Xây dựng cơ chế xét xử tội rửa tiền
Thủ tướng chỉ đạo từ năm 2015 phải xây dựng cơ chế tập trung xử lý thông tin liên quan đến rủi ro quốc gia trong các lĩnh vực; sửa luật để truy tố, xét xử về tội rửa tiền.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống tội rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, giai đoạn 2015-2020. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan từ năm 2015 đến 2020 phải xây dựng cơ chế tập trung xử lý thông tin liên quan đến rủi ro quốc gia trong các lĩnh vực; tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền theo Điều 250, 251 Bộ luật Hình sự.
Các cơ quan được giao phải xây dựng và ban hành hướng dẫn liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố. Nội dung về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cần đưa vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm.
-------------------------
Doanh nghiệp VN lao đao vì tôn Trung Quốc giả, nhái
Nhiều thông tin thẳng thắn và đầy bức xúc đã được các doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo về vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép do Thời báo Kinh Tế VN tổ chức sáng 26-11.
Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp, chuyên gia đã khẳng định thị trường tôn thép VN đang phổ biến tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là tôn Trung Quốc kém chất lượng nhưng in thương hiệu VN.
Đặc biệt, có doanh nghiệp “tố” do sản phẩm tôn thép ở VN được sử dụng rất nhiều, từ làm mái nhà đến chống nóng, nên có nhiều doanh nghiệp VN cũng đang cấu kết với nhà phân phối gian lận để móc túi người tiêu dùng...
Ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, cho biết năm 2013, VN đã nhập khẩu đến 600.000 tấn tôn mạ, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc (khoảng 80%).
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép, thông tin 10 tháng đầu năm 2014, ngành tôn thép VN mới phát huy được khoảng 60% công suất và phải xuất khẩu tới trên 660.000 tấn mới tiêu thụ hết hàng trong nước...
Lý do doanh nghiệp nhập khẩu nhiều được hé mở một phần khi ông Nguyễn Trọng Tín, cục phó Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, cho biết “có tình trạng tôn kém chất lượng từ Trung Quốc nhưng lấy nhãn hiệu Việt”. Và theo ông Tín, điều này không chỉ phổ biến ở vùng nông thôn, vùng xa, mà còn có ngay tại thủ đô Hà Nội.
“Doanh nghiệp nhập thép Trung Quốc cuộn. Khi khách mua, chủ cơ sở sẽ dùng máy dập để in tên, thương hiệu. Khách hàng muốn in nhãn mác hãng nào cũng được” - ông Tín nói và cảnh báo đang phổ biến tình trạng nhiều doanh nghiệp, cửa hàng (kể cả doanh nghiệp trong nước) ghi độ dày của tôn là 0,35mm nhưng thực tế chỉ có 0,28mm!
Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn tôn Hoa Sen, nêu thực tế chỉ cần trang bị máy in phun, các cơ sở kinh doanh đã dễ dàng “phù phép” các sản phẩm tôn kém chất lượng thành hàng chính hãng và bán với giá rẻ hơn.
Do hàng giả, hàng nhái ở mức phổ biến, theo ông Vũ, nhiều doanh nghiệp VN cũng phải theo trào lưu, vì tôn nhái, tôn giả bán giá rẻ hơn. Cho biết bản thân ông cũng từng được cấp dưới đề nghị ghi tôn mỏng thành tôn dày, ông Vũ khẳng định rất nhiều doanh nghiệp VN cũng đang có tình trạng câu kết để lừa dối người tiêu dùng về độ dày của tôn.
“Tôi biết có doanh nghiệp không muốn thế, nhưng cũng phải làm, vì nếu không họ sẽ chết” - ông Vũ nói.
Cuộc hội thảo khá “căng” khi không doanh nghiệp nào nhận mình gian lận trong khi ông Lê Phước Vũ cho rằng ngay trong khán phòng cũng có doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp tốt một phần và có doanh nghiệp gian lận.
Nói đã biết hết các doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, ông Lê Phước Vũ cảnh báo từ thời điểm này, nếu doanh nghiệp nào tiếp tục gian dối sẽ có biện pháp thông tin cho cơ quan chức năng để bảo vệ chính doanh nghiệp của mình cũng như vì thị trường lành mạnh.
Đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội đều đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, làm hết trách nhiệm của mình vì tình trạng tôn thép giả, nhái, kém chất lượng đã tồn tại từ lâu và đang phổ biến, vừa ảnh hưởng sản xuất trong nước, vừa thất thu ngân sách cả ngàn tỉ đồng/năm...
Cách nhận biên tôn giả, gian lận độ dày
Theo tài liệu của các nhà chuyên môn ngành tôn, có cách khá đơn giản để phân biệt tôn giả, nhái, gian lận độ dày để móc túi người tiêu dùng. Cụ thể, tôn gian lận độ dày thường có ký hiệu “MSC” hoặc “MC” trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau tấm tôn.
Loại tôn này cũng thường chỉ ghi độ dày của tôn là 0.35 hoặc 0.4 thay vì phải viết đầy đủ là 0,35mm hoặc 0,40mm.
Về tình trạng gian lận độ dày tôn, ông Lê Phước Vũ chỉ thẳng những thương hiệu hay có gian lận độ dày là TVP, Poshaco, Đại Thiên Lộc, Nam Kim, Tovico...
Ông Nguyễn Trọng Tín, cục phó Cục Quản lý thị trường, cho biết tôn giả, nhái thường không dập số mét và chứng chỉ ISO 9001:2008 vì máy cán không dập nổi.
-------------------------
Việt Nam cần cải tổ toàn diện ngành lúa gạo
Ngành lúa gạo của Việt Nam cần thay đổi về phương thức sản xuất, cách chọn tạo giống, phát triển chế biến sâu và xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới… Đổi mới ngành lúa gạo có thể thay đổi công thức về cải thiện đời sống cho người dân nông thôn…
Đó là những đánh giá và đề xuất của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tại hội thảo “Đổi mới ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững” khai mạc 26/11, tại Hà Nội.
Theo TS. Robert Zeigler, Tổng giám đốc IRRI, măc dù Việt Nam dư thừa lúa gao và xuất khẩu rất nhiều lúa gạo đến nhiều nước trên thế giới, nhưng chất lượng gạo của Việt Nam còn chưa cao, giá gạo của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước xuất khẩu gạo khác và người nông dân vẫn rất nghèo đói. Do vậy, đã đến lúc ngành lúa gạo cần phải cải tiến nhiều mặt bao gồm cả về phương thức sản xuất lúa gạo, chọn tạo giống lúa, và đáp ứng những nhu cầu về dinh dưỡng gai tăng ở Việt Nam cũng như đóng góp cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam…
“Thông thường người ta hay nghĩ rằng: Cách tốt nhất để người nông dân, những người sống ở nông thôn cải thiện cuộc sống là đi đến đô thị, nhưng cách đổi mới ngành lúa gạo có thể thay đổi luôn công thức về cải thiện đời sống cho người dân mà không phải đi đâu xa,” TS. Robert Zeigler nói.
Theo ông Robert, khi tăng trưởng kinh tế càng cao thì nhu cầu về lúa gạo, chất lượng lúa gạo càng tăng. Ngay trong nước cũng đã có sự gia tăng nhu cầu đối với chất lượng lúa gạo, nếu sản xuất lúa gạo hợp lý chúng ta có thể đạt được giá trị gia tăng. Với thị trường thế giới, khi chúng ta đổi mới và cải cách sản xuất lúa gạo từ một nước sản xuất lúa gạo đẳng cấp chất lượng trung bình chúng ta có thể đạt được đẳng cấp sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới.
“Tôi tin rằng đây là cơ hội và định hướng cho tương lai của chúng ta để có thể thay đổi ngay cách tương tác của lúa gạo Việt Nam ngay trên thị trường thế giới. Việt Nam có cơ hội để đi đầu, có rất nhiều cách để định hình thị trường lúa gạo Việt Nam trong 10 năm nữa sẽ là như thế nào ... Chúng ta đã thay đổi các sản phẩm lúa gạo và sẽ tiếp tục theo những phương pháp hoàn toàn mới để có thể nâng tầm lúa gạo chúng ta trên trường thế giới lên một đẳng cấp có thể cao hơn cả Thái Lan, không chỉ về chất lượng cao hơn, mà giá cả còn rẻ hơn, đóng góp vào sự phong phú của lúa gạo toàn cầu và đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu. Có thể mọi người cho rằng chúng tôi quá lạc quan, nhưng chúng ta không thể thành công nếu chúng ta không cố gắng, TS. Robert khẳng định.
Trao đổi với PV Dân trí, TS. Robert cho rằng: Giống lúa và chế biến sau thu hoạch là hai trong số các khâu yếu nhất của ngành lúa gạo Việt Nam. Để cải thiện chất lượng lúa gạo Việt Nam, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập của người nông dân, Việt Nam cần thay đổi cách chọn tạo giống để tập trung vào các giống lúa chất lượng cao hơn. Đồng thời, cũng cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, thay vì xuất khẩu cho nhiều nước với giá rẻ thì nên có những thị trường tập trung với giá cao hơn và để làm được điều này thì cần đầu tư mạnh mẽ cho khâu chế biến sâu sau thu hoạch.
Để giúp ngành công nghiệp lúa gạo phát triển hướng tới chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh, bền vững và tăng thu nhập cho ngừoi nông dân, Tiến sỹ Robert cho biết, cách đây 10 tháng IRRI đã cử 3 nhóm các nhà khoa học sang Việt Nam để tìm hiểu và hỗ trợ. Các chương trình nghiên cứu và phát triển hỗ trợ kỹ thuật do IRRI đề xuất sẽ góp phần làm hiện đại hóa ngành lúa gạo Việt Nam thông qua việc chuyển đổi con đường phát triển hiện nay sang sự phát triển toàn diện, chất lượng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
Để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2015-2020, chương trình sẽ tập trung vào 6 sáng kiến gồm: Lai tạo các giống lúa chất lượng cao và sản xuất thương mại các loại gạo đặc sản, đáp ứng được sở thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, giảm tổn thất trước và sau thu hoạch trong chuỗi giá trị lúa gạo, các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu ở địa phương vì một chuỗi giá trị đàn hồi.
-----------------------------
Hội nghị Khởi nghiệp Châu Á: Chỉ khởi nghiệp khi đã tích luỹ
“Khó khăn, thậm chí thất bại chính là những bài học quý giá nhất. Nhưng đừng nên đặt hết sổ đỏ của gia đình vào startup đầu tiên. Bạn cần hạn chế rủi ro”, TS. Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica chia sẻ tại Hội nghị Khởi nghiệp châu Á 2014.
TS. Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica đã có chia sẻ tại Hội nghị Khởi nghiệp châu Á 2014 (Startup Asia Jakarta 2014) trước 1700 khách mời từ 27 nước châu Á Thái Bình Dương và châu Âu, trong đó có hơn 100 nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ Internet và Mobile ngày 26/11 vừa qua tại Jakarta, Indonesia.
Câu chuyện của TS. Phạm Minh Tuấn và các diễn giả xoay quanh các nét chung và riêng của các cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực, trong đó có điểm tương đồng thú vị là đa số người khởi nghiệp thành công trong ngành Internet đều đã tích luỹ khá nhiều về kinh nghiệm, kỹ năng, tài chính, nhân sự và quan hệ.
Startup Asia là hội nghị thường niên do tạp chí hàng đầu Châu Á về khởi nghiêp Techinasia tổ chức. Góp mặt tại hội nghị năm nay có các diễn giả đặc biệt như tác giả Angry Bird Peter Vesterbacka, Phó Chủ tịch Xiaomi Global Hugo Barra, Giám đốc kinh doanh Twitter Rick Mulia…
“Chúng tôi mời đại diện Topica làm diễn giả với vai trò là một tổ hợp công nghệ giáo dục đã khởi nghiệp thành công trong nước và dần đầu về lĩnh vực này trong khu vực. Đây cũng là đơn vị có nhiều kinh nghiệm tham quan, gặp gỡ, các công trình nghiên cứu về thị trường của nhiều nước." - bà Gwendolyn Regina Tan, Giám đốc Phát triển kinh doanh châu Á Thái Bình Dương của TechinAsia, đại diện BTC cho biết.
Trong toạ đàm, ông Paul Rivera, Founder và CEO của Kalibrr, Phillipines cho biết: "Những cá nhân khởi nghiệp tại Philippines hầu hết đều từ 30 tuổi trở lên và là người nước ngoài. Các doanh nhân trẻ hơn không có nhiều kinh nghiệm thực tế nên chưa tạo được nhiều dấu ấn". Đồng quan điểm, ông Patai Padungtin, Giám đốc của công ty Builk chia sẻ: "Thế hệ các bạn trẻ hiện nay tuy rất nhiệt tình và hăng hái nhưng chưa nhiều người trong số họ thành công khi khởi nghiệp. Những người thành công nhất ở Thái Lan đều trên 30 tuổi".
Trong khi đó, chia sẻ về cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam, TS. Phạm Minh Tuấn khẳng định: Tuy gặp nhiều khó khăn sóng gió, nhưng các Startup Việt Nam vẫn ngày càng được các nhà đầu tư trong ngoài nước quan tâm.
Từ 2012-2013 mỗi năm có khoảng 24-25 thương vụ đầu tư mạo hiểm cho các Startup, và năm 2014 tính đến tháng 10 có khoảng 20 thương vụ.
Khác với ở Mỹ hay các nước phát triển khác, nơi mà nhiều nhà sáng lập Startup bắt đầu ngay khi còn ngồi ghế nhà trường, ở Việt Nam để thành công cần tích luỹ nhiều hơn. Trong số Top 20 công ty “Khởi nghiệp Internet” ở Việt Nam, độ tuổi trung bình của các nhà sáng lập khi bắt đầu gây dựng công ty là 28,5; 65% trong số họ đã khởi nghiệp ít nhất 2 lần trước đó, hoặc làm việc từ 2 doanh nghiệp trở lên.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng chia sẻ về xu thế các startup Việt Nam đầu tư, mở rộng hoạt động sang các nước Đông Nam Á như Appota, Cleverads, Hisella, Topica…
“Nếu bạn cảm thấy nhiệt huyết muốn bắt tay vào startup ngay, hãy cứ mạnh dạn bất kể ở độ tuổi nào, dù sẽ có rất nhiều người khuyên ngăn bạn.” – ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ - “Khó khăn, thậm chí thất bại chính là những bài học quý giá nhất. Tuy nhiên, đừng nên đặt hết sổ đỏ của gia đình vào startup đầu tiên. Nói cách khác, bạn cần hạn chế rủi ro”
Giải bài toán “Tích luỹ” cho Startup
Làm sao để startup có thể “tích luỹ” kinh nghiệm nhanh và hiệu quả nhất? Ông Phạm Minh Tuấn gợi ý: “Có một cách là tham gia các khoá huấn luyện khởi nghiệp, hay các vườn ươm doanh nghiệp. Tuy nhiên cần tìm những nơi làm thực sự hiệu quả, và bản thân bạn cũng cần có độ chín nhất định”.
Hiện tại, khoá Huấn luyện khởi nghiệp Topica Founder Institute là chương trình duy nhất ở Việt Nam có các startup tốt nghiệp đã nhận vốn đầu tư hàng triệu USD. Từ 2012-2014, học viên 3 khoá của TFI đã được đầu tư tổng cộng gần 10 triệu USD, trong đó có 3S, Antoree, Appota, Deltaviet, Uplevo, Vlance, Yton, Morbling.
Ngoài TFI, Topica Uni hiện đang cung cấp công nghệ và dịch vụ cho các chương trình Cử nhân trực tuyến chất lượng cao của 5 trường đại học ở Việt Nam và trường ĐH lớn nhất Philippines, và phát triển chương trình luyện nói tiếng Anh trực tuyến Topica Native với 100% giáo viên Âu Mỹ Úc và các tiết học tuỳ chọn liên tục từ 8-23h hàng ngày.
“Một cách khác để chuẩn bị trước khi khởi nghiệp là ‘đầu quân’ cho một đơn vị nào đó mà bạn thấy có thể học hỏi được nhiều nhất, và cơ chế đãi ngộ cũng phù hợp.” - TS Phạm Minh Tuấn gợi ý.
Tổ hợp giáo dục trực tuyến Topica của TS Tuấn là một nơi tốt để bắt đầu. Với quy mô hơn 500 nhân viên không còn được coi là công ty nhỏ, Topica vẫn duy trì khá thành công “Văn hoá Startup” trong nội bộ để khuyến khích sáng tạo, và tạo đất “dụng võ” cho các Startup tương lai.
Sau những năm tháng tôi luyện, tích luỹ, có những người tiếp tục con đường startup của mình: Anh Cao Công Minh, nguyên Giám đốc Marketing của Topica Uni, hiện nay là sáng lập viên của OnSchool.vn. Có những người khác chọn con đường gắn bó và thành công với Topica: Anh Dương Hữu Quang, sau khi thử sức với startup riêng của mình, và sau 5 năm tôi luyện với Topica, hiện nay giữ vị trí CEO của Topica Native. Anh Nguyễn Quốc Bình, đồng sáng lập các startup Ig9 và 6ix, hiện là Giám đốc Marketing của Topica Native.
Anh Nguyễn Khôi, sáng lập Volcano Vietnam, hiện là quyền Giám đốc Topica Memo cho biết: “Cá nhân tôi cảm thấy cần thêm vài năm để tích luỹ và chuẩn bị cho cuộc chơi khốc liệt của startup, và tôi tìm thấy ở Topica môi trường tốt để phát huy khả năng và nhiệt huyết của mình như khi làm startup. Chúng tôi chia sẻ văn hoá “5 Không”: Không sợ cái mới, Không sợ làm hỏng, Không sợ việc vặt, Không đắn đo, Không rạch ròi, Không đòi đường đẹp. Các nhóm làm sản phẩm mới được miễn giảm đa số các thủ tục hành chính, tài chính, nhân sự trong 18 tháng đầu, và có cơ chế cổ phần thưởng theo đóng góp, cấp bậc.”
Hiện tại, Topica đang triển khai chương trình “Tuyển dụng 22 CEO tương lai” với mục tiêu các quản lý trẻ sau 5 năm tôi luyện sẽ tạo dưng được startup của riêng mình, hoặc đảm nhiệm vị trí cấp CEO của các đơn vị thuộc Tổ hợp ở Đông Nam Á. Tất cả các vị trí này đều ưu tiên những người trẻ dưới 30 tuổi, có tố chất “Smart Creative” (Sáng tạo thông minh), không cần đúng ngành, và sẵn sàng xoá bỏ kinh nghiệm cũ. Các CEO tương lai sẽ có cơ hội được trải nghiệm 3 vị trí quản lý tại Hà Nội, TPHCM và Manila (Phillipines) trong 6 tháng đầu, trước khi chọn vị trí chính.
-------------------------