Cựu Tổng thống Gorbachev cảnh báo chiến tranh lạnh
Cựu lãnh đạo Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev, người đoạt giải Nobel Hoà bình năm 1990 tiếp tục cảnh báo rằng cả thế giới đang tiến sát đến một cuộc chiến tranh lạnh mới do căng thẳng giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine, theo The Guardian.
Mikhail Gorbachev tuyên bố như trên trong bài phát biểu kỉ niệm 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ hoàn toàn vào hôm 8.11. “Chúng ta phải đảm bảo rằng căng thẳng vừa mới mới xảy ra nằm trong tầm kiểm soát”, cựu lãnh đạo Liên bang Xô Viết phát biểu.
Cựu lãnh đạo 83 tuổi cho rằng, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã “tỏ ra đắc thắng” sau sự sụp đổ của chế độ Cộng sản. Ông kêu gọi một niềm tin mới cho nước Nga thông qua một cuộc hội đàm với Moscow, và đề nghị phương Tây nên dừng các hành động chống lại các quan chức cấp cao Nga trong vấn đề miền đông Ukraine.
Ông cũng cho rằng, nếu các nỗ lực gìn giữ an ninh tại châu Âu thất bại, châu lục này sẽ đứng ngoài các hoạt động chung của thế giới. Trước khi đến Berlin, ông đã nêu quan điểm của mình với Tổng thống Nga, rằng cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine sẽ là một cái “cớ” để Mỹ làm hại nước Nga.
Tờ The Guardian dẫn lại câu trả lời của ông với hãng thông tấn Interfax, cho biết Gorbachev thừa nhận rằng Tổng thống Vladimir Putin đã bị chỉ trích khá nhiều, dù vậy, ông không muốn một ai khác thay thế Putin ở vị trí đó: “Tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng Putin sẽ bảo vệ lợi ích của nước Nga tốt hơn bất cứ ai”.
Những nỗ lực thực hiện cải cách của Gorbachev giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng góp phần kết thúc quyền uy tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) và giải thể Liên bang Xô Viết vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990.
Gorbachev đã giữ các binh lính Xô Viết đóng quân trong trại tại Đông Đức vào đêm ngày 9.11.1989, ngày bức tường Berlin sụp đổ, và từ chối dùng vũ lực trấn áp nguyện vọng dân chủ của công dân ở những nước Đông Âu đang trong vòng kiềm tỏa của Liên Xô ở thời điểm đó.
Mikhail Gorbatchev là khách mời đặc biệt của chính quyền Berlin trong sự kiện lịch sử kỉ niệm 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ, mặc cho mối quan hệ giữa Đức và Nga trong vài tháng qua trở nên căng thẳng bởi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Báo chí Đức cho biết sẽ có khoảng hai triệu du khách đổ về thủ đô trong hai ngày cuối tuần này.
-------------------------
Ngoại trưởng Mỹ phủ nhận hợp tác hạt nhân với Iran
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kịch liệt phủ nhận thông tin Washington đề nghị hợp tác với Iran trong cuộc chiến chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với điều kiện đạt được thỏa thuận hạt nhân với Tehran, theo AFP.
Ông Kerry trao đổi với phóng viên khi đang tham dự hội nghị APEC tại Bắc Kinh: “Tôi muốn làm rõ rằng không có đối thoại, không có thỏa thuận, không có sự trao đổi và không có điều gì đã được thiết lập đại loại như giao dịch hay hiệp định nào đối với những vấn đề đang bị đe dọa ở Trung Đông”, theo AFP ngày 8.11.
Trước đó, tờ Wall Street Journal ngày 6.11 cho biết Tổng thống Obama đã gửi mật thư cho lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei. Theo tờ báo này, bức thư trên được gửi vào giữa tháng 10, trong thư có đề cập đến sự hợp tác giữa Mỹ và Iran trong cuộc chiến chống IS sẽ gắn liền với một thỏa thuận giữa Iran và các quốc gia khác về chương trình hạt nhân của nước này.
Trong một diễn biến liên quan khác, sau khi người phát ngôn nhà trắng Josh Earnest từ chối bình luận về thông tin liên quan đến bức mật thư, ông Kerry đã từng nói rằng ông không khẳng định hay phủ nhận việc có lá thư đó hay không, đồng thời cũng không bình luận về việc tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Iran có trao đổi bí mật với nhau hay không”.
-------------------------
Washington phủ nhận ‘dàn xếp’ với Triều Tiên để thả 2 người Mỹ
Mặc dù 2 công dân Mỹ bị giam giữ tại CHDCND Triều Tiên đã được phóng thích sau một chuyến đi Bình Nhưỡng bí mật của giám đốc CIA, nhưng Washington khẳng định không có thương lượng với Triều Tiên trong vụ này.
Triều Tiên đã bất ngờ phóng thích Kenneth Bae và Matthew Miller và 2 công dân Mỹ này đã quay về nước vào hôm 8.11, theo AFP.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi đây là động thái “tuyệt vời”, trong khi các quan chức bộ ngoại giao nước này khẳng định đã không có bất kỳ thỏa thuận “dàn xếp” nào với Triều Tiên để đổi lấy tự do cho Bae và Miller.
“Bộ ngoại giao Mỹ hoan nghênh việc trả tự do cho 2 công dân Mỹ Kenneth Bae và Matthew Todd Miller của Triều Tiên”, AFP dẫn thông báo của bộ ngoại giao Mỹ.
Giám đốc CIA James Clapper đã đến Triều Tiên và “đã đại diện nước Mỹ để thảo luận với nhà chức trách Triều Tiên về việc phóng thích 2 công dân này”, theo thông báo của bộ ngoại giao Mỹ.
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Bill Richardson tiết lộ cho CNN rằng Clapper đã mang theo một “thông điệp ngắn” từ ông Obama đến Triều Tiên, trong đó chỉ định ông Clapper là đặc phái viên Mỹ mang 2 người dân bị giam tại Triều Tiên về nước.
-------------------------
Tại sao Nga thay đổi quan điểm về bầu cử đông Ukraine?
Cuối cùng Nga chính thức đưa ra quan điểm không công nhận kết quả bầu cử của khu vực Donetsk và Luhansk, dù trước đó Ngoại trưởng Sergei Lavrov hứa sẽ thực hiện điều này.
Nội dung “tôn trọng ý nguyện của cử tri đông nam Ukraine” trong thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao Nga hôm 3-11, tức một ngày sau cuộc bầu cử của phe đòi ly khai, mới đây được Kremlin giải thích không mang ý nghĩa “công nhận” theo cách hiểu của giới truyền thông.
Cụ thể, trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov tuyên bố: “Quan điểm chính thức của Nga thể hiện trong tuyên bố ngắn nhưng hàm súc của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga về kết quả bầu cử. Tôn trọng và công nhận là những từ khác nhau. Chúng tôi chủ ý chọn lựa từ tôn trọng”.
Trả lời báo điện tử gazeta.ru, thư ký báo chí tổng thống Nga D. Peskov thận trọng cho biết “chưa thể nói gì thêm” về quan điểm mới của Kremlin trong việc giới hạn hàm ý “tôn trọng”.
Một ngày trước phát biểu của ông Ushakov, ông Peskov đã tiết lộ Tổng thống Putin “không có kế hoạch gặp gỡ với những lãnh đạo vừa được tuyên thắng cử ở miền đông Ukraine”.
Bình luận về diễn biến mới này, một quan chức cao cấp Chính phủ Nga khẳng định Matxcơva đã chủ ý lựa chọn cách tiếp cận an toàn đối với vấn đề bầu cử Ukraine để tránh phá hủy những kết quả đạt được sau bao khó nhọc. “Điều quan trọng với chúng tôi là ở vùng Donbass không phe nào tiếp tục nổ súng”.
Khi được hỏi tại sao hồi tuần trước Ngoại trưởng Lavrov trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo Izvestia lại nói sẽ công nhận bầu cử ở miền đông Ukraine, vị quan chức này chỉ đáp ngắn gọn: “Chuyện đó lâu rồi”.
Nhiều chuyên gia luật học Nga cho rằng không nên đánh đồng việc tôn trọng kết quả bầu cử với việc công nhận nền độc lập của một vùng lãnh thổ, đồng thời không có luật pháp quốc tế nào cấm tôn trọng lựa chọn của con người.
Giám đốc Viện các quốc gia SNG Konstantin Zatulin bày tỏ quan điểm rằng thông cáo mới của Bộ Ngoại giao Nga hoàn toàn phù hợp với phát biểu trước đó của ông Lavrov về việc sẵn sàng công nhận kết quả bầu cử của Donetsk và Luhansk.
Ông Zatulin giải thích cũng với hình thức này, Nga đã công nhận kết quả bầu cử của Kiev dù giữa hai bên hiện tại có không ít khúc mắc.
Giáo sư Valery Solovei của Học viện Ngoại giao Nga nhận xét việc công nhận kết quả bầu cử là một quyết định chính trị đưa ra không phải bởi Bộ Ngoại giao Nga mà chính là điện Kremlin.
Động thái mới nhất cho thấy phủ tổng thống Nga muốn chờ kết quả cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Ukraine và hội nghị G-20 giữa tháng 11 này do trước đó phương Tây đã phong thanh chuyện tăng cấm vận sau phát ngôn của Ngoại trưởng Lavrov.
“Nền kinh tế Nga đang trong tình trạng mà thêm một cấm vận nữa cũng là quá nhiều với Nga” - giáo sư Solovei nhận xét.
-------------------------
Thủ lĩnh IS ‘trọng thương’ vì bom Mỹ
Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), được cho là đã bị “trọng thương” sau khi chiến đấu cơ của liên quân Mỹ oanh tạc một đoàn xe chở một nhóm chỉ huy cấp cao IS tại Iraq.
Nguồn tin của đài truyền hình Al Arabiya khẳng định al-Baghdadi đã bị thương rất nặng trong cuộc không kích của liên quân Mỹ tại thị trấn al-Qaim.
Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ thông báo chiến đấu cơ liên quân Mỹ đã phá hủy một đoàn xe gồm 10 chiếc xe tải có vũ trang chở theo một nhóm “các chỉ huy IS” vào tối hôm 7.11. Tuy nhiên, quân đội Mỹ không xác nhận al-Baghdadi có mặt trong đoàn xe hay không.
Trong khi đó, Iraqi News dẫn lời một quan chức tại tỉnh Anbar (Iraq) xác nhận “máy bay của liên quân quốc tế đã nhắm vào một cuộc họp của các thủ lĩnh IS tại thành phố Qaim, phía tây Anbar, khiến hàng chục người chết và bị thương”.
Tuy nhiên, một số tài khoản của thành viên IS trên trang mạng xã hội Twitter đã phủ nhận thông tin nói trên, khẳng định al-Baghdadi vẫn còn sống và kêu gọi người ủng hộ tổ chức này phớt lờ thông tin giả mạo, theo đài RT.
-------------------------