Con bị tăng án, mẹ chui vào gầm xe đòi tự vẫn
Ngày 24-10, Tòa Phúc Thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng nghị của VKSND TP HCM,tăng án từ 20 năm lên tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thế Sơn (SN 1988, ngụ quận Gò Vấp) về tội “Giết người”.
Theo bản án sơ thẩm, Sơn đã bị Đ.K.H. (SN 1994, tự Nhóc ác) vô cớ chém gây thương tích 2% vĩnh viễn. Sau khi bị chém, Sơn đã đến công an địa phương gởi đơn tố cáo yêu cầu can thiệp và có biện pháp xử lý H. Nhận đơn, công an đã mời H. lên làm việc, nhắc nhở nhưng H. vẫn nhiều lần hăm dọa sẽ “xử” Sơn.
Tối 4-8-2013, Sơn cùng 2 thanh niên khác đang ngồi uống nước gần nhà thì thấy H. chạy xe máy ngang qua. Sơn nhớ lại chuyện bị H. chém và dọa đánh mình nên kể lại chuyện cho hai người bạn nghe. Sau đó, cả 3 lấy xe máy chạy đến phòng trọ của H. để “dạy cho H. một bài học”.
Nhóm Sơn dùng roi điện chích vào người H., H. lấy dao quơ tự vệ nhưng dao rớt xuống đất. Ngay lập tức, Sơn chụp dao đâm liên tiếp nhiều nhát khiến H. tử vong sau đó.
Nhận định hành vi của Sơn là nguy hiểm, phạm tội đến cùng và bỏ mặc hậu quả xảy ra nên tòa chấp nhận kháng nghị tăng án của Viện trưởng VKSND TP HCM.
Sau khi tòa tuyên án, mẹ và em trai của Sơn đã la hét, đập đầu vào cửa, hành lang vì cho rằng “Nhóc ác là một kẻ giang hồ, nhiều lần đánh đập Sơn nên Sơn trả đũa”. Sau đó, mẹ Sơn chui vào gầm xe chở phạm nhân đòi tự vẫn nhưng được bảo vệ và người nhà khuyên răn, ngăn cản.
-------------------------
Hiệu trưởng, kế toán bị đình chỉ công tác
Hiệu trưởng và kế toán Trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vừa bị đình chỉ công tác vì sai phạm thu, chi tài chính.
Thông tin trên được ông Phạm Thanh Hà - trưởng Phòng Nội vụ huyện miền núi Ngọc Lặc cho Tuổi Trẻ biết sáng 24-10.
Theo quyết định của UBND huyện Ngọc Lặc, ông Phạm Xuân Sinh - hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc bị đình chỉ công tác từ ngày 24-10 đến hết ngày 7-11, để thực hiện kết luận thanh tra của huyện về những sai phạm tại trường. Ông Trịnh Hồng Xuân - kế toán nhà trường cũng bị đình chỉ công tác.
Công tác quản lý, điều hành nhà trường được giao cho ông Phạm Văn Cương- phó hiệu trưởng nhà trường.
Như TTO đã đưa tin (Sai phạm tiền tỉ tại Trường THCS Dân tộc nội trú Ngọc Lặc), theo kết luận của Thanh tra huyện Ngọc Lặc, trong những năm qua, nhà trường trừ tiền hỗ trợ của Nhà nước cho HS hàng tháng trái với quy định; thu tiền điện của các hộ dùng chung điện với nhà trường không đúng quy định…
UBND huyện đã yêu cầu nhà trường nộp số tiền chi học bổng hè và truy lĩnh học bổng hè của HS năm 2013 còn lại là: 129.872.000 đồng vào tài khoản tạm giữ để chờ xử lý; yêu cầu ông Phạm Xuân Sinh và ông Trịnh Hồng Xuân nộp lại số tiền học bổng của HS, chi ăn cho HS còn thừa trong ba năm (từ năm 2011 đến 2013) là: 942.248.870 đồng vào kho bạc huyện để chờ xử lý.
Riêng đối với ông Trịnh Hồng Xuân, chủ tịch UBND huyện yêu cầu nộp lại số tiền 691.576.261 đồng, gồm: tiền lắp đặt thiết bị giáo dục, tiền đưa HS đi tham quan, du lịch bằng nguồn ngân sách Nhà nước cấp năm 2011 và 2012; tiền lương, bảo hiểm xã hội chi trả thiếu cho các cán bộ, giáo viên nghỉ thai sản vào kho bạc huyện để chờ xử lý của cấp trên.
-------------------------
Bị phạt cải tạo 12 tháng vì đánh bạc, thầy vẫn được đứng lớp
Ngày 23-10, trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Lê Thúy Lan, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) xác nhận có việc 2 thầy giáo thuộc biên chế do huyện quản lý có tham gia đánh bạc và bị TAND huyện Như Thanh đưa ra xét xử.
2 thầy giáo tham gia đánh bạc là Đỗ Xuân Minh (SN 1991, dạy Trường Tiểu học Xuân Phúc) và Hoàng Văn Nam (SN 1977, dạy Trường THCS Xuân Thái). 2 thầy giáo này đều dạy bộ môn thể dục.
Theo tài liệu điều tra, vào chiều ngày 30-7, Công an huyện Như Thanh đã bắt quả tang 4 người đang tham gia đánh bạc ở khu phố 3, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh. Tại chỗ, cơ quan chức năng đã thu được 4,5 triệu đồng. Điều đáng nói trong số 4 người tham gia đánh bạc có 2 thầy giáo Nam và Minh.
Đến ngày 29-9, TAND huyện Như Thanh đã đưa vụ án trên ra xét xử, các bị cáo bị truy tố về tội “Đánh bạc”. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Nam mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ và khấu trừ thu nhập 5 triệu đồng, Đỗ Xuân Minh bị xử phạt hình thức phạt tiền là 10 triêụ đồng.
Sau khi sự việc xảy ra, 2 thầy giáo vẫn đi dạy bình thường và chưa nhận hình thức kỷ luật nào. Về việc này, bà Lan cho biết chưa nhận được thông báo nào từ cấp dưới báo cáo về vụ việc này. “Nhưng chúng tôi có biết, hiện tòa án chưa gửi thông báo sang cho huyện nên chúng tôi không có căn cứ để xử lý. Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm, không bao che” - bà Lan khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Phong, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Như Thanh, sau khi bản án có hiệu lực chúng tôi sẽ thông báo về địa phương nơi 2 thầy giáo đang cư trú đề thi hành án, đồng thời sẽ có báo cáo sang huyện. “Hiện thời gian kháng án, kháng nghị đang còn nên chúng tôi chưa ra thông báo” - bà Phong nói.
-------------------------
Cô bé bán vé số trở về sau 2 năm mất tích
Sợ cha mẹ đánh vì bán vé số ế, cô bé 13 tuổi bỏ nhà đi biệt suốt 2 năm. Tưởng con mình đã chết nên cha mẹ cô bé lập bàn thờ. Trong lúc chuẩn bị làm giỗ lần thứ 2, gia đình nhận được tin cầu cứu của con.
Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa giải cứu được Tăng Thị X. (15 tuổi, ngụ xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) khỏi quán cà phê ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP HCM.
Trong đêm 22-10, công an đã đưa X. về đoàn tụ với gia đình ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai.
Gia đình X. rất nghèo nên cô bé phải bỏ học sớm đi bán vé số quanh khu vực nhà thờ Tắc Sậy. Hơn 2 năm trước, bán vé số ế nhưng không kịp trả đại lý, cô bé 13 tuổi này không dám về nhà vì sợ bị cha mẹ đánh. Nhớ đến người phụ nữ (ở TP HCM) mà X. gặp trong một lần bà này đến nhà thờ hứa sẽ đưa X. về thành phố làm việc trong quán ăn của bà nên X. tự đón xe đò đi TP HCM, với hy vọng tìm được việc làm.
Đến Bến xe Miền Tây, X. lang thang đến chiều tối rồi đánh liều xin vào rửa chén, lặt rau cho một quán nhậu ven đường. Làm được khoảng 1 tuần X. bị cho nghỉ vì quán thừa lao động.
Không có việc làm, X. đi bộ ra bến xe hy vọng tìm được xe nào cho quá giang về Giá Rai nhưng tìm cả buổi vẫn không được. Một người đàn ông chạy xe ôm thấy tội nghiệp nên chở giùm đến một quán cà phê đang tuyển người giúp việc, lương tháng trên 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi vào làm X. không được trả lương, em có thu nhập nhờ tiền bo của khách vì đây là quán cà phê ôm trá hình.
Tuần trước, X. bất ngờ gặp một thanh niên cùng quê xã Tân Phong ghé quán uống nước nên nhờ người này nhắn cha mẹ báo công an, tìm cách giải cứu vì chủ quán không cho X. được sử dụng điện thoại hay đi đâu xa.
Nhận được trình báo, 2 cán bộ PC45 công an tỉnh Bạc Liêu lên TP HCM, cùng công an sở tại hỗ trợ, đưa em về quê. “Lúc đầu chúng tôi tưởng vụ này có liên quan đến mua bán người nhưng X. khai không bị ai mua bán, ép buộc làm điều gì vi phạm pháp luật nên đã đưa thiếu nữ về giao lại cho gia đình. X. nói trong 2 năm qua không bị ai xâm hại tình dục”- một cán bộ PC45 Công an Bạc Liêu cho biết.
-------------------------
Đề nghị truy tố Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa
Ông Lê Đức Hoàn - Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng’’ theo khoản 2, điều 285 Bộ Luật Hình sự (mức phạt tù từ 3-12 năm)
CQĐT VKSND Tối cao vừa tống đạt kết luận điều tra 6 bị can trong vụ án dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Theo đó, CQĐT cho rằng việc bắt ông Ngô Thanh Kiều tại nhà riêng để dẫn giải về trụ sở công an xã, sau đó đưa về trụ sở Công an TP Tuy Hòa giam giữ và làm việc về nội dung liên quan đến một số vụ trộm cắp tài sản mà không có lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền là có dấu hiệu của tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Tuy nhiên, xét thấy tại thời điểm bắt và áp giải ông Kiều đã có cơ sở xác định đối tượng này là người tham gia trộm cắp cùng Trần Minh Cường và Ngô Thanh Sơn vào đêm 11 rạng sáng 12-5-2012; sau khi bị phát hiện, truy đuổi đã bỏ trốn. Hơn nữa, các đối tượng trong vụ trộm cắp tài sản này đã khai nhận tội cùng ông Kiều trộm cắp nhiều lần; bản thân Kiều đã có nhiều tiền án, tiền sự nên việc bắt giải Kiều về trụ sở công an làm việc là có căn cứ, cần thiết.
Theo CQĐT, việc Công an TP Tuy Hòa để các chiến sĩ bắt ông Kiều khi không có quyết định bắt khẩn cấp và quyết định tạm giữ là thiếu các thủ tục về tố tụng nhưng chỉ vi phạm về mặt hình thức, không cần đề cập về mặt xử lý hình sự.
Cả 5 bị can Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Minh Quyền, Đỗ Như Huy, Nguyễn Tuấn Quang và Nguyễn Thân Thảo Thành đã dùng gậy cao su đánh khiến ông Kiều tử vong đều phạm vào tội “Dùng nhục hình” (khoản 3, điều 298 Bộ Luật Hình sự - BLHS, mức phạt từ 5-12 năm tù). Riêng đối với ông Lê Đức Hoàn - Phó trưởng công an kiêm Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa, Trưởng Ban Chuyên án 312T - đã thiếu trách nhiệm, không sâu sát, thiếu kiểm tra trong quá trình cấp dưới áp giải, bắt giữ ông Kiều mà không có lệnh, dùng nhục hình trong lấy lời khai dẫn đến việc nạn nhân tử vong. Ông Hoàn bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng’’ (khoản 2, điều 285 BLHS).
Đối với các ông Nguyễn Văn Lai, Võ Công Phi cùng một số công an có hành vi khóa tay ông Kiều để dẫn giải trong khi không có lệnh bắt giữ, VKSND Tối cao kiến nghị Công an tỉnh Phú Yên xử lý kỷ luật.
-------------------------