Putin: 'Không ai cô lập được Nga'
Tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận khả năng Moscow bị cô lập do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng gây những hệ lụy lên chính các nước này.
"Chúng ta hiểu mối nguy hại của "bức màn sắt" với Nga. Chúng ta sẽ không bị đẩy vào con đường này trong bất kỳ trường hợp nào, không ai có thể dựng được bức tường quanh chúng ta. Điều đó là không thể", Reuters dẫn lời ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với Itar-Tass. Ông nhắc đến biểu tượng của sự chia cắt đông tây thời Chiến tranh Lạnh.
Theo tổng thống Nga, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, khiến giá dầu và đồng ruble giảm mạnh, sẽ gây nên "những ảnh hưởng tiêu cực và hệ lụy thê thảm cho cả các nước đưa ra các biện pháp chống lại Moscow".
Nếu mục đích là giá năng lượng thấp hơn thì những người đưa ra lệnh trừng phạt cũng bị ảnh hưởng. Putin nói giá dầu giảm, do nguồn cung tăng đến từ Mỹ, Arab Saudi và cả Iraq. Điều đó cũng có nghĩa là dầu bán ra từ tay IS, tổ chức khủng bố đang chiếm hữu một phần lớn đất đia Iraq, cũng sẽ tăng lên.
Đề cập tới bán đảo Crimea và miền đông Ukraine, tổng thống Nga kể lại khi ông hỏi quốc tịch, một số người dân nói họ không thấy khác biệt với dân Nga. "Nhưng khi Nga bắt đầu nói về điều đó và bảo vệ người dân và các lợi ích của mình, thì lập tức bị biến thành kẻ xấu", Putin nói. Tổng thống Nga nhắc lại lịch sử của Nga, mỗi khi Moscow vươn lên thì một số nước khác cảm thấy cần phải "kìm hãm" lại. Ông Putin còn khẳng định Nga không cần phải tranh cãi với phương Tây, mà đơn giản chỉ cần thực hiện các kế hoạch của mình.
Putin cho rằng vấn đề chính là các nước phương Tây muốn đẩy Nga về "chỗ của nó" theo cách nghĩ của họ, và nếu không có vấn đề Ukraine thì Mỹ và EU cũng "sẽ có một lý do khác. Luôn là như vậy:, tổng thống Nga nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cáo buộc phương Tây đang cố sử dụng các biện pháp trừng phạt áp đặt với Moscow vì cuộc khủng hoảng Ukraine để tìm cách "thay đổi chế độ" ở Nga.
Trong cuộc gặp với Mặt trận của Nhân dân hôm 18/11, tổng thống Nga cáo buộc Washington đang muốn khuất phục Moscow, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ sẽ không bao giờ đạt được mục đích. Ông Putin đang phải chịu áp lực từ giới lãnh đạo phương Tây vì cách xử lý cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn một năm nay ở Ukraine.
-------------------------
Tổng thống Putin có thể cách chức ông Medvedev
Phát biểu bên lề Diễn đàn Công dân Toàn Nga ngày 22-11, Chủ nhiệm Ủy ban Sáng kiến Công dân Alexei Kudrin tuyên bố ông không loại trừ khả năng chính phủ của Thủ tướng Dmitry Medvedev bị Tổng thống Vladimir Putin cách chức trong thời gian sắp tới.
Theo ông, nguyên nhân của sự kiện Tổng thống Putin cách chức Thủ tướng Medvedev có thể là cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga.
Cựu bộ trưởng tài chính Nga nhấn mạnh: “Trong thời gian sắp tới, chính phủ của Thủ tướng Medvedev có thể bị sa thải. Cơ sở để loại bỏ chính phủ đã có đủ. Trước hết, đó là các chỉ số kinh tế yếu kém”.
Tuy nhiên, khi được hỏi ông có sẵn sàng đứng đầu chính phủ Nga hay không, ông Kudrin trả lời chưa ai đề nghị ông điều đó.
Đồng thời, ông Kudrin cũng đoan chắc hiện ông không muốn ngồi vào chiếc ghế thủ tướng.
Ngoài ra, ông Kudrin nhận định số phận nước Nga hoàn toàn không phụ thuộc vào chiến tranh và những gì xảy ra trong các chiến hào, mà lệ thuộc trước hết vào các chỉ số kinh tế.
Ông quả quyết rằng cuộc khủng hoảng ở Nga nảy sinh do tình hình ở Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây.
-------------------------
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bàn việc “lật đổ” ông Assad
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong cuộc họp kéo dài 4 tiếng ở Istanbul ngày 22-11 rằng ông và Tổng thống Thỗ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thảo luận kế hoạch chuyển giao quyền lực ở Syria. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng cáo buộc Mỹ và đồng minh đang “bí mật” lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh khá miễn cưỡng của liên quân do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xung (IS) đang chiếm đóng nhiều nơi ở Syria và Iraq. Nước này mong muốn một chiến lược toàn diện hơn, bao gồm cả việc tước quyền Tổng thống Assad.
“Về Syria, chúng tôi đã thảo luận không chỉ về việc ngăn ISIL (Cách gọi khác của IS) có nơi trú ẩn an toàn chờ thời cơ phản công, biện pháp đánh bại chúng,… mà còn tăng cường sức mạnh phe đối lập Syria và đảm bảo một quá trình chuyển đổi khỏi chế độ của Assad” – ông Joe Biden nói trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Tayyip Erdogan.
Cũng trong ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng cáo buộc Mỹ cùng liên quân do Mỹ dẫn đầu đang chống IS ở Syira có thể chỉ là chiêu nhằm “bí mật” lật đổ chế độ Tổng thống Assad-đồng minh của Nga. “Nhiều khả năng đây không hẳn là một cuộc chiến chống IS mà là sự chuẩn bị cho chiến dịch thay đổi chế độ ở Syria dưới vỏ bọc chiến dịch chống khủng bố” - Hãng thông tấnTass dẫn lời Sergei Lavrov nói tại một diễn đàn của các chuyên gia chính trị ở Moscow.
Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc Mỹ đã có suy luận sai lệch về ông Assad khi cho rằng chế độ của Tổng thống Syria chịu trách nhiệm cho làn sóng phiến quân đổ về khu vực này. “Mỹ nói rằng chế độ Assad chịu trách nhiệm trong việc khiến những kẻ khủng bố kéo nhau đến khu vực này để làm lý do lật đổ ông. Tôi nghĩ đây là suy luận sai lệch hoàn toàn” - Sergei Lavrov phát biểu.
Trước đó, ông Sergei Lavrov cũng nói bằng các biện pháp trừng phạt, phương Tây không chỉ muốn ép buộc Nga thay đổi chính sách mà còn muốn Nga thay đổi chế độ.
-------------------------
Liên quân do Mỹ dẫn đầu giết 910 người
Nhóm giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Syria đã giết 910 người. Trong đó, 52 người là thường dân. Số liệu thống kê kể từ lúc Mỹ và đồng minh bắt đầu chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) từ 2 tháng trước.
Phần lớn các trường hợp tử vong, 785 người trong tổng số trên là IS. IS đã bị đẩy lùi dần khỏi những nơi chiếm đóng tại Syria và Iraq nhờ những cuộc không kích từ liên quân do Mỹ dẫn đầu với sự chiến đấu quyết liệt của người Kurd. Trong số 52 thường dân thiệt mạng có 5 phụ nữ, 8 trẻ em. Mỹ cho rằng những báo cáo có thương vong đối với thường dân là nghiêm trọng và sẽ điều tra chi tiết về những trường hợp tử vong này.
Nhóm giám sát báo cáo thêm rằng 72 thành viên nhánh Nusra Front của Al Qaeda ở Syria thiệt mạng trong các cuộc không kích.
Mỹ từng cho rằng mục tiêu của cả chiến dịch nhằm vào nhóm Khorasan-nhóm cựu chiến binh của Al Qaeda nằm dưới sự bảo hộ của Nusra Font, lực lượng khủng bố nguy hiểm ngang IS. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích, hoạt động khác không phân biệt được sự khác nhau giữa các nhóm này.
-------------------------