Mỗi ngày có 20 trẻ bị đuối nước
Tại báo cáo toàn cầu về đuối nước công bố ngày 26.11 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tại VN đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Mỗi ngày có khoảng 20 trẻ bị đuối nước.
Cũng theo báo cáo này, đuối nước làm 372.000 người chết mỗi năm tại các quốc gia và là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh niên trên thế giới.
WHO kêu gọi VN và các quốc gia nỗ lực và dành các nguồn lực nhằm phòng, tránh đuối nước như: dựng rào chắn để kiểm soát các lối vào khu vực có nước; dạy trẻ các kỹ năng bơi cơ bản; trang bị cho cộng đồng về các biện pháp sơ cứu và hồi sức đuối nước.
Đặc biệt, cần có các biện pháp can thiệp ở cấp quốc gia như: thực hiện các quy định an toàn trong vận chuyển bằng tàu thủy, bằng thuyền, phà nhằm ngăn chặn các tai nạn như lật phà, thuyền.
-------------------------
Ngã từ tầng ba, một phụ xây tử nạn
Hồi 9h ngày 27/11, một vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trình nhà ở đang được xây dựng tại xóm 3 xã Đốc Tín, Mỹ Đức, Hà Nội, khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu.
Nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị Bình (SN 1975), trong lúc đang đỡ vật liệu xây dựng đưa lên từ máy tời trên tầng ba thì gặp sự cố.
Nạn nhân ngã xuống đất, chấn thương nặng, gẫy cả hai chân, xương hàm và vỡ nội tạng bên trong. Ngay sau đó, chị Bình được đưa đến bệnh viện 103 cấp cứu nhưng đến 14 giờ chiều nạn nhân đã tử vong.
Nhận được tin báo, công an huyện Mỹ Đức đã có mặt khám nghiệm hiện trường điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn.
Tối thời gian cùng ngày gia đình chị Bình đã hoàn tất thủ tục đưa thi thể về quê tổ chức làm lễ an táng.
---------------------
Thoát nạn sau 3 ngày té giếng
Theo công an xã Suối Tre, TX.Long Khánh (Đồng Nai), cách đây 3 ngày, Bùi Văn Khánh (30 tuổi) vào lô cao su thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai trộm mủ cao su, chẳng may bị rơi xuống giếng.
Rạng sáng 25.11, trong lúc tuần tra lô cao su, nhân viên bảo vệ phát hiện một chiếc xe máy nhưng không thấy người.
Nghe tiếng động, Khánh la lên cầu cứu.
Nhờ vậy, bảo vệ chạy đến vớt Khánh lên giao Công an xã Suối Tre xử lý.
-------------------------
Số phận hẩm hiu của bà lão bị đàn chuột cắn
Con trai vào tù sau khi gây tai nạn giao thông, con dâu bươn chải làm thuê, bà Bé bị tai biến nằm một chỗ ở nhà và bị đàn chuột tấn công cắn chi chít vùng mặt.
Trở về nhà sau ngày làm thuê, vừa bật điện lên, chị Lương Thị Bé phát hoảng với bầy chuột tháo chạy loạn xạ. Dỡ tấm mùng ra, cô con dâu sững sờ thấy khuôn mặt của mẹ chồng đầy vết máu chảy. Nghe tiếng la của chị, bà con lối xóm chạy đến giúp khiêng bà lão đưa lên xe đưa đi bệnh viện cấp cứu.
"Khiêng bà lên, nhiều con chuột lớn vẫn chạy quanh giường của mẹ chồng tôi rồi lao xuống đất. Mẹ bị tai biến nằm bất động nên chuột cắn hơn 10 vết trên mặt trên đầu mà bà không thể nào xua đuổi được", chị Bé nhớ lại tình cảnh khi ấy của bà mẹ chồng cùng tên với mình.
Ba năm trước, cuộc sống gia đình bà Bé đang bình yên thì tai họa ập đến. Con trai bà lái xe tải chở hàng không may tông chết người phải vào tù. Bà Bé suy sụp tinh thần, lên cơn tai biến nằm liệt một chỗ. Từ đó hai người đàn bà một trẻ một già cùng mang tên Bé như định mệnh nương tựa nhau giữa cuộc đời. Để xoay sở lo tiền thuốc men cho mẹ già và hai con đến trường, chị Bé suốt ngày lao động quần quật ở lò gạch rồi đi nhặt ve chai, bươn chải làm thuê... mà vẫn thiếu trước, hụt sau.
Những ngày qua, cô con dâu tạm gác mọi việc ở nhà chăm sóc mẹ chồng bị chuột cắn khiến cuộc sống gia đình càng trở nên túng quẫn.
Nghĩ về tương lai, người con dâu âu lo hai con rồi đây lâm cảnh thất học. Chị Bé thổ lộ, lúc trước chồng chạy xe tải mỗi tháng mang về ít nhất 5 triệu đồng cộng với tiền vợ làm thuê ở lò gạch cũng đủ lo thuốc thang cho mẹ và hai con ăn học. Từ ngày anh Phong vào tù thì cả nhà rơi vào kiệt quệ. Tiền ăn học của con, tiền thuốc men lo cho mẹ chồng, sinh hoạt hàng ngày cho bốn miệng ăn trong gia đình, gần như đuối sức với chị Bé.
Bà Phạm Thị Tể, người dân ở tổ dân phố Vạn Mỹ, thị trấn Sông Vệ, chia sẻ, sau khi bà Bé bị chuột cắn, cả xóm vận động được 3 triệu đồng đưa bà đi bệnh viện. "Tội nghiệp, nhà vắng người, bà không cử động, nói năng gì được nên bị đàn chuột tấn công mà chẳng biết làm sao", bà Tể xót xa.
Ông Cao Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Vệ cho biết, gia đình bà Bé thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Trước đây bà đi kinh tế mới ở Tây Nguyên. Sau khi chồng mất, bà cùng con trai trở về địa phương được người thân cho miếng đất 40 m2 sát mép sông Vệ làm nhà ở.
Hiện tại chính quyền địa phương đã lập hồ sơ để bà được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. "Xét thấy hoàn cảnh gia đình bà quá nghèo khó, mới đây lại bị chuột cắn gây nhiều vết thương, chính quyền đang kêu gọi các nhà hảo tâm chia sẻ hỗ trợ; đồng thời xây tặng nhà đại đoàn kết thay thế cho căn nhà cũ nát của bà trong thời gian tới", ông Hùng cho hay.
-------------------------