Anh Vũ Ngọc Dương, ở phố Khâm Thiên, Hà Nội bị một số người, trong đó có dì ruột của mình, dựng đứng chuyện chiếm đoạt 100 triệu đồng của một trung tâm dạy nghề ở Hà Nội. Nhưng đáng tiếc là, các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này đã không phát hiện ra sự vu khống đó. Hậu quả, anh Dương bị bắt tạm giam hơn 4 tháng, sau đó toà sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội tuyên anh Dương mức hình phạt 30 tháng tù và bản án phúc thẩm cũng tuyên y án (!?).
Tháng 8.2008 anh Dương có vay chú rể của mình là Nguyễn Văn Hiền (vợ anh Hiền là dì ruột của anh Dương) 50 triệu đồng với lãi suất 4,5 triệu đồng/tháng. Anh Dương đã trả lãi được 5 tháng với tổng số tiền là 22,5 triệu đồng. Do khó khăn chưa trả được tiếp, đến tháng 8.2009 (sau đúng 1 năm vay 50 triệu) thì anh Hiền viết giấy nợ cho anh Dương tính tổng nợ cả gốc và lãi lên đến trên 133 triệu đồng.
Sau đó, ông Bùi Văn Chính - Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh (trung tâm) - đến Công an huyện Đông Anh tố cáo anh Dương lợi dụng danh nghĩa tình nguyện viên của trung tâm chiếm đoạt 100 triệu đồng của 2 Cty làm từ thiện cho trung tâm. Sau khi xác minh, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam anh Dương; TAND TP. Hà Nội ra bản án sơ thẩm tuyên anh Dương phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xử phạt anh Dương 30 tháng tù giam. Bản án phúc thẩm TANDTC đã y án bản án sơ thẩm. Ngay sau bản án phúc thẩm, anh Dương viết đơn kêu oan và tố cáo một số nội dung đến Cơ quan điều tra VKSNDTC.
Nội dung đơn cho rằng: Ông Đỗ Hữu Ngọc, điều tra viên Công an huyện Đông Anh đã ép anh Dương ký khống vào các biên bản hỏi cung và xây dựng hồ sơ không khách quan, sai sự thật để quy kết anh tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong những ngày anh Dương bị bắt tạm giam, những đối tượng tố cáo này và một số người nữa đến Cơ quan CSĐT Công an Đông Anh để ép bố của anh Dương phải trả 197 triệu đồng cho họ.
... sự thật oan trái
Không chỉ 4 tháng 10 ngày ngồi tù oan, đang là cán bộ làm việc tại Ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội, bị dính vào vòng lao lý nên anh Dương đã bị mất việc. Hiện tại bản án có hiệu lực pháp luật vẫn còn nguyên đó, dù Cơ quan điều tra VKSNDTC chứng minh anh Dương bị oan.
Đáng chú ý là, nhiều điểm đáng ngờ trong đơn tố cáo của anh Dương đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua một cách đáng tiếc.
Thứ nhất, hai phiếu chi tiền của 2 Cty khác nhau (trụ sở ở Hà Nội và Bắc Ninh) cho trung tâm là do hai người lập nhưng chữ viết lại hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, trước sự bất bình thường này cơ quan điều tra vẫn không tiến hành giám định, không xác định được ai lập 2 phiếu chi nêu trên. Thứ hai, trong quá trình lấy lời khai, anh Dương khẳng định không phải là người của trung tâm và thực tế, trung tâm này cũng không có hồ sơ và thẻ hội viên của anh Dương. Tuy nhiên, những lời khai và thực tế này đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua.
Nhưng, cũng cần nói rõ, những đánh giá sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng một phần do các cơ quan này đã bị hành vi làm giả hồ sơ khá tinh vi của những người đi tố cáo “bịt mắt”. Cụ thể, dì ruột của anh Dương là Dương Diệu Thu đã cung cấp cho Nguyễn Thị Thanh Vân (người cho Diệu Thu vay 40 triệu đồng và nói nếu đòi được tiền của Dương thì mới có tiền trả cho chị Vân).
Bà Vân đã dựa mẫu chữ này lập một loạt giấy tờ giả mạo (đơn xin gia nhập thành viên Hội Chữ thập Đỏ TP. Hà Nội mang tên anh Dương, chữ ký giả trong các phiếu chi của 2 Cty cho trung tâm, giấy cam kết trả tiền ...) để vu khống anh Dương với cơ quan điều tra. Cách thức làm giả khá tinh vi: Cho bản chữ gốc của anh Dương vào túi nylon, sau đó phủ tờ giấy trắng lên và dùng bông thấm dầu hỏa, khi hiện các chữ ở bản gốc thì bà Vân dùng bút bi tô những mẫu chữ cần thiết lên. Khi tô xong thì dùng máy sấy tóc sấy khô tờ giấy và công đoạn làm giấy tờ giả mạo đã xong.
Do đó, khi giám định chữ viết, chữ ký của anh Dương trên đơn xin gia nhập trung tâm dạy nghề và 2 phiếu chi, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội đã không phát hiện ra sự giả mạo. Tuy nhiên, theo đề nghị của Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng giám định lại đã phát hiện: Chữ ký, chữ viết trên không phải do một người viết ra. Nhờ giám định này, một phần sự thật của vụ án đã được làm rõ.
Hiện tại, bước đầu anh Dương đã được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao chứng minh không chiếm đoạt 100 triệu đồng của trung tâm dạy nghề. Cơ quan điều tra cũng đã đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo: Cơ quan điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu đến các vụ chức năng của VKSND Tối cao nghiên cứu, xem xét xử lý vụ án trên theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiếp tục xác minh làm rõ những cá nhân có vi phạm pháp luật: Dấu hiệu của việc xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án và dấu hiệu tội vu khống.
Vợ chồng “rổ rá cạp nhau” gần 10 năm trời, nay vì chút của cải mà người chồng quay mặt hắt hủi, đối xử tệ bạc với vợ. Tức nước vỡ bờ, người vợ xin ly hôn để được giải thoát. Cho rằng toà sơ thẩm xử ép, bà kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm phải buộc chồng bà trả 100.000 đồng/ngày tiền “công làm vợ”.
Chuyện tình nơi quán nhỏ
Vụ kiện hy hữu xảy ra ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua. Thật khó có thể hiểu được cảm xúc của bà Dương Thị Đinh H (51 tuổi) khi đưa ra một yêu cầu “kỳ cục” như vậy. Vụ án kỳ cục này khiến những người cầm cân nảy mực cũng phải “đau đầu” bởi qua hai phiên xét xử, người vợ trước sau như một vẫn đòi chồng là ông Nguyễn T (69 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) trả khoản tiền “của chồng công vợ” tính từ ngày hai người đăng ký kết hôn.
Một ngày đầu xuân năm 2000, ông T cưỡi chiếc xe đạp lang thang, dạo chơi quanh quẩn rồi ghé vào quán tạp hoá tại nhà bà H để uống cà phê. Thấy ông khách tuổi trung niên có vẻ mặt “hiền như cục đất”, cô chủ quán liền đem lòng yêu mến. Biết rằng cả hai đều chung cảnh ngộ, chàng thì goá vợ, nàng “mồ côi” chồng, sớm chiều làm lụng nuôi con nên từ đó, đôi bên cảm tình nhau. Tranh thủ lúc “nông nhàn”, hai người thường xuyên qua lại, thăm hỏi. Hai đứa con trai nhỏ của bà H thấy ông T nghèo nhưng hiền lành và vui tính nên cũng rất quý ông. “Hai anh em thích chơi đùa với ông ấy. Mỗi buổi tan trường, hai đứa cứ về tới nhà là hỏi “khi nào bác ấy tới chơi” hoài. Nhìn ba người họ trở nên gần gũi và thân thiết như vậy, tôi cảm thấy vui lắm. Thiết nghĩ chồng mình qua đời vì bạo bệnh đã lâu, còn ông T cũng vừa mãn tang vợ, chúng tôi không vướng bận gì cả, nên mới quyết định đi thêm bước nữa", bà Huyền nhớ lại thuở xưa “lưu luyến” ấy.
Cuối thu năm 2000, bà H quyết định rời căn nhà nhỏ của mình về chung sống với ông T, trước sự chứng kiến, trầm trồ của thiên hạ. Tuy không tiệc cưới long trọng, không xe hoa rước dâu đình đám, nhưng đôi vợ chồng này được con cái và người thân cả hai bên gia đình thật lòng chúc phúc. Ngày về làm dâu, bà H hết lòng yêu thương, chăm sóc mẹ chồng từng miếng ăn giấc ngủ. Cụ Ch (mẹ ông T) cũng rất mãn nguyện về cách đối xử và chăm sóc của nàng dâu mới. Trong ngôi nhà nhỏ gần ngã tư đường, bà H kê thêm mấy chiếc bàn ghế nhựa bán càphê, giải khát, còn ông T sớm chiều chạy xe ôm, kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Hoàn cảnh gia đình lúc ấy tuy còn khó khăn, nhưng nghĩa vợ tình chồng tựa bát nước đầy khiến những người hàng xóm nể phục và quý mến.
Được một thời gian, khoảng 4 năm, những người con của ông T lần lượt lấy vợ, cuộc sống trong căn nhà nhỏ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rạn nứt. “Ngày tôi về nhà ông T làm vợ, tin lời ngon ngọt của ông ấy, tôi bỏ tiền ra sửa sang nhà cửa, ruộng vườn. Cứ ngỡ ổng chịu ăn đời ở kiếp với mình nên tôi mới làm giấy tờ chuyển giao nhà cửa của mình cho thằng con trai, nào ngờ ổng lại “cạn tàu ráo máng”, trở mặt, thường xuyên kiếm chuyện chửi bới, rồi cùng con ông ấy xua đuổi tôi ra khỏi nhà”, bà H chia sẻ.
Cuộc hôn nhân không suôn sẻ
Chịu không thấu, bà H khăn gói trở về tá túc bên nhà con trai. Ai thuê gì bà làm nấy không quản ngại khó khăn, nặng nhọc miễn là có tiền mưu sinh. Năm 2005, ông T lại đến nhà bà H “trồng cây si” mấy ngày liền. Ông năn nỉ, van xin bà H quay về sống với mình và còn thề thốt không bao giờ hắt hủi bà nữa. Động lòng, một lần nữa, bà H lại về với ông T, nhưng để cho chắc chắn, bà buộc ông T làm giấy đăng ký kết hôn để “danh chính ngôn thuận” mọi chuyện. Hai người đi đăng ký kết hôn và chính thức trở thành vợ chồng hợp pháp của nhau.
Bà H cho biết, bà có người con trai út là anh Lê Minh H và vài người cháu ruột (gọi bằng dì) sống bên Mỹ thường xuyên gửi tiền về cho bà. Với số tiền này, bà H mang về nhà chồng để xây dựng nhà cửa, kiốt, ổn định cuộc sống vợ chồng. “Thời gian đầu làm vợ, tôi không có áp lực gì, ông ấy cũng không gây gổ gì với tôi. Sự việc chỉ xảy ra vào năm 2012, khi hai đứa con chồng trước của tôi không gặp may, một đứa ở bên Mỹ không gửi tiền về cho tôi nữa, đứa ở nhà cũng làm ăn giảm sút. Từ đó, ông ấy thay đổi thái độ với tôi. Ông ấy bắt đầu kiếm chuyện, hắt hủi tôi không thương tiếc, kiếm cớ hành hung và đuổi tôi ra khỏi nhà. Con cái ông ấy có nhà hết rồi, tôi cũng không tham lam, tranh giành gì nhưng không ngờ ông ấy lại thủ đoạn thế”, bà H bức xúc nói.
Bà H cho biết thêm: “Hiện tôi phải ở nhờ nhà con trai, có khi lại đi tá túc tại nhà của các chị em gái ở Bồng Sơn. Bức xúc nên tôi làm đơn thưa kiện ông T. Giữa tôi và ông T sống hợp pháp “danh chính ngôn thuận” gần 10 năm trời, có giấy kết hôn đàng hoàng, nhưng toà sơ thẩm chỉ yêu cầu ông T đưa tôi 30 triệu đồng là không thoả đáng”.
Không chấp nhận với phán quyết của toà huyện (sơ thẩm), bà H kháng cáo, yêu cầu ông T phải tính cho bà khoản tiền làm vợ trong thời gian chung sống với “giá” 100.000 đồng mỗi ngày. Tại phiên xử phúc thẩm, bà H một mực yêu cầu: “Ông T cũng bồi thường cho tôi mấy chục triệu nhưng chừng đó chưa đủ. Khi lấy ông ấy, tôi đã giao nhà chồng cũ (đã mất) của tôi cho con trai nên nay tôi không về đó ở được. Tôi yêu cầu ông T phải có nghĩa vụ lo nhà cửa mới cho tôi nhưng ông ấy không chịu. Do đó, tôi đề nghị toà buộc ông ấy phải trả tiền “công” tôi làm vợ mỗi ngày là 100.000 đồng. Nếu không ưng ông ấy, giờ này tôi đã có nhà lầu, xe hơi rồi”.
Cũng theo bà H, ông T hiện có nhà cửa, có đủ các tài sản trong tay, còn bà thì trắng tay, chẳng có gì cả, nếu không bồi thường thêm, đồng nghĩa với việc ông phủ nhận công lao “làm vợ” của bà. “Tôi sống với ông ấy gần chục năm, hầu hạ rồi chăm sóc, sống thật lòng thật dạ. Giờ tôi tay trắng tay, tuổi cũng đã 50 rồi, không nhà cửa, không chồng con, không làm gì được nhiều nữa, tôi chỉ muốn có thêm một khoản tiền để tìm một chỗ ở lúc về già. Số tiền 100.000/ngày đòi thế chứ nhiều hay ít cũng không đủ. Tính ra là hơn 300 triệu đồng tương đương với 9 năm tôi chung sống với ông ấy”, bà H tâm sự.
Mặc dù, Hội đồng xét xử đã nhiều lần giải thích cho bà H là pháp luật không có quy định tính “công” làm vợ, hơn nữa vợ chồng là tình cảm, đạo nghĩa không thể quy ra tiền, nhưng bà H vẫn không đồng tình. Cho rằng việc vợ yêu cầu chồng cũ phải trả “công làm vợ” mỗi ngày 100.000 đồng trong khoảng thời gian 9 năm 2 tháng (căn cứ theo ngày đăng ký kết hôn) chung sống với nhau là không hợp lý nên ngày 21.10 vừa qua, Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã bác bỏ kháng cáo của bà H, tuyên y án sơ thẩm.
Vụ việc trên cho thấy, tình cảm rạn nứt cũng vì tiền.
---------------------------
Viện trưởng VKSND tối cao: Chưa thể khẳng định Huỳnh Văn Nén vô tội
“VKSND tối cao kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén để xem xét lại vì có những chi tiết chưa yên tâm. Nhưng điều đó không có nghĩa khẳng định Huỳnh Văn Nén không có tội”, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 10/11.
Vụ án oan Huỳnh Văn Nén mới đây đã được VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm với thông tin đưa ra, đơn tố giác tội phạm thực sự giết bà Lê Thị Bông đã có từ lâu nhưng không được xem xét. Là người quyết định kháng nghị, Viện trưởng có đề cập việc xem xét trách nhiệm của những cán bộ liên quan trực tiếp tới việc này?
VKSND tối cao đã kháng nghị như vậy thì thẩm quyền giải quyết bây giờ thuộc về TAND tối cao. TAND tối cao sẽ quyết định việc làm tiếp theo như thế nào; trên cơ sở đó mới biết hướng xử lý được. Bây giờ kháng nghị xem xét lại vì có những chi tiết chưa yên tâm. Nhưng điều đó không có nghĩa khẳng định rằng vào thời điểm này Huỳnh Văn Nén không có tội.
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) có tình tiết khác hẳn. Cho nên vấn đề đặt ra xem xét trách nhiệm gì đó mà phóng viên nói thì vào thời điểm này là hơi sớm.
Nhưng thưa ông trong vụ việc này đã xuất hiện ít nhất 3 nhân chứng tố giác tội phạm vào thời điểm xảy ra vụ án và họ đều nói hung thủ sát hại bà Bông không phải ông Huỳnh Văn Nén nhưng không được xem xét tới?
Tất cả những việc đó phải xem xét lại theo trình tự chặt chẽ hơn. Mọi đánh giá, kết luận về vụ án trước khi phiên tòa mở ra đều là sớm nên không thể đặt ra được.
Vậy VKSND tối cao có kiến giải gì với quan điểm cho rằng cần phải tổ chức truy tìm ngay Nguyễn Thọ - người đã bị tố giác là hung thủ thực sự giết hại bà Lê Thị Bông?
Đó là hướng đặt vấn đề chính xác. Việc đó thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận.
Quan điểm của VKSND tối cao là kháng nghị để xem xét minh oan ngay cho ông Nén hay hủy án, trả hồ sơ điều tra lại? Trong thời gian xem xét lại vụ án, liệu ông Huỳnh Văn Nén có thể được tính toán cho tại ngoại?
Quan điểm của chúng tôi khi khi kháng nghị là phải xem xét lại toàn bộ vụ án theo cách trả lại hồ sơ. Còn ở thời điểm này, chưa đặt ra chuyện cho Huỳnh Văn Nén được tại ngoại.
Có ý kiến cho rằng vụ án Huỳnh Văn Nén có nhiều yếu tố, tình tiết giống vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn nên chắc chắn sẽ có nhiều cán bộ phải bị xử lý?
Đến giờ chưa thể có cơ sở nào kết luận về vụ việc này như thế nào. Tôi rất mong dư luân, nhân dân chờ đợi kết quả của phiên tòa sắp tới.
Có nhiều vụ án VKSND tối cao ra kháng nghị khi bị án đã thi hành án rất lâu rồi. Dịp này, VKSND tối cao có xem xét lại kỹ càng những vụ án có đơn kêu oan dai dẳng, kéo dài không?
Nói về đơn khiếu nại đối với các bản án thì hàng năm toàn ngành kiểm sát nhận được rất nhiều. Có thể nói tất cả các vụ án đều có khiếu nại, nhưng xem xét phải có điều kiện, kêu oan phải có căn cứ. Tất cả được ghi trong luật không phải tùy tiện muốn làm thế nào thì làm.
Theo thông lệ mỗi năm một quốc gia cũng giải quyết các vụ án hình sự theo trình tự tái thẩm, giám đốc thẩm nhưng không phải nhiều. Chúng tôi một năm nhận được 140.000 đơn, tất cả các vụ án đều xem xét lại thì biến tái thẩm và giám đốc thẩm trở thành một cấp xét xử, trong khi luật và Hiến pháp của chúng ta quy định xét xử chỉ có 2 cấp là sơ thẩm và phúc thẩm, phúc thẩm là bản án có hiệu lực.
Trừ những trường hợp theo quy định của luật có thể xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm và có điều kiện, nhưng rất chặt chẽ, chứ không phải vụ việc nào cũng xem xét lại. Mong dư luận hiểu quy định là như thế thì chúng ta mới thực thi được.
Xin cảm ơn Viện trưởng!
---------------------------
Cảnh sát Campuchia giải thoát 10 người Việt bị tra tấn
Hôm 8-11, lực lượng cảnh sát Campuchia đã giải cứu 10 công dân Việt Nam từ một ngôi nhà ở tỉnh Kompong Thom. Họ đã bị tra tấn và bỏ đói trong hơn một tháng liền. Những kẻ bắt cóc đã đòi tiền chuộc từ gia đình các nạn nhân tại Việt Nam.
Theo Chou Sam An, cảnh sát trưởng tỉnh Kompong Thom, giới chức năng đã được một trong số 11 người bị bắt cóc cung cấp thông tin. Người này đã chạy thoát khỏi nơi giam giữ ở huyện Prasat Balaing, sau đó trốn sang tỉnh Banteay Meanchey và thông báo lại cho cơ quan chức năng tại đây.
Ông Chou Sam An cho biết: "Chúng tôi đã dành hơn một tháng tìm kiếm các nạn nhân sau khi nhận được thông tin". Được biết, lực lượng cảnh sát cấp tỉnh và huyện đều tham gia vào cuộc giải cứu con tin.
Theo báo cáo, các kẻ cầm đầu vụ bắt cóc bao gồm: Hou Tap, 42 tuổi, công dân Việt Nam; vợ hắn là Thoeun Srey Toch, 33 tuổi, người Campuchia; cùng với Nguyễn Văn Thor, 26 tuổi, cũng là người Việt.
Cả ba đã bị bắt giữ vào ngày 8-11. Chúng sẽ bị giải đến Toà án cấp tỉnh ngày 10-11 để nhận cáo buộc giam giữ và tra tấn người bất hợp pháp.
Những người Việt Nam được trả tự do gồm có chín người đàn ông và một người phụ nữ. Họ đã bị lừa sang Campuchia lao động với lời hứa sẽ được trả 500 đô la mỗi tháng. Thế nhưng, ngay khi vừa đến nơi, các nạn nhân đã bị còng tay và bị bắt nhốt trong tầng hầm của ngôi nhà tại xã Kraya.
Những kẻ bắt cóc đã đánh đập từng người. Chúng gọi điện đến gia đình của nạn nhân tại Việt Nam để tống tiền, trong khoảng từ 300 đô la đến 4.000 đô la một người. Các nạn nhân cũng đã bị bỏ đói trong khi thời gian bị giam cầm.
Trước đó, vào tháng Tư vừa qua, ba công dân Việt Nam đã bị bắt giữ tại làng Sihanouk vì đã lừa hai người đàn ông 34 tuổi người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc rồi bắt cóc. Chúng sau đó đã đòi một khoản tiền chuộc tổng cộng 14.000 đô la.
------------------------------