Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự lớn gần Senkaku
Quân đội Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quy mô lớn trên những hòn đảo gần quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản lý nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, SCMP dẫn nguồn tin Trung Quốc cho biết hôm 21-12.
Hoạt động xây dựng đang được tiến hành trên quần đảo Nam Kỷ thuộc tỉnh Chiết Giang, cách Senkaku/Điếu Ngư khoảng 300km về phía tây bắc.
Căn cứ mới này dự kiến sẽ tăng cường tính sẵn sàng của Trung Quốc nhằm đối phó với những cuộc khủng hoảng quân sự tiềm tàng trong khu vực. Đồng thời, cũng không nằm ngoài mục đích củng cố kiểm soát của Trung Quốc đối với khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông vào tháng 11-2013, các nguồn tin cho hay.
Các nguồn tin cũng cho biết thêm một số hệ thống radar lớn đã được lắp đặt tại những điểm cao trên đảo chính Nam Kỷ. Các đường băng cũng được xây dựng để mở đường cho các máy bay đóng trên các tàu chiến hoặc tàu tuần tra, và nhiều đường băng khác sẽ được xây dựng trên đảo cạnh đảo Nam Kỷ vào năm tới.
Theo SCMP, quần đảo Nam Kỷ với 52 đảo lớn nhỏ nằm gần Senkaku/Điếu Ngư hơn khoảng 100 km so với đảo chính của quần đảo Okinawa, nơi đặt các căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ, căn cứ mới nói trên của Trung Quốc có thể đe dọa các chiến lược an ninh của Nhật và Mỹ liên quan đến việc bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Việc mở rộng hiện diện quân sự đòi hỏi di dời khoảng 2.500 dân thường sống trên quần đảo, vốn chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, cũng như giới hạn hoạt động du lịch tại các địa điểm du lịch mùa hè.
Động thái mới nhất này của Bắc Kinh được cho là hành động mạo hiểm đối với quan hệ Trung-Nhật mới có chút tan băng trong cuộc gặp hồi tháng trước giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
-------------------------
Lithuania sắp gia nhập Eurozone, Nga lên gân?
Lithuania vào ngày 1-1-2015 gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giữa lúc căng thẳng trong quan hệ với nước láng giềng Nga đang âm ỉ.
Căng thẳng giữa Nga với Lithuania đã âm ỉ kể từ khi Lithuania trở thành nước cộng hòa đầu tiên tách khỏi Liên Xô và trở thành một nước độc lập vào năm 1990, dù chỉ có 6% dân số nói tiếng Nga, ít hơn rất nhiều ở các nước láng giềng vùng Baltic.
Đến ngày 1-1-2015, Lithuania dự kiến trở thành nước Baltic cuối cùng gia nhập khu vực đồng euro (Eurozone) với hy vọng điều này sẽ cải thiện hoạt động đầu tư và nhận được các khoản vay chi phí thấp để vực dậy một trong những nền kinh tế nghèo nhất song lại phát triển nhanh nhất châu Âu, tương tự như Estonia và Latvia.
Cả 3 nước nói trên đều cảnh giác trước những bước đi của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine do lo ngại mình có thể là mục tiêu kế tiếp. Khi Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite tuyên bố viện trợ quân sự cho Ukraine hồi tháng 11, Nga đã đáp trả bằng cách siết chặt thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu hai nước.
Hiện số lượng xe của Lithuania qua lại biên giới 2 nước giảm mạnh. Nhiều xe phải đợi đến 48 giờ trong điều kiện giá rét mới vào được vùng Kaliningrad của Nga hoặc trở về nước. “Trước đây việc này chỉ mất một vài giờ nhưng giờ nó chẳng khác nào phim kinh dị” – một người dân tên Lionius Medelis cho biết.
Chưa hết, trong tháng này Nga bất ngờ tiến hành tập trận tại Kaliningrad với sự tham gia của 9.000 binh sĩ và 55 tàu. Ngoài ra, NATO cho biết đã huy động máy bay trên 150 lần để đối phó với máy bay Nga trên bầu trời Baltic trong năm nay, nhiều gấp 3 lần năm ngoái.
Mục đích của những hành động trên có thể là để kéo Lithuania trở lại quỹ đạo của Nga nhưng giới phân tích cho rằng chúng dường như phản tác dụng.
-------------------------
Indonesia cho nổ tung tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép
Hai tàu cá nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt trái phép đã bị lực lượng hải quân Indonesia cho phá hủy hôm 21-12.
Phát ngôn viên Hải quân Manahan Simorangkir cho biết: “Chủ tàu đã bị kết tội đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia. Chúng tôi phải đánh chìm những tàu cá này để các tàu nước ngoài khác phải suy nghĩ kỹ trước khi có ý đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia”.
Theo báo Jakarta Post, 2 tàu này bị bắt ngày 7-12 gần biên giới biển Indonesia và Papua New Guinea. Eko Budimansyah, phát ngôn viên căn cứ hải quân ở Ambon, cho biết: “Mặc dù những con tàu này treo cờ Papua New Guinea nhưng các thành viên trên tàu đều là người Thái Lan”. Hai con tàu này bị phát hiện chở theo 63 tấn cá và tôm. 62 thuyền viên bị bắt giữ. Nhiêu liệu đã được lấy hết khỏi hai con tàu trước khi chúng bị cho nổ tung để ngăn ô nhiễm.
Việc phá hủy 2 con tàu được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, theo đó lực lượng hải quân nước này có quyền đánh chìm tất cả các tàu nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia.
Đây là tàu thứ 4 và 5 bị Indonesia đánh chìm trong 3 tháng qua kể từ khi ông Widodo lên nắm quyền. Hơn 6 con tàu khác đang đối mặt nguy cơ bị phá hủy thời gian tới.
Số vụ đánh bắt cá bất hợp pháp ở Indonesia đã giảm đáng kể từ khi biện pháp cứng rắn trên được thực thi. Một số người chỉ trích việc phá hủy tàu cá nước ngoài có thể gây căng thẳng trong quan hệ với các nước.
Indonesia cho biết đã thiệt hại khoảng 24 tỉ USD/năm bởi các hoạt động đánh bắt trái phép của tàu nước ngoài và hiện có khoảng 5.400 con tàu đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển nước này.
-------------------------
Hệ thống Internet của Triều Tiên bị 'sập' hoàn toàn
Kết nối internet giữa Triều Tiên và thế giới, vốn không mấy mạnh mẽ, đã bị cắt đứt hoàn toàn vào rạng sáng nay 23.12 (giờ Việt Nam), theo chuyên trang công nghệ Engadget.
“Hiện tại, tất cả kết nối internet của Triều Tiên với thế giới đã bị ngắt”, Bloomberg dẫn lời ông Doug Madory, Giám đốc bộ phận phân tích internet tại trung tâm nghiên cứu Dyn ở New Hampshire, Mỹ.
Đây được xem là lần “rớt mạng” tồi tệ nhất trong lịch sử Triều Tiên. Bình Nhưỡng chỉ có 4 trang web có kết nối với hệ thống mạng internet ra thế giới, nhưng tất cả đều đã ngưng hoạt động, theo Engadget.
Nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống mạng của Triều Tiên đã bị hacker đánh sập. Hôm 20.12, Cục Điều tra liên bang (FBI) chính thức cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau những vụ tấn công nhằm vào mạng của Mỹ, một trong số đó là việc lấy cắp dữ liệu và đe dọa khủng bố hãng Sony Pictures Entertainment.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ có những động thái đáp trả thích đáng với hành vi phá hoại của Triều Tiên, và yêu cầu quốc gia châu Á đền bù 200 triệu USD thiệt hại ước tính.
Mỹ hiện từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào về sự cố nêu trên. Bloomberg trích bài viết của bà Bernadette Meehan, phát ngôn viên phụ trách An ninh quốc gia của Nhà Trắng: “Nếu internet của Triều Tiên sập, bạn nên hỏi chính phủ của họ mới phải”.
-------------------------