Sinh viên Hồng Kông quyết cố thủ không lui
Từ chối lời kêu gọi rút lui của những người sáng lập phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm”, sinh viên Hồng Kông vẫn bám trụ tại các khu vực gần tòa nhà chính quyền đặc khu ngày 3-12.
Hàng trăm sinh viên Hồng Kông tập trung tại địa điểm biểu tình chính ở khu Kim Chung (Admiralty), gần tòa nhà chính quyền và trung tâm thương mại đặc khu, quyết tâm duy trì cuộc chiến đòi bầu cử dân chủ vào năm 2017.
Một nhóm nhỏ vẫn cắm trại ở Vịnh Đồng La (Causeway Bay) nhưng phần lớn tụ tập ở Kim Chung, tại 2 điểm dừng về phía Tây tuyến tàu điện ngầm của Hồng Kông.
Sinh viên Hồng Kông tiếp tục biểu tình đòi bầu cử dân chủ. Ảnh: SCMP
Ngày 2-12, ba người sáng lập phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” Đới Diệu Đình (Benny Tai), Trần Kiện Dân (Chan Kin-man) và Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming) kêu gọi sinh viên biểu tình rút lui để “củng cố lực lượng”.
Tuy nhiên, vài giờ sau thông báo, một sinh viên tên Lorraine Lam phản đối: “Tôi cho rằng lời kêu gọi khá vô lý vì chúng tôi đã trải qua một khoảng thời gian dài (2 tháng) và không nghĩ là chúng tôi nên dọn đồ đạc và trở về nhà”.
Ba ông Đới, Trần và Chu cho biết họ nộp mình cho cảnh sát vào 15 giờ chiều 3-12 bất kể người biểu tình có nghe lời họ rút lui hay không. Trước đó, đêm 1-12, các vụ đụng độ xảy ra khi một số nhà hoạt động dân chủ ở khu Kim Chung tìm cách bao vây trụ sở chính quyền.
Hàng chục người biểu tình và cảnh sát bị thương sau cuộc ẩu đả. Lực lượng an ninh phải sử dụng dùi cui và phun hơi cay vào người biểu tình, trong một hoạt động mà ông Đới chỉ trích là “mất kiểm soát”.
Tuần trước, một tòa án Hồng Kông ra lệnh dọn dẹp địa điểm biểu tình ở khu Vượng Giác (Mong Kok) nhưng sinh viên đang tìm cách tập hợp trở lại.
Kể từ khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông đi theo con đường “một đất nớc, hai chế độ” với cam kết được Bắc Kinh trao cho một số quyền tự trị và hình thức bầu cử phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây khẳng định sẽ kiểm soát danh sách ứng viên cho vị trí đặc khu trưởng Hồng Kông, khiến người dân trên hòn đảo tức giận vì cho rằng quyền dân chủ của họ bị xâm phạm.
-------------------------
Biểu tình Hồng Kông phân hóa
Bộ ba sáng lập phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” đầu hàng cảnh sát, trong khi thủ lĩnh học sinh Hồng Kông tuyệt thực
Ba người sáng lập phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” ngày 2-12 đã kêu gọi sinh viên biểu tình rút lui để củng cố sức mạnh. Các ông Đới Diệu Đình (Benny Tai), Trần Kiện Dân (Chan Kin-man) và Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming) tuyên bố không gia tăng các hành động phản đối, thay vào đó sẽ đầu hàng cảnh sát.
“Vì an toàn của người ủng hộ phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm”, vì mục đích ban đầu của chúng ta là yêu chuộng hòa bình, chúng tôi chuẩn bị đầu hàng và kêu gọi sinh viên rút lui” - ông Đới, giáo sư luật Trường ĐH Hồng Kông, phát biểu trong cuộc họp báo. Giáo sư Đới cho biết: “Chúng tôi tôn trọng quyết định bám trụ của nhiều người biểu tình nhưng hy vọng họ hiểu rõ bối cảnh hiện nay”.
Đã không ít lần bộ ba nêu trên kêu gọi sinh viên rút lui để tìm chiến lược mới sau khi sự ủng hộ đối với hoạt động phong tỏa đường phố xuống thấp. Bộ ba này dự kiến nộp mình cho cảnh sát vào 15 giờ ngày 3-12 (giờ địa phương), chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả do phong trào bất tuân dân sự lớn nhất Hồng Kông gây ra.
Ông Đới khẳng định “đầu hàng không phải là hèn nhát”, đồng thời ca ngợi sự dũng cảm của những người đứng lên đòi dân chủ và chỉ trích cảnh sát “mất kiểm soát” trong hoạt động trấn áp. Chủ tịch Đảng Dân chủ Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau) cũng nhận định nếu người biểu tình dùng đến bạo lực, họ càng mất đi sự ủng hộ.
Đài BBC bình luận phong trào vẫn chưa đạt được sự nhượng bộ nào từ chính quyền Hồng Kông sau 2 tháng. Dường như các cuộc biểu tình đang dần cạn năng lượng và sự lựa chọn. “Mùa đông lạnh lẽo đã đến. Số người ủng hộ phong trào giảm nhanh, đối lập với sự mạnh tay của cảnh sát. Do đó, khả năng người biểu tình bị bắt hay bị thương sẽ tăng lên” - BBC viết và cho rằng sự đầu hàng của ông Đới Diệu Đình đơn giản là “rút lui khi vẫn chưa thất bại hoàn toàn”. Ít nhiều phong trào đã ghi được dấu ấn và Bắc Kinh biết rằng họ đang đối mặt với nguy cơ mất cả một thế hệ trẻ ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, theo đài RTHK, một số nghị sĩ cảm thấy quyết định của các lãnh đạo “Chiếm lĩnh trung tâm” có thể dẫn đến chia rẽ bởi từ sáng 2-12, thủ lĩnh biểu tình học sinh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) cùng 2 thành viên nhóm Học dân Tư triều (Scholarism) bắt đầu tuyệt thực nhằm đòi chính quyền đàm phán. “Yêu cầu khiêm tốn của chúng tôi chỉ là đề nghị đối thoại” - Hoàng nói.
Như để chứng tỏ quyết tâm đi đến cùng, chàng trai 18 tuổi kêu gọi người biểu tình tập hợp tại trung tâm đặc khu trong ngày 2-12. Chủ tịch Đảng Lao động Lý Trác Nhân (Lee Cheuk Yan) cũng tuyên bố đảng của ông sẽ không rút lui.
Không phản đối chuyện tuyệt thực nhưng đặc khu trưởng Lương Chấn Anh nói các sinh viên “cần quan tâm đến sức khỏe, nhất là trong thời tiết giá lạnh”. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này còn bày tỏ lo lắng về an ninh trật tự tại địa điểm biểu tình ở khu Kim Chung (Admiralty) sau bạo động cuối tuần trước.
Trong một tuyên bố, nhóm Học dân Tư triều do Hoàng làm thủ lĩnh thừa nhận tuyệt thực là biện pháp vô vọng. “Tất cả chúng tôi đều thấm mệt, trái tim của chúng tôi run rẩy. Đối mặt bức tường cao của chính quyền, chúng tôi giống như những quả trứng mỏng manh. Tuy nhiên, chúng tôi không sợ mọi người cười nhạo giấc mơ của mình, chỉ sợ nghe thấy thanh âm vụn vỡ của nó trong tương lai, sợ mình không còn mơ ước nào nữa” - Hoàng bộc bạch.
Tuyệt thực không phải là chuyện xa lạ với nhóm này, đài CNN cho biết. Năm 2012, họ đã tuyệt thực bên ngoài tòa nhà chính quyền để phản đối một chương trình học “thân Trung Quốc”. Sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, chính quyền Hồng Kông phải hủy chương trình này.
-------------------------
Hong Kong: Chính quyền tạm đóng cửa vì xung đột bùng phát
Phớt lờ lệnh yêu cầu rút lui sau hơn 2 tháng kiên trì biểu tình, hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong hôm qua xung đột với cảnh sát, khiến trụ sở chính quyền phải đóng cửa tạm thời.
Hỗn loạn nổ ra lúc người dân đi làm buổi sáng, khi hàng trăm người biểu tình thuộc phong trào sinh viên bao vây khu Admiralty, nơi tập trung nhiều văn phòng và cửa hàng mua sắm. Trụ sở cơ quan hành pháp và tư pháp cùng nhiều cửa hàng bị buộc phải đóng cửa trong buổi sáng.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh nói rằng, cảnh sát đã rộng lượng nhưng giờ sẽ có “hành động cương quyết”. “Một số người đã nhầm lẫn sự tha thứ của cảnh sát là yếu đuối”, Reuters dẫn lời ông Lương Chấn Anh nói với báo giới.
Lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Alex Chow nói rằng, người biểu tình có ý định làm tê liệt trụ sở của chính quyền. “Kế hoạch nhìn chung đã thất bại, thực tế là nếu chúng tôi chiếm một số nơi, cảnh sát sẽ giải tán ngay lập tức”, Chow nói.
Hàng trăm cảnh sát chống bạo động tỏa đi khắp đám đông trong nhiều đợt xung đột suốt đêm, đẩy lùi người biểu tình bằng hơi cay và dùi cui. Nhiều tình nguyện viên y tế đã trợ giúp những người bị thương, bị bất tỉnh. Nhiều người bị thương ở đầu. Cảnh sát nói rằng, ít nhất 40 người bị bắt. Trụ sở chính quyền Hong Kong được mở cửa trở lại vào chiều qua.
Trung Quốc cấm cửa nghị sĩ Anh
Trong khi đó, một nhóm nhà làm luật người Anh nói rằng, Đại sứ quán Trung Quốc từ chối cấp visa cho họ vào Hong Kong. Trung Quốc hôm qua giải thích cho sự từ chối này, mô tả chuyến đi mà các nghị sĩ Anh lên kế hoạch là “công khai đối đầu”.
Các nhà làm luật thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh đang rà soát lại công việc của Bộ Ngoại giao để xem xét quan hệ của Anh với đặc khu của Trung Quốc 30 năm sau khi hai nước đưa ra Tuyên bố chung 1984, trong đó có điều khoản trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc vào năm 1997. Nhóm nghị sĩ này được Đại sứ quán Trung Quốc tại London thông báo rằng, họ bị từ chối quyền nhập cảnh Hong Kong, The Telegraph dẫn lời Chủ tịch Ủy ban, ông Richard Ottaway.
Khi được hỏi về sự từ chối này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, tình hình ở Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc và nước ngoài “không được can thiệp”. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa nói rằng, chuyến đi của nhóm nghị sĩ Anh là “công khai đối đầu và không có lợi cho sự phát triển quan hệ Trung - Anh”.
Đáp lại, ông Ottaway sử dụng đúng cụm từ của Phát ngôn viên Trung Quốc khi nói: “Chính phủ Trung Quốc đang cư xử theo một cách đối đầu công khai khi từ chối quyền tiếp cận của chúng tôi để thực hiện công việc”. Công dân Anh không cần visa để vào Hong Kong, nhưng bà Hoa tuyên bố: “Mọi quốc gia đều có quyền chủ quyền để quyết định có cấp hay không cấp visa hay cấp loại visa nào”. Đại diện Trung Quốc cũng tuyên bố: “Trung Quốc nhiều lần bày tỏ với Anh rằng, chúng tôi phản đối cái gọi là cuộc điều tra của nhóm do Hạ viện Anh cử đến”.
Tuần trước, một nhóm nhà làm luật khác của Anh cũng phải hoãn chuyến thăm Trung Quốc đại lục, sau khi một nghị sĩ công khai ủng hộ quyền tự trị cho Hong Kong không được cấp visa. Ông Richard Graham, cựu quan chức ngoại giao công tác tại Bắc Kinh và Macao hồi những năm 1980, bị từ chối visa vào phút chót trước khi lên đường thực hiện chuyến thăm 3 ngày và không lâu trước khi có thông báo Thái tử William sẽ đại diện chính phủ Anh thăm Trung Quốc vào tháng 3 tới. Chuyến đi của Thái tử được báo chí Anh nhìn nhận là nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
-------------------------
Hình ảnh thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông gây sốt
Cảnh sát Hồng Kông vừa bắt giữ 2 thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông Joshua Wong (18 tuổi) và Lester Shum (21 tuổi) ở khu Vượng Giác (Mong Kok). Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Alan Kwankit chụp lại gây nên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Wong và Shum cùng hàng ngàn sinh viên Hồng Kông khác tập trung tại trung tâm thương mại sầm uất ở Vượng Giác hôm 29-11. Lực lượng an ninh lập tức can thiệp, bắt giữ 2 kẻ cầm đầu phong trào “gây mất trật tự công cộng” và 167 người biểu tình xung quanh.
Nhiếp ảnh gia Alan Kwankit, người làm việc cho một trang tin địa phương, đã ghi lại khoảnh khắc thủ lĩnh phong trào sinh viên Shum bị cảnh sát bắt giữ nhưng vẫn tỏ thái độ điềm tĩnh. Cuối cùng, những người bị cảnh sát bắt giữ được trả tự do.
Chàng thanh niên Lester Shum vẫn tỏ ra bình thản khi bị cảnh sát bắt giữ. Ảnh: Twitter
Bức ảnh khi đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút vô số bình luận, hầu hết đều khen ngợi chàng thanh niên với tinh thần mạnh mẽ, không chịu khuất phục, đại diện cho giới trẻ Hồng Kông đứng lên đòi quyền lợi dân chủ.
Trong khi một bộ phận người biểu tình cam chịu rút lui để tránh bị cảnh sát đàn áp, những người ở lại quyết tâm đối mặt với nhà chức trách đang tìm biện pháp giải tán các khu vực biểu tình. Hình ảnh của Shum dường như tiếp thêm động lực và sức mạnh cho họ sau 2 tháng biểu tình mệt mỏi.
Mặc dù phong trào đòi dân chủ đang bị phân hóa, nhiều người dân Hồng Kông tức giận vì cuộc sống thường ngày bị ảnh hưởng trầm trọng và những người sáng lập phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” muốn đầu hàng cảnh sát nhưng hàng ngàn sinh viên Hồng Kông vẫn ngẩng cao đầu thách thức “kẻ thù” mà họ biết không bao giờ có thể đánh bại.
-------------------------