Lừa bán iPhone giá rẻ để cướp
Thời gian gần đây, nhiều nạn nhân đa phần là nữ đã bị các băng nhóm lừa đảo chuyên rao bán iPhone giá rẻ trên mạng, dụ đến địa điểm giao dịch để cướp tài sản.
Từ phản ánh của các nạn nhân, PV Thanh Niên đã vào cuộc điều tra. Lần theo thông tin rao trên mạng, chúng tôi gọi vào số 0937324... hỏi mua điện thoại iPhone 5S 32 Gb màu trắng với giá 7 triệu đồng thì được một thanh niên tên Trọng hẹn đến số 348 Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để giao dịch.
Đưa khách hàng vào tròng
Chiều 14.11, chúng tôi đến chỗ hẹn thì qua điện thoại Trọng yêu cầu chuyển địa điểm giao dịch đến ngã tư Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị. “Khoảng bao lâu nữa chị tới? Chị tới nhanh nhanh chứ em chờ lâu”, anh ta giục qua điện thoại.
Nhưng tới điểm hẹn lần này, chúng tôi vẫn không thấy ai đợi. Gọi tiếp cho Trọng thì anh ta trấn an: “Cứ đợi xíu, tới liền”. Trong lúc đó, hai thanh niên đi trên xe AirBlade màu đỏ trắng tiến lại rất gần chúng tôi còn Trọng thì thông báo qua điện thoại: “Em đi với bạn đúng không. Anh thấy em rồi cứ đứng đó đợi”.
Đợi 30 phút vẫn không thấy Trọng tới, chúng tôi gọi lại thì anh ta bảo: “Em chạy thẳng xuống khoảng 200 m thì thấy ngã tư Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí rồi đứng đó đợi anh. Anh thấy bên em không kẹt xe mà bên anh kẹt xe quá trời”.
Trong khi chúng tôi nói chuyện qua điện thoại với Trọng, hai thanh niên lạ mặt kia vẫn bám sát. Điều đáng nói, khi kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, Trọng quên tắt máy. Do vậy, khi anh ta dùng điện thoại khác gọi đồng bọn thì chúng tôi nghe rất rõ tiếng anh ta quát tháo: “Đ.M! Tao bảo là đang kẹt xe dụ tụi nó xuống Nguyễn Xí - Phạm Văn Đồng mà nó không đi, giờ tính sao mày?”.
Chúng tôi gọi lại yêu cầu Trọng đến điểm hẹn khác của chúng tôi thì anh ta từ chối. Trong lúc đó, hai thanh niên lạ mặt kia vẫn bám riết cho đến khi chúng tôi lưu thông qua khu vực đường đông người.
Đi một mình là bị cướp
Chị Thanh Thương (32 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết cách đây chưa đầy 4 tháng, khi thấy thông tin có người rao bán iPhone 5 màu trắng trên mạng thì chị gọi vào số điện thoại 0904691260 để hỏi mua. Bên kia đầu dây, giọng một nam thanh niên hướng dẫn chị tới một địa điểm ở đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp) để giao hàng. Vì thấy giá rẻ nên chị Thương nhờ chồng chở đến điểm hẹn để mua. “Lúc gần tới nơi thì tên đó gọi điện hỏi “chị đi tới đâu rồi, chị đi với ai, xe màu gì?”. Khi tôi trả lời là đang đi với chồng thì bên kia bỗng dưng tắt máy”, chị Thương kể lại.
Hôm sau, chị Thương tiếp tục tìm thấy trên mạng đăng thông tin bán điện thoại iPhone 5 màu trắng giá 7,1 triệu đồng. Khi chị gọi vào số điện thoại đăng kèm thì đầu dây bên kia giọng một phụ nữ xưng tên Yến hướng dẫn đến khu vực bệnh viện mắt ở đường Điện Biên Phủ để nhận hàng. Tới điểm hẹn, chị tiếp tục bị điều vào khu vực Ga Sài Gòn. Đến điểm hẹn, chờ mãi không thấy ai, chị gọi vào máy người tên Yến thì không liên lạc được. “Khi nói chuyện với Yến tôi có nói đi với em trai nên chắc bọn nó sợ không dám ra tay. Nếu đi một mình thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, chị Thương nói. Không may mắn như chị, cùng kịch bản trên, một số phụ nữ đã bị băng nhóm này lừa tới địa điểm vắng người rồi bất ngờ dùng vũ lực khống chế, lột sạch tài sản.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng (26 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) vẫn nhớ như in diễn biến lúc bị hai thanh niên dụ vào con hẻm rồi giật túi xách, cướp mất 5,4 triệu, 1 ĐTDĐ và nhiều giấy tờ khác. Theo lời kể của chị Hằng, đầu tháng 9.2014, sau khi xem tin trên mạng, chị gọi điện và được thanh niên tên Tùng hẹn đến ngã tư Quang Trung - Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp) để xem hàng. Đến nơi, người này dẫn chị vào một con hẻm quanh co gần đó. Lúc này chị thấy lo nên muốn bỏ cuộc thì anh ta trấn an: “Gần đến nơi rồi, vì đi làm lao động phổ thông nên thuê nhà trong hẻm cho rẻ, chứ không có điều kiện thuê ở mặt tiền”. Tin lời, chị Hằng theo anh ta chui vào con hẻm sâu và cuối cùng bị giật mất túi xách.
-------------------------
Phải “đánh rát” ma túy
Sáng 23-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã phát biểu bế mạc hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 20. Bí thư Thành ủy bày tỏ lo ngại khi tình hình phạm pháp hình sự gia tăng; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, nhất là ma túy và mại dâm gây bất ổn xã hội.
Giành giật lại từng con người
Theo đánh giá của UBND TP HCM, tội phạm về tệ nạn ma túy đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng ngang nhiên sử dụng trái phép chất ma túy, thực hiện các hành vi trộm cắp, cướp giật, sử dụng kim tiêm để đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của người dân, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của thành phố. Đáng lo là tỉ lệ người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng cao trong cơ cấu người nghiện và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thành phố có hơn 19.000 người nghiện trong hồ sơ quản lý, đó là chưa kể rất nhiều người chưa được thống kê. Phức tạp hơn là có đến 60% người nghiện đến từ các địa phương khác và số này có xu hướng tăng. Điều này làm Bí thư Lê Thanh Hải rất trăn trở. Ông nhấn mạnh: “Lực lượng công an, hải quan phải làm nòng cốt và cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc mới có thể đẩy lùi được tệ nạn này. Chúng ta phải đánh thật mạnh, thật rát, thật nghiêm với tệ nạn ma túy. Dứt khoát không để TP HCM trở thành địa bàn mà người nghiện về đây buôn bán, hút chích ma túy”.
Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, sâu xa việc đánh quyết liệt tội phạm ma túy là lo cho con người, giành giật lại một lớp thế hệ thanh thiếu niên đang bế tắc khi lỡ vào con đường nghiện ngập. Nhận diện gốc vấn đề, ông Lê Thanh Hải yêu cầu phải đấu tranh từ cơ sở, địa bàn dân cư. Song song đó, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội phải “phòng bệnh” bằng đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền cho thanh thiếu niên. “Mình nói văn hóa xuống cấp thì đây là một trong những nguyên nhân. Giờ tràn lan việc cha giết con, vợ giết chồng, cháu giết ông… Điều này đau lòng lắm. Phải làm tốt việc cai nghiện tự nguyện. Các cơ sở Đảng, mặt trận và đoàn thể chính trị trực tiếp ở địa bàn dân cư phải quyết liệt để giành giật lại từng con người cụ thể” - ông Lê Thanh Hải đề nghị.
Phân cấp rõ ràng chức trách, nhiệm vụ
Những vấn đề “nóng” khác cũng được ông Lê Thanh Hải yêu cầu các cấp ủy phải làm ngay sau hội nghị để tạo sự chuyển biến rõ nét. Về cải cách thủ tục hành chính, Bí thư Thành ủy cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. “Vấn đề này hội nghị Thành ủy lần nào cũng đề cập; cũng có nhiều góp ý, phát biểu. Chúng ta nói hoài nhưng dường như những hạn chế vẫn còn tồn tại như một căn bệnh” - ông bức xúc. Ông Lê Thanh Hải đặt vấn đề cần phải xem xét nghiêm túc đến nguyên nhân chủ quan vì cái này không phải do thiếu vốn đầu tư hay do yếu tố bên ngoài tác động mà là do chính chúng ta.
Bí thư Thành ủy dẫn chứng: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan này khi cần hỏi cơ quan kia một chuyện gì đó thì mất từ 6 tháng đến 1 năm. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP khi muốn hỏi cũng bị như vậy thì làm sao mà chống ngập kịp thời, hiệu quả được. Bất cập này do sự phối hợp giữa các sở ngành không tốt. Vấn đề này chúng ta cũng đem ra mổ xẻ nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn không khắc phục được. Do thiếu sâu sát, nói nghiêm túc là quan liêu trong hệ thống chính trị, mà trước hết là trách nhiệm người đứng đầu, sau đó là nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”. Bí thư Thành ủy yêu cầu phải sửa ngay và sửa cho được, khắc phục đến nơi đến chốn những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra. Tinh thần là phải ra sức, nghiêm túc khắc phục. Bắt đầu chấn chỉnh ngay từ cấp thành phố đến quận, huyện và cơ sở. Ông Lê Thanh Hải yêu cầu: “Phải phân cấp công việc rạch ròi, rõ ràng từng chức trách, nhiệm vụ; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Quý nào, năm nào cũng thảo luận về những bất cập, tồn tại đó thì tôi thấy không ổn”.
Về nhiệm vụ sắp tới, ông Lê Thanh Hải cho rằng năm 2015 có vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng. “Càng chuẩn bị kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước như 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì càng chăm lo thật tốt cho nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Mục tiêu đặt ra là phải làm những việc đi vào lòng dân và thiết thực” - ông Lê Thanh Hải lưu ý các cấp ủy và chính quyền thành phố.
-------------------------
Đình chỉ công tác một Phó giám đốc Quản lý bay miền Nam
Hôm 23.11, thêm 3 cán bộ của Công ty Quản lý bay miền Nam bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm liên quan đến sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 20.11.
Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đã ban hành quyết định đình chỉ công tác đối với ông Trần Công, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, ông Lê Văn Tính, Trưởng trung tâm bảo đảm kỹ thuật và ông Nguyễn Quốc Phú, Phó trưởng trung tâm bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam trong thời gian 15 ngày (kể từ ngày 23.11). Ba ông này bị đình chỉ để thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố mất điện tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và cơ sở kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) ngày 20.11.
Trước đó, ngày 21.11, Tổng giám đốc Công ty quản lý bay miền Nam cũng đã quyết định đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày để phục vụ việc điều tra sự cố đối với ông Lê Trí Tình, kíp trưởng và ông Phạm Văn Dũng, nhân viên kíp trực điện nguồn thuộc Đội bảo đảm môi trường kỹ thuật, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam.
Liên quan đến sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng sập đồng thời 3 hệ thống lưu điện UPS khiến AACC Hồ Chí Minh mất điện, ảnh hưởng đến 92 chuyến bay, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập đoàn điều tra sự cố, phối hợp với Tổng công ty quản lý bay Việt Nam tổ chức điều tra, xác minh và làm rõ nguyên nhân trước ngày 29.11.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Nhiều máy bay trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sanya, Phnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh, quay trở lại sân bay khởi hành hoặc hạ cánh tại sân bay dự bị.
Hiện Cục Hàng không vẫn chưa đưa ra con số thống kê thiệt hại chính thức mà các hãng hàng không phải chịu do sự cố trên.
-------------------------
Chính quyền bảo lãnh, doanh nghiệp 'xù' nợ
Ngày 5.12.2008, UBND tỉnh Tiền Giang có quyết định giao cho Công ty TNHH Thiên Nam Phương (địa chỉ P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) 29.668,8 m2 đất tại Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh để xây dựng nhà máy sản xuất ván ép. Cùng ngày, Chi cục Thuế TP.Mỹ Tho ra thông báo cho công ty nộp tiền sử dụng đất là 12,523 tỉ đồng. Cũng ngay trong ngày, đơn vị này có văn bản đề nghị được nộp trước 3,756 tỉ đồng, số 8,766 tỉ đồng còn lại xin được nợ và hứa sẽ nộp vào quý 1/2009.
Ngày 11.12.2008, UBND tỉnh chấp thuận cho công ty nợ tiền sử dụng đất, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thời hạn sử dụng đến năm 2058 và ngay ngày hôm sau thì cấp chứng nhận đầu tư cho đơn vị này. Thế nhưng sau đó công ty lờ luôn, không nộp tiếp số tiền còn nợ lại. Trong khi đó thì ngày 3.6.2010, bà Nguyễn Thị Hằng Phương (Giám đốc công ty) đã dùng giấy chứng nhận QSDĐ thế chấp cho bà Lê Thị Lan (ngụ P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) để vay nợ 19,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo giấy chứng nhận đầu tư thì “dự án Nhà máy sản xuất ván ép MDF, HDF” sẽ hoạt động vào tháng 3.2009, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong. Do vậy ngày 11.9.2014, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 29.668,8 m2 đất và ngày 28.10.2014 tiếp tục ra quyết định hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho đơn vị này. Thế là giấy chứng nhận QSDĐ mà bà Lê Thị Lan cầm trong tay chỉ còn là tờ... giấy lộn.
Tại văn bản trả lời báo chí ngày 13.11.2014, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Hồng Thủy nhấn mạnh trước khi Sở có văn bản trình UBND tỉnh thì UBND TP.Mỹ Tho đã có văn bản “cam kết bảo lãnh cho Công ty Thiên Nam Phương nộp 70% tiền sử dụng đất còn lại trong quý 1/2009”.
-------------------------