Nhật – Trung thiết lập các cơ chế quản lý xung đột
Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận bốn điểm nhằm cải thiện quan hệ song phương, trong đó có vấn đề căng thẳng ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 7.11 đã có cuộc gặp với người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi đang ở thăm Trung Quốc.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc hội đàm hai bên đã đạt được thỏa thuận bốn điểm nhằm cải thiện quan hệ song phương, trong đó có liên quan đến căng thẳng ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Tân Hoa Xã đưa tin.
Theo đó, hai bên xác định tôn trọng tinh thần và các nguyên tắc trong bốn văn kiện chính trị đạt được giữa hai nước trước đây. Bên cạnh đó, hai bên nhất trí thông qua đối thoại để ngăn chặn căng thẳng leo thang, thiết lập các cơ chế quản lý xung đột, không để xảy ra sự cố ngoài ý muốn và nỗ lực xây dựng lòng tin chính trị.
Ông Yachi cho biết Nhật Bản rất coi trọng mối quan hệ chiến lược cùng có lợi với Trung Quốc. Nhật Bản sẵn sàng tiến hành đối thoại và tham vấn với Trung Quốc để tăng cường hiểu biết chung và sự tin cậy lẫn nhau, đồng thời xử lý đúng đắn các vấn đề bất đồng và nhạy cảm.
-------------------------
Mexico hủy hợp đồng mua tàu điện cao tốc Trung Quốc
Ngày 7-11, Mexico bất ngờ hủy bỏ hợp đồng mua hệ thống đường sắt cao tốc trị giá hàng tỷ USD từ Trung Quốc sau nhiều nghi vấn về quá trình đấu thầu.
Theo AFP, hôm 4-11 chính quyền Mexico trao hợp đồng thầu trị giá 3,75 tỷ USD cho Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) và bốn đối tác Mexico. Đây là nhóm duy nhất tham gia cuộc đấu thầu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên tại Mexico.
Tuy nhiên mới đây Bộ trưởng Giao thông Mexico Gerardo Ruiz Esparza cho biết Tổng thống Enrique Pena Nieto đã quyết định hủy hợp đồng này “để xóa bỏ mọi nghi ngờ về tính hợp pháp và sự minh bạch” của cuộc đấu thầu.
Ông Ruiz Esparza cho biết Tổng thống Pena Nieto ra quyết định chỉ một khoảng thời gian ngắn trước đó. Như vậy, cuộc đấu thầu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở Mexico sẽ được tổ chức lại. Bộ Giao thông Mexico sẽ kéo dài thời gian đấu thầu để nhiều công ty có thể tham gia.
Ông Pena Nieto đưa ra quyết định gây ngạc nhiên này ngay trước khi ông lên đường đến Trung Quốc dự hội nghị APEC ở Bắc Kinh ngày 10 và 11-11.
Dự án đường sắt cao tốc là một phần trong kế hoạch của ông Pena Nieto nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên hết thời hạn ngày 15-10, chỉ có CRCC và các đối tác Mexico tham gia đấu thầu.
Khi đó Bộ Giao thông Mexico tiết lộ có tới 16 công ty đã quyết định không tham gia đấu thầu, bao gồm các tập đoàn công nghiệp lớn như Mitsubishi (Nhật), Alstom (Pháp), Bombardier (Canada) và Siemens (Đức). Không rõ tại sao các công ty này lại làm như vậy.
Trước khi hủy hợp đồng với CRCC, chính quyền Mexico lên kế hoạch bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 210 km giữa thủ đô Mexico City với Queretaro từ tháng 12 tới và dự kiến hệ thống này đi vào hoạt động từ năm 2017.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt cao tốc này chở 23.000 hành khách mỗi ngày với tốc độ tối đa lên đến 300 km/g, giảm thời gian đi lại từ Mexico City tới Querataro từ 150 phút xuống còn 58 phút.
-------------------------
Mỹ giấu tin 600 binh sĩ nhiễm chất độc hóa học ở Iraq
Ngày 7-11, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận hơn 600 binh sĩ nước này có thể đã nhiễm chất độc hóa học ở Iraq kể từ khi đổ quân vào năm 2003.
Báo New York Times đăng bài điều tra cho thấy sau khi đổ quân vào Iraq, quân đội Mỹ không phát hiện ra bất kỳ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt nào, nhưng tìm thấy tàn tích của nhiều loại vũ khí hóa học từ thập niên 1980 bị bỏ hoang.
New York Times xác định ít nhất 17 binh sĩ Mỹ đã bị thương vì khí độc sarin hay mù tạt sulfur ở Iraq. Sau khi bài báo được đăng tải, có thêm một số cựu binh Mỹ cũng lên tiếng về việc nhiễm chất độc hóa học ở Iraq.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã ra lệnh mở cuộc điều tra. Và Lầu Năm Góc phát hiện hơn 600 binh sĩ có thể đã tiếp xúc với chất độc hóa học trên chiến trường Iraq.
New York Times nhận định phát hiện này cho thấy có thể còn nhiều nạn nhân khác, bao gồm binh sĩ nước ngoài, nhà thầu tư nhân, binh sĩ và thường dân Iraq…
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ mở rộng liên lạc với các cựu binh sĩ từng chiến đấu tại Iraq. Đầu tiên, Lầu Năm Góc sẽ lập một đường dây nóng miễn phí để các binh sĩ và cựu binh báo cáo trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học và xin hỗ trợ điều trị.
Chuyên gia Philip Carter thuộc Trung tâm An ninh Mỹ chỉ trích việc Lầu Năm Góc phản ứng quá chậm trễ với việc các binh sĩ nhiễm chất độc hóa học là yếu kém không thể chấp nhận được.
Ông Paul Rieckhoff, giám đốc tổ chức Cựu binh Mỹ tại Iraq và Afghanistan, cho rằng Lầu Năm Góc cần minh bạch toàn bộ thông tin.
Ông Rieckhoff cho rằng vụ việc này gợi nhớ lại việc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng giấu diếm thông tin về các trường hợp nhiễm chất độc da cam trong Chiến tranh Việt Nam, cũng như các vấn đề y tế và môi trường trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.
-------------------------
Lộ diện tỷ phú Nga bị Mỹ điều tra rửa tiền
Gennady Timchenko - tài phiệt dầu mỏ và cũng là người thân tín bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đang bị giới chức Mỹ điều tra vì rửa tiền.
Timchenko năm nay 61 tuổi. Ông từng làm việc cho một công ty xuất khẩu dầu mỏ cuối thời kỳ Liên Xô. Timchenko cũng là người sáng lập và có công gây dựng Tập đoàn Gunvor thành một trong những hãng kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới thập niên 90, chuyên bán dầu thô và xăng của Nga, bao gồm cả sản phẩm của hãng dầu mỏ quốc gia Rosneft.
Cơ quan Tư pháp Brooklyn đang điều tra liệu Timchenko có tham gia rửa tiền thông qua hệ thống tài chính Mỹ hay không, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Castor Americas - chi nhánh tại Mỹ của Gunvor đã nhận được trát của tòa án từ 3 năm trước, người này tiết lộ.
Trước đó, Wall Street Journal cũng cho biết các công tố viên đang điều tra liệu Gunvor có mua dầu từ Rosneft và sau đó bán cho bên thứ 3 hay không, và liệu việc này có liên quan đến bất kỳ tài sản nào của ông Putin hay không. Giới chức Mỹ cũng đã yêu cầu Gunvor cung cấp thông tin về giá bán sản phẩm.
Tuy nhiên, đại diện một công ty khác của ông - Volga Group cho biết: "Hoạt động kinh doanh của ông Gennady Timchenko luôn tuân thủ đúng pháp luật". Timchenko hiện không còn là cổ đông Gunvor. Ông đã bán sạch 43% cổ phần trong hãng dầu mỏ cho một đối tác kinh doanh hồi tháng 3, ngay trước khi Mỹ công bố danh sách trừng phạt mới có tên ông.
Gunvor cũng cho biết họ chưa được nghe được thông tin nào về vụ điều tra. "Gunvor chỉ là đang bị kẹt trong căng thẳng chính trị mà thôi. Chúng tôi vẫn chưa thấy có vụ điều tra nào như vậy liên quan đến công ty", người phát ngôn Gunvor cho biết. Theo người này, Bộ Tư pháp Mỹ cũng chưa gửi trát đến bất kỳ công ty liên kết hay nhân viên nào của hãng từ năm 2011 - thời điểm các công tố viên yêu cầu Castor nộp tài liệu về hoạt động kinh doanh dầu.
Các giao dịch của Gunvor đã bị điều tra từ trước khi Timchenko và những người thân cận của ông Putin bị phương Tây trừng phạt. Gunvor từng cho biết hãng đã không mua dầu thô từ Rosneft trong hơn 2 năm và phủ nhận có hành vi sai phạm trong việc đấu thầu mua sản phẩm của Rosneft.
-------------------------
Mỹ tăng gấp đôi quân số ở Iraq
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn việc gửi thêm 1.500 quân đến Iraq để giúp Baghdad và các lực lượng người Kurd chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong thông báo được Nhà Trắng đưa ra hôm 7-11 (giờ Mỹ), giới chức nước này nói số binh sĩ bổ sung này sẽ bao gồm một nhóm cố vấn quân sự giúp các lực lượng Iraq lên kế hoạch cho các chiến dịch và một nhóm chuyên gia huấn luyện. Số quân nhân bổ sung sẽ đến Iraq trong tuần tới.
Theo Reuters, với việc gửi thêm 1.500 quân đến Iraq, Mỹ tăng hơn gấp đôi quân số của mình tại nước này nhằm tăng cường nỗ lực chống các phiến quân IS.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đề xuất kế hoạch này lên ông Obama theo sau một yêu cầu từ chính phủ Iraq và đánh giá của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM).
Việc triển khai quân mới cũng trùng hợp với một kế hoạch của liên quân do Mỹ đứng đầu trong việc bảo vệ các khu vực trọng yếu và phản công lại IS, lực lượng đang chiếm các khu vực lớn ở Iraq và nước láng giềng Syria.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ nói: “Đây không chỉ là một sứ mệnh của Mỹ. Nhiều đối tác liên quân đã hướng đến việc đóng góp vào việc huấn luyện và cố vấn cho Iraq”.
Hiện có khoảng 1.400 binh sĩ Mỹ tại Iraq, bao gồm cả 600 cố vấn ở Baghdad và Arbil. Thêm vào đó là 800 binh sĩ bảo vệ an ninh cho đại sứ quán Mỹ tại Iraq và sân bay Baghdad.
-------------------------