Cuối năm dè chừng hàng lậu, hàng giả
Ngày 26-11, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP (gọi tắt là BCĐ 389), chủ trì cuộc họp triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, nhận định tình hình buôn lậu đang diễn biến hết sức tinh vi và phức tạp. Hàng hóa từ các cửa khẩu, chính ngạch, tiểu ngạch được các đối tượng khai báo gian lận hải quan về số lượng, chủng loại để tuồn vào tiêu thụ. Đã có việc các đối tượng này lợi dụng luồng xanh, luồng vàng (chỉ kiểm tra đại diện tỉ lệ 5%-10% lô hàng) để tuồn hàng nhập lậu vào, sau đó hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng hợp pháp. Hàng nhập từ các tỉnh, thành có đường biên giới chở vào thành phố phần lớn bằng xe tải, trộn lẫn với hàng hợp pháp, sử dụng chứng từ hợp pháp của lô hàng khác để vận chuyển.
“Đặc biệt, gần đây các đối tượng còn thực hiện hành vi buôn lậu thông qua thủ đoạn mới là làm giả bộ chứng từ ngoại nhập khẩu, làm tờ khai giả, giả dấu nhân viên kiểm hóa hải quan đóng lên phiếu EIR (phiếu giao nhận container), con dấu của viên chức, cơ quan hải quan để đánh tráo số lượng lớn container hàng nhập lậu ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan” - ông Bách cho biết.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP, thông tin từ đầu năm đến ngày 15-11, đơn vị này đã phát hiện và lập biên bản 3.085 vụ, trị giá hàng hóa 217 tỉ đồng. Trong đó, gian lận thương mại là 424 vụ; còn lại là buôn lậu, vận chuyển trái phép. Ông Thắng cho biết trên thực tế đã có hiện tượng lợi dụng hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) nhằm khai báo tên hàng có thuế suất thấp, không ảnh hưởng đến chính sách để được máy phân luồng xanh, luồng vàng nhằm trốn thuế, gian lận thương mại. Cụ thể, cùng 1 lô hàng nhưng doanh nghiệp (DN) khai báo nhiều tờ khai ở cùng 1 chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, chọn luồng vàng, xanh để thông quan, đưa hàng xuất khẩu vào cảng gần đến giờ tàu khởi hành.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đề nghị các cơ quan chức năng, thành viên BCĐ 389 phải chủ động triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng, chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả trước, trong và sau Tết; phối hợp nhuần nhuyễn để không gây khó cho hoạt động của DN nhưng cũng phải phối hợp chặt, không tạo kẽ hở cho các đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng gian hoạt động. “Các đơn vị liên quan cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từ nay đến Tết nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm hàng hóa kinh doanh phải có truy xuất nguồn gốc” - bà Hồng chỉ đạo.
Trong 11 tháng đầu năm 2014, các đơn vị thành viên BCĐ 389 đã kiểm tra tổng cộng 56.052 vụ, phát hiện 51.228 vụ vi phạm. Trong đó hàng cấm, hàng nhập lậu đáng báo động vì số vụ vi phạm lên tới 3.772 vụ, tăng 242% so với cùng kỳ.
-------------------------
Doanh nghiệp được tự quyết định con dấu
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với 85,51% phiếu thuận là doanh nghiệp được tự chủ về con dấu.
Liên quan đến con dấu của doanh nghiệp, luật sửa đổi quy định doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện tên và mã số doanh nghiệp.
Trước khi biểu quyết thông qua luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình thêm nội dung này, khi một số đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu, cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu, để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.
Liên quan đến đề nghị không nên quy định công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, vì có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ khó xác định người đại diện cho công ty khi có tranh chấp, khởi kiện, truy cứu trách nhiệm hình sự, dân sự…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải: dự luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định công ty hoàn toàn có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật. Trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật; phạm vi quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện phải được ghi rõ trong điều lệ công ty.
Để khẳng định rõ hơn nội dung này, khoản 2 Điều 13 của dự luật được chỉnh lý lại: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”
Với 10 chương, 213 điều, luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2015.
-------------------------
Mía trắng đồng, nông dân trắng tay
Hàng trăm hộ nông dân trồng mía ở Hậu Giang đang méo mặt vì mía quá thời gian thu hoạch bị trổ cờ (ra bông) trắng đồng làm giảm năng suất, chất lượng.
Mía trổ cờ còn bị mất giá khi bán khiến nông dân thua lỗ nặng. Về huyện Phụng Hiệp, vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Hậu Giang, đi đâu cũng nghe bà con ca thán về vụ mía đắng do giá quá thấp. Không chỉ mất giá mà nhiều hộ đến thời điểm này vẫn chưa thể thu hoạch trong khi mía đã quá lứa, đua nhau trổ cờ trắng đồng.
Ông Ba Ức (Trần Văn Ức) ở thị trấn Búng Tàu, Phụng Hiệp nhiều ngày qua cứ như ngồi trên đống lửa, vì gần 2 ha mía sau nhà đã trổ cờ gần hết mà vẫn chưa bán được. Mấy chục năm gắn với cây mía, đây là lần đầu tiên ông Ba gặp cảnh mía trổ cờ.
“Đúng ra tôi đã thu hoạch cả tháng nay nhưng thời điểm đó giá mía giảm (các nhà máy đồng loạt giảm thêm 50 đồng/kg) nên không có thương lái đi thu mua. Cả nhà ăn ngủ không yên vì mía cứ trổ cờ ngày càng nhiều. Chờ mãi mới có thương lái đến thu mua, nhưng họ chỉ đặt cọc, hẹn hơn 10 ngày sau mới vào cân. Cuối tuần này tôi mới kêu người vào đốn. Giá mía thấp mà lại bị trổ cờ nữa thì cầm chắc lỗ thấu xương rồi” - ông Ba Ức than thở.
Theo ông Ba Ức, cây mía cho năng suất và chữ đường cao nhất khi chuẩn bị trổ cờ. Còn khi đã bung ra thì cây dồn sức nuôi bông, bọng ruột, năng suất giảm khoảng 20 - 30%. Hiện nay giá bán chỉ còn 760 đồng/kg, với giá này, mỗi công mía nông dân bị lỗ ít nhất cũng khoảng 1 triệu đồng.
Tương tự, hộ anh Dương Văn Bình ở kế bên còn hơn 3 công mía cũng đã trắng xóa bông. Thương lái chỉ chịu thu mua với giá 750 đồng/kg do mía đã trổ bông quá nhiều....
Theo Phòng NN-PTNT Phụng Hiệp, toàn huyện đã thu hoạch được 7.273 ha mía, hiện còn hơn 1.000 ha và đã bị trổ cờ từ 10 - 20%. Trong đó, xã Tân Phước Hưng nhiều nhất, khoảng 500 ha, còn lại rải rác ở các xã Hiệp Hưng, Phương Phú và thị trấn Búng Tàu. Giá mía hiện đã xuống rất thấp, chỉ còn 680 đồng/kg, những nơi mía tốt, thuận lợi vận chuyển mới bán được giá 730 - 760 đồng/kg.
Với tốc độ thu hoạch như hiện nay (khoảng 80 ha/ngày) thì ít nhất 20 ngày nữa mới kết thúc. Dự kiến niên vụ 2015 - 2016, huyện sẽ giảm diện tích mía còn khoảng 7.800 ha. Không chỉ ở huyện Phụng Hiệp mà vùng mía ở TP Vị Thanh (Hậu Giang) cũng gặp tình cảnh mía trổ cờ tương tự.
Bà Nguyễn Thị Dàng, có 0,5 ha mía ở ấp Mỹ I, xã Hỏa Lựu đã nhận tiền cọc của thương lái nhưng vẫn đứng ngồi không yên. Bà Dàng tâm sự: “Giá mía quá rẻ, tôi bán chỉ được 700 đồng/kg. Thương lái đặt cọc có 1 triệu đồng và hẹn hơn 20 ngày nữa mới tới thu mua. Trong khi mía đã trổ cờ, đến lúc đó mía bị bọng ruột và khô hết, chắc chẳng còn được mấy tấn/công. Tình hình này thì nông dân trắng tay, không biết lấy đâu ra vốn đầu tư cho vụ tiếp theo”.
Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết toàn tỉnh đã thu hoạch được 7.500/12.559 ha mía. Năm nay lượng nước đổ về ít, nông dân không bị áp lực thu hoạch mía chạy lũ nhưng lại gặp cảnh mía trổ cờ, gây thất thu.
Theo ông Đời, khi mía đã bị trổ cờ, cây sẽ tập trung nuôi bông, chữ đường giảm mạnh. Vì vậy, nông dân cần chờ cho bông rụng hết thì lượng đường mới ổn định trở lại để thu hoạch. Tuy nhiên, khi mía đã trổ cờ thì kiểu gì nông dân cũng bị thiệt: thu hoạch ngay thì chữ đường thấp, còn chờ cho rụng bông thì cây bọng ruột, năng suất giảm.
-------------------------
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu ấn tượng
Việt Nam hiện có 210 người thuộc nhóm siêu giàu với tổng tài sản 20 tỷ USD. Đồng thời cũng là nước có tốc độ tăng trưởng nhóm người siêu giàu ấn tượng trên thế giới với 7,7%, theo báo cáo của Wealth-X và ngân hàng đầu tư UBS.
Theo báo cáo này, số người siêu giàu của Việt Nam đã tăng 15 người so với năm 2013. Tuy nhiên, tổng tài sản không tăng lên, vẫn dừng lại ở mức 20 tỷ USD.
Trước đó, Wealth-X và UBS cũng cho biết Việt Nam có 2 tỷ phú USD với tài sản khoảng 3 tỷ USD. Danh tính của 2 tỷ phú này không được tiết lộ. Tuy vậy, nhiều người cho rằng trong số đó có ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch của Vingroup. Ông Vượng là đại diện duy nhất của Việt Nam trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes.
Tốc độ tăng trưởng nhóm người này ở Việt Nam vượt xa tốc độ tính chung các khu vực, Cụ thể, số người siêu giàu ở châu Á tăng 4,8%, ở Bắc Mỹ là 6,3%, châu Âu là 6,5%.
Theo báo cáo này, trên thế giới hiện có 211.275 người siêu giàu, nắm giữ tài sản trị giá gần 30.000 tỷ USD. So với năm ngoái, số người tăng 6% và giá trị tài sản tăng 7%.
Mỹ vẫn dẫn đầu với gần 1/3 số người giàu trong danh sách, với tổng tài sản 9.630 tỷ USD. Trong khi đó, ở châu Á, Nhật Bản xếp đầu với 14.270 người siêu giàu có tài sản 2.335 tỷ USD, kế đó là Trung Quốc với 10.675 người sở hữu 1.515 tỷ USD.
-------------------------