Việt - Nhật bàn về hợp tác an ninh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 24/10 tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama tại thủ đô Hà Nội. Ông Sugiyama đang ở thăm Việt Nam để tham dự Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5.
Theo thông cáo Bộ Ngoại giao, tại buổi tiếp, ông Phạm Bình Minh đánh giá cao việc hai bên tổ chức thành công Đối thoại Đối tác chiến lược Việt - Nhật lần này, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những bước phát triển mới gần đây trong quan hệ hai nước, tiêu biểu là việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3 vừa qua.
Ông Sugiyama khẳng định Nhật Bản luôn muốn đưa quan hệ với Việt Nam phát triển ngày càng toàn diện và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển thông qua việc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cũng như phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác kinh tế quan trọng.
Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 hôm nay diễn ra, trong đó Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam, và ông Sugiyama dẫn đầu đoàn Nhật Bản.
Hai bên đã trao đổi ý kiến về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng của mỗi nước và về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên quan tâm.
Hai trưởng đoàn nhất trí hai nước cần duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, phát huy vai trò và hiệu quả của các cơ chế đối thoại hiện có, cũng như tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, và phát triển ở khu vực, các vấn đề trên biển cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả cuộc Đối thoại lần này, đồng thời thỏa thuận vòng Đối thoại tiếp theo sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào năm tới.
-------------------------
Việt Nam cần 30 tỷ USD để kinh tế tăng trưởng xanh
Để kinh tế Việt Nam tăng trưởng xanh theo kịp xu thế chung toàn cầu, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, Việt Nam sẽ cần tới 30 tỷ USD.
Ngày 24/10, mở màn Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 về chủ đề tăng trưởng xanh và tái cơ cấu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT kiêm Phó Ban Kinh tế Trung ương, ông Đặng Huy Đông khẳng định, trong xu thế tất yếu hội nhập kinh tế, không có quốc gia nào nằm ngoài vòng xoáy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Mỗi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực bằng các sản phẩm dịch vụ có giá trị cao.
Theo ông Đông, một nền kinh tế tăng trưởng xanh phải tăng trưởng do con người và vì con người. Phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững. Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích lại tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông thừa nhận, Việt Nam đang gặp không ít thách thức trong vòng xoáy phát triển kinh tế tăng trưởng xanh. “Nguồn lực tài chính, nhân lực là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát triển tăng trưởng xanh”, ông Đông nói.
Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT), để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng xanh, cần nguồn tài chính lên tới 30 tỷ USD. Con số làm giật mình nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn.
Nhiều diễn giả đặt vấn đề: Trong bối cảnh nợ công, bội chi đang tăng cao, sắp vượt ngưỡng an toàn, liệu con số này có hợp lý. Ông Mai lý giải: “Trong 30 tỷ USD, sẽ có 70% huy động từ khối tư nhân, nhà nước chỉ góp 30%”. Làm phép tính đơn giản, 30% của 30 tỷ USD sẽ khoảng 9 tỷ USD, tức bằng 10% nợ công báo động hiện nay. Song ông Mai khẳng định, kế hoạch này không làm tăng gánh nặng cho ngân sách.
“Chương trình lấy ngân sách sẵn có của các cơ quan ban ngành chuyên môn và địa phương. Chỉ là cơ cấu lại chi ngân sách hiện tại”, ông Mai nói.
Ở khía cạnh khác, ông Koos Neefjes đến từ Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đặt ra câu hỏi cơ chế nào để huy động 70% trong tổng 30 tỷ USD từ tư nhân? Nếu không có cơ chế hợp lý sẽ rất khó thành hiện thực, vị chuyên gia này nhận định.
-------------------------
Liên Hợp Quốc khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam
Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua tiếp trưởng đại diện các tổ chức Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam nhân dịp 69 năm ngày thành lập LHQ (24/10/1945).
Đại diện LHQ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Thủ tướng cảm ơn các tổ chức LHQ vì sự hỗ trợ quý báu cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong suốt 37 năm qua, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, nỗ lực đóng góp có trách nhiệm cho công việc chung của LHQ và cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực để phát triển, trong đó có việc duy trì an ninh và an toàn hàng hải; nhấn mạnh cần giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQtế về Luật Biển năm 1982.
Thủ tướng hoan nghênh những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển triển niên kỷ, ghi nhận ý nghĩa của việc xây dựng chương trình nghị sự phát triển mới cho giai đoạn sau năm 2015, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hiệu quả hoạt động của LHQ.
Thay mặt các tổ chức LHQ, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam Pratibha Mehta đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy công cuộc giảm nghèo và hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ…
-------------------------
Giảm thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm từ năm 2015
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu (NK) đối với một số mặt hàng tại Biểu thuế NK ưu đãi để áp dụng từ ngày 1.1.2015.
Theo đó, thuế NK các sản phẩm cá, đông lạnh, trừ phi lê cá và các loại thịt khác thuộc nhóm 03.04 giảm từ 19% xuống còn 18%; ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (kể cả xe chở người có khoang hành lý chung) và ô tô đua từ 67% còn 64%; xe bốn bánh chủ động từ 70% còn 55%; mô tô và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ, mô tô thùng từ 47% còn 40%...
Ngoài ra, tại công văn lấy ý kiến gửi các bộ và các hiệp hội, Bộ Tài chính cho biết đã tiến hành rà soát Biểu thuế xuất khẩu, thuế NK ưu đãi năm 2014 để thực hiện cắt giảm theo cam kết WTO 2015. Trong đó, thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phế liệu sắt thép là 17% và phế liệu kim loại màu ở mức 22% đã thấp hơn hoặc bằng mức cam kết WTO nên dự kiến giữ nguyên các mức thuế này.
-------------------------