“Nếu các tỉnh không ngăn chặn thực trạng bò bơm nước thì TP.HCM sẽ tiếp tục hứng nguồn thịt không đảm bảo an toàn” - ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, báo động.
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ sau khi đọc bài “Kinh hãi bơm nước tăng trọng cho bò”, đồng thời lo lắng vì sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng trước nguy cơ thịt bò bơm nước bẩn.
Phóng viên Pháp Luật TP.HCM tiếp tục theo chân các cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu thịt bò bán ở một số chợ ở quận 10, Tân Bình… để xét nghiệm.
Người dân TP chịu thiệt thòi
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết qua làm việc với tiểu thương, Chi cục ghi nhận thịt bò bơm nước kinh doanh tại các chợ này có nguồn gốc từ Long An, Tiền Giang…
“Nếu không ngăn chặn kịp thời hiện tượng bơm nước cho bò ở các tỉnh lân cận thì người tiêu dùng TP.HCM sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, phải có bằng chứng hẳn hòi thì các tỉnh mới “tâm phục khẩu phục”. Vì vậy, Chi cục Thú y TP.HCM phải phối hợp với cộng tác viên để ghi hình hoạt động bơm nước cho bò và yêu cầu địa phương liên quan phải giám sát chặt các lò giết mổ” - ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, đối với những tiểu thương từng bị phát hiện kinh doanh thịt bò bơm nước trên địa bàn TP.HCM thì cơ quan thú y yêu cầu viết cam kết ngưng ngay hành vi nói trên. Bên cạnh đó, cơ quan thú y sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời giữ lại lô hàng. Nếu kết quả cho thấy thịt bị nhiễm vi sinh thì sẽ bị phạt và tiêu hủy toàn bộ lô hàng.
“Do người tiêu dùng khó phân biệt thịt bò bơm nước và không bơm nước nên giải pháp căn cơ là phải kiểm soát thật chặt hoạt động bơm nước bò trước khi giết mổ ở các tỉnh” - ông Thảo nhấn mạnh.
Chất lượng thịt bị ảnh hưởng ra sao?
Liên quan đến chất lượng thịt bò bơm nước, ông Thảo phân tích: Bò bị cưỡng ép bơm nước thật nhiều, thật no sẽ rơi vào trạng thái stress. Khi đó máu dồn xuống hệ tiêu hóa để giúp sự co bóp của bao tử. Đồng thời bao tử cũng tiết dịch để tiêu hóa thức uống. Trong giai đoạn này, chất lượng thịt sẽ không tốt. Bên cạnh đó, hệ thống các mạch máu nhỏ của đường ruột sẽ giãn nở vì vậy vi khuẩn trong đường ruột thâm nhập vào hệ thống mạch máu và nhiễm vào cơ thể bò, tạo thành những vùng thịt “mệt”. Vùng thịt “mệt” sẽ sậm màu và cứng.
Chưa hết, hệ thống mạch máu trên vùng mỡ mô liên kết nổi rõ khiến mỡ có màu bất thường, đỏ au (trong khi bình thường mỡ màu vàng hoặc trắng). Do vậy chất lượng thịt đã có sự biến đổi, không tốt, không để lâu được và mau ôi thiu.
Một DN trong ngành giết mổ, chế biến thịt heo cho biết các lò giết mổ dùng nước không sạch, nước ruộng để bơm vì có độ pH thấp, sẽ thẩm thấu nhanh. Còn nước sạch thẩm thấu chậm hơn. Đây là hành vi vô đạo đức, thậm chí phạm tội vì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Sở dĩ còn tình trạng này là do việc chế tài, xử phạt chưa đủ tính răn đe.
Lợi nhuận “khủng”!
Cũng theo Chi cục Thú y TP.HCM, bò bị bơm nước thì nước sẽ thẩm thấu vào các cơ thịt, đặc biệt những cơ thịt vận động nhiều nên sẽ gia tăng trọng lượng. Giá bò hơi hiện nay trên dưới 65.000 đồng/kg. Một con bò bơm nước tăng thêm trung bình 20 kg thì số tiền thu lợi bất chính hơn 1 triệu đồng/con. Trừ tiền công người bơm nước (20.000-30.000 đồng/con), tiền công giết mổ (50.000-60.000 đồng/con) thì lợi nhuận quá “khủng”.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết hiện lượng bò nuôi trong nước khoảng 6 triệu con, chỉ đủ cung cấp cho các vùng địa phương, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của những khu vực trung tâm đô thị. “Do lượng bò trong nước không đủ cung cấp nên nhiều thương lái đã bơm nước vào bò để tăng trọng, thu lợi nhuận phi pháp, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng người tiêu dùng” - ông Mười nói.
Ông Mười đề nghị: “Với hành vi bơm nước cho bò, Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa. Không chỉ phạt hành chính mà còn xác định hành vi bơm nước cho bò là xâm phạm sức khỏe người tiêu dùng”.
---------------------------
Samsung dốc tiếp 3 tỷ USD vào Việt Nam
Thêm dự án mới, Samsung nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 11,2 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Ngày mai (11/11), theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên sẽ chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) để triển khai xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại di động mới, bên cạnh nhà máy thứ nhất, vốn đầu tư 2 tỷ USD đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2014.
Nhà máy này có vốn đầu tư 3 tỷ USD và mặc dù thông tin chi tiết về Dự án chưa được tiết lộ, nhưng theo nguồn tin riêng của phóng viên, nhà máy SEVT mới sẽ sản xuất những dòng điện thoại di động thế hệ mới nhất.
Theo kế hoạch của Samsung, khi nhà máy này đi vào hoạt động, tổng số lượng nhân công của ba nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam sẽ lên tới 100.000 người. Hiện tại, số lượng nhân công ở Samsung Bắc Ninh là 43.000 người, SEVT là 23.000 người.
“Dự án này cũng được hưởng những ưu đãi ở mức cao nhất, với các ràng buộc về điều kiện nghiên cứu và phát triển (R&D)”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.
Điều này có thể hiểu rằng, nhà máy SEVT mới cũng sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư đối với một dự án công nghệ cao. Các chính sách ưu đãi với SEVT mới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào những ngày cuối tháng 10/2014, và ngay sau khi có cái gật đầu của Chính phủ Việt Nam, SEVT đã nộp hồ sơ dự án lên các cơ quan chức năng Việt Nam. Rất nhanh sau đó, Dự án được cấp chứng nhận đầu tư.
“Dự án cũng sẽ rất nhanh chóng được đưa vào triển khai. Theo cam kết của nhà đầu tư, khoản vốn 3 tỷ USD sẽ được giải ngân trong vòng 5 năm, nhưng tốc độ có thể được Samsung đẩy nhanh hơn”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết. Cũng theo nguồn tin này, nhà máy SEVT đã giải ngân được khoảng 1,5 tỷ USD sau 1,5 năm xây dựng (từ cuối tháng 3/2013), trở thành một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tốc độ giải ngân nhanh nhất tại Việt Nam.
Như vậy, thêm dự án SEVT mới, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã lên tới 11,2 tỷ USD. Trong đó, riêng Samsung Điện tử là 8,9 tỷ USD, bao gồm: dự án sản xuất điện thoại di động ở Thái Nguyên (vốn đầu tư 2 và 3 tỷ USD), ở Bắc Ninh (2,5 tỷ USD) và một dự sản xuất xuất đồ điện tử ở TP.HCM (1,4 tỷ USD). Phần vốn còn lại thuộc Dự án Samsung Electro
Machanics (vốn đầu tư 1,23 tỷ USD, chuyên sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại Samsung, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 12 năm nay) và Dự án Samsung Display (1 tỷ USD, chuyên sản xuất màn hình có độ phân giải cao).
Nhưng điều quan trọng không hẳn nằm ở số vốn đầu tư lớn, các dự án của Samsung đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Hiện tại, Samsung đóng góp tới gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ giống thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, Samsung trong quá trình biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình, đang dần trở thành “đối tác chiến lược quốc gia”, như đề xuất của các chuyên gia kinh tế nhằm tạo ra các trục ngành cho nền kinh tế, cũng như cho tương lai phát triển của Việt Nam.
“Khi trao đổi với tôi, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Bắc Ninh (Samsung Complex) đã khẳng định, họ muốn ở lại lâu dài với Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam. Tôi đồng tình với ý kiến đó, bởi nếu họ đến Việt Nam chỉ vì lợi nhuận, thì sẽ không nhận được sự đồng thuận của nhân dân”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói và một lần nữa khẳng định, Samsung và sức hấp dẫn của nhà đầu tư này đang đưa tới cho Việt Nam một cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao.
“Đó là một cách để Việt Nam nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI”, ông Mại nói và bày tỏ mong muốn, cùng với kế hoạch thu hút nhà đầu tư vệ tinh, Samsung sẽ tiếp tục góp phần quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử phát triển, tạo sức lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước.
Đồng tình quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã mời được Samsung vào, thì công việc quan trọng là làm sao để kết nối được doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu của họ. “Phải chuẩn bị các điều kiện để nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu của họ, đưa Việt Nam phát triển ở trình độ cao hơn, chứ không thể chỉ mãi lắp ráp, gia công được”, ông Thiên khuyến nghị.
------------------------
Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại Myanmar
Nhận lời mời của Tổng thống Myanmar Thein Sein, ngày 11/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Cấp cao liên quan tại Nay Pyi Taw từ ngày 12-13/11/2014.
Tham gia đoàn có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Vũ Đăng Dũng và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Quốc Bảo.
Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị Cấp cao liên quan nhằm đóng góp tích cực cho đoàn kết và thống nhất của ASEAN; phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và định hướng cho giai đoạn phát triển của Hiệp hội sau 2015, cũng như tham gia đóng góp xây dựng về các vấn đề khác thuộc quan tâm chung của khu vực.
-----------------------
Xây cầu vượt chống tắc đường, tắc luôn... cầu vượt
Bên cạnh những cây cầu vượt trên quốc lộ 5 phát huy tối ưu tác dụng là góp phần giảm thiểu tai nạn và chống ùn tắc giao thông; vẫn còn những cây cầu vượt thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm.
Theo phản ánh của người dân ở xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, cây cầu vượt qua quốc lộ 5 đoạn đối diện với KCN Phúc Điền (thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương) thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Điều này khiến nhiều người, chủ yếu là công nhân trong KCN Phúc Điền, ảnh hưởng nghiêm trọng do hôm nào cũng phải chờ đợi rất lâu mới được qua cầu.
Nguyên nhân được xác định là do lượng người đi lại quá đông, không có sự điều tiết của lực lượng chức năng dẫn đến sự tham gia giao thông trên cây cầu này rất lộn xộn.
Anh Nguyễn Hoàng Nam (38 tuổi, ở Cẩm Phúc, Cẩm Giàng) cho biết: “Ngày nào cây cầu vượt này cũng rơi vào tình trạng tắc hàng tiếng đồng hồ, chủ yếu vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Thời gian đó, công nhân trong KCN Phúc Điền đi lại rất đông. Nhiều người không kiên nhẫn chờ đợi được đành phải đi vòng khá xa mới sang được đường. Buổi sáng thì tắc bên làn đường theo hướng đi Hà Nội, vì công nhân sang đường vào KCN làm việc, buổi chiều thì ngược lại”.
Chị Trần Thị Yến (35 tuổi), công nhân trong KCN Phúc Điền - phản ánh: “Lẽ ra có lực lượng chức năng cấm không cho phương tiện lên cầu ở bên kia đường để cho lượng công nhân lưu thông hết sang bên đó. Chỉ cần qua giờ đi làm của bọn em là vãn ngay, như này chẳng khác gì “hai con dê đi qua 1 chiếc cầu” không ai chịu nhường ai, nên ngày nào cũng tắc như vậy. Nhiều lúc bọn em chờ lâu, sợ muộn giờ làm đành phải đi một đoạn xa để vòng lại sang đường”.
Theo quan sát của PV Dân trí, vào thời điểm đầu giờ sáng nay (11/11), tại vị trí đường dẫn lên cây cầu vượt này (theo hướng đi sang đường vào KCN Phúc Điền) chật cứng người và phương tiện. Dòng xe phải nhích từng tý một, xe chở nặng rất dễ bị tụt dốc dẫn đến những va chạm với xe phía sau. Phía trên cầu cũng có rất nhiều xe đi ngược chiều dừng đỗ do không di chuyển được, làm cho cảnh ùn tắc càng trở lên căng thẳng hơn. Nhiều người phải mất hàng tiếng đồng hồ mới sang được bên kia đường.
Người dân địa phương này thừa nhận, từ khi cây cầu vượt này được xây dựng và đi sử dụng đã góp phần giảm thiểu đáng kể tai nạn giao thông xảy ra. Tuy nhiên, nếu có lực lượng chức năng đến điều tiết giao thông tại đây vào giờ cao điểm, cây cầu sẽ phát huy tối ưu tác dụng hơn.
-----------------------