Trung Quốc hạ lãi suất và những tác động đến Việt Nam
Trung Quốc vừa quyết định điều chỉnh lãi suất tiêu chuẩn nhằm kích thích nền kinh tế đang có mức tăng trưởng chậm. Điều này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp trong nước mà còn ảnh hưởng đến các thị trường, doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Việt Nam.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa bất ngờ hạ lãi suất lần đầu tiên sau 2 năm. Theo đó, lãi suất tiêu chuẩn đối với các khoản tiền gửi đã giảm 25 điểm cơ sở và lãi suất cho vay giảm 40 điểm cơ sở. Khoản giảm này sẽ áp dụng trong một năm tính từ ngày 22.11.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh lãi suất tiêu chuẩn kể từ tháng 7.2012. Theo thông tin trên website của ngân hàng này, sau khi cắt giảm, lãi suất tiền gửi một năm là 2,75%, trong khi lãi suất cho vay là 5,6%.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực từ việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng chậm trong quý 3 vừa qua (7,3%) so với hai quý trước (lần lượt là 7,5% và 7,4%). đồng thời con số này đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý 1 năm 2009 (6,6%).
Ngoài ra, theo Tổng cục thống kê Trung Quốc, các số liệu về đầu tư vào tài sản cố định, lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2014 cũng thấp hơn so với mức dự báo. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể thực hiện được mục tiêu giữ tăng trưởng ở khoảng 7,5% trong năm nay.
Thêm vào đó, áp lực nguy cơ giảm phát và khả năng yếu đi về chi phí tài chính của một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải.
Giảm lãi suất là công cụ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cả về cung và cầu. Khi giảm lãi suất cơ bản thì lãi suất thị trường và chi phí đi vay cũng giảm theo. Điều này có thể giúp giải quyết vấn đề cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, tăng tổng cung cho nền kinh tế. Điều này dẫn tới xu hướng hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá ở cả thị trường nội địa và thị trường nước ngoài.
Ngoài ra giảm lãi suất sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, làm tăng tổng cầu. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, khi lãi suất hạ, thị trường đầu tư ở Trung Quốc có khả năng sẽ kém hấp dẫn hơn, đồng nhân dân tệ sẽ mất giá.
Đối với Việt Nam, thực tế là nước đang nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Trung Quốc. Cán cân thương mại hai nước đang chênh lệch khi mà xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong khi nhập khẩu ngày càng tăng.
Điều này càng trở nên đáng lo ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. Bởi như những phân tích ở trên, khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng sản xuất, hàng hóa Trung Quốc sẽ nhiều và cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc càng khó khăn. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc xuất sang thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.
-------------------------
Tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 137 tỉ USD
Theo ước tính của liên bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 11 đạt 13,2 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng qua đạt khoảng 137 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch gần 20,6 tỉ USD, tăng 14,5%, nhóm nhiên liệu và khoáng sản chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 8,42 tỉ USD trong 11 tháng, giảm 4,2%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm công nghiệp chế biến đạt cao nhất: 100,14 tỉ USD tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Liên bộ cũng ước tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 11 đạt 13,5 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng qua lên khoảng 134,97 tỉ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
-------------------------
TP.HCM: Cán bộ không dám uống nước của người dân dùng!
Ông Lê Thanh Hải rất lo lắng khi hơn 320.000 hộ dân thành phố chưa có nước sạch để sử dụng, trong khi tỉ lệ thất thoát nước là trên 30%. Ông yêu cầu các đơn vị liên quan phải báo cáo rõ nguyên nhân do thiếu vốn, do cơ chế hay do thiếu trách nhiệm, tư duy kém. Ông Lê Thanh Hải chỉ đạo phải khắc phục cho được tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ cần thiết cho người dân như nước sạch; đẩy mạnh những đề án xã hội hóa về nước sạch vì không cần vốn mà vẫn có nước sạch cho người dân theo giá nhà nước quy định. “Khi lãnh đạo thành phố kiểm tra thực tế, cán bộ báo cáo gần 100% hộ dân ngoại thành dùng nước hợp vệ sinh nhưng khi yêu cầu uống thử thì không ai dám. Lãnh đạo uống thì thấy nước có mùi tanh, chua, nhiễm phèn. Như vậy là không được. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình vào vị trí của người dân để thấu hiểu, để làm cho đúng, thực chất lo cho dân chứ không phải để lấy thành tích” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
(Theo Người Lao Động)
-------------------------
Ngân hàng “o bế” người vay
Thời điểm cuối năm, người dân thường tổng kết thu nhập rồi tính đến việc mua nhà. Vì thế, các ngân hàng bước vào cuộc đua cho vay với “vũ khí” chính là lãi suất
Tuy các ngân hàng (NH) đồng loạt đưa ra mức lãi suất cho vay dưới 10%/năm nhưng người vay vẫn đắn đo bởi các năm tiếp theo không ít NH áp dụng lãi suất thả nổi. Để khách hàng an tâm, nhiều NH đưa ra công thức tính lãi suất cho các năm tiếp theo.
Cố định lãi suất 3-5 năm
Ngày 18-11, chúng tôi đến NH Quốc tế (VIB) đề nghị vay 500 triệu đồng để mua nhà. Nhân viên NH thông báo lãi suất cho vay của 30 tháng đầu là 0,68%/tháng (7,2%/năm). Từ tháng 31 trở về sau, lãi suất cho vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng của VIB cộng với biên độ 4%.
Tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam, người vay tiền mua nhà có thể chọn cố định lãi suất 8,92%/năm trong 3 năm đầu. Từ năm thứ 4, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5%/năm. Trường hợp khách hàng chốt mức lãi suất 9,02%/năm trong 5 năm đầu thì lãi suất cho vay từ năm thứ 6 cũng bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5%/năm.
NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam đưa lãi suất cho vay mua nhà trong năm đầu tiên về mức 8%/năm, từ năm thứ 2, lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng với 3,5%.
Còn NH Tiên Phong cho vay mua nhà với lãi suất cố định 6,7% trong năm đầu. Năm thứ 2 lãi suất cho vay không quá 10%/năm. Các năm tiếp theo, NH này sẽ đưa ra mức lãi suất cơ bản rồi cộng với biên độ nhất định…
Cơ hội cho người vay
Lãnh đạo một số NH cho biết trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn khó khăn, hạn chế vay vốn thì việc đẩy mạnh cho vay mua nhà là tất yếu bởi đối tượng vay chủ yếu là cá nhân có thu nhập ổn định; các khoản vay thường dài hạn, bảo đảm cho NH có được dư nợ bền vững.
Tuy nhiên, tổng giám đốc một NH tại Hà Nội cho rằng lãi suất cho vay mua nhà hiện nay chỉ là bề nổi của thị trường bởi khách hàng thường chọn NH có lãi suất thấp để vay mà ít quan tâm đến chính sách cho vay của NH đó trong các năm tiếp theo. Mặt khác, lãi suất thấp trong năm đầu tiên cũng là yếu tố để NH lôi kéo người đã vay tiền từ các NH khác đang phải chịu mức lãi suất 12%-13%/năm.
Ông Lê Văn Tiếp (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết đã vay của một NH 700 triệu đồng với lãi suất 10%/năm và cứ 3-6 tháng sẽ điều chỉnh lãi suất/lần tùy theo diễn biến của thị trường. “Tháng 11-2014, khi lãi suất cho vay mua nhà giảm mạnh, tôi đề nghị NH giảm lãi suất xuống còn 9%/năm nhưng NH này không đồng ý. Do đó, tôi phải tất toán khoản vay để chuyển đến NH khác với lãi suất 9%/năm cố định trong 5 năm đầu” - ông Tiếp cho biết.
Giới phân tích cho rằng việc các NH dùng “vũ khí” lãi suất để thu hút khách hàng là cơ hội cho người có nhu cầu vay tiền mua nhà được hưởng lãi suất thấp. “Người được vay lãi suất càng thấp thì độ tín nhiệm phải càng cao. Tuy nhiên, ngoài yếu tố lãi suất, người vay cần quan tâm đến các điều kiện trả nợ...” - TS Cấn Văn Lực, cố vấn NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, nói.
-------------------------