q.Bình Thạnh), một căn nhà mặt tiền đường Thủ Khoa Huân (Q.1), một căn hộ ở Sài Gòn Pearl và rất nhiều thửa đất ở Q.9. Trong số tài sản bị kê biên, Lý xin HĐXX xem xét trả lại cuốn số tiết kiệm hơn 19 tỉ đồng là tiền của Lý trả nợ cho chị nhưng lại không có giấy tờ chứng minh có vay mượn; xem xét một căn nhà mặt tiền đường Lý Tự Trọng vì đó là tài sản của Công ty Diva mà em bị cáo có 25% vốn; xem xét lại căn nhà ở Q.Bình Thạnh vì bị cáo chỉ đứng tên đại diện chứ không thuộc sở hữu của bị cáo. Đặc biệt, bị cáo Lý còn kêu có 200.000 peso (tiền Philippines) và số tiền ngoại tệ khác bị thu giữ là tài sản của ông Nguyễn Thành Hiệp (chồng bị cáo, không có đăng ký kết hôn).
HĐXX nói: “Số tiền 200.000 peso không có trong hồ sơ vụ án. Ai, cá nhân nào giữ thì bị cáo có thể khởi kiện đòi lại. Đến nay, HĐXX không nhận được bất kỳ đơn từ nào của ông Hiệp thắc mắc hay khiếu nại gì về những số tiền này và cũng không có gì chứng minh tài sản này là của ông Hiệp. Trong khi đó, những tài sản này trước đây bị cáo đều khai là của bị cáo”. Lý thưa: “Lúc đó bị cáo sợ liên lụy đến người thân nên khai là của bị cáo”.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Thanh toán xong xé bỏ
Được gọi lên thẩm vấn, bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (án sơ thẩm xử 2 năm tù về tội “cho vay lãi nặng”) xin HĐXX xem xét lại số tiền thu lợi bất chính mà án sơ thẩm quy kết 174,7 tỉ đồng vì “bị cáo thu lợi bất chính không tới số đó”.
Trình bày tại tòa, bị cáo Dung khai có một công ty chuyên kinh doanh cầm đồ. Cuối 2009, bạn bè giới thiệu Như với Dung. Từ đó, Dung cho Như vay tiền, đến khi vụ án khởi tố, với lãi suất 0,4%/ngày, trong 3 - 5 ngày; có thế chấp thì 2%/tháng. Dung khai việc cho Như vay hàng trăm tỉ chỉ bằng niềm tin, không có sổ sách ghi chép nên không biết cụ thể chính xác là bao nhiêu. Thẩm phán Phan Thanh Tùng hỏi: “Không ghi chép thì căn cứ vào đâu bị cáo theo dõi, thu hồi vốn?”. Dung thưa: “Bị cáo có giấy nhận nợ với Như. Mỗi lần thanh toán xong xé bỏ không lưu giữ”.
Theo hồ sơ, đầu năm 2009 đến giữa năm 2011, Như đã vay của Dung 265,7 tỉ đồng và đã trả 440,4 tỉ đồng cả lãi lẫn gốc. Dung thu lợi 174,7 tỉ đồng.
(Lê Nga - Thanh Niên)
-------------------------
Cho vay hàng trăm tỉ, không ghi sổ sách!
Ngày 22-12, bước sang ngày thứ sáu xét xử phúc thẩm vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978), cùng đồng phạm.
Buổi sáng, HĐXX thẩm vấn 3 nhân viên VietinBank TP HCM là Lương Thị Việt Yên; Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cùng 5 bị cáo tội danh “Cho vay lãi nặng” Nguyễn Thiên Lý, Đào Thị Tuyết Dung (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân), Nguyễn Thị Lành (nguyên Phó Giám đốc Công ty CPĐT Phương Đông), Phạm Văn Chí và Hùng Mỹ Phương kháng cáo; riêng bị cáo Đào Thị Tuyết Dung bị VKSND kháng nghị đề nghị tăng hình phạt.
Liên quan đến 2 tài khoản mang tên Nguyệt và Năm (nhân viên ACB), tại tòa, bị cáo Yên không thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới mở tài khoản cho bà Năm và Nguyệt; xin HĐXX xem xét vai trò, hành vi của bị cáo trong vụ án để được giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, tại tòa, Sỹ khai được Yên chỉ đạo qua điện thoại, rồi sau đó chỉ đạo cho Lợi mở tài khoản.
Bị cáo Lợi thừa nhận sau khi mở tài khoản thì Trần Thị Tố Quyên (SN 1980, nguyên nhân viên Công ty Hoàng Khải). mới cầm hồ sơ bổ sung. Hồ sơ do Quyên đem đến đã điền sẵn thông tin. Riêng Quyên khai không biết ai đề nghị mở tài khoản, hồ sơ do Như đưa.
Theo bản án sơ thẩm, thông qua Hùng Mỹ Phương, cuối 2007, Nguyễn Thiên Lý cho Như vay 100.000 USD và khoảng 3 tỉ đồng, lãi suất 0,4%/ngày,
Từ ngày 1-12-2009 đến 14-9-2011, Lý cho Như vay tổng số tiền trên 554 tỉ đồng và 340.000 USD với lãi suất từ 0,4% - 1,7%/ngày. Lý đã nhận tiền gốc và lãi từ Như trên 1.296 tỉ đồng. Theo quy định của ngân hàng Nhà nước thì Lý đã cho Như vay với lãi suất cao hơn 10 lần lãi suất, thu lợi bất chính trên 735 tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) đã cho Như vay tổng cộng 265 tỉ đồng từ đầu năm 2009 đến tháng 6-2011, với lãi suất cố định 0,4%/ngày. Như đã trả tiền gốc và lãi cho Dung trên 440 tỉ đồng. Theo quy định của ngân hàng Nhà nước, Dung cho vay cao hơn 10 lần lãi suất quy định, thu lợi bất chính hơn 174,7 tỉ đồng.
Khi trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thiên Lý cho rằng giữa Lý và Như hợp tác làm ăn, sau đó Lý cho vay lãi nặng. “Nếu đúng bản chất vụ việc, bị cáo cũng chỉ là nạn nhân”-Lý biện minh.
Tương tự, Dung khai việc cho Như mượn tiền bằng “niềm tin”, không ghi sổ sách dù cho vay hàng trăm tỉ đồng! Việc bản án sơ thẩm quy kết bị cáo thu lãi 174,7 tỉ đồng là không đúng. Tuy nhiên, Dung không đưa ra được cơ sở để bảo vệ lập luận của mình. Bị cáo kháng cáo dựa trên tổng số tiền 150 tỉ đồng cho Huyền Như vay đến nay chưa trả.
-------------------------
Bị cáo khai nhân viên VietinBank làm theo chỉ đạo dù biết sai
Lời khai của các bị cáo nguyên là nhân viên VietinBank tại TP.HCM và Nhà Bè cho thấy chỉ cần sếp của VietinBank gọi điện, các nhân viên sẽ thực hiện lệnh dù biết sai.
Do sếp chỉ đạo
Sáng 22-12, phiên tòa xử phúc thẩm Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên VietinBank tại phòng giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè thuộc nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, bị cáo Lương Việt Yên (nguyên trưởng phòng) đã có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo này cho rằng mình có một phần lỗi trong việc mở tài khoản cho hai khách hàng là Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm (nhân viên nhận ủy thác của ACB) khi thực hiện phần hậu kiểm nhưng không phát hiện ra việc không đúng quy trình, giúp Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng.
Hồ sơ vụ án cho thấy lấy danh nghĩa huy động tiền cho VietinBank Nhà Bè, Như đã yêu cầu Nguyệt và Năm mở tài khoản tại chi nhánh này.
Nguyệt và Năm đã đưa bản photo CMND, ký giấy đề nghị mở tài khoản và ký xác nhận mẫu chữ ký cho Võ Anh Tuấn (phó giám đốc VietinBank Nhà Bè) để mở tài khoản. Tuấn không đem hồ sơ có chữ ký thật của hai người này cho bộ phận làm thủ tục mà giao cho Trần Thị Tố Quyên đem về cho Như.
Do có ý định chiếm đoạt số tiền này, Như đã ký giả chữ ký của Nguyệt và Năm trên 2 bộ hồ sơ mở tài khoản khác, rồi giao cho Quyên đem đến Phòng giao dịch Võ Văn Tần để mở tài khoản.
Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của Năm và Nguyệt tại VietinBank Nhà Bè, Như lập giả các lệnh chi để chuyển 50 tỷ đồng sang tài khoản Trần Thị Tố Quyên tại VietinBank Nhà Bè rồi chiếm đoạt.
Lời khai tại tòa của 3 bị cáo Lương Việt Yên, Hồ Hải Sỹ (phó phòng) và Lê Thị Ngọc Lợi (giao dịch viên phòng giao dịch Võ Văn Tần), sau khi nhận điện thoại của Võ Anh Tuấn, Việt Yên đi họp nên đã chỉ đạo cho Hồ Hải Sỹ mở tài khoản cho 2 khách hàng lớn của Tuấn.
Sỹ chỉ đạo Ngọc Lợi mở tài khoản sẵn và sau đó Tố Quyên mang hồ sơ giả đến bổ sung.
Hậu quả của việc này là Huyền Như đã chiếm đoạt 50 tỷ đồng.
Nhân viên nói oan, đại diện VietinBank nói không thể kêu oan giúp!
Bản án sơ thẩm xác định Vũ Nguyễn Xuân Tiên (39 tuổi, Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) là người ký duyệt hồ sơ tín dụng và ký giải ngân đối với 6 khoản vay cho Trần Thị Tố Quyên và Phan Văn Long (do Huyền Như nhờ đứng tên) với tổng số tiền 33 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là thẻ tiết kiệm của cá nhân là nhân viên ngân hàng ACB và NaviBank.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt Tiên 11 năm tù, Tiên kháng cáo kêu oan.
Trong phần xét hỏi tội “vi phạm quy định về cho vay” tại tòa, bị cáo Tiên cũng khẳng định mình bị oan bởi khi ký duyệt 6 khoản vay trên, kiểm tra hồ sơ đều có đầy đủ chữ ký, không làm trái quy trình nghiệp vụ.
HĐXX đưa ra 2 bút lục là lời khai của Tiên thừa nhận Tiên đã làm sai quy định về cho vay, Tiên khẳng định, lời khai đó do điều tra viên đánh máy sẵn, rồi ép bị cáo ký trong tình trạng tinh thần hoảng loạn.
Ngoài việc khẳng định mình bị oan, Xuân Tiên cũng yêu cầu luật sư bào chữa chuyển HĐXX bằng chứng cho thấy 5/6 số hồ sơ mà Tiên đã ký duyệt không liên quan đến vụ án này.
Tại tòa, luật sư của Tiên hỏi đại diện VietinBank là có bằng chứng cho thấy các nhân viên của VietinBank bị oan, thì có kêu oan giúp không?
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng (đại diện cho VietinBank) nói rằng về tình cảm thì bản thân VietinBank không bao giờ muốn các nhân viên của mình vi phạm pháp luật, nhưng về mặt pháp luật thì VietinBank không đánh giá hành vi của nhân viên đó là sai hay đúng, do đó, VietinBank không thể kêu oan cho nhân viên.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo phạm tội cho vay nặng lãi.
(Tuổi Trẻ)
-------------------------