Báo Nhật: ngành dệt may VN sáng giá nhất hiện nay
Báo Nikkei Asian Review (Nhật) cho biết ngành dệt may Việt Nam sáng giá nhất hiện nay, khi thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhập khẩu hàng may mặc vào Mỹ.
"Chúng tôi đã quyết định đúng khi xây nhà máy ở Việt Nam", quản lý sản xuất của công ty may mặc Smart Shirts (Hongkong) có nhà máy ở tỉnh Nam Định khẳng định.
Smart Shirts là nhà cung cấp cho nhiều thương hiệu quần áo danh tiếng ở Mỹ, Nhật và châu Âu. Với đơn hàng từ Mỹ tăng vọt trong những tháng gần đây, sản lượng của công ty tăng lên 24.000 bộ quần áo/ngày, cao hơn 30% so với năm 2013.
Nikkei Asian Review nhận định Việt Nam sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận tự do mậu dịch song thương với châu Âu. Dự đoán xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt 20 tỉ USD trong năm 2014 - gần bằng 80% Bangladesh.
Việt Nam cũng đang xâm nhập vào thị trường giày dép Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD năm 2008 và 2,9 tỉ USD năm 2013.
Tháng 7-2014, công ty Itochu (Nhật Bản) bắt tay với các đối tác Việt Nam mở một nhà máy kéo sợi và dệt may tại đây và tuyên bố "Việt Nam vượt trội về khả năng cạnh tranh xuất khẩu dù chi phí lao động cao hơn các nước láng giềng".
Để hưởng lợi ích của TPP, nhà máy hiện sử dụng sợi và vải sản xuất ở Việt Nam.
Công ty Kyungbang (Hàn Quốc) và Texhong Textile Group (Trung Quốc) cũng chọn Việt Nam là địa điểm đặt các nhà máy sản xuất lớn, khi thu nhập của công nhân dệt may Việt Nam vẫn thấp hơn công nhân Trung Quốc 38%, theo ước tính của Forbes.
Động cơ chính đằng sau tốc độ tăng trưởng trên là Việt Nam cùng quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tham gia vòng đàm phán TPP với Mỹ. Nếu hiệp ước được ký kết, mức thuế đánh vào hàng may mặc nhập vào Mỹ từ 0,8% - 37,5% sẽ được dỡ bỏ. Mỹ là nhà nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Cục Quản lý Thương mại Quốc tế cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 7,7 tỉ USD trong năm 2012, 8,8 tỉ USD năm 2013 và 9,8 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2014 - tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ II châu Á Bangladesh hầu hết sản xuất áo sơ-mi và các mặt hàng quần áo giá mềm khác, thì Việt Nam tập trung làm hàng cao cấp.
-------------------------
Doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ để chống hàng giả, hàng nhái
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chống hàng giả, hàng nhái nói chung và thương hiệu đồ chơi trẻ em LEGO nói riêng.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN (VATAP) thông báo để các doanh nghiệp (DN) nói chung và Tập đoàn LEGO nói riêng chủ động liên hệ các cơ quan chức năng làm thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm của mình tại VN, nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm để có căn cứ xử lý đối với hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Phó thủ tướng giao các Bộ Tài chính, Công thương... tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các hiệp hội, các DN nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng nhập lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN đã đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tại VN.
Trước đó, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã đề nghị Đại sứ quán Đan Mạch tại VN kiến nghị Chính phủ VN có biện pháp xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu LEGO. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công an và Bộ Khoa học - Công nghệ, Tập đoàn LEGO chỉ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ, chưa đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm LEGO tại VN. Vì vậy, các sản phẩm đồ chơi trẻ em được bán trên thị trường hiện nay có kiểu dáng tương tự sản phẩm mang nhãn hiệu LEGO, nhưng không mang nhãn hiệu LEGO, do đó các cơ quan chức năng VN không có căn cứ để xử lý.
-------------------------
Bãi bỏ 45 thủ tục hành chính về thuế
Từ ngày 1.1.2015, theo Quyết định 2815/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, sẽ có 45 thủ tục hành chính về thuế sẽ được bãi bỏ.
Cụ thể là một số thủ tục xác nhận số thuế đã nộp tại VN đối với đối tượng cư trú của nước ngoài; thủ tục hoàn thuế GTGT; xóa nợ tiền thuế, tiền phạt; khai, quyết toán thuế tài nguyên; giảm thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bị tai nạn hay mắc bệnh hiểm nghèo; thủ tục khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có các đơn vị thủy điện hạch toán phụ thuộc, trường hợp nhà máy thủy điện nằm trên một tỉnh... Tuy nhiên, trong quyết định này, Bộ Tài chính cũng đưa thêm 42 thủ tục hành chính mới
-------------------------
OPEC quyết không giảm sản lượng dù giá dầu giảm
“Cán cân quyền lực đã thay đổi và OPEC chấp nhận thực tế rằng khả năng kiểm soát giá dầu của họ có giới hạn”, chuyên gia phân tích thị trường thuộc Công ty CMC Markets ở London (Anh) nói với Bloomberg sau khi Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ không thể đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng.
Phát biểu sau hội nghị của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại thủ đô Vienna (Áo) đêm qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Ali al-Omair cho biết trần sản lượng của OPEC sẽ được giữ nguyên ở mức 30 triệu thùng/ngày, bất chấp sự dư thừa nguồn cung toàn cầu khiến giá dầu lao dốc trong vài tháng qua.
Ngay sau khi quyết định được công bố lúc 22 giờ, giá dầu thô Brent đã giảm hơn 3 USD xuống dưới 75 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8.2010, theo Reuters. Trước đó, giá dầu đã giảm hơn 30% kể từ tháng 6, do sự bùng nổ sản lượng khai thác từ dầu đá phiến ở Bắc Mỹ, cùng với sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và châu Âu.
Xuất hiện với nụ cười trên môi tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi tuyên bố đó là một quyết định tuyệt vời của OPEC. Trong khi đó, Ngoại trưởng Venezuela Rafael Ramirez rời cuộc họp với vẻ giận dữ thấy rõ và từ chối bình luận về kết quả hội nghị. Quyết định trên được đánh giá là chiến thắng của Ả Rập Xê Út, nước chống lại việc cắt giảm sản lượng nhằm bảo toàn thị phần trước sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Bắc Mỹ.
Trước khi hội nghị khai mạc, các nước vùng Vịnh dưới sự dẫn đầu của Ả Rập Xê Út đã tuyên bố họ sẵn sàng đương đầu với sự sụt giảm giá dầu. Bộ trưởng al-Omair của Kuwait tuyên bố nước này sẽ chấp nhận bất cứ giá dầu nào, dù là “60, 80 hay 100 USD/thùng”.
Còn Bộ trưởng al-Naimi của Ả Rập Xê Út lý giải rằng thị trường dầu sẽ tự ổn định nên việc cắt giảm là không cần thiết, theo AFP. Ngược lại, các nước nghèo hơn như Venezuela, Iran và Ecuador kêu gọi cắt giảm sản lượng để ổn định giá dầu do giá dầu sụt giảm đã tác động đáng kể đến nguồn thu ngân sách của họ.
Các nước thành viên OPEC đã đồng ý sẽ nhóm họp trở lại vào tháng 6.2015. “Giá dầu hiện nay hoàn toàn nằm trong tay của thị trường”, ông Dominic Chirichella thuộc Viện Quản lý Năng lượng ở New York (Mỹ) nói với Reuters. Hãng tin này dẫn lời các chuyên gia nhận xét với quyết định trên, giá dầu sẽ tiếp tục ở dưới mức 80 USD/thùng trong thời gian tới.
“Cán cân quyền lực đã thay đổi và OPEC chấp nhận thực tế rằng khả năng kiểm soát giá dầu của họ có giới hạn”, chuyên gia phân tích thị trường thuộc Công ty CMC Markets ở London (Anh) nói với Bloomberg.
Theo CNN, giá trị đồng ruble của Nga đã giảm 3,6% so với USD và euro ngay sau thông báo của OPEC. Dù không phải là thành viên OPEC, Nga đã kêu gọi nhóm này thể hiện tinh thần đoàn kết trước hội nghị. Hơn một nửa nguồn thu ngân sách của Nga vốn đến từ dầu khí và giá dầu giảm đã khiến nền kinh tế nước này chịu thêm áp lực giữa lúc phải gồng gánh với các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
-------------------------