“Bầu” Kiên chê thẩm phán “hỏi sai kiến thức kinh tế”
Phiên xử vụ án Nguyễn Đức Kiên ngày 3.12 thực sự nóng với phần xét hỏi các bị cáo và người có quyền lợi liên quan đến hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Có rất nhiều kiến thức về kinh tế được đưa ra nên đã có những lúc Nguyễn Đức Kiên “bật” lại HĐXX rằng: “Tôi không trả lời câu hỏi của ông thẩm phán bởi hỏi sai kiến thức kinh tế”
Tin bạn mất bò!
Bước vào phiên xử, HĐXX đã dành khá nhiều thời gian để cho Nguyễn Đức Kiên trình bày ý kiến về việc bản án sơ thẩm buộc tội bị cáo phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Thép Hòa Phát. Kiên nói: “Tôi và các anh Trần Đình Long, Trần Tuấn Dương chơi rất thân với nhau và đủ khôn để không ai lừa ai. Tôi cũng tin rằng anh Long, anh Dương cũng không tố cáo tôi nhưng tôi bị như thế này là một câu chuyện khác”.
Trình bày về hợp đồng mua bán cổ phần, Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng Thép Hòa Phát đã sở hữu thành công số cổ phần do ACBI bán cho Thép Hòa Phát. “Việc sở hữu cổ phần, cổ phiếu là bút toán ghi sổ chứ không phải là sở hữu vật chất. Vấn đề này thuộc thực quyền của anh Dương (Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát). Với thẩm quyền của mình, anh Dương, anh Hà đã thực hiện việc sang tên cổ phần này cho Thép Hòa Phát. Bằng chứng là Cty đã thông báo cho Sở KHĐT Hải Dương về chuyển nhượng số cổ phần này. Thậm chí trong báo cáo tài chính của Hòa Phát cũng đã thông báo về việc tăng vốn sở hữu từ số cổ phiếu này vì vậy có nghĩa là Hòa Phát đã sở hữu thành công số cổ phiếu này không như đơn gửi cơ quan điều tra” – Kiên nói.
Khi HĐXX vặn hỏi vậy hợp đồng này có gì sai? Kiên cho rằng: “Đây là hợp đồng kinh tế, dân sự có thể giải quyết được bằng các thỏa thuận dân sự khi tôi bị bắt, các anh công an hỏi đến vấn đề này và tôi đã đề nghị được gặp anh Long 5 phút để giải quyết vụ việc nhưng công an không cho. Trong bản cung tôi có thừa nhận có sai sót, sai phạm vì tôi nhận thức rằng chuyển nhượng khi chưa đủ thủ tục là có sai, nhưng việc sai này đều có thể xử lý được. Việc sai này có xuất phát từ phía Hòa Phát, khi tôi bị bắt, luật sư của tôi có đề nghị lấy vấn đề này để làm vũ khí sắc bén bảo vệ tôi nhưng tôi đã có yêu cầu các luật sư tuyệt đối không nói điều này tại phiên tòa sơ thẩm bởi như vậy sẽ gây nguy hiểm cho anh Long, anh Dương và tổn hại đến mối quan hệ bạn bè hàng trăm tỉ cũng không mua được giữa tôi và các anh ấy”.
Bầu Kiên được lực lượng cảnh sát đưa đến tòa
Kiên cũng cho rằng cho đến thời điểm này Thép Hòa Phát không có bất cứ thiệt hại gì. Điều này khi được thẩm vấn tại phiên tòa cả ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương cũng đều thừa nhận. Tuy nhiên Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng: “Việc Cơ quan điều tra thu hồi 262 tỉ đồng cho Thép Hòa Phát là giúp cho Hòa Phát chiếm đoạt lần 2 số tiền của chúng tôi. Chúng tôi khẳng định chúng tôi không gây ra hậu quả nên không khắc phục hậu quả. Người bị thiệt hại chính là Cty ACBI, nếu tòa cho phép tôi sẽ chứng minh điều này”.
Bán tài sản đã thế chấp?
Để làm rõ việc bán tài sản không được phép và chính là căn cứ để buộc tội Nguyễn Đức Kiên, HĐXX đã đề nghị bị án Nguyễn Thị Hải Yến đọc lại hợp đồng mua bán. Hợp đồng ghi rõ: Kể từ thời điểm bên B hoàn thành việc thanh toán cho bên A thì bên A phải chuyển giao đầy đủ cổ phần cho bên B; Bên A cam kết số cổ phần không bị thế chấp hay đảm bảo cho bất kỳ giao dịch nào khác.
Dẫn chứng điều khoản hợp đồng và bằng chứng về việc số cổ phần này đang được thế chấp tại ACBS, HĐXX vặn hỏi Nguyễn Đức Kiên trả lời thế nào về vấn đề này. Nguyễn Đức Kiên vẫn khăng khăng rằng ACBI không thế chấp cổ phiếu, không có hợp đồng thế chấp; không thực hiện nghĩa vụ đảm bảo vì ACBI chỉ ký hợp đồng quản lý tài sản với ACBS để ACBS thực hiện bảo đảm có điều kiện khi ACBI không trả được gốc và lãi với các khoản vay của ACB và lúc đó ACBS chưa yêu cầu ACBI phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.
Khi HĐXX cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về tài sản đảm bảo liên quan đến 22,5 triệu cổ phiếu. Bầu Kiên đã bật lại thẩm phán: “Tôi không trả lời vì câu hỏi của thẩm phán sai về kiến thức kinh tế” khiến vị thẩm phán buộc phải yêu cầu: “ Bị cáo không được quyền nói như vậy”. Khi được hỏi: “Nếu không phải là tài sản đảm bảo nằm ở ACBS thì số cổ phiếu này lúc đó nó nằm ở đâu?”. Kiên trả lời: “Cổ phiếu nó nằm trong sổ đăng ký cổ đông của Cty Thép Hòa Phát chứ không phải ở đâu và mất đi đâu cả”.
(Theo Lao động)
-------------------------
Thép Hòa Phát không thiệt hại, “bầu” Kiên có phạm tội “lừa đảo”?
Ngày 2.12, HĐXX tiếp tục thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về hành vi “kinh doanh trái phép”, “trốn thuế” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên xử này, Nguyễn Đức Kiên tỏ ra khá mệt mỏi khi liên tục xin HĐXX được ngồi để trả lời. Cũng tại phiên xử, vợ Nguyễn Đức Kiên đã bật khóc trước tòa khi “trần tình” về gia cảnh.
“Bầu” Kiên so sánh với doanh nghiệp khác
Tiếp nối nội dung “kinh doanh trái phép” thẩm vấn dang dở từ chiều 1.12, HĐXX tiếp tục thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên về hoạt động mua bán cổ phần, cổ phiếu tại 6 Cty do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc TGĐ.
Bị cáo Kiên nói: “Các Cty này kinh doanh bằng tiền thật chứ không phải Cty ma; Cty này có đăng ký kinh doanh và việc lựa chọn đầu tư thế nào là tùy thời điểm, chúng tôi có quyền lúc này kinh doanh cái gì và lúc nào kinh doanh cái khác, chứ không luật nào bắt chúng tôi phải kinh doanh tất cả những lĩnh vực đã đăng ký. Căn cứ vào Điều 4, Điều 3 Luật Doanh nghiệp, chúng tôi tiếp tục đầu tư vào Cty con.
Việc mua cổ phiếu đúng theo Điều 26 của Luật Đầu tư và mua cổ phần theo Điều 21 của Luật Đầu tư; vì vậy, nội dung của bản án sơ thẩm quy kết tôi rằng, kinh doanh dịch vụ tài chính núp dưới danh nghĩa đầu tư mua cổ phần cổ phiếu là không đúng. Luật không có quy định nào như vậy”.
Bị cáo Kiên lập luận: “Ngay khi tôi bị bắt, các doanh nghiệp khác mua cổ phần của Cty chúng tôi, các DN này có giấy phép hoạt động giống Cty chúng tôi. Cùng doanh nghiệp như nhau, cùng hoạt động như thế, cùng đầu tư như nhau, tại sao chỉ 5 Cty chúng tôi bị quy kết vi phạm pháp luật? Đó là điều không hiểu nổi. Vì vậy, nhận định của HĐXX sơ thẩm đã sai cơ bản khi nhận định vấn đề trên”.
Khi HĐXX tiến hành thẩm vấn bà Đặng Thị Ngọc Lan (vợ Nguyễn Đức Kiên) - TGĐ Cty B&B - về hoạt động của Cty B&B để làm rõ hành vi trốn thuế số tiền 25 tỉ đồng.
Bà Lan đã nức nở: “Thực ra thời gian đó tôi ở nhà, sinh con nên mọi việc anh Kiên lo hết. Dù là TGĐ nhưng thực tế tôi chỉ ở nhà chăm con, nên anh Kiên bảo tôi ký thì tôi ký, bởi tôi là vợ của anh ấy.
Tất cả các DN mà anh Kiên đứng ra có rất nhiều các cổ đông khác, nhưng khi anh Kiên bị bắt, mọi người đã hoảng sợ, bỏ chạy hết nên tôi là người chưa bao giờ phải làm gì, giờ phải đứng ra cáng đáng hết. Giờ tôi chỉ mong muốn là người phụ nữ ở nhà phục vụ gia đình thôi”.
Sau khi trấn tĩnh, HĐXX hỏi tiếp: “Bà là TGĐ - người đại diện theo pháp luật của Cty, vậy bà nhận thấy trách nhiệm như thế nào trong việc ký các hợp đồng?”. Bà Lan trả lời: “Là người có nhận thức đầy đủ, tôi không thể nói rằng tôi không có trách nhiệm”.
Cũng về vấn đề này, Nguyễn Đức Kiên cho rằng Cty B&B không trốn thuế, bởi B&B là doanh nghiệp nhỏ được miễn giảm thuế theo quy định của Nhà nước, vì trong 2 năm đó Cty này không phát sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, giám định viên được triệu tập đến tòa đã khẳng định, Cty B&B đã phát sinh lợi nhuận rất lớn từ hợp đồng ủy thác tài chính với ACB, vì vậy không có căn cứ để miễn giảm thuế cho B&B.
Ý đồ lừa đảo hay chỉ là sơ suất thủ tục?
Tiếp đến tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Nguyễn Đức Kiên về việc mua bán 20 triệu cổ phiếu có giá trị trên 200 tỉ đồng, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.
Ông Long cho rằng, rất thân thiết với Nguyễn Đức Kiên và hai bên có thỏa thuận mua bán, trao đổi lại cổ phiếu của nhau. “Tôi đề nghị anh Kiên để tôi mua lại cổ phần của Thép Hoà Phát mà anh ấy nắm giữ, còn anh ấy mua lại cổ phần BĐS Hòa Phát Á Châu của tôi”.
“Khi mua cổ phần, anh có biết số cổ phần đó đang thế chấp không?” - HĐXX hỏi. “Tôi không biết” - ông Long nói. Tuy nhiên ông Long cũng cho biết, sau khi nghe được thông tin về việc số cổ phần này đã bị thế chấp, ông Long đã cử thuộc cấp đi nắm tình hình.
“Chúng tôi có cử anh Việt, anh Việt đã sang hỏi anh Thanh. Anh Thanh xác nhận đúng là có số cổ phiếu đó đang thế chấp, nhưng ACBI đang giải chấp rồi, cứ yên tâm nên tôi cũng tin là vậy” - ông Long nói.
Khi được hỏi, ông Trần Tuấn Dương - TGĐ Hòa Phát - cho biết: “Khi tiền của Hoà Phát đã chuyển đi rồi song chưa thu được cổ phiếu nên Hoà Phát có làm đơn đề nghị làm rõ, chứ không phải đơn tố cáo. Sau đó tiền đã được chuyển trả lại. Đến nay, Công ty Hoà Phát đã nhận lại số tiền do việc mua bán đó không thành và không có thiệt hại nào nên HĐXX xem xét vấn đề” - ông Dương nói.
-------------------------