Doanh nghiệp, người dân sợ thông tư hơn luật
“Trong thực tế, người dân, doanh nghiệp đang sợ thông tư hơn luật, hơn nghị định vì thông tư đang hạn chế quyền và tăng thêm nghĩa vụ cho họ. Luật ở trên giời, thông tư thì dưới đất”- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu trong phiên Quốc hội thảo luận Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sáng 27.11.
"Đẽo cày giữa đường"
Trong phát biểu 7 phút trước nghị trường, Chủ tịch VCCI đã nói hết sức thẳng thắn về những căn bệnh triền miên trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở Việt Nam.
Đó là việc thiếu định hướng của các cơ quan trong khi ban hành VBQPPL giống như anh “đẽo cày giữa đường”, khiến văn bản sau đó thậm chí không biết đường hướng nào.
“Thực tiễn cho thấy có những văn bản pháp luật không rõ mục tiêu điều chỉnh, không rõ đối tượng chính sách dẫn tới những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết. Ví dụ một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe người lái xe…”- ông Lộc nói.
Trong khi đó, không có chỗ nào trong dự thảo xác định chính sách là gì, chính sách gồm những nội dung nào, căn cứ để ban hành chính sách. Toàn bộ quy trình xây dựng pháp luật sau đó chạy theo chính sách, dựa vào chính sách, nên cả người soạn thảo lẫn người thẩm định không biết chính sách đó được xác định thế nào, cần phải đáp ứng những nhu cầu tối thiểu gì.
Về quyền lập quy của các bộ ngành, địa phương- ông Lộc nói- hiện nay các bộ ngành, địa phương là nơi làm luật chủ yếu. Tuy nhiên, quá trình đó, theo ông Lộc là đầy bất cập khi họ vừa là cơ quan đề xuất soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn, đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều chính sách vì thế dành thuận lợi cho cơ quan nhà nước, đẩy khó khăn do DN, cho người dân.
Luật ở trên giời, thông tư thì dưới đất
Dẫn thực tế 8 năm thực thi luật ban hành VBQPPL, ĐBQH tỉnh Thái Bình nói có quá nhiều bất cập. Đó là trình trạng nhiều luật được ban hành nhưng không có hướng dẫn. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dân kéo dài chưa có dấu hiệu chấm dứt. Người dân và DN chờ thông tư nghị định hơn chờ luật. Thực tế có nhiều trường hợp công chức ở cơ sở đã từ chối với lý do chưa có thông tư hướng dẫn. Người dân, doanh nghiệp cũng sợ thông tư hơn luật, hơn nghị định vì trong thực tế thông tư đang hạn chế quyền và tăng thêm nhiều hơn nghĩa vụ cho họ. Luật ở trên giời, thông tư thì dưới đất.
“Tôi chưa thấy dự thảo đưa ra các giải pháp hiệu quả để quyết tình trạng này”- Chủ tịch VCCI nhận xét. Ông đề nghị luật phải bổ sung 3 nguyên tắc: Thứ nhất, văn bản các bộ ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân so với các văn bản của cấp trên, tương tự như Luật Doanh nghiệp không cho phép các bộ ngành địa phương ban hành thêm quy định về điều kiện kinh doanh. Thứ hai là chỉ các văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có văn bản hướng dẫn; Và thứ ba, theo ông Lộc, có cơ chế kiểm soát và xử lý đối với việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.
-------------------------
Bộ Trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Quỹ dư 16.000 tỉ đồng là do chưa bao quát hết số người bị tai nạn
“Cần quy định rõ, cụ thể hơn về mức đóng, mức hỗ trợ, mức hưởng ra sao, để người lao động mua bảo hiểm tai nạn lao động nắm rõ và tự nguyện tham gia” - đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền (ảnh) khi trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 26.11 bên lề Quốc hội về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động đang được Quốc hội cho ý kiến.
Thưa bộ trưởng, có nên bắt buộc người lao động không có hợp đồng lao động tham gia mua bảo hiểm tai nạn lao động?
- Từ trước tới nay chưa quy định bắt buộc, mà chỉ quy định những người có quan hệ lao động, khoảng 34% số lao động phải tham gia, nên số lượng người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động còn hạn chế. Nhưng giờ chúng ta mới mở ra, đương nhiên hướng mở ra là tốt, nhưng không quá kỳ vọng trong thời gian đầu mở ra sẽ thu hút được nhiều người tham gia, vì đây là quy định mới. Tuy nhiên, cũng cần quy định rõ, cụ thể hơn về mức đóng, mức hỗ trợ, mức hưởng ra sao, để người lao động mua bảo hiểm tai nạn lao động nắm rõ.
Việc thành lập thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực ATVSLĐ, nhiều ý kiến cho rằng, nên để thanh tra cấp huyện thực thi, nhiều ý kiến lại cho rằng, nên để thanh tra ở cấp tỉnh. Quan điểm của bộ trưởng?
- Trong tờ trình của Chính phủ, dự án luật cũng quy định nên trao nhiệm vụ này cho thanh tra chuyên ngành cấp huyện, vì thực chất số doanh nghiệp ở quận, huyện nhiều, nếu không có chuyên ngành thì rất khó kiểm tra giám sát. Có quận, huyện có vài trăm hoặc tới vài ngàn doanh nghiệp, nếu thanh tra mà không có chuyên ngành thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Theo quy định của thanh tra, cơ quan nào đã có thanh tra nhà nước thì không có thanh tra chuyên ngành cấp huyện. Đấy là điều cũng phải cân nhắc.
Nếu có thanh tra chuyên ngành cấp huyện sẽ phình ra 1.000 biên chế?
- Tôi nghĩ rằng, lực lượng này cũng không tới 1.000 biên chế. Như trong nội dung tờ trình của Chính phủ thì cán bộ thanh tra này nằm trong phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện, mỗi huyện cũng chỉ có 1-2 thanh tra, mà vấn đề là yêu cầu thanh tra phải có 1 chuyên ngành, nên cái lo bây giờ là đối tượng thanh tra đó có đáp ứng được nhu cầu hay không cũng là vấn đề.
Hiện tại quỹ bảo hiểm tai nạn lao động đang còn dư 16.000 tỉ đồng từ quỹ này, trong khi mỗi năm có tới 700 người tử vong vì tai nạn lao động, phải chăng do chi chưa đúng đối tượng nên quỹ còn đọng quá nhiều, thưa bộ trưởng?
- Không phải vậy, chính xác hơn là chúng ta chưa bao quát hết được số lượng người tai nạn, có nhiều lý do, như ông chủ người bị tai nạn lao động nơi xảy ra tai nạn không thông báo cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, mức chi được quy định thấp và chưa phù hợp nên phải thay đổi mức chi. Theo tôi, mức chi cho người lao động khi gặp rủi ro cần tăng hơn, cũng là thể hiện sử dụng quỹ đúng mục đích và thiết thực với khoản đóng góp của người lao động.
- Xin cảm ơn bộ trưởng!
-------------------------
Quốc hội chính thức “bác” đề xuất thêm một Đại tướng công an
Luật Sĩ quan Công an nhân dân sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sáng nay, ngày 27/11, đã không có quy định về việc thêm một Đại tướng cho vị trí Thứ trưởng thường trực - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) về cấp bậc hàm cao nhất đối với các chức vụ của Sĩ quan Công an nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số đại biểu nhất trí với quy định về cấp bậc hàm cao nhất của các chức vụ trong công an nhân dân. Tuy vậy, vẫn còn một số ý kiến tham gia về cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng của các chức vụ cụ thể.
Đối với ý kiến đề nghị Thứ trưởng là Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có trần cấp bậc hàm là Đại tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chức vụ Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng; Theo quy định thì tổ chức Đảng trong công an nhân dân không tổ chức theo hệ thống từ Đảng ủy Công an Trung ương đến các địa phương, do vậy Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương chỉ lãnh đạo trực tiếp đối với các tổ chức Đảng bộ của các Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Để thống nhất trong bộ máy Đảng và Nhà nước; căn cứ Thông báo số 147 ngày 21/10/2013 và căn cứ theo Thông báo 185 ngày 28/10/2014 của Bộ Chính trị chỉ đạo: Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có trần quân hàm là Thượng tướng như hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo trình Quốc hội.
Báo cáo giải trình còn cho biết, một số ký kiến đồng ý với cấp hàm Trung tướng đối với đối Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đề nghị cân nhắc cấp hàm cao nhất của chức vụ Trưởng công an quận thuộc hai thành phố này phải đảm bảo tương quan với chức vụ khác. Cũng có ý kiến khác đề nghị cấp hàm cao nhất của Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng, còn Giám đốc công an các tỉnh thành khác có trần cấp hàm là Thiếu tướng để chênh nhau một bậc cho phù hợp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh dự thảo luật theo hướng cấp hàm cao nhất của Trưởng công an quận Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Thượng tá như các quận, huyện khác. Còn quy định Giám đốc Công an cấp tỉnh có trần cấp bậc hàm Đại tá là để bảo đảm tương quan với Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như quy định của dự thảo Luật trình Quốc hội.
Sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý trên, đa số đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Sĩ quan Công an nhân dân sửa đổi.
------------------------
Cách nào “trị” việc làm luật kiểu… đẽo cày giữa đường?
Đây là câu hỏi được Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đặt ra và tập trung phân tích trong phiên thảo luận về dự thảo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại hội trường Quốc hội ngày 27/11.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu thực tế phổ biến ở Việt Nam là vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách mà việc làm này thì chẳng khác gì vừa thiết kế, vừa thi công dẫn đến một số hệ quả dễ thấy. Đó là văn bản soạn thảo phải thực hiện nhiều lần vì chính sách chỉ được làm sáng tỏ dần trong quá trình soạn thảo và tranh luận nên gây tốn kém mà hiệu quả lại không cao.
Sau nữa, luật vẫn phổ biến những quy định không rõ hoặc là quá chung chung, đọc thì nghe rất hay nhưng áp dụng thì không dễ, do chính sách không được làm rõ ngay từ đầu nên các buổi thảo luận đã trôi qua mà vấn đề còn ở lại, đành giao cho Chính phủ quy định. Đây là một trong những vấn đề khiến Chính phủ gặp khó khăn, lúng túng khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành nên thi hành chậm”.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (đại biểu tỉnh Thái Bình) đề nghị, luật cần quy định giới hạn thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của các bộ, ngành, địa phương để góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật đang diễn ra phổ biến hiện nay, đồng thời bảo đảm tập trung thực thi quyền lập pháp của Quốc hội và quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ.
Đề cập thẳng thắn về những căn bệnh triền miên trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam, Chủ tịch VCCI cho rằng, đó là việc thiếu định hướng của các cơ quan trong khi ban hành văn bản pháp luật giống như người “đẽo cày giữa đường”, khiến văn bản sau đó thậm chí không biết đường hướng nào.
“Thực tiễn cho thấy có những văn bản pháp luật không rõ mục tiêu điều chỉnh, không rõ đối tượng chính sách dẫn tới những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết. Ví dụ một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe người lái xe…”- ông Lộc nói.
Trong khi đó, không có điểm nào trong dự thảo xác định chính sách là gì, chính sách gồm những nội dung nào, căn cứ để ban hành chính sách. Toàn bộ quy trình xây dựng pháp luật sau đó chạy theo chính sách, dựa vào chính sách, nên cả người soạn thảo lẫn người thẩm định không biết chính sách đó được xác định thế nào, cần phải đáp ứng những nhu cầu tối thiểu gì.
Chủ tịch VCCI cũng đề cập đến quyền lập quy của các bộ ngành, địa phương khi đó vừa là cơ quan đề xuất soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn, đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều chính sách vì thế dành thuận lợi cho cơ quan nhà nước, đẩy khó khăn do DN, cho người dân.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung 3 nguyên tắc Dự thảo luật. Một là các loại văn bản cấp bộ, ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm nghĩa vụ của tổ chức cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên (tương tự như cách làm hiện nay của Luật doanh nghiệp là không cho phép các doanh nghiệp, địa phương ban hành quy định về điều kiện kinh doanh). Hai là chỉ các văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn. Ba là có cơ chế để kiểm soát và xử lý trách nhiệm của việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lập luận, việc ban hành văn bản pháp luật cần căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ để quyết định vấn đề nào thì cần có luật, pháp lệnh, vấn đề nào chỉ cần Nghị định. Thực hiện việc này cần hướng tới mục tiêu, khi đã có luật rồi thì không cần ban hành Nghị định kèm theo. Chính phủ chỉ nên ban hành Nghị định “không đầu” (tức Nghị định không có luật phía trên).
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) góp ý quy định chặt và “trúng” cơ quan kiểm tra, giám sát. Theo đó, đơn vị này được ban hành văn bản đình chỉ, sửa đổi, bổ sung nhưng phải cùng hình thức, nếu không sẽ dễ dẫn đến “lạm quyền”. Ông Châu cũng cho rằng, Quốc hội ban hành Hiến pháp, ban hành luật thì khi sửa đổi luật phải bằng luật, chứ không phải bằng Nghị quyết của Quốc hội.
---------------------------