Từ năm 2010 đến 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt giá trị thương mại từ 2,8 tỷ USD đến 5,2 tỷ USD với các nước ASEAN.
Cuối năm 2015, Việt Nam chính thức hội nhập hoàn toàn và đầy đủ vào các cơ chế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây là cơ hội to lớn cho xuất khẩu hàng của Việt Nam vào thị trường này kể từ khi AEC được thiết lập kể từ năm 2010. Tuy nhiên, liên tục 4 năm từ năm 2010 cho đến nay, Việt Nam nhập siêu từ các nước ASEAN.
Liên tiếp nhập siêu
Về xuất khẩu, các DN Việt Nam dường như chưa mặn mà với thị trường này. Qua kim ngạch 4 năm qua, ASEAN luôn chỉ xếp thứ 3 về giá trị xuất khẩu, đứng sau Mỹ và EU, trong khi đó dân số của ASEAN đông gần gấp đôi Mỹ (318 triệu người, thống kê tháng 7/2014) và hơn 100 triệu người so với 17 nền kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) cộng lại (505 triệu người năm 2013).
Bên cạnh đó, Việt Nam còn gần gũi về địa lý, được hưởng các chính sách miễn thuế xuất khẩu vào 6 nước phát triển hơn và đặc biệt là quy mô dân đông, tỷ lệ tiêu dùng của các quốc ASEAN được đánh giá cao hàng bậc nhất khu vực.
Trái ngược với vị trí thứ 3 về xuất khẩu, thì trong 4 năm ASEAN luôn là thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu của các nước ASEAN tập trung chủ yếu là cơ khí, máy móc, thiết bị và thực phẩm. Các quốc gia mà Việt Nam luôn thâm hụt cán cân thương mại (nhập siêu) là Thái Lan và Singapore.
Với việc nhập siêu liên tiếp nhiều năm, thì rất có thể sau khi gia nhập đầy đủ, chúng ta sẽ khó đạt được những kỳ vọng biến ASEAN thành một trong những thị trường xuất khẩu chính được.
T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: “Việt nam và 3 nước khác gia nhập toàn diện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 nhưng trước đó năm 2010, 6 nước phát triển đã hiện thực hóa một số điều khoản của AEC rồi. Chúng ta xuất phát chậm hơn họ 5 năm, trong khi cộng đồng doanh nghiệp có đến hơn 60% chưa quan tâm đến AEC; đi sau nhưng tốc độ hội nhập chậm, khả năng nắm bắt thời cơ kém, bị động sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam yếu thế trước sự chủ động của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của ASEAN.
Dễ người nhưng khó ta
Cũng tập trung lý giải nguyên nhân có lợi thế nhưng DN Việt Nam chưa tận dụng được, các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra những tồn tại như: thị trường bị xé lẻ bởi chênh lệch thu nhập, đặc tính thương mại khác biệt; các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh các quốc gia xung đột nhau; những bất lợi của nước đi sau, doanh nghiệp đi sau…
Theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, dù các yêu cầu hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn không khắt khe như thị trường lớn nhưng có lợi cho ta cũng có lợi cho nhiều nhà xuất khẩu khác, nhất là khi ASEAN ký kết nhiều hiệp định tự do song phương với nhiều đối tác ngoài khu vực. Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt, cơ hội và lợi thế đang chia đều cho các đối tác khác nhau.
Hiện mặt hàng thế mạnh nhất của Việt Nam xuất sang các nước ASEAN là gạo, thủy sản và 1 số sản phẩm cây công nghiệp như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều. Tuy nhiên, hiện hàng điện tử tiêu dùng của Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang xấm lấn khá mạnh thị trường Việt với những tên tuổi nhưu: Toshiba, Hitachi, Sharp, LG… với mức giá rẻ hơn từ 5% - 10% giá mặt hàng cùng loại liên doanh trong nước.
Mặc dù dân số đông, tiêu dùng cao nhưng trình độ phát triển kinh tế không đồng đều và bị phân hóa chi tiêu. Thu nhập đầu người cao chủ yếu ở các nước ASEAN – 6, trong đó có Singapore, Brunay, Malaysia, Thái Lan, các nước còn lại thu nhập bình quân/ người ở mức trung bình thấp của thế giới. Các nước có thu nhập cao, dân số ít và tiêu chuẩn của người tiêu dùng khắt khe. Các nước thu nhập thấp dân số đông và có như cầu mua sắm cao nhưng ở những hàng hóa cấp thấp… Chính vì thế, đây cũng là đặc điểm mà nhiều DN Việt Nam cho rằng: phân hóa thị trường lớn khiến nhu cầu hàng hóa bị xé lẻ, không thống nhất và rất khó để xâm nhập thị trường, điều này khác với các thị trường Mỹ và EU, khi thu nhập đồng đều và sức mua tương đương nhau.
Theo TS Lê Đăng Doanh, cơ cấu hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam khá tương đồng với các hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nhiều nước. Chính vì vậy, nhu cầu trong nước của họ đã được đáp ứng, nếu cạnh tranh tại thị trường này thì hàng Việt phải có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, đa số mặt hàng của Việt Nam yếu thế so với sản phẩm cùng loại của các nước ở khía cạnh: giá cả cao và chất lượng thấp hơn.
Bên cạnh đó, theo đại diện một vài doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: thị trường ASEAN rộng lớn nhưng bị xé lẻ theo từng nước và tiêu dùng thị trường này không cao như kỳ vọng. Về lý thuyết, xuất khẩu sang Mỹ, EU doanh nghiệp chịu chi phí lớn từ khoảng cách đường vận chuyển dài. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết DN Việt Nam bán sản phẩm từ xưởng, các khâu còn lại do nhà nhập khẩu chịu. Trong trường hợp nếu có tính yếu tố chi phí vào đơn hàng thì hầu hết xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang các nước này là đơn hàng lớn, giá cao và điều đặc biệt là chi phí vận chuyển không ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó xuất khẩu sang ASEAN, dù quãng đường ngắn nhưng đơn hàng nhỏ, giá thấp nên lợi nhuận không cao.
-------------------------
Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương đảm bảo ATGT quanh khu Đại Nam
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - vừa có công điện yêu cầu tỉnh Bình Dương triển khai các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đang phức tạp do khu du lịch Đại Nam đóng cửa.
Lý do công điện hỏa tốc của Phó Thủ tướng được phát đi là vì trong những ngày qua, khi khu du lịch Đại Nam (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chuẩn bị đóng cửa, đã có hàng vạn người dân ở tỉnh Bình Dương, TPHCM và các tỉnh lân cận đổ về đây tham quan, nghỉ dưỡng khiến cho tình hình trật tự, an toàn giao thông tại khu vực này trở nên phức tạp. Tình trạng ùn tắc giao thông tại đây thường xuyên diễn ra.
Để bảo đảm trật tự ATGT quanh khu du lịch, phục vụ nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương khẩn trương triển khai một số giải pháp cấp bách.
Trong đó, chỉ đạo Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải huy động tối đa các lực lượng thường xuyên ứng trực trên các tuyến đường giao thông trọng điểm dẫn đến khu du lịch Đại Nam, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 13, đại lộ Bình Dương, các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và các khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông; xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời giải quyết các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách và nhân dân đến tham quan, du lịch một cách thuận tiện, an toàn; bảo vệ tài sản của người dân và doanh nghiệp trong khu vực; phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu và hành vi lợi dụng tình hình để gây mất an ninh trên địa bàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông; kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố.
Tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các phương thức di chuyển thuận tiện về thăm quan, du lịch.
---------------------
Những nơi được phép... bôi bẩn ở Thủ đô
Các bảng quảng cáo rao vặt miễn phí sau một thời gian không phát huy tác dụng, nay đã trở thành "mồi ngon béo bở" cho người thiếu ý thức bôi dán đủ loại giấy bẩn.
Đây là một nỗ lực nhằm thu gom các loại quảng cáo bất hợp pháp vào nơi quy định, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị. Nhưng thực tế chiều hướng đang ngày càng tiêu cực.
Những bảng quảng cáo rao vặt miễn phí lắp đặt ở nhiều vị trí nhà chờ xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, vỉa hè… trở thành những "ổ" nhếch nhác trên đường phố mà buồn thay, "cái sự bôi bẩn" ấy lại được cho phép!
Không thấy có sự quản lý nào của chính quyền, lớp giấy cũ được xé đi dán đè lượt giấy mới với đủ loại keo dán.
Bảng quảng cáo được đặt tại thành của một nhà vệ sinh công cộng trên phố Yết Kiêu. Theo người dân xung quanh, không thấy ai ghé vào nhà vệ sinh đọc thông tin cả, chắc chỉ có mấy người dán quảng cáo là biết nội dung của các loại quảng cáo này.
Mảng tường cáu bẩn này liệu có phù hợp để khiến người đi đường chú ý?
Một nhà vệ sinh công cộng trên phố Phủ Doãn được sử dụng làng nơi quảng cáo rao vặt miễn phí đồng thời với quán nước chề nhếch nhác.
Tại các điểm chờ xe buýt thì vô cùng lộn xộn.
Bảng quảng cáo trên đường Cầu Giấy này còn được sử dụng vào nhiều mục đích khác.
Các loại bảng quảng cáo này gần như không có sự quản lí nào, hoàn toàn phó mặc cho người sử dụng.
Một vài bảng quảng cáo có đính các kẹp sắt cho người sử dụng, nhưng không thấy ai dùng cách này.
Một vài bảng quảng cáo có đính các kẹp sắt cho người sử dụng, nhưng không thấy ai dùng cách này.
Tương quan một bảng quảng cáo trên đường phố.
-------------------------
TPHCM: Yêu cầu khởi tố vụ nổ kinh hoàng làm 3 người chết
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa có văn bản chỉ đạo Công an thành phố tiến hành lập chuyên án, khởi tố vụ án để tiến hành điều tra, xử lý nghiêm vụ nổ tại công ty phân bón ở quận 12.
Văn phòng UBND TP vừa phát đi công văn số 926/TB-VP thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP liên quan đến tình hình khắc phục hậu quả vụ nổ tại công ty TNHH Sản xuất – thương mại – dịch vụ Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12).
Đánh giá đây là vụ nổ liên quan đến công tác quản lý, sử dụng hóa chất gây hậu quả nghiêm trọng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Công an thành phố lập chuyên án, khởi tố vụ án để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với Cảnh sát PCCC và các ngành chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng được yêu cầu phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP để phân tích loại hóa chất nào trong sản xuất phân bón đã gây nổ lớn và thiệt hại nghiêm trọng tại công ty Đặng Huỳnh để có chỉ đạo phòng ngừa chặt chẽ.
Người đứng đầu thành phố đề nghị Ban Nội chính Thành ủy chỉ đạo VKSND, TAND TP phối hợp với Công an thành phố tập trung hoàn chỉnh hồ sơ vụ án để sớm đưa ra xét xử nghiêm minh, nhằm giáo dục răn đe, phòng ngừa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán các loại hóa chất, chất nổ có nguy cơ cháy nổ.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương kiểm tra, làm rõ toàn bộ hoạt động của công ty Đặng Huỳnh như các loại giấy phép đã cấp, chất lượng sản phẩm phân bón (thật, giả), đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, công tác quản lý thuế, hóa chất sử dụng trong sản xuất phân bón, hóa chất gây nổ và có biện pháp xử lý theo luật định.
Yêu cầu quận quận ủy, UBND quận 12 phối hợp các ngành chức năng tổ chức hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ nổ để ổn định cuộc sống; phối hợp với Sở Xây dựng nhanh chóng giám định, đánh giá hư hỏng và giá trị thiệt hại về xây dựng của các căn nhà bị ảnh hưởng do vụ nổ, giải quyết thủ tục để người dân sửa chữa lại chỗ ở. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý trách nhiệm của những cá nhân và tổ chức có liên quan đến công tác quản lý ở địa phương và xác định trách nhiệm bồi hoàn của Giám đốc công ty Đặng Huỳnh về những thiệt hại gây ra.
Trước đó, chiều 17/10/2014, một vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại chi nhánh công ty Đặng Huỳnh (66/2 đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12) làm thiệt mạng 3 công nhân (trong đó có 2 mẹ con chị Huỳnh Thị Tâm quê Đồng Tháp), 5 người bị thương, 7 căn nhà bị sập hoàn toàn và hơn 150 căn nhà khác bị ảnh hưởng.
Theo khám nghiệm hiện trường và điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định vụ nổ tại công ty phân bón Đặng Huỳnh nhiều khả năng là do các công nhân bất cẩn trong quá trình sản xuất, gây nổ các tiền chất thuốc nổ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng bào chế thuốc pháo rồi sơ ý gây nổ.
-----------------------------
Hai tổ chức trong nước đăng ký mua 98,61% cổ phần chào bán của Vietnam Airlines
Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày thứ Sáu, 14/11. Số cổ phần được đem bán đấu giá chiếm 3,475% cổ phần của Vietnam Airlines, giá khởi điểm 22.300 đồng/cp
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa thông báo kết quả đăng ký tham gia đấu giá cổ phần lần đầu ra của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt nam (Vietnam Airlines).
Theo đó, trong đợt chào bán này của Vietnam Airlines đã có tổng cộng 1.608 nhà đầu tư tham gia mua với lượng đặt mua đạt 49,37 triệu cổ phần (trong khi số lượng chào bán là 49 triệu cổ phần).
Trong đó, có 1.606 nhà đầu tư cá nhân tham gia đặt mua với 28 nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài và 1.578 nhà đầu tư là cá nhân trong nước. Tổng khối lượng đăng ký mua của nhóm nhà đầu tư cá nhân là 1,04 triệu cổ phần (trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đăng ký mua vào 120.800 cỏ phần).
Có 2 nhà đầu tổ chức trong nước đăng ký mua 48,32 triệu cổ phần. Số cổ phần này chiếm 98,61% lượng cổ phần được đem ra đấu giá.
Thông báo của HoSE cũng cho thấy, trong đợt chào bán lần này, không có nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nào đăng ký mua cổ phần của Vietnam Airlines.
Theo kế hoạch, phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày thứ Sáu, 14/11. Số cổ phần được đem bán đấu giá chiếm 3,475% cổ phần của Vietnam Airlines, giá khởi điểm 22.300 đồng/cp.
Được biết, tại buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Vietnam Airlines diễn ra hồi cuối tháng 10, ông Nguyễn Cảnh Vinh, đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã cho biết, Techcombank đang tiến hành các thủ tục trở thành cổ đông lớn của Vietnam Airlines.
Dự kiến, sau khi IPO, nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ Vietnam Airlines. 1,5% cổ phần của tổng công ty được bán cho người lao động, 20% bán cho cổ đông chiến lược và 3,5% cổ phần được bán đấu giá công khai. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ Vietnam Airlines đã tìm được cổ đông chiến lược hay chưa.
-----------------------