Triều Tiên xem Trung Quốc là “kẻ thù ngàn năm”
Quan chức các cấp ở Bình Nhưỡng đã nhận được chỉ thị của ông Kim Jong-un nói rằng “Nhật Bản là kẻ thù trăm năm, Trung Quốc là kẻ thù ngàn năm”, theo tờ Sankei (Nhật Bản).
Xét trên động thái đẩy mạnh ngoại giao trong khu vực và thế giới của Triều Tiên gần đây, một số nhà phân tích nhận định Bình Nhưỡng có chủ đích thoát khỏi sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Sankei còn tiết lộ gần đây Triều Tiên đã mua số lượng lớn thiết bị nghe lén từ Đức để kiểm soát quan chức nước này ở phạm vi rộng hơn, củng cố vị thế của cấp lãnh đạo.
Cũng theo Sankei, vụ xử tử 12 quan chức diễn ra hôm 6-10 tại trường bắn một học viện quân đội ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Lực lượng cảnh sát mật của Cục An ninh quốc gia Triều Tiên đã tử hình 10 người, trong đó có 3 quan chức thuộc đảng Lao động nước này.
Ngày 11-10, thêm 2 thư ký cao cấp của đảng ở thành phố Haeju bị hành quyết. Phương thức hành động lần này của Triều Tiên được cho là tương đồng với vụ thanh trừng người dượng Jang Song-thaek của ông Kim Jong-un hồi tháng 12-2013. Tội danh của những nhân vật bị xử tử được cho là giống với ông Jang.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo ngày 23-10 nói rằng dường như ông Kim Jong-un vẫn nắm quyền kiểm soát Triều Tiên, ít nhất là “vẻ bề ngoài”. “Sự cô lập về ngoại giao và khủng hoảng kinh tế kinh niên của họ sẽ làm gia tăng bất ổn về lâu dài” – ông Han phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm Góc sau khi gặp người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel.
Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nhất trí duy trì quyền chỉ huy thời chiến đối với lực lượng liên quân tại Hàn Quốc trong tay Washington. Quyền chỉ huy này bị hoãn chuyển giao cho Seoul đến tháng 12-2015 theo đề nghị của chính Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2-2013.
Tân Hoa Xã ngày 24-10 dẫn thông báo của Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ông Kim Jong-un giám sát diễn tập quân sự. Diễn tập có sự tham gia của máy bay trực thăng, tên lửa vác vai và các loại pháo tự hành. Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã chỉ thị cho quân đội thường xuyên tập trận.
-------------------------
Trung Quốc trừng phạt 17 quan chức ở tỉnh Vân Nam
Hãng tin Tân Hoa Xã vừa cho biết chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ 1 quan chức và trừng phạt 16 quan chức khác liên quan đến vụ bạo lực gây chết người ở tỉnh Vân Nam mới đây.
Ngày 14-10, một vụ đụng độ xảy ra tại ngôi làng Fuyou do người dân không hài lòng về số tiền bồi thường theo thỏa thuận đất đai đằng sau kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ Pan-Asia.
Hàng trăm người tham gia vụ đụng độ khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 4 công nhân xây dựng và 18 người bị thương.
Sau vụ việc, chính quyền tỉnh Vân Nam tiến hành điều tra 16 quan chức liên quan đến dự án vì “trốn tránh trách nhiệm và không giải quyết triệt để khiếu nại của người dân, gây hậu quả nghiêm trọng và khủng khiếp”. Riêng trưởng làng Fuyou, Li Jiaming bị bắt vì tội danh nhận hối lộ.
6 trong số 16 quan chức bị đình chỉ chức vụ hoặc sa thải. Nhà chức trách địa phương tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người tham gia vụ bạo lực.
Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc mở rộng các dự án xây dựng để phát triển kinh tế làm phát sinh nhiều vụ tranh chấp về đất đai.
Do phần lớn đất đai tại Trung Quốc thuộc sở hữu của chính phủ nên khi cần bán đất để phát triển dự án, người dân thường được bồi thường không thỏa đáng, dẫn đến bất bình.
Một số quan chức địa phương còn nhận hối lộ và trả tiền bồi thường không đủ.
Hồi năm 2011, các quan chức làng Wukan bị người dân ném ra khỏi làng cũng vì vấn đề tiền bồi thường không thỏa đáng.
-------------------------
Trung Quốc im tiếng về vụ Chu Vĩnh Khang
Phiên họp toàn thể trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc hôm 23-10 tuyên bố cải cách tư pháp nhằm giúp các thẩm phán độc lập hơn, hạn chế ảnh hưởng của quan chức với tòa án song không nhắc tới số phận cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang.
Việc không đả động gì đến vụ điều tra ông Chu Vĩnh Khang đã là một bất ngờ lớn và gây thất vọng cho một số nhà quan sát Trung Quốc.
Trước đây, có thông tin cho rằng cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị này sẽ bị khai trừ đảng trong hội nghị trung ương 4 và chuyển cho các cơ quan tố tụng xử lý theo luật định trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.
Tân Hoa Xã đưa tin Cơ quan giám sát, chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương sẽ tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4 vào ngày 25-10. Ông Trình Lợi thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng có thể ông Tập Cận Bình không muốn vụ Chu Vĩnh Khang làm lu mờ vấn đề chính là cải cách pháp luật.
Hội nghị đã khai trừ đảng 6 quan chức tham nhũng gồm cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, cựu Phó giám đốc Tập đoàn dầu khí Trung Quốc Vương Vĩnh Xuân, cựu Phó bí thư Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, cựu Bí thư Quảng Châu Vạn Khánh Lương và Phó Tư lệnh quân khu Thành Đô Dương Kim Sơn.
Trong khi đó, các biện pháp cải cách tư pháp phản ánh những lo ngại của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước thực trạng gia tăng bất ổn xã hội trong những năm gần đây. Sự tức giận của người dân về việc đất đai của họ bị chiếm đoạt, tham nhũng, ô nhiễm môi trường và không được tòa án giải quyết đã dẫn đến bạo lực giữa người dân với cảnh sát. Đây là lần đầu tiên đảng Cộng sản Trung Quốc đưa vấn đề quản lý nhà nước bằng pháp luật vào một kỳ họp trung ương.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Trình Lợi, đây không phải một quyết định mang tính bước ngoặt, chắc chắn nó không phải là một sự thay đổi triết học hay ý thức hệ. Ngược lại, ông Trương Lập Phàm, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh, đánh giá kết quả hội nghị trung ương 4 là một “trở ngại lớn” vì không có gì mới, không có gì khác so với 18 năm trước.
-------------------------
Ấn Độ xây đường sắt tại khu vực tranh chấp với Trung Quốc
Chính phủ Ấn Độ mới đây đã bắt đầu tiến trình xây dựng 4 tuyến đường sắt chiến lược dọc biên giới với Trung Quốc sau khi dự án bị trì hoãn nhiều năm vì chưa đạt được sự thống nhất trong giới lãnh đạo cấp cao.
Tuần trước, tại cuộc họp với các quan chức Ủy ban Kế hoạch, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, văn phòng thủ tướng Ấn Độ đã yêu cầu Bộ Đường sắt khảo sát chi tiết kỹ thuật của tuyến đường sắt dài 1.000 km nằm ở khu vực Arunachal Pradesh, bang Assam, Himachal Pradesh, Jammu và Kashmir.
Bộ Đường sắt Ấn Độ sẽ phải báo cáo kinh phí của đợt khảo sát chi tiết lần này vào tháng sau. Nguồn tin cho biết chi phí ước tính hơn 32 triệu USD được trích từ ngân sách chính phủ.
Tuyến đường sắt trên là bộ phận hợp thành của 14 tuyến đường sắt chiến lược của lực lượng vũ trang Ấn Độ, trong trường hợp cần thiết có thể dùng để vận chuyển vật tư cho quân đội và điều động binh lính.
Trước đó, hôm 15-10 Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan tâm sau khi Ấn Độ công bố kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt nói trên. Phía Bắc Kinh tuyên bố hy vọng New Delhi không làm phức tạp thêm tình hình căng thẳng hiện nay.
-----------------------
IS tấn công cảnh sát Irag bằng vũ khí hóa học
11 viên cảnh sát Iraq đã được đưa tới bệnh viện sau một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện ngày 15-9 nhưng đến ngày 24-10, vụ việc mới được công bố.
Bộ Quốc phòng Iraq cho biết đây là cuộc tấn công đầu tiên bằng hóa chất của IS. Theo tờ Washington Post, vụ việc xảy ra ngày 15-9 tại thị trấn Duluiyah, phía Bắc thủ đô Baghdad. Các tay súng IS giao tranh với các thành viên của bộ tộc người Sunni, Jabbour, sau đó kích hoạt một vụ nổ.
Viên cảnh sát Khairalla al-Jabbouri, một trong những người sống sót, kể lại đó là một vụ nổ hết sức kỳ lạ. Khói vàng bốc lên bầu trời và một màn sương bay là là mặt đất. Đây là dấu hiệu của việc sử dụng khí clo , vốn có trọng lượng nặng hơn không khí.
Các bác sĩ điều trị cho những người bị thương xác nhận họ bị ngộ độc khí clo. Giám đốc Kasim Hatim của bệnh viện gần TP Balad thông báo: “Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng đó là một loại chất độc tác động tới hệ thần kinh hoặc một loại phosphat hữu cơ. Nhưng đều không phải”.
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Iraq gần đây cho thấy IS sử dụng khí gas theo “cách thức nguyên thủy và không hiệu quả”. Mục đích các cuộc tấn công nhằm làm suy yếu “tinh thần của người dân Iraq nói chung và lực lượng vũ trang Iraq nói riêng”.
Thông tin về việc IS sử dụng khí clo trong các cuộc xung đột xuất hiện sau khi tổ chức này chiếm được một nhà máy sản xuất vũ khí hóa học lớn của Iraq mùa hè vừa qua, bao gồm 2.500 quả rốc-két “quá đát”.
Trong lúc này, hiệu quả các chiến dịch không kích IS do Mỹ và liên quân tiến hành tại Iraq và Syria vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi. Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ (CC) tiết lộ 632 cuộc không kích đã được thực hiện, dội hơn 1.700 quả bom xuống các mục tiêu như trạm chỉ huy, cơ sở hậu cần… của IS kể từ tháng 8.
Hầu hết các vụ không kích đều do Mỹ huy động, 4 quốc gia Ả Rập chỉ tham gia 79 vụ. Trong đó, 346 cuộc không kích diễn ra tại Iraq và 286 vụ được thực hiện tại Syria. Các quốc gia hỗ trợ Mỹ bao gồm Úc, Bỉ, Anh và Hà Lan tại Iraq; Bahrain, Jordan, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tại Syria.
Hiện IS đã trở thành một trong những tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, thu được hàng chục triệu USD mỗi tháng từ hoạt động bán dầu mỏ bất hợp pháp, bắt cóc đòi tiền chuộc và tống tiền.
Tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, IS bỏ túi 20 triệu USD tiền chuộc các nhà báo và con tin châu Âu, 1 triệu USD/ngày nhờ bán dầu thô trên thị trường chợ đen.
Tuy nhiên, IS vẫn không có đủ tiền để trang trải chi phí các dịch vụ cơ bản cho người dân địa phương tại các khu vực do tổ chức này kiểm soát.
-------------------------