Ấn Độ gia tăng sức mạnh tàu ngầm để đối phó Trung Quốc
Ấn Độ đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa hải quân và hợp tác với các nước láng giềng để giảm bớt hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, trong lúc họ rất quan ngại về sức mạnh tàu ngầm ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Chỉ vài tháng sau cuộc đối đầu ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Himalayas, tàu ngầm TQ đã có mặt ở Sri Lanka, quốc gia đảo ngoài khơi bờ biển Ấn Độ. Trung Quốc cũng đã củng cố quan hệ với Maldives, quốc gia đảo ở Ấn Độ Dương.
Những hành động của TQ phản ánh quyết tâm tăng cường sự có mặt ở Ấn Độ Dương, nơi mà 4/5 nhập khẩu dầu của TQ đi qua, và trùng hợp với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi ưu thế hải quân của TQ đã khiến các nước láng giềng lo lắng.
“Chúng ta phải lo ngại về tình trạng đội tàu ngầm yếu kém của chúng ta. Nhưng với việc TQ gây sức ép với chúng ta ở Himalaya, Biển Đông và giờ đây là Ấn Độ Dương, chúng ta cần phải lo ngại hơn nữa,” – ông Arun Prakash, cựu chỉ huy hải quân Ấn Độ phát biểu.
“Rất may có những dấu hiệu cho thấy chính phủ dã nhận thức được cuộc khủng hoảng này. Nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian để xây dựng sức mạnh tàu ngầm. Chúng ta hy vọng sẽ tránh được đối đầu với TQ, rằng nền ngoại giao và các liên minh của chúng ta sẽ giúp kiểm soát mọi chuyên”.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã ra lệnh thúc đẩy mời thầu đóng 6 tàu ngầm chạy điện và diesel loại thường với chi phí ước tính 8,1 tỉ USD, cùng với 6 tàu ngầm tương tự mà công ty DCNS của Pháp đang lắp đặt ở cảng Mumbai để thay thế cho đội tàu gần 30 tuổi của nước này đã gặp nhiều sự cố.
Tàu ngầm hạt nhân tự đóng đầu tiên của Ấn Độ - có trang bị tên lửa đầu đạn hạt nhân và sẽ được thử nghiệm trên biển vào tháng này, sẽ được đưa vào sử dụng cuối 2016. Ấn Độ thuê một tàu ngầm hạt nhân của Nga năm 2012 và đang đàm phán để thuê chiếc thứ hai.
Các nguồn thạo tin cho biết, chính phủ đã ngỏ ý mong muốn tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro Ltd – tập đoàn đóng thân chiếc tàu ngầm hạt nhân “nội” đầu tiên – sản xuất tiếp 2 chiếc nữa.
Hiện nay hải quân Ấn Độ có 13 chiếc tàu ngầm chạy điện và diesel đã cũ, và chỉ một nửa trong số đó có thể hoạt động vào bất kỳ lúc nào nhờ được trang bị lại. Năm ngoái, một tàu ngầm của họ bị chìm sau các vụ nổ và cháy lúc neo ở Mumbai.
Trung Quốc ước có 60 tàu ngầm thường và 10 tàu ngầm hạt nhân, trong đó có 3 tàu trang bị vũ khí hạt nhân.
-------------------------
Đài Loan phát triển tên lửa đối phó Trung Quốc
Các nhà phát triển vũ khí Đài Loan hôm 2-12 thông báo về một loại tên lửa đất đối không mới có thể bảo vệ không phận trong vòng 20 năm, động thái nhằm nâng cấp vũ khí trước mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
Việc sản xuất được tên lửa Thiên cung 3, mẫu tên lửa tiên tiến nhất trong loạt tên lửa phòng không do hòn đảo này tự phát triển, dự kiến bắt đầu từ 2015 tới 2024. Cơ quan lập pháp Đài Loan mới đây thông qua khoản ngân sách 2,5 tỉ USD cho dự án. Loại tên lửa này được cho có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu. Như vậy, cùng với các tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, hệ thống Thiên cung 3 sẽ canh giữ vùng trời Đài Loan trong vòng 15-20 năm tới.
Một đoạn phim do Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn cung cấp cho thấy báo giới đang tới thăm khu liên hợp được canh phòng cẩn mật tại miền Bắc Đài Loan. Trong đoạn phim, 2 tên lửa Thiên cung 3 được phóng đi từ các ống phóng thẳng đứng tại căn cứ không quân Cửu Bằng, vút lên bầu trời và phá hủy các mục tiêu.
Tuy nhiên, các thông số về loại tên lửa mới này, vốn ra đời để thay thế các tên lửa Hawk do Mỹ sản xuất đã lỗi thời, không được tiết lộ. Theo một số tờ báo địa phương, Thiên Cung 3 có tầm bắn lên tới 200 km.
Dự án này là một phần trong nỗ lực của Đài Loan nhằm xây dựng một lá chắn phòng không để đối phó bất kỳ cuộc tấn công nào từ Bắc Kinh. Theo số liệu của cơ quan quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc hiện có ít nhất 1.500 tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-11 và DF-15. Phần lớn số tên lửa này được triển khai dọc theo eo biển Đài Loan nhưng hoàn toàn có thể triển khai đến những khu vực khác khi cần thiết.
-------------------------
NATO giúp Ukraina hiện đại hóa quân đội
Các ngoại trưởng NATO họp tại Brussels hôm qua đã tuyên bố ủng hộ Ukraina khi chính phủ nước này tiến hành các cải cách chủ chốt trong quân đội.
Cuộc họp của Ủy ban NATO – Ukraina và NATO – Gruzia đã diễn ra ở cấp bộ trưởng trong ngày 2.12. “Chúng tôi duy trì cam kết ủng hộ Ukraina thúc đẩy cải cách và tăng cường hỗ trợ để Ukraina có thể tự đảm bảo an ninh tốt hơn” - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Các ngoại trưởng NATO đã chính thức tuyên bố khởi động các quỹ ủy thác để hỗ trợ cải cách quân sự Ukriana. Các quỹ này sẽ tài trợ cải cách và hiện đại hóa quân đội Ukraina trong 4 lĩnh vực: Hậu cần, chỉ huy và kiểm soát, phòng vệ mạng, quân y và phục hồi cho những người bị thương”.
Theo ông Stoltenberg, các khoản viện trợ này sẽ giúp cho quân đội Ukraina hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn.
Ông khẳng định, NATO không có khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev. “Liên minh không có vũ khí có thể gửi cho Ukraina” – ông phát biểu.
-------------------------
Hứng chịu 1.000 cuộc không kích, Nhà nước Hồi giáo tổn thất đáng kể
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 3-12 cho biết liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện khoảng 1.000 cuộc không kích ở Iraq, Syria khiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tổn thất đáng kể
Cuộc họp cấp cao đầu tiên của liên minh gồm ít nhất 62 nước, hầu hết không có vai trò trực tiếp trong các cuộc không kích, do Mỹ dẫn đầu đã diễn ra tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels của Bỉ.
Phát biểu tại cuộc họp ngày 3-12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết việc hợp tác sẽ được cân nhắc trong nhiều năm tới nhưng những nỗ lực của liên minh đã có tác động đáng kể.
Khoảng 1.000 cuộc không kích của liên minh đã tiêu diệt được một số thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) và gây thiệt hại về hậu cần cũng như hoạt động của tổ chức khủng bố này. Ông Kerry cho hay lực lượng IS ở Iraq đã suy yếu, quân đội Iraq cũng đã chiếm lại vùng lãnh thổ Mosul và Tikrit, đồng thời mở rộng an ninh quanh khu vực một số nhà máy lọc dầu.
Trong khi đó, ở phía Bắc và Tây Iraq, lực lượng người Kurd đang chiến đấu chống lại IS. Còn tại Syria, các căn cứ chỉ huy của IS đã bị phá hủy, nhà máy lọc dầu bị hư hại và hoạt động bao vây thị trấn Kobane của nhóm này bị ngăn chặn. Ngoại trưởng Mỹ cũng ca ngợi vai trò các quốc gia Ả Rập trong cuộc chiến chống IS.
Trước đó, Mỹ cho rằng Iran không phải là thành viên của liên minh nhưng đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào IS tại Iraq. Tuy nhiên, chính phủ Iran đã phủ nhận điều này.
-------------------------