Obama: 'Không thể hưởng lợi từ sự đi xuống của một nước khác'
"Việc theo đuổi các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, việc làm và thương mại không phải là trò chơi được mất. Một nước không thể hưởng lợi từ sự đi xuống của một nước khác", Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại APEC hôm nay 10.11.
Tổng thống Obama khẳng định, mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay không dựa trên nền tảng cạnh tranh được mất, mà phục vụ cho lợi ích của cả hai bên, Tân Hoa Xã đưa tin.
Với cương vị là 2 nền kinh tế dẫn đầu thế giới hiện nay, Mỹ và Trung Quốc “có trách nhiệm hợp tác”, và khẳng định sự hòa nhập của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới “là mối quan tâm đặc biệt của nước Mỹ nói riêng, và cả thế giới nói chung”. Hơn nữa, “nếu Mỹ - Trung hợp tác tốt đẹp, thế giới cũng sẽ được hưởng lợi”.
Nói về sự hợp tác giữa các thành viên APEC, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Obama, cho rằng: “Ở Thế kỷ 21, việc theo đuổi các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, việc làm và thương mại không phải là trò chơi được mất.
"Một nước không thể hưởng lợi từ sự đi xuống của một nước khác”, và tái khẳng định sự phát triển trong tương lai “cần sự cân bằng, bền vững, và dựa trên nguyện vọng lao động của người dân”, ông Obama nói thêm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cho biết, sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ “gắn bó mật thiết với châu Á”, và giải thích khu vực này “tạo cơ hội tuyệt vời về việc làm và tiềm năng tăng trưởng cho kinh tế Mỹ”.
Ông Obama dự đoán, trong vòng 5 năm tới, hơn một nửa thu nhập ngoài nước của Mỹ “sẽ đến từ châu Á”.
Tại APEC, Mỹ - Trung vừa thông qua thỏa thuận mới về gia hạn thị thực, mà ông Obama đánh giá là “tạo nhiều thuận lợi cho học sinh, sinh viên và thương gia, góp phần giúp kinh tế cả 2 quốc gia phát triển”.
-------------------------
Quan hệ quốc phòng Nhật - Úc “gần như liên minh”
Một cuộc tập trận chung chưa có tiền lệ vừa diễn ra ở Nhật cho thấy động thái mới nhất của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe muốn đẩy quan hệ với Úc đến mức “gần như liên minh”, theo tờ Asahi Shimbun ngày 10.11.
Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 6-9.11 tại tỉnh Miyagi thuộc vùng đông bắc của Nhật Bản, với giả định trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra, tạo ra sóng thần tấn công khu vực như trận động đất gây sóng thần hồi tháng 3.2011, vốn đã khiến gần 16.000 người thiệt mạng.
Tham gia tập trận có hơn 15.000 binh sĩ, sĩ quan của Nhật, Mỹ và Úc. Đây là cuộc tập trận đầu tiên ở Nhật liên quan đến 3 quốc gia.
Một số nguồn tin còn tiết lộ với Asahi Shimbun rằng Bộ Quốc phòng Nhật đang xem xét để Lực lượng phòng vệ Nhật tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Úc Talisman Saber diễn ra ở Úc vào tháng 6.2015.
Bên cạnh đó, Tokyo và Canberra đang tiếp tục đàm phán về việc xuất khẩu công nghệ tàu ngầm của Nhật cho Úc trong lúc nước này đang có kế hoạch sắm 10 tàu ngầm mới vào thập niên 2030.
Trước đó, quan chức Takuma Kajita thuộc Bộ Ngoại giao Nhật cho rằng quyết định chưa có tiền lệ của Tokyo hồi tháng rồi về việc cùng Canberra khai thác khả năng phát triển công nghệ tàu ngầm của Nhật, cho thấy “hai bên muốn thắt chặt quan hệ trong lĩnh vực quan trọng nhất của an ninh”, theo tờ The Sydney Morning Herald.
Cũng theo tờ báo Úc này, một số quan chức Nhật khác đánh giá quan hệ song phương được mở rộng nhanh đến mức mà mỗi bên trở thành đối tác quốc phòng quan trọng nhất của nhau chỉ sau Mỹ.
------------------------
Tổng thống Nam Phi bị điều tra
Cảnh sát Nam Phi đang điều tra Tổng thống Jacob Zuma liên quan đến dự án sửa chữa dinh thự cũ ở quê nhà bằng tiền thuế với chi phí lên đến 23 triệu USD, theo hãng tin AFP ngày 10.11.
Trong thông báo bằng văn bản gửi các nhà lập pháp được công bố hôm 10.11, cảnh sát xác nhận “đã khởi động” cuộc điều tra nhằm vào khu dinh thự Nkandla của Tổng thống Zuma.
Tổng thống Zuma, người tái đắc cử vào tháng 5, khăng khăng nói rằng ông không biết gì về công trình sửa chữa khu nhà nói trên, bao gồm việc xây dựng một hồ bơi, phòng khám riêng và nhà hát ngoài trời. Chính phủ Nam Phi khẳng định việc sữa chữa khu nhà tọa lạc tại một ngôi làng ở phía bắc KwaZulu Natal có liên quan đến an ninh.
Vấn đề này đã trở thành mục tiêu chỉ trích nhằm vào chính quyền Zuma, vốn bị nhiều người Nam Phi cáo buộc dung dưỡng tình trạng tham nhũng và yếu kém. Thủ lĩnh đối lập Mmusi Maimane, thuộc Liên minh Dân chủ, tuyên bố “cảnh sát giờ đây phải làm công việc của mình”.
Ông Maimane và các chính khách đối lập khác đã kêu gọi điều tra hình sự Tổng thống Zuma liên quan đến vấn đề trên, và đã kêu gọi ông từ chức. Thanh tra viên Thuli Madonsela hồi tháng 3 đã phán quyết rằng ông Zuma đã “hưởng lợi quá đáng” từ việc xây dựng, đồng thời ra lệnh cho nhà lãnh đạo này phải gánh một phần chi phí.
Ông Zuma phải đối mặt với sự bất bình của dân chúng về tình trạng chi tiêu quá mức ở một đất nước đang chật vật ứng phó tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng nghiêm trọng.
-------------------------
Tỉ phú cần sa bị bắt tại Thái Lan
Hải quan Thái Lan vừa bắt được Patrick Lagrou (55 tuổi, người Bỉ), nghi phạm đang bị Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) truy nã vì tội buôn bán ma tuý, theo The Nation ngày 10.11.
Theo Hải quan cửa khẩu Phuket, Largou bị bắt tại trạm kiểm soát Tah Chat Chai tối ngày 8.11 khi định rời khỏi đảo để trở lại nơi trú ẩn ở tỉnh Phang Nga (miền nam Thái Lan).
“Khi nhận được thông báo truy nã của Interpol, chúng tôi không tìm ra địa chỉ Largou đăng ký tại Phang Nga nhưng lần được dấu vết từ hồ sơ đăng ký chiếc xe hắn đang lái. Vì thế chúng tôi tập trung lực lượng tại Tah Chat Chai để tóm nghi phạm”, đại tá Sunchai Chokkajaykij, hải quan cửa khẩu Phuket cho biết.
Được biết, Lagrou là người trồng cần sa nổi tiếng nhất lịch sử Bỉ, với số tài sản lên đến 25 triệu euro (khoảng 670 tỉ đồng). Lagrou lái xe đến Thái Lan vào ngày 2.6 năm nay và gia hạn visa ngày 1.8. Hiện cảnh sát Thái đang tạm giữ Lagrou để chờ dẫn độ về Bỉ.
-------------------------
Giá dầu giảm ngăn cản thoả thuận năng lượng Nga - Trung
Nga và Trung Quốc vừa ký một thoả thuận cơ bản về việc cung cấp khí đốt tại APEC vào cuối tuần qua; tuy nhiên, nhiều khả năng thoả thuận này sẽ không đạt được vì giá năng lượng thế giới đang giảm.
Đến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã soạn các điều khoản cơ bản cho đường ống dẫn khí từ Nga đến Trung Quốc, một dấu hiệu của sự hợp tác sâu hơn giữa hai nước.
Gazprom (GAZP.MM), công ty sản xuất khí đốt lớn của Nga kì vọng sẽ xuất được 30 triệu mét khối khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc sau khi hai nước đạt được thoả thuận này. Con số này sẽ lên đến đến 38 triệu mét khối khí đốt mỗi năm kể từ sau năm 2018.
Tuy nhiên, các điều khoản giữa hai bên không hề ràng buộc. Việc giá dầu giảm xuống 1/3 kể từ giữa tháng 6 năm nay và khiến giá khí đốt chững lại đã làm cho cuộc thảo luận trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, giá dầu giảm có thể làm ảnh hưởng đến công cuộc đầu tư của Gazprom vào cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh.
“Sự sụt giảm của giá dầu hiện tại sẽ ảnh hưởng đến giá khí đốt. Và giá khí đốt có thể khiến cho thoả thuận này khó đi đến kết quả cuối cùng. Trung Quốc sẽ mong muốn một mức giá khí đốt thấp hơn so với các nước phương Tây vì vẫn còn một quãng đường dài nữa để khí đốt nhập khẩu từ Nga có thể đến tay người tiêu dùng”, cố vấn Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thỏa thuận này cũng sẽ “đem đến nhiều tác động tích cực cho nền công nghiệp năng lượng Nga - Trung”.
Chính quyền Putin luôn quan tâm thắt chặt mối quan hệ với các nước châu Á. Moscow muốn thể hiện sự độc lập của Nga, mặc cho sự phát triển của nền công nghiệp năng lượng Nga đang bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt nước này đang phải gánh chịu vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trên thực tế, Moscow trước đó đã gửi một thông điệp đến châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, rằng Nga đã có một đối tác xuất khẩu khác. Theo Reuters, động thái này là khá quan trọng đối với ngân sách của Nga, khi mà dầu và khí đốt chiếm đến một nửa tổng thu nhập của nước này.
-------------------------