Phúc thẩm “bầu” Kiên: Tòa án điểm lại “đường vòng tội lỗi”
Đúng 13h50, Tòa án bắt đầu làm việc, xuất hiện thêm 3 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. HĐXX tóm tắt lại bản án sở thẩm số 219/2014/HSST ngày 9/6/2014 của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và nội dung kháng cáo của các bị cáo qua đó chỉ rõ những tội danh mà “bầu” Kiên cùng đồng phạm mắc phải.
Theo phân tích của viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, “bầu” Kiên đã dựng lên một “ma trận” từ chuỗi quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng - doanh nghiệp từ chính những ngân hàng, doanh nghiệp mà người đàn ông này nắm cổ phần, sở hữu.
Trong chuỗi quan hệ trên, ngân hàng là người có tiền và kinh doanh tiền, còn doanh nghiệp lại là người cần tiền để đầu tư kinh doanh, sản xuất để sinh lợi nhuận. Như vậy, chưa cần phân tích sâu cũng có thể thấy, ngân hàng và doanh nghiệp tự bản thân nó đã có những mối quan hệ vô cùng mật thiết và gắn bó không thể tách rời, mối quan hệ đó có tính chất qua lại. Và khi mối quan hệ này được chi phối bởi một cá nhân hay nhóm lợi ích sẽ tạo ra sự lũng đoạn thị trường.
Cụ thể trong vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm, viện kiểm sát (VKS) đã chỉ ra rằng: “Các tổ chức, doanh nghiệp trong vụ án này ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật như các doanh nghiệp khác, thì còn chịu sự điều chỉnh của luật Tổ chức tín dụng”.
Qua thẩm vấn, xác định các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm với động cơ riêng, vì lợi ích nhóm, lợi ích cho riêng ACB. Các bị cáo là thành viên HĐQT của ACB, cùng biết sai, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật với động cơ vụ lợi của mình nên phải chịu trách nhiệm chung.
Về hành vi mua cổ phiếu ACB, các bị cáo đã ký biên bản để ban hành Nghị quyết về chủ trương cấp hạn mức để đầu tư một số loại cổ phiếu. Việc này được các bị cáo bàn rất sâu, rất cụ thể, thông qua ACBS và giao cho Kiên thực hiện để các nhà đầu tư, thị trường không biết việc ACB mua cổ phiếu của ACB. Đây là cạnh tranh không lành mạnh, cổ phiếu giá thấp nhưng lại dùng biện pháp khác, đi bằng con đường trái pháp luật.
Theo VKS, khi mua cổ phiếu, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT và ra lệnh mua với tư cách Chủ tịch 2 công ty. Sự đan xen này xuyên suốt mục đích đầu tư của bị cáo.
Các hợp đồng mà ACBS ký với đối tác KienLongbank, Vietbank, ACI, ACI Hà Nội tách ra từng hợp đồng thì đều tuân thủ quy định pháp luật, nhưng đặt chung trong một mối quan hệ thì lại khác. Tiền của ACB quay về chính ACB và để tránh phát hiện của cơ quan chức năng, dòng tiền này núp dưới các hợp đồng vay liên ngân hàng, hợp tác đầu tư.
Theo đại diện VKS, đó là “đường vòng tội lỗi”, các lời khai đều phản ánh khi ACBS phát hành trái phiếu, ACB đều xúc tiến liên hệ để KienLongBank, VietBank mua trái phiếu.
VKS cũng chỉ rõ ra rằng, Tổng giám đốc của KienLongBank là đại diện vốn góp của ACB, điều đó đã cho thấy sự “núp bóng” ở đây. Ngay cả những cán bộ kế toán của VietBank đã thừa nhận, nếu không có nguồn tiền này thì không thể mua được trái phiếu của ACB.
Lời khai của 2 ngân hàng khẳng định rõ toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng do ACB thu xếp, riêng khoản vay 500 tỷ đồng mua trái phiếu ACI là do VietBank thu xếp, nhưng hoạt động này xảy ra trước đó.
Cán bộ phụ trách kế toán của VietBank đã thừa nhận không có tiền này không thể mua trái phiếu của ACBS. Viện Kiểm sát dẫn ra văn bản mà ACI gửi cho ông Kiên ngày 31/07/2012: “Kính gửi anh Kiên, số tiền 400 tỷ mà ACI đang vay ACB được dùng để mua cổ phiếu ACB hộ ACBS…”. Văn bản này Kiên có bút phê yêu cầu có văn bản để anh Hải xác nhận phải thu xếp khoản vay này khi đáo hạn.
Qua tài liệu báo cáo của ACBS đều thể hiện khuyến cáo của kiểm toán PWC chỉ ra khoản đầu tư này bất hợp pháp. Các bị cáo đều thừa nhận bản chất đây là tiền của ACB cấp tín dụng cho ACBS. Sau khi phải chấm dứt hợp đồng hợp tác, vì nhờ đứng tên hộ, nên ACB phải chịu trách nhiệm, nên mới có khoản hơn 1.000 tỷ đồng ACB phải đứng ra thu xếp.
"Bị cáo nêu, ACB khẳng định không bị thiệt hại và đây là hợp đồng bình thường, không có tính liên quan gì. Thiệt hại do thực hiện hành vi đúng pháp luật thì theo điều lệ ACB, thành viên HĐQT không phải chịu trách nhiệm, nhưng trái pháp luật thì phải bồi thường. Thẩm quyền bồi thường do ĐHCĐ quyết định. ACB có văn bản khẳng định không thiệt hại, những người ký văn bản đó, ít nhiều đều liên quan đến sai phạm này. Khẳng định không thiệt hại là để tránh trách nhiệm liên quan. Tôi nghĩ đây là điều dễ hiểu".
Về ủy thác cho vay 718 tỷ đồng, VKS phân tích, việc ra thông báo này là không phù hợp với quy định luật pháp. Các luật sư đều viện dẫn Thông tư 742 nhưng Thông tư này không quy định ủy thác gửi tiền, chỉ có ủy thác cho vay. Thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, chưa có hướng dẫn.
Ngoài việc thực hiện cho vay trái pháp luật, quá trình cho vay cũng có nhiều sai phạm. Tiền của ACB ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền, nhưng các cá nhân không phải làm gì ngoài việc đến ký để hợp thức tài khoản tại Vietinbank và sau đó về nhận thưởng.
Họ không có trách nhiệm, nghĩa vụ nào về mặt thực tế, việc tìm đối tác, thỏa thuận lãi suất do người khác thực hiện chứ không phải do các nhân viên thực hiện. Hợp đồng ủy thác và hợp đồng gửi tiền đều thực hiện trong một ngày. Nhân viên không được giữ hợp đồng, quản lý hợp đồng đều do ACB thực hiện.
"Tôi khẳng định, có đủ căn cứ pháp luật để xác định hành vi của các bị cáo là Cố ý làm trái. Công văn 350 chỉ là một căn cứ, còn nhiều căn cứ pháp lý khác bổ trợ, bổ sung để khẳng định các bị cáo vi phạm pháp luật", lời của đại diện VKS.
-------------------------
Bầu Kiên gửi 118 trang đơn khiếu nại đến tòa phúc thẩm
Cách đây 10 ngày, ông Kiên đã gửi đơn khiếu nại dài 118 trang đến tòa phúc thẩm, khiếu nại về cả 4 tội danh bị kết án và mức án.
Sáng ngày 28-11, cả 8 bị cáo trong vụ án tại Ngân hàng ACB gồm các ông Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn, Phạm Trung Cang, Trần Ngọc Thanh và bà Nguyễn Thị Hải Yến đã được đưa đến tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao để bắt đầu phiên xét xử.
Sáu người đầu trong danh sách nêu trên đã có đơn kháng cáo về mức án phải nhận tại tòa sơ thẩm. Riêng hai bị can Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến không chống án và chấp nhận hình phạt. Bị can Trần Xuân Giá vì lý do sức khỏe đã được tòa sơ thẩm tạm đình chỉ vụ án nên cũng không có mặt.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh đang tiến hành các thủ tục tiến hành phiên tòa. Đại diện của tất cả các cơ quan có liên quan đến vụ án Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch-đầu tư, Bộ Công thương, các ngân hàng Vietinbank, ACB, Eximbank… và đại diện Cục thuế Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, các đơn vị kiểm toán… cùng hàng chục người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã có mặt theo lệnh triệu tập.
Tại phiên sơ thẩm, Tóa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng ACB, 30 năm tù về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy đinh của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bảy bị cáo còn lại bị kết án từ 3 năm tù đến 8 năm tù.
Được nói trước tòa theo đề nghị của thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh, ông Kiên đề nghị tòa hạn chế cách ly mình khỏi những phiên thẩm vấn các bị can khác để biết được đầy đủ thông tin, diễn biến của phiên xét xử. Đồng thời ông Kiên cũng đề nghị tòa cho phép mình được dùng quyền tự bào chữa bên cạnh các luật sư đại diện đã bào chữa cho các bị cáo từ phiên sơ thẩm đến nay.
Trước tòa, ông Kiên cho biết ông đã gửi đơn kiến nghị đến tòa phúc thẩm để chống án về 4 tội danh và hình phạt đã bị tòa sơ thẩm kết án hồi tháng 6 vừa qua. Trong đơn kiến nghị dài 118 trang viết tay từ trại giam T16 (Bộ Công an) mà TANDTC nhận được hôm 18-11, ông Kiên đề nghị xem xét lại toàn bộ nội dung bản án vì theo ông là với các căn cứ pháp lý, các bằng chứng đã có, ông không vi phạm pháp luật.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
-------------------------
Lời sau cùng của bầu Kiên tại tòa sơ thẩm: “Nếu chưa đủ chứng cứ, đừng vội tuyên án tôi”
“ Đề nghị Hội đồng xét xử nếu chưa đủ chứng cứ, tài liệu đừng tuyên án vào những ngày tới vì nếu tuyên án có nghĩa là bản án đã được định đoạt từ trước, oan nghiệt cho chúng tôi”, ông Nguyễn Đức Kiên đã nói những lời sau cùng như vậy trước khi tòa tuyên bố sẽ tuyên án trong 7 ngày tới (9/6).
Sáng ngày 2/6, Hội đồng xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cho phép các bị cáo nói lời sau cùng.
Ông Kiên nói luôn về những hệ quả liên quan đến vụ án. Ông cho rằng, dù có phải bán cổ phần tại ngân hàng Vietbank, ông vẫn yêu cầu gia đình phải ở lại, gắn bó với ngân hàng ACB. “Tôi không bao giờ phá sản”, theo lời ông Kiên. Và cho rằng, cơ quan điều tra nói ông có ý định lũng đoạn thị trường chứng khoán, ngân hàng nhưng bản thân ông này đã đóng góp nhiều cho thị trường ngân hàng.
Theo lời ông, khi biết thị trường chứng khoán đầu những năm 2.000 có nhiều kẽ hở, ông này đã cùng ông Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB đã viết một bản báo cáo về những kẽ hở này mà những người có ý định có thể lợi dụng được trình lên các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước. Từ đó các cấp lãnh đạo chỉ đạo các bộ ngành ra được các quy định chống thao túng giá trên thị trường.
Ông Kiên cho rằng mình cũng là người có công tham gia xây dựng Đề án phát triển thị trường ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2005-2015, tầm nhìn 2020, chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần. Ông nhấn mạnh trong số 30 ngân hàng TMCP và 5 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thì có ba ngân hàng TMCP nhà nước gặp vấn đề lớn, cần phải chấn chỉnh để tránh rủi ro. Và bên cạnh đó, việc sắp xếp lại các ngân hàng thương mại không phải là số học mà phải “ ngân hàng mạnh kèm ngân hàng yếu”, làm sao không để các ngân hàng nước ngoài thôn tính.
“Có thể tôi phạm những sai sót và phải trả giá”, ông Kiên thừa nhận. Nhưng ông này tin rằng bản thân không có tội và có đầy đủ khả năng chứng minh mình vô tội. Vị này cũng đề nghị cho mình được tại ngoại để chữa bệnh và không trốn chạy, xem xét bỏ kiến nghị phong tỏa tài sản, kê biên không hợp pháp.
Bị can Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB cũng giải thích cho HĐXX hiểu rằng, nhóm lợi ích mà ông này và các đồng phạm bị quy tội không phải là “nhóm lợi ích” như bị quy kết. Ông Hải nói rằng nhóm lợi ích của ông là 15.000 cán bộ, nhân viên ngân hàng ACB và gia đình họ, các cam kết phải thực hiện với hàng trăm ngàn khách hàng. “Nhóm lợi ích mà chúng tôi phục vụ còn là phúc lợi xã hội để xây cầu, xây đường...”, theo ông Hải.
Ông vẫn khẳng định việc không cố ý làm trái như quy kết trong cáo trạng với đầy đủ các dẫn chứng (không chỉ đạo cấp tiền cho ACBS mua cổ phiếu ACB, không chỉ đạo ký hợp đồng ủy thác tiền gửi ở Vietinbank và việc này chưa gây ra hậu quả vì trách nhiệm của Vietinbank ở đây là phải trả tiền...).
“Hệ quả phiên tòa ngày hôm nay không chỉ quyết định số phận của tôi mà còn tác động đến hàng ngàn những người làm quản lý nhà nước, các doanh nghiệp. Họ làm việc mà không biết việc mình làm có phạm tội hay không”, ông Hải nói. Và đề nghị hãy nhìn việc ông và HĐQT ACB từng làm trong diện rộng hơn, không chỉ nhìn vào điều 106 Luật các TCTD, để nhìn thấy toàn bộ bức tranh ngành ngân hàng và hiểu vì sao các lãnh đạo ngân hàng ACB phải làm như vậy.
“Đừng cắt nhỏ một phần trong chuỗi hoạt động kinh doanh của một ngân hàng rồi kết tội”, ông Hải nói. Ông đề nghị HĐXX xem xét việc ông làm trong một môi trường pháp ý chưa hoàn thiện, không thể dùng hồi tố, suy luận. Và từ đó, ra phán quyết trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng để ông và các đồng nghiệp tin rằng công lý vẫn tồn tại.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
-------------------------