Formosa coi thường chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh
Sau khi Cty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Cty FHS) đề xuất xây dựng miếu thờ tại Khu kinh tế Vũng Áng, Tỉnh ủy Hà Tĩnh thông báo về việc chỉ đạo dừng xây dựng miếu thờ. Tuy nhiên, phía Formosa vẫn cho xây dựng miếu thờ.
Ngày 4/6, Cty FHS có văn bản số 1406004/CV-FHS gửi Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Vũng Áng (nay là BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh) về việc xin phép xây dựng miếu thờ trong Khu kinh tế Vũng Áng với nội dung “Để an ủi phần nào tâm linh của người dân quanh vùng và nhân viên trong khu vực nhà máy, Cty FHS quy hoạch xây dựng miếu thờ ở phía trước bên phải tòa nhà hành chính của khu sinh hoạt”.
Theo đó, FHS đề xuất xây dựng miếu thờ với diện tích 18m2, rộng 3,6 m, dài 5,1 m, cao 4,5 m.
Sau khi nghiên cứu đề xuất của Cty FHS, và nhận thấy dư luận không đồng tình với đề xuất trên, ngày 7/7, tại cuộc họp giao ban tuần, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh thống nhất không đồng ý đề xuất xây miếu thờ trong dự án của Cty FHS.
Thông báo số 510-TB/TU (ngày 11/7) của Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu: “Sau khi nghe báo cáo và các thông tin về việc phản ánh của dư luận là không đồng tình với việc Cty FHS đề xuất xây dựng miếu thờ trong dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, nay Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng ủy nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, các sở ban ngành cấp tỉnh có liên quan và huyện Kỳ Anh làm việc để dừng triển khai theo đề xuất xây dựng miếu thờ của Cty FHS; đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung trên và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy”.
Một lãnh đạo của BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh nói rằng, cách đây bốn ngày, BQL KKT tỉnh ký văn bản đình chỉ việc xây dựng miếu thờ của Cty FHS. “Họ tự ý xây thì mình phải đình chỉ”, vị này nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, ông Bùi Đức Hạnh nói: “Xây miếu thờ là việc làm ở trong hàng rào Khu kinh tế, chúng tôi chưa vào đó. Ở trong đó là việc của BQL KKT tỉnh”.
Theo ông Hạnh, trước đó, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã nhận được thông báo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc không cho xây dựng miếu thờ ở trong Khu kinh tế Vũng Áng.
-------------------------
Bộ Quốc phòng đề nghị 2018 xây cầu Thủ Thiêm 2
Bộ Quốc phòng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM và Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thời điểm thích hợp triển khai thi công cầu Thủ Thiêm 2.
Theo đó, Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM khởi công xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 2 (Q.2 - Q.1) từ năm 2018 (thay vì tháng 11-2014 như dự kiến).
Ưu tiên tạo điều kiện tối đa cho Tổng Công ty Ba Son có thời gian thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng từ nay đến hết năm 2017, góp phần tốt hơn nữa cho nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Theo Bộ Quốc phòng, từ năm 2010, UBND TP.HCM đã lập dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 để kết nối hạ tầng giao thông khu vực trung tâm TP với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo thiết kế, dự án có điểm đầu trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1), chạy dọc đường về phía Đông, cắt ngang qua đất và các công trình phục vụ đóng tàu của Tổng công ty Ba Son. Tiếp đó vượt qua sông Sài Gòn đến điểm cuối tại đường Nối Cầu (Q.2).
Như vậy, dự án sẽ chiếm dụng một phần đất quốc phòng (khoảng 12.000m2), đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất quốc phòng của Tổng công ty Ba Son (P.Bến Nghé, Q.1).
Cũng theo Bộ Quốc phòng, hiện Tổng công ty Ba Son đang thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng để phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, nếu dự án khởi công từ tháng 11-2014 đến 11-2016 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng.
Thậm chí có thể làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động của nhà máy do chiều cao tĩnh không thông thuyền của cầu chỉ 10m.
-------------------------
Bộ GTVT giải trình chưa thuyết phục vốn cho sân bay Long Thành
Ngày 24/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh: Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, nhưng cần phải cân đối được nguồn vốn.
Ông Kiêm cho biết, điều các đại biểu quan tâm là vốn huy động ra sao. Các đại biểu cũng rất băn khoăn tác động của dự án đến cơ cấu nợ công hiện rất cao và tới cuối năm nay đã sát trần (64%).
Tuy nhiên, tại cuộc họp chiều qua với Ủy ban Kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chưa giải trình thuyết phục và xin tiếp thu ý kiến để chuẩn bị thêm.
Bộ cũng thừa nhận, có sự nhầm lẫn về các nguồn vốn dự kiến thu xếp được cho dự án đã nêu trong tờ trình và các văn bản trước đó. Trong những ngày tới, Bộ sẽ chỉnh sửa và làm rõ hơn trong các văn bản trình Quốc hội để đại biểu cho ý kiến thảo luận.
“Theo tôi, cần phải giải quyết thấu đáo vấn đề vay vốn và trả nợ. Nên để cho doanh nghiệp tự vay, tự trả để không làm ảnh hưởng nợ công, đến ngân sách. Nếu làm được việc này, dự án có thể triển khai” – ông Kiêm nói.
Cũng theo ông Kiêm, dù các nguồn vay có thể sẽ được thực hiện bằng việc xã hội hóa, tuy nhiên vẫn có áp lực là phải cân đối được ngoại tệ để trả nợ.
Chưa cấp bách
Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Chúng tôi đánh giá dự án là cần thiết, nhưng chưa phải cấp bách. Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là nhiệm vụ không chỉ của nhiệm kỳ này, mà cả nhiệm kỳ sau.
Hiện nay, chúng ta vẫn phải rà soát những vấn đề với sân bay Tân Sơn Nhất, đặt vấn đề khả năng của sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay quốc tế Cần Thơ, Cam Ranh, cũng như với tổng thể quy hoạch phát triển GTVT Việt Nam để xem ngành hàng không chiếm tỷ trọng được bao nhiêu trong vận tải hành khách, vận tải hàng hoá.
Ngoài ra, sân bay Phú Quốc tới đây cũng thành sân bay quốc tế, chắc chắn cũng hút lượng khách nhất định. Vậy các sân bay lân cận sẽ chia sẻ dòng khách của Tân Sơn Nhất như thế nào? Với nghiên cứu hiện tại, chúng ta chưa trả lời được câu hỏi đó. Vậy nên, chúng ta phải tiếp tục đề nghị phải làm rõ nội dung này.
“Mặt khác phải đặt dự án trong bối cảnh đang cải thiện hệ thống giao thông vận tải đường thuỷ khu vực Nam Bộ, đầu tư tuyến đường cao tốc Trung Lương đi Cần Thơ. Nếu cho phép chạy tốc độ 120km/h, thời gian đi từ Cần Thơ đến TPHCM và các tỉnh lân cận sẽ khác, phân luồng hành khách sẽ khác. Bài toán đó, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia của Hội đồng thẩm định nhà nước và cán bộ của Bộ GTVT trao đổi, bàn rất kỹ trong cuộc họp chiều qua” – ông Kiên nói.
Những nội dung còn băn khoăn đó, theo ông Kiên, sẽ được Ủy ban Kinh tế đưa vào báo cáo đưa ra Quốc hội xem xét vào ngày 29/10 tới.
-------------------------
Đoàn đại biểu cấp cao Hiệp hội Nhân dân Singapore thăm TPHCM
Nhận lời mời của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao Hiệp hội Nhân dân Singapore đã có chuyến thăm Việt Nam và chiều tối 24.10, đoàn đã đến TPHCM.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã tiếp đón thân mật đoàn đại biểu cấp cao Hiệp hội Nhân dân Singapore do ông Ang Hak Seng, Giám đốc điều hành Hiệp hội làm trưởng đoàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà đã giới thiệu vắn tắt tình hình kinh tế xã hội của TPHCM, đồng thời bày tỏ sự vui mừng trước mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của TPHCM. Hiện tại, TPHCM có khoảng 60 doanh nghiệp Singapore đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD.
Ông Ang Hak Seng khẳng định, mối quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây ngày càng đặc biệt, được triển khai toàn diện từ chính phủ đến người dân. Chuyến thăm Việt Nam cũng là cơ hội để hai bên tiếp tục trao đổi hơn nữa kinh nghiệm trong việc truyền tải tiếng nói của người dân tới chính quyền cũng như tác động để chính quyền có những quyết sách hợp lòng dân…
-------------------------
Bất thường thương lái Trung Quốc thu mua hạt na ở Lạng Sơn
Gần hai tháng nay, nhiều thương lái huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) thu mua hạt na bán sang Trung Quốc với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Người dân vừa nhặt hạt bán, vừa hoang mang.
Bà Lê Thanh Bình, tiểu thương buôn bán hoa quả tại chợ Chi Lăng (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) cho biết, khoảng giữa tháng 8 vào vụ thu hoạch na. Khác với mọi năm, thương lái ngoài thu mua quả, còn mua cả hạt. Trước đây người dân ăn na xong vứt hạt thì nay thu gom lại, đem rửa sạch, phơi khô, dồn lại chờ thương lái đến tận nhà mua, giá khoảng 100.000 đồng. “Sang đến Trung Quốc thì giá có thể được gấp đôi, thập chí gấp ba”, bà Bình cho biết.
Nhiều người dân kéo nhau vào rừng na nhặt hạt bán kiếm lời. Một người khoe: “Dưới gốc cây na thường có nhiều hạt do quả na rơi xuống, thối rữa để lại. Đây đang là cuối vụ, quả thối rụng nhiều, có buổi chúng tôi nhặt được một kg hạt. Ở đây không có nghề gì khác nên chúng tôi rủ nhau đi nhặt hạt na”.
Theo người dân, tiểu thương thu gom về sẽ đóng vào bao tải, dùng xe ô tô chở thẳng sang Trung Quốc bán. “Nghe nói họ thu mua hạt về để ươm giống, đợi đến mùa xuân tới sẽ trồng cây”, một tiểu thương cho hay.
Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết, cây na bắt đầu được trồng ở đây từ năm 1986, do một dòng họ ở Hoài Đức, Hà Nội di cư mang theo. Giống na này trồng ở Hoài Đức không cho chất lượng tốt, nhưng khi mang lên Chi Lăng, do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cho quả to, ăn ngọt, bùi, giá trị kinh tế cao. Tổng giá trị sau mỗi vụ thu hoạch trên toàn huyện vào khoảng 100 tỷ đồng.
Riêng xã Chi Lăng, khoảng 80% người dân trồng na, nhiều thì vài ha, ít cũng mấy sào. “Trước đây địa phương tôi rất nghèo, ngoài trồng lúa không có cây gì mang lại hiệu quả kinh tế. Độ chục năm nay, cây na phát triển, được người tiêu dùng trong nước và Trung Quốc biết đến ưa chuộng nên kinh tế nơi này phát triển theo. Nhiều gia đình thoát nghèo, có gia đình trở nên giàu có nhờ cây na”, ông Khai cho biết.
Thời gian đúng vụ, giá một kg na dao động từ 25.000 đến 35.000 đồng. Cuối vụ như hiện nay, giá cao đến 70.000 đồng/kg. Trước thông tin người Trung Quốc thu mua hạt na về ươm giống, người dân địa phương lo lắng sau vài năm nữa giống na Chi Lăng sẽ phải cạnh tranh với chính “người anh em” của mình khi lứa cây mới trồng cho thu hoạch.
Ông Khai cho biết, tại một số vùng nông thôn Trung Quốc, khu vực giáp với Lạng Sơn, chưa có sự xuất hiện của cây na. Tuy nhiên, ông khá bình tĩnh cho rằng, giống na Chi Lăng rất kén đất, không phải khí hậu, thổ nhưỡng nào cây cũng thích hợp, phát triển tốt, cho quả to, ngon.
“Một số địa phương lân cận đem giống na này về trồng nhưng không cho quả chất lượng. Bởi vậy, dù Trung Quốc có đem giống na này về trồng, tôi tin cũng không ngon bằng na trồng ở đây. Tuy nhiên nguy cơ na của họ làm ảnh hưởng mình là rất lớn”, ông Khai nói.
Chính quyền xã cũng đang kiểm tra, rà soát, vận động người dân không nên bán hạt na sang Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh có biện pháp bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết:
Trước thông tin Trung Quốc thu mua hạt na, bà chưa nhận được báo cáo chính thức từ địa phương. Tuy nhiên bà Nhàn sẽ kiểm tra lại thông tin, nếu tình trạng hạt na được người Trung Quốc thu mua, cơ quan chức năng nông nghiệp tỉnh sẽ nghiên cứu biện pháp để trong tương lai, thương hiệu na Chi Lăng không bị ảnh hưởng.
Năm 2011, Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam trao Quyết định Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho na Chi Lăng. Đây là cơ sở pháp lý để giống na này phát triển thương hiệu, chống vi phạm bản quyền nhãn hiệu từ các giống na ở địa phương khác.
-------------------------