Biển Đông và mặt trận thứ hai
Ngoại giao công chúng là "mặt trận thứ hai", là công cụ bổ trợ cho ngoại giao chính trị và ngoại giao pháp lý trong công cuộc đấu tranh trên biển Đông.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo là một cuộc chiến lâu dài, và đấu tranh Biển Đông là một trong những thách thức lớn nhất về mặt an ninh cũng như đối ngoại của VN. Do đó, đưa ra được một chiến lược Ngoại giao công chúng (NGCC) hoàn chỉnh cho Biển Đông cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn dường như là đòi hỏi bắt buộc.
Mặt trận thứ hai
NGCC là thuật ngữ được bắt đầu được nhắc đến vào thập niên 1960, với cách hiểu "những hành động của chính phủ nhằm thông tin và gây ảnh hưởng đối với công chúng nước ngoài". Tác dụng của nó là cung cấp trung thực nội dung chính sách, khuyến khích sự thấu hiểu từ người tiếp nhận thông tin, từ đó phổ biến cho cộng đồng cùng hiểu.
NGCC đóng vai trò là "mặt trận thứ hai" trong đấu tranh trên biển Đông, bên cạnh ngoại giao kênh I. Đó là công cụ bổ trợ cho ngoại giao chính trị và ngoại giao pháp lý trong công cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo với Trung Quốc. Không chỉ đơn thuần là tạo hình ảnh cho quốc gia, NGCC còn góp phần giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tăng cường tính chính đáng cho chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Chủ thể xúc tiến NGCC bao gồm không chỉ các nhà lãnh đạo, giới học giả mà còn là mỗi người dân.
Một là, nó đòi hỏi các kênh chính thức, với vai trò của các nhà lãnh đạo cấp cao, cần cởi mở trong việc nêu quan điểm, lập trường của đất nước trên các phương tiện truyền thông cả trong nước lẫn quốc tế. Chẳng hạn, trong cuộc đấu tranh phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, các bài viết của Đại sứ Việt Nam trên các báo nước ngoài đều đã tạo sức vang lớn trong truyền thông và cộng đồng quốc tế. Tiêu biểu có bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Phạm Sanh Châu đăng trên tờ The Europe phản bác lại lập luận của Đại sứ Trung Quốc. Hay bài viết Đại sứ VN tại Úc Lương Thanh Nghị đăng trên tờ The Australia, lên án hành động của phía Trung Quốc.
Hai là, mặt trận đấu tranh học thuật của các học giả. Học giả không đơn thuần chỉ là người mang những lý lẽ thuyết phục về lập trường của Việt Nam trình bày ở các hội thảo quốc tế, mà còn trở thành mạng lưới kết nối với nhiều học giả quốc tế khác, và qua đó có thể tranh thủ vận động quan điểm khách quan có lợi cho Việt Nam. Đó là các bước đi mang lại hiệu quả trong dài hạn và trung hạn.
Còn đối với những hành động hung hăng bất ngờ của Trung Quốc, các học giả cũng có thể tham gia vào công tác NGCC mang tính ngắn hạn và xử lý tình huống tức thời. Như trong khủng hoảng giàn khoan, cùng với đấu tranh trên thực địa, mặt trận đấu tranh giữa các học giả cũng rất nóng. Khi trên truyền thông xuất hiện những bài viết, lập luận thiếu khách quan, bất lợi cho VN, thì việc phản biện kịp thời, sắc bén của học giả VN sẽ rất hiệu quả, giúp công chúng nhận thức chính xác vấn đề.
Ba là, mỗi người dân đều có thể tham gia vào NGCC thông qua các công cụ hữu ích của Internet. Khả năng khuếch tán thông tin của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng là không thể phủ nhận và đó là cách tiếp cận hiện đại. Ngoài ra, một biện pháp truyền thống hơn là thực hiện ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động trao đổi công dân, các học bổng hỗ trợ, văn hóa, du lịch...
Về đối tượng của NGCC trong tranh chấp biển Đông, đối tượng chính chắc chắn là truyền thông quốc tế và cộng đồng quốc tế nói chung. Bên cạnh đó là cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài và kiều bào. Ở đây, NGCC sẽ kết hợp với các ban công tác người Việt Nam ở nước ngoài, truyền đạt những thông tin đầy đủ và chính xác đến các cộng đồng này. Và thông qua họ, truyền tải những thông điệp quan trọng của Việt Nam trong đấu tranh biển đảo đến người dân nước sở tại.
Một đối tượng quan trọng mà NGCC cần nhắm đến là người dân Trung Quốc. Không phải người dân Trung Quốc nào cũng có đồng quan điểm với nhà nước. Hoặc giả, nhiều người dân Trung Quốc cũng bị bưng bít thông tin và nhiệm vụ của NGCC Việt Nam là phải thực hiện "cuộc tấn công hấp dẫn" nhắm đến đối tượng này.
Một khả năng ba thời điểm
Điểm đặc biệt nhất của NGCC là vừa có tác động nhất thời, vừa có tác động trong tương lai gần, lại vừa tạo được ảnh hưởng về lâu về dài. Do đó, áp dụng NGCC thành nhóm các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là một tham khảo rất đáng lưu tâm.
Một là, về các biện pháp ngắn hạn, cách ứng phó của NGCC đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt. Vì thế, đối với một Trung Quốc khó đoán và lời nói thường không đi đôi với việc làm, cần xây dựng khung các bước đi cụ thể để triển khai NGCC trong ngắn hạn. Ví dụ, khi có sự cố giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Ngoại giao tổ chức ngay họp báo quốc tế nêu rõ quan điểm và nếu cần trình chiếu những video clip như trong vụ giàn khoan vừa qua.
Hai là, nhóm các biện pháp trung hạn cũng góp phần giải quyết xung động như trong ngắn hạn, nhưng mang tính chất chủ động hơn là phản ứng lại một động thái nào đó. Các biện pháp trung hạn bao gồm việc chú trọng truyền bá quan điểm của VN cho công chúng các nước khác, bao gồm cả các nước lớn có lợi ích tự do hàng hải và thông thương ở Biển Đông.
Trong nhóm biện pháp này, có thể kể đến việc thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, các cuộc triển lãm quốc tế về chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại VN và tại các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, nhằm để thúc đẩy sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế.
Ba là, trên căn bản, nhóm các biện pháp dài hạn không nhất thiết phải liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển đảo mà hướng đến xây dựng mối quan hệ lâu dài với công chúng một quốc gia hoặc công chúng quốc tế. Chẳng hạn, VN có thể xúc tiến các biện pháp NGCC trong dài hạn kết hợp với các hoạt động ngoại giao văn hóa, cụ thể đó sẽ là các hoạt động trao đổi văn hóa và giáo dục, trao đổi công dân và các hoạt động khác nhằm truyền bá tên tuổi quốc gia.
Sự nhạy bén của NGCC góp phần giúp truyền thông quốc tế hiểu đúng về bản chất sự việc. Về lâu dài, NGCC góp phần giải quyết những khúc mắc trong đàm phán ở kênh chính thức và có thể tạo thế đứng có lợi hơn cho đất nước.
-------------------------
Hà Nội: Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất
Chiều 3/12, HĐND công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 15 chức danh chủ chốt. Theo đó, bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND - có nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất; ông Ngô Văn Quý - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất.
Phiên họp nội bộ buổi sáng nay, HĐND thành phố Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 15 người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đến 16h40, HĐND đã công bố kết quả và thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm.
Theo đó người có nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất là bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội. Ở chiều ngược lại, ông Ngô Văn Quý - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất.
Cụ thể kết quả lấy phiếu tín nhiệm 15 chức danh của Hà Nội:
1. Bà Ngô Thị Doãn Thanh (1957), Chủ tịch HĐND Hà Nội:
Tín nhiệm cao - 84, tín nhiệm - 7, tín nhiệm thấp - 0
2. Ông Lê Văn Hoạt (1956), Phó Chủ tịch HĐND Hà Nội
Tín nhiệm cao - 50, tín nhiệm - 32, tín nhiệm thấp - 8
3. Ông Nguyễn Văn Nam (1964), Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND
Tín nhiệm cao - 56, tín nhiệm - 28, tín nhiệm thấp - 6
4. Ông Nguyễn Hoài Nam (1959), Trưởng ban Pháp chế HĐND
Tín nhiệm cao - 64, tín nhiệm - 21, tín nhiệm thấp - 6
5. Nguyễn Thị Thùy (1962), Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND
Tín nhiệm cao - 35, tín nhiệm - 46, tín nhiệm thấp - 10
6. Ông Nguyễn Thế Thảo (1952), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Hà Nội
Tín nhiệm cao - 67, tín nhiệm - 23, tín nhiệm thấp - 1
7. Ông Vũ Hồng Khanh (1959), Phó Chủ tịch UBND Hà Nội
Tín nhiệm cao - 59, tín nhiệm - 26, tín nhiệm thấp - 6
8. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (1961), Phó Chủ tịch UBND thành phố
Tín nhiệm cao - 63, tín nhiệm - 24, tín nhiệm thấp - 4
9. Ông Nguyễn Văn Sửu (1961), Phó Chủ tịch UBND Hà Nội
Tín nhiệm cao - 57, tín nhiệm - 27, tín nhiệm thấp - 7
10. Ông Trần Xuân Việt (1957), Phó Chủ tịch UBND thành phố
Tín nhiệm cao - 49, tín nhiệm - 38, tín nhiệm thấp - 4
11. Trần Huy Sáng (1959), Giám đốc Sở Nội vụ
Tín nhiệm cao - 51, tín nhiệm - 35, tín nhiệm thấp - 5
12. Ông Phí Quốc Tuấn (1955), Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội
Tín nhiệm cao - 65, tín nhiệm - 22, tín nhiệm thấp - 4
13. Ông Nguyễn Đức Chung (1967), Giám đốc Công an thành phố Hà Nội
Tín nhiệm cao - 72, tín nhiệm - 15, tín nhiệm thấp - 4
14. Ông Nguyễn Thịnh Thành (1956), Chánh văn phòng UBND thành phố
Tín nhiệm cao - 47, tín nhiệm - 42, tín nhiệm thấp - 2
15. Ông Ngô Văn Quý (1963), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tín nhiệm cao - 40, tín nhiệm - 33, tín nhiệm thấp - 18
Trong số 7 Phó Chủ tịch UBND có 3 người không nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm đợt này vì chưa đủ thời gian theo quy định.
-------------------------
VN không có cải thiện về điểm số trong chỉ số cảm nhận tham nhũng
Cần những thay đổi mạnh mẽ trong các nỗ lực phòng, chống tham nhũng quốc gia.
Ngày 3-12,Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.
Năm nay, Việt Nam đạt31/100điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.Một điều đáng chú ý là điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba (03) năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Một điểm đáng quan tâm khác là: Trong khi Việt Nam không có thay đổi về điểm số, các quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ. Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia và Myanmar.
Đa số các quốc gia trong khu vực đều có cải thiện về mặt điểm số (tăng từ 1 đến 3 điểm), ngoại trừ Myanmar là nước cũng không có thay đổi nào về điểm số, Lào (giảm 1 điểm) và Singgapore (giảm 2 điểm).
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT),Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, ghi nhận các quyết tâm và nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, trước thực tế cảm nhận về tham nhũng không thay đổi - cũng được phản ánh qua thực trạng người dân Việt Nam thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống, tham nhũng quốc gia - TT quan ngại rằng điều này thể hiện công cuộc đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt được những bước tiến cần thiết.
Để có được niềm tin và sự ủng hộ của người dân, cũng như để xây dựng uy tín cho Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, Việt Nam cần cho thấy những kết quả cụ thể trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.Điều này đòi hỏi một phương pháp đấu tranh tập trung và hướng tới các kết quả cụ thể hơn.
TT cũng khuyến nghị Chính phủ tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời giảm tham nhũng trong các lĩnh vực công được coi là thường xảy ra tham nhũng nhất. Cần có sự điều phối tốt hơn cũng như phân định rõ ràng hơn về chức năng và quyền hạn của các cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo các cơ quan này hoạt động hiệu quả, đồng thời cần tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động đấu tranh chống tham nhũng.
Để tăng cường tính minh bạch, Việt Nam cần sớm ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin. Bộ luật này cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền.
Trong bối cảnh Việt Nam đang sửa đổi Bộ Luật Hình sự và có kế hoạch đánh giá 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, tổ chức này khuyến nghị mọi thay đổi đối với hai văn bản luật này cần đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với các yêu cầu trong Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là một thành viên.
Để tăng cường hiệu quả của việc thực thi pháp luật, không những sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan cần được cải thiện, mà các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng cũng cần được gia tăng quyền hạn, đồng thời phải đảm bảo trách nhiệm giải trình. Theo đó, khuyến nghị Chính phủ cân nhắc việc chỉ định một cơ quan với đầy đủ chức năng, thẩm quyền, sự độc lập và năng lực để điều hành, điều phối và chịu trách nhiệm giải trình về công tác thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng.
Bất kì một văn bản luật hay nỗ lực phòng, chống tham nhũng nào cũng sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia và ủng hộ của người dân. Mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp khuyến khích sự tham gia của người dân, đặc biệt trong việc tố cáo tham nhũng, nhưng vẫn cần có những cơ chế thiết thực và hiệu quả hơn để khích lệ người dân sẵn sàng tố cáo. Những công dân dũng cảm từ chối và tố cáo tham nhũng cần nhận được sự khen thưởng và bảo vệ xứng đáng.
--------------------------