Obama thúc đẩy TPP cạnh tranh với FTAAP của Tập Cận Bình
Sau khi đến Bắc Kinh trong ngày đầu tiên của chuyến công du châu Á 8 ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay 10.11 đã nói rằng ông nhìn thấy được đà phát triển trong Hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (TPP), như cách trấn an trước FTAAP của Trung Quốc.
Các lãnh đạo doanh nghiệp tham dự diễn đàn APEC đang tìm kiếm những dấu hiệu tích cực cho hiệp định TPP, đặc biệt khi Trung Quốc đang thúc đẩy một khuôn khổ tự do hóa thương mại riêng biệt gọi là Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Tổng thống Obama cho biết bế tắc chủ yếu trong TPP là do bất đồng giữa Mỹ và Nhật về việc mở cửa cho các mặt hàng nông sản của Nhật. Ông cho rằng TPP có tiềm năng trở thành “một thành tựu lịch sử”.
“Trong vài tuần qua, chúng tôi đã có nhiều bước tiến trong việc giải quyết một số vấn đề nổi cộm liên quan đến một thỏa thuận tiềm năng. Hôm nay là cơ hội cho chúng tôi để giải quyết những bế tắc còn lại”, Tổng thống Obama phát biểu tại cuộc họp các nhà lãnh đạo TPP ở Đại sứ quán Mỹ.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là cái đà của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Động lực này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cơ hội việc làm, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn về thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Một số người cho rằng các đề xuất về FTAAP là cách để Trung Quốc chuyển hướng sự chú ý ra khỏi TPP, một hiệp định không có Trung Quốc. Các lãnh đạo TPP đã đưa ra tuyên bố sau cuộc hội đàm rằng họ vẫn mở cửa “cho những đối tác trong khu vực có khả năng áp dụng các tiêu chuẩn cao của nó”.
Tổng thống Obama đến Bắc Kinh nhằm đưa ra những cam kết mới về chiến lược “xoay trục” về châu Á. Đây được xem như một nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. TPP chính là cốt lõi kinh tế của nỗ lực tái cân bằng này.
Thách thức của Mỹ là làm sao để khắc phục thái độ hoài nghi của một số nước đồng minh châu Á, và trả lời câu hỏi liệu Mỹ có thể đảm bảo cam kết hoàn toàn khi đang bận rộn với một loạt cuộc khủng hoảng toàn cầu, như sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, bùng phát dịch Ebola và cuộc xung đột ở Ukraine.
Cũng trong lúc này, việc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama thất thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ khiến Obama khó có thể khẳng định vị thế của mình trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc và các nước đồng minh trong khu vực.
TPP sẽ thiết lập một khối thương mại tự do từ Việt Nam sang Chile và Nhật Bản, chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đảm bảo rằng “rủi ro mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt cũng không có gì quá đáng sợ”
-------------------------
Lãnh đạo Trung – Nhật gượng gạo gặp nhau tại APEC
Ngày 10-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh để phá băng quan hệ.
Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo sau hơn 2 năm căng thẳng liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ông Abe cho biết cuộc gặp đóng vai trò bước đệm quan trọng để cải thiện mối quan hệ Trung – Nhật.
Dù gặp mặt trực tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình không hề mỉm cười khi bắt tay ông Abe.
Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, hai nước đã đồng ý làm việc để ngăn chặn leo thang căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ. Ông nói: “Đây là bước đầu tiên để cải thiện mối quan hệ bằng cách quay lại sự hợp tác cùng có lợi dựa trên các lợi ích chiến lược chung”.
Ông Abe cũng cho biết hai nước đã đồng ý để thiết lập một cơ chế giải quyết cuộc khủng hoảng hàng hải. Chủ tịch Trung Quốc chỉ phát biểu ngắn gọn với ông Abe rằng “các vấn đề lịch sử liên quan đến cảm xúc của hơn 1,3 tỉ người Trung Quốc” và Trung Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình cũng như áp dụng các chính sách quân sự và an ninh một cách thận trọng.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunubo Kato cho hay 2 nhà lãnh đạo không đề cập trực tiếp đến vụ ông Abe thăm đền Yasukuni gây tranh cãi hay các vụ tranh chấp đảo trong cuộc trò chuyện kéo dài nửa giờ.
Cũng tại Hội nghị APEC, Trung Quốc và Hàn Quốc nhất trí sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương cho phép 2 nước giảm bớt hoặc loại bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư. Bắc Kinh còn cam kết hỗ trợ 40 tỉ USD để giúp các nước châu Á tăng cường liên kết thương mại.
-------------------------
Căng thẳng địa chính trị tại APEC
Trong bối cảnh Nga-Mỹ có nguy cơ chiến tranh lạnh và sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc bên cạnh các tranh chấp về chủ quyền với láng giềng, việc các nhà lãnh đạo thế giới tập trung về Bắc Kinh đang là tâm điểm của thế giới với nhiều toan tính căng thẳng.
Các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có mặt tại Bắc Kinh để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC do “chủ nhà” Tập Cận Bình chủ trì.
Ông Obama, sau sự thất thế của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, đến Trung Quốc với tâm trạng nặng nề trong bối cảnh mối quan hệ Nga-Mỹ đóng băng, trong khi Moscow thì ngược lại, theo Channel News Asia.
Việc các nhà lãnh đạo thế giới tập trung về Bắc Kinh là sự kiện lớn nhất do Tập Cận Bình chủ trì kể từ khi nhậm chức đến nay. Ông Tập hôm chủ nhật 9.11 tuyên bố rằng Trung Quốc tin tưởng vào một tương lai tươi sáng sau Hội nghị của khu vực Thái Bình Dương.
Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là một cơ hội để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cùng ngồi lại, thỏa thuận về các cam kết hữu nghị cũng như hợp tác thương mại bên lề các cuộc trao đổi căng thẳng về vấn đề địa chính trị đang rất nhức nhối, Channel News Asia nhận định.
Mối quan hệ Trung-Nhật vốn đã đóng băng từ lâu do việc tranh chấp lãnh thổ đang dần được cải thiện. Hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới này đã công bố một hiệp định bốn điểm hôm thứ sáu 7.11, nhằm cải thiện mối quan hệ và mở đường cho cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Shinzo Abe sau gần 3 năm căng thẳng.
Nga hiện vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây vì việc sát nhập với Crimea, và liên quan câu chuyện ly khai ở miền đông Ukraine. Tổng thống Obama và Tổng thống Putin dự kiến sẽ không có cuộc hội đàm nào, nhưng Thủ tướng Úc Tony Abbott tuyên bố sẽ “đối đầu” với Nga về việc máy bay MH17 rơi hồi tháng 7 vừa qua. Mặc dù trước Nga phủ nhận những cáo buộc về việc có liên quan đến nhóm phiến quân thân Nga đã bắn quả tên lửa khiến MH17 bị nổ tung, và việc Moscow cản trở điều tra.
Hội nghị APEC lần này sẽ là sự đối đầu của 3 quyền lực lớn giữa Washington với Bắc Kinh và Moscow. Nga và Trung Quốc thường "sát cánh", bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn với cách giải quyết các vấn đề trên thế giới của Mỹ và thường phủ quyết hoặc khước từ các sáng kiến của Mỹ.
Trong cuộc gặp hôm Chủ nhật 9.11 với ông Putin, ông Tập khẳng định: “Dù có thay đổi gì trên trường quốc tế thì chúng ta vẫn nên đi theo con đường đã chọn để mở rộng, và tăng cường hợp tác phát triển toàn diện”. Putin cho biết sự hợp tác của họ là “rất quan trọng để giữ trật tự thế giới trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc và Mỹ vừa có cuộc tranh luận về việc làm thế nào để hội nhập thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bên cạnh các vấn đề về nhân quyền, tình báo mạng và tranh chấp lãnh thổ. Nhà Trắng hi vọng sẽ có “một cuộc trò chuyện thẳng thắn” giữa lãnh đạo 2 nước.
Bắc Kinh cũng thể hiện sự quyết đoán của mình với Nhật Bản trong vấn đề biển Hoa Đông và sẵn sàng ở thế đối nghịch để giành vùng biển chiến lược này.
Một chủ đề tranh luận khác giữa ông Tập và ông Obama là Triều Tiên. Bắc Kinh là đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng, và việc Triều Tiên bất ngờ thả 2 người Mỹ hôm thứ Bảy 8.11 cho thấy Triều Tiên đã sẵn lòng quay lại trường quốc tế.
APEC đã khởi động một tuần lễ Hội nghị thượng đỉnh cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị G20 sắp tới. Trong một bài phát biểu hôm Chủ Nhật, Chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng nhiều thứ đã thay đổi và cho thấy tầm nhìn của ông về “giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương” cùng với những “lời hứa vô hạn” của mình.
--------------------------
Nga, Trung xây thêm đường ống dẫn khí đốt "khủng"
Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận về việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt ở phía Tây, mở đường cho bản hợp đồng sẽ biến Bắc Kinh thành khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga.
Thỏa thuận đạt được trong cuộc hội đàm hôm 9-11 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh nhân dịp ông chủ điện Kremlin tới thủ đô Trung Quốc tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22.
Tại cuộc gặp, ngoài kí kết Bản ghi nhớ (MoU) về xây dựng tuyến đường ống dẫn phía Tây, hai nhà lãnh đạo cònchứng kiến lễ ký hàng loạt văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có thoả thuận khung hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga. Tổng cộng 17 thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên trong ngày 9-11.
Đường ống dẫn khí đốt ở phía Tây, hay còn gọi là "Altay" sẽ cung cấp 30 tỉ mét khối khí đốt/năm tới Trung Quốc. Đường ống mới này sẽ bổ sung nguồn cung cấp cho đường ống dẫn phía Đông mà hai nước vừa ký kết xây dựng trước đó vốn cung cấp 38 tỉ tỉ mét khối khí đốt/năm cho Trung Quốc. Hoạt động xây dựng tuyến đường ống phía Đông đã bắt đầu sau khi hai bên đạt được thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD hồi tháng 5 vừa qua.
“Sau khi hoàn thành tuyến đường ống dẫn khí đốt ở phía Tây, mức cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc sẽ vượt qua mức xuất khẩu hiện tại của Nga sang châu Âu” - CEO Gazprom Aleksey Miller nói với báo giới. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Trung Quốc Zhou Dadi khẳng định việc ký kết các thỏa thuận hợp tác năng lượng này là một quyết định cùng có lợi cho cả hai nước.
-------------------------
Trung - Hàn đạt được thỏa thuận thương mại tự do
Trung Quốc và Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc đàm phán quan trọng về thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA) hôm nay 10.11, theo Tân Hoa Xã.
Phát ngôn viên của Tổng thống Min Kyung-wook đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng lãnh đạo của 2 nước sẽ kí một thỏa thuận vào hôm nay 10.11 sau cuộc họp thượng đỉnh tại Bắc Kinh. Theo đó, 2 bên sẽ giảm mạnh hoặc thậm chí loại bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, Reuters đưa tin.
Trung Quốc và Hàn Quốc đã chính thức tổ chức các cuộc đàm phán về FTA từ tháng 5.2012. Báo cáo trước đó cho biết, các nhà lãnh đạo của 2 nước đã công bố rằng họ sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay. Tân Hoa Xã cho biết, thỏa thuận này bao gồm 17 lĩnh vực, trong đó có thương mại trực tuyến và mua sắm chính phủ.
Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, còn Hàn Quốc đứng thứ 7. Hàn Quốc đã có các thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ và liên minh châu Âu. Trung - Hàn đã trải qua 2 thập kỉ bùng nổ thương mại song phương. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, với thương mại song phương vượt 270 tỉ đô vào năm 2013, gấp gần 50 lần so với năm 1992.
Các nhà phân tích cho rằng, FTA chỉ thúc đẩy một cách hạn chế đối với thương mại song phương hoặc tăng trưởng kinh tế, nhưng nó sẽ giúp Hàn Quốc thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đến Bắc Kinh hôm Chủ Nhật 9.11 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo kinh tế (APEC) diễn ra trong 2 ngày thứ hai 10.11 và thứ Ba 11.11.
-------------------------