Tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an ví von về đề xuất đưa "hối lộ tình dục" vào luật: "Giữa một cánh đồng lúa xanh mơn mởn, có chục con trâu và vài con chuột đang cùng lộng hành, phá cánh đồng. Vậy chúng ta đánh trâu hay bắt chuột?”
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đưa ra đề xuất về việc đưa "Hối lộ tình dục" vào Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, trên quốc tế, quy định này đã có trong luật của họ từ lâu, còn ở Việt Nam thì chưa từng có quy định, cũng chưa từng có ai đưa ra đề xuất về việc này. Ý kiến trên ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia. Bởi lẽ làm sao để chứng minh hành vi phạm tội khi không bắt được quả tang và làm sao để phân biệt giữa hối lộ tình dục với chuyện tình cảm nam nữ?
Có tình trạng hối lộ bằng tình dục cho một số quan chức?
Nạn hối lộ bằng tình dục không phải là hiện tượng mới mẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng vẫn đang là một vấn đề pháp lý gây đau đầu.
Tại Trung Quốc, từ năm 2000, các học giả Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ cải cách pháp luật để truy tố các quan chức nhận hối lộ bằng tình dục. Cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân bị sa thải năm 2011 và bị truy tố vì tội nhận hối lộ hơn 10 triệu USD để hỗ trợ 11 người thăng tiến và kiếm chác. Khi đó cơ quan điều tra cho biết Lưu Chí Quân đã nhiều lần nhận hối lộ bằng tình dục.
Hàng loạt quan chức Trung Quốc phải hầu tòa vì tội tham nhũng cũng từng nhận hối lộ bằng tình dục. Hồi tháng 6/2014, báo Tin tức Bắc Kinh công bố tên tuổi 12 quan chức nữ bị điều tra tội tham nhũng và sai phạm trong nửa đầu năm 2014. Báo này khẳng định một số nữ quan chức này đã chấp nhận quan hệ tình dục với cấp trên để được thăng tiến.
Ngoài ra, tháng 1/2014, ông Ng Boon Gay, cựu lãnh đạo Cục Chống ma túy trung ương Singapore, bị sa thải vì quan hệ tình dục với một nữ doanh nhân để tạo điều kiện cho công ty của cô ta kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên ông Ng Boon Gay không bị truy tố trước tòa.
Tại Nga, đầu tháng 9 nghị sĩ Oleg Mikheyev thuộc Đảng Nước Nga công bằng đã kêu gọi cải tổ bộ luật hình sự để truy tố hành vi nhận hối lộ bằng tình dục. Còn ở Mỹ, năm 2011 Bộ An ninh nội địa mở cuộc điều tra và phát hiện các băng nhóm buôn ma túy tại Mexico thường dùng tiền mặt và tình dục để mua chuộc các sĩ quan biên phòng và hải quan. Sau đó, hàng trăm sĩ quan biên phòng và hải quan Mỹ bị bắt kể từ năm 2004 vì tội tham nhũng.
Còn tại Việt Nam, “tham nhũng tình dục” không phải không có nhưng không dễ phanh phui, trừ khi vị quan chức đó bị điều tra bởi một hành vi khác. Chính vì vậy, sau phát biểu của ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, về việc hiện nay ở Việt Nam chắc chắn có tình trạng hối lộ bằng tình dục cho các quan chức.
Không chỉ các ĐBQH nêu ý kiến làm nóng nghị trường mà giới chuyên gia cũng bàn luận sôi nổi về việc này.
Trước đề xuất trên của ông Nguyễn Doãn Khánh, trao đổi với PetroTimes, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương đánh giá rằng: Đây là một vấn đề thực tế có tồn tại trong xã hội nên cần thiết phải đưa vào luật.
“Đưa hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự bổ sung chắc chắn sẽ khó và có nhiều vấn đề cần cân nhắc, tuy nhiên, có khó cũng vẫn nên làm, bởi trên thực tế đã tồn tại việc hối lộ tình dục, mà nếu không đưa vào luật thi sẽ rất khó xử lý”, ông Hương khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hương thì vấn đề hối lộ trong xã hội hiện nay đã không còn là cá biệt mà nó có tồn tại rất nhiều. Việc xử lý bất cứ vấn đề gì cũng khó, xử lý hối lộ cũng như vậy. Và xử lý hối lộ bằng vật chất đã khó rồi, xử lý hối lộ bằng tình dục chắc chắn còn khó hơn rất nhiều lần. Nhưng vì đó là thực trạng xã hội, nên dù có khó cũng vẫn phải làm.
Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nói thêm rằng: Khi ông còn ở trên cương vị công tác, mọi quy định đều rất nghiêm ngặt, nhất là trong vấn đề “quan hệ nam nữ”.
“Đối với chúng tôi, có 3 tội khó phát hiện và xử lý, đó là phản bội tổ quốc, tội hối lộ và tội quan hệ nam nữ bất chính. Những tội đó, nếu không bắt được quả tang và có chứng cứ rõ ràng, thì chẳng có ai tự nhận tội cả. Tôi đưa ra so sánh như vậy để thấy rằng, việc đưa hối lộ tình dục vào luật chắc chắn sẽ rất khó, nhưng chúng ta vẫn nên cân nhắc để thực hiện. Đề xuất của ông Nguyễn Doãn Khánh chính là muốn nhắc đến hiện tượng báo động trong vấn đề suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ” – ông Hương cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM đồng tình rằng nên đưa hành vi hối lộ bằng tình dục vào Bộ luật hình sự vì điều này đã diễn ra trong thực tế đời sống.
Trước những băn khoăn về vấn đề khó nắm bắt được chứng cứ của việc cho và nhận hối lộ bằng tình dục, luật sư Nguyễn Văn Hậu bày tỏ quan điểm: Tại sao những hành vi vi phạm đó đang xảy ra mà chúng ta không quy định? Theo tôi là cần nghiên cứu và qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, chúng ta sẽ sửa đổi và hoàn thiện dần về luật.
Khó định tội… vì bằng chứng đâu!
Cũng cho rằng hành vi này có thể có trong thực tế, song Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) e ngại: "Về mặt xã hội cũng khó mà xác định đây là việc đưa hối lộ. Trên thực tế cũng có thể có câu chuyện này nhưng cũng rất ít và núp dưới hình thức tinh vi đến mức khó mà định lượng được đó là tội phạm”.
Theo ông Nam, nếu việc quan hệ tình dục với một người có chức có quyền để đổi lấy một cơ hội nào đó cũng không rõ phải quy định trong luật như thế nào. Nếu định vào tội hối lộ tức là người ta đưa cho người có chức quyền một lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào đó để được người kia cho lại họ một quyền lợi hoặc lợi ích trái pháp luật. Nhưng về quan hệ về tình dục thì không xác định được, kể cả khía cạnh tội phạm cũng không biết xét thế nào (kể cả chủ quan và khách quan).
Do đó, đại biểu Lê Nam kiến nghị: “Không nên đưa điều này vào luật và nếu có đưa ra Quốc hội thì cũng khó thuyết phục".
Theo quan điểm của ông Đỗ Văn Vĩnh (Kiểm sát viên cao cấp, Viện Phúc thẩm 3, Viện KSND Tối cao tại TP.HCM): Thực tế có những vụ án kinh tế mà bị cáo là nam giới có dấu hiệu liên quan đến phụ nữ, nhưng thuật ngữ “hối lộ tình dục” thì chưa từng xuất hiện trong quá trình tố tụng. Bởi ví như sự thật có chuyện quan hệ nam nữ để đổi lại vật chất thì đó là sự thỏa thuận của người nam và người nữ. Và họ hoàn toàn có thể nói đó là quan hệ tình cảm, nếu không đúng thì chỉ không đúng về đạo đức và cần được xem xét ở mặt đạo đức chứ không phải dưới góc độ hình sự.
“Thực tế có thể cũng có việc mua nhà, mua xe cho bồ, hoặc có người dùng thân xác để làm con đường tiến thân. Tuy nhiên tất cả những lợi ích xảy ra đồng thời, hoặc sau khi có quan hệ tình cảm đều bị điều chỉnh bởi những phạm trù pháp luật khác. Việc xem xét hành vi “hối lộ tình dục” có nên đưa vào luật hay không thật sự khó khăn và thực tế trên thế giới cũng không coi đó là một hành vi phạm tội được quy định trong luật”, ông Vĩnh nói.
Ở một góc nhìn khác, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an thì cho rằng, chuyện này phải nghiên cứu thêm, chưa nên đưa vào luật vì nó cũng không mang tính cấp bách. Hơn nữa, so với những cái hiện tồn, đó chưa phải là hành vi ghê gớm nhất.
“Chưa kể, đó là hành vi rất khó định lượng, đánh giá về mặt không gian, thời gian và tính chất của nó. Không dễ để phân biệt giữa hối lộ tình dục với chuyện tình cảm nam nữ. Nói cách khác, rất khó để có chứng cứ, căn cứ pháp lý cho hành vi phạm tội này”, ông Cương nhấn mạnh.
Mặt khác, theo ông Cương, ở Việt Nam, số người phạm tội hối lộ tình dục không đáng kể. Tham nhũng ở Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ những hợp đồng không chính thức, vô văn bản giữa doanh nhân với quan chức, doanh nghiệp và cơ quan công quyền. Đó mới là điều đáng lo hơn cả.
Tướng Lê Văn Cương nói thêm: “Có thể ví von chuyện này như sau: Giữa một cánh đồng lúa xanh mơn mởn, có chục con trâu và vài con chuột đang cùng lộng hành, phá cánh đồng. Vậy chúng ta đánh trâu hay bắt chuột?”
------------------------------
Nhiều ngư dân rút khỏi danh sách đăng ký đóng tàu đánh bắt xa bờ
Trái với những ngày đầu háo hức, ồ ạt đăng ký danh sách đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ, chỉ sau vài tháng, ngư dân Khánh Hòa đã bất ngờ xin rút khỏi danh sách này.
Ngày 7/11, ông Võ Khắc Én, Chi Cục phó Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, cho biết, từ danh sách ngư dân đăng ký đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh là 65 chiếc, nhưng hiện đã có 7 chủ tàu bất ngờ xin rút khỏi danh sách đăng ký, không tham gia chương trình.
Điều này cho thấy khâu tập huấn, tuyên truyền Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ tại Khánh Hòa đã được ngư dân nhận thức đúng đắn, đúng hướng. Vì theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT, ngư dân nào muốn tham gia đóng tàu đánh bắt xa bờ thì điều tiên quyết phải đảm bảo năng lực tài chính và có phương án, kế hoạch sản xuất hiệu quả.
Ngoài ra, Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho rằng, để đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ theo tiêu chí của Nghị định 67 thì ngư dân cần một nguồn vốn vay là hơn 10 tỷ đồng/tàu cá, trong vòng 11 năm ngư dân phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi (lãi suất hết sức ưu đãi).
“Chúng tôi đã hướng dẫn bà con làm phương án sản xuất và qua phương án sản xuất thì họ tính toán để 1 năm trả 1 tỷ đồng cũng rất khó nếu làm ăn không hiệu quả. Có thể đây là lý do ngư dân rút khỏi danh sách, nhưng điều đó cũng tốt vì cho thấy người dân rất trách nhiệm”, ông Én nói.
Trước đó, để tinh thần của Nghị định 67 đến với ngư dân, Sở NN&PTNT Khánh Hòa đã tổ chức tập huấn cho trên 1.200 chủ tàu, thuyền trưởng ở 20 xã, phường có tàu cá công suất trên 90CV.
Các lớp tập huấn tập trung vào các nội dung như: các điều kiện đóng mới và cải hoán tàu cá có công suất trên 400CV; phổ biến các điều kiện vay vốn, lãi suất hàng năm, thời gian trả vốn vay; các chính sách hỗ trợ về tài chính hàng năm, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên; các chính sách miễn thuế đối với hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá…
--------------------------
Đề nghị đầu tư kè trăm tỉ cứu phố cổ Hội An
Ngày 7/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư dự án kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An.
Theo đó, đoạn kè được đầu tư từ chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam (TP Hội An) nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và bảo vệ khu đô thị cổ Hội An. Được biết, dự án kè đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án ưu tiên của chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở danh mục dự án ưu tiên được phê duyệt, đến nay địa phương đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và UBND tỉnh Quảng Nam đã trình Bộ KH-ĐT thẩm định nguồn vốn của dự án với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 150 tỉ đồng, trong đó đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hơn 100 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2015.
Công trình được thực hiện sẽ góp phần phòng chống bão lụt, bảo đảm an toàn cho các công trình kiến trúc cổ, tính mạng, tài sản nhân dân và phục vụ khách du lịch đô thị cổ Hội An; giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng hưởng lợi; đồng thời, tăng cường khả năng thích ứng và sống chung với lũ lụt và nước biển dâng do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu; tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong khu vực.
Hiện tại, do bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sau các đợt mưa lũ, tuyến kè cũ trước đây được gia cố bằng hệ thống cọc cừ nay đã bị mục nát, xói lở đất, gây sụt lún hư hỏng nặng đường đỉnh kè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa của dân và các công trình kiến trúc cổ trong khu vực. Nếu không triển khai dự án sớm sẽ ảnh hưởng đến an toàn của khu phố cổ Hội An.
----------------------------
Phó Chủ tịch Quốc hội: Khó luật hóa từ chức vì đó là nhận thức của cá nhân
“Từ chức là do nhận thức của mỗi cá nhân. Nếu họ tự thấy không hoàn thành, không xứng đáng, thì nên từ chức để cho người khác làm thay. Do vậy, đưa vấn đề cụ thể này vào trong luật thì cũng khó”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Ngày 7/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã trao đổi với phóng viên Dân trí những vấn đề liên quan đến văn hóa từ chức của cán bộ khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao để tránh một cuộc bỏ phiếu nặng nề.
Từng đặt vấn đề đưa cơ chế từ chức vào trong Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, nhưng đề xuất này chưa được cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, cũng không thấy Uỷ ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra - đề cập khi dự thảo luật được trình ra Quốc hội. Họ có giải thích với ông lý do tại sao không?
Theo tôi từ chức là do nhận thức của mỗi cá nhân. Nếu người ta nhận thấy không làm được việc thì xin từ chức là đúng nhất. Thực tế các nước trên thế giới vấn đề này diễn ra thường xuyên. Họ thấy đó là trách nhiệm của mình, không hoàn thành công việc được giao thì người ta tự giác xin từ chức. Còn ở Việt Nam mình thì các tổ chức Đảng, các tổ chức cấp trên sẽ xem xét và nếu họ thấy từ chức là đúng thì tôi nghĩ chắc người ta cũng ủng hộ.
Hôm trước tôi cũng biết việc này nên hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem thái độ của anh thế nào thì anh cũng trả lời rất là chung chung rằng đây là vấn đề rất tế nhị, liên quan đến cán bộ thuộc quản lý của Đảng. Cho nên mong muốn là như thế nhưng đưa vào luật thì khó.
Giải thích của Bộ Nội vụ đã được đưa ra như vậy, nhưng quan điểm của cá nhân ông về vấn đề này như thế nào?
Như tôi nói mong muốn là như thế nhưng đưa vào thì khó, bởi vì trong lúc này còn nhiều cái quan hệ ràng buộc. Cán bộ là của Đảng, công tác cán bộ là công tác của Đảng nên việc quy định hay không chắc là phải Đảng cho ý kiến, ít nhất Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến.
Không đưa vấn đề này vào Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, thì ban soạn thảo có giải thích rằng trong luật Cán bộ công chức đã có nội dung này. Tuy nhiên, từ khi ban hành (năm 2008) Luật Cán bộ công chức đến nay, chưa thấy trường hợp cán bộ nào tự từ chức. Do vậy, nhiều người cho rằng quy định từ chức đã có chưa đủ sức nặng, thưa ông?
Thực tế từ chức ở mình không nhiều, chứ không phải là không có. Ví như thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí như Phó Giám đốc Sở, một số người đã xin từ chức. Cũng có thể họ thấy không hoàn thành trách nhiệm hay do sức khỏe hoặc do vấn đề này khác nên xin từ chức.
Trong Luật Tổ chức Chính phủ, thực tế đã không đề cập đến vấn đề này. Theo ông việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 có nên đưa vấn đề này vào hay không vì thực chất nhiều đại biểu cho rằng, nếu cán bộ chủ động từ chức thì sẽ tránh được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm rất nặng nề?
Khi thảo luận vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên xem xét việc đó. Ví dụ như khi lấy phiếu tín nhiệm, số phiếu tín nhiệm thấp mà quá cao, không quá bán, thì khuyến khích cho việc từ chức.
Tuy nhiên, cái đó luật chưa đưa ra, nhưng Nghị quyết (Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đang được sửa, bổ sung - PV) còn đang thảo luận chưa thông qua. Do vậy, đưa vấn đề đó vào hay không thì còn chờ ý kiến Quốc hội.
Khi một số Bộ, ngành xảy ra những chuỗi vấn đề nghiêm trọng, dư luận cũng thẳng thắn đặt vấn đề Bộ trưởng này, Trưởng ngành kia nên từ chức để cho người khác có năng lực tốt hơn lên làm thay. Vậy ông có bình luận gì về việc này?
Đặt ra vấn đề đó đúng là khó thật, bởi Bộ trưởng của mình áp lực thì nặng nề nhưng quyền hạn của họ chỉ có mức độ chứ không được quyền quyết hết như Bộ trưởng ở nước khác. Còn nếu họ được quyền quyết hết thì trách nhiệm đã rất rõ ràng. Của mình là cơ chế lãnh đạo tập thể, quyết định theo đa số, do vậy Bộ trưởng cũng chỉ là một cá nhân.
Vì vậy, nếu kết tội hết cho Bộ trưởng thì cũng không hoàn toàn chính xác. Bắt Bộ trưởng chịu trách nhiệm - về lý thuyết là như thế nhưng cũng phải xem xét toàn diện hơn. Bởi lẽ bên dưới Bộ trưởng còn có các Thứ trưởng phụ trách từng lĩnh vực được giao và cũng còn có các cơ quan khác có trách nhiệm.
Vậy đến thời điểm này ông còn băn khoăn gì không khi đề xuất của mình không được ghi nhận hay không? Ông còn bảo lưu quan điểm của mình về giải pháp từ chức nên đưa vào trong Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi như trước đây nữa không?
Thật ra tôi cũng không băn khoăn vì mình nêu vấn đề đó ra là để cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ thấy liệu có cần thiết đưa vào trong luật hay không và anh thấy rằng nó cũng khó như lúc tôi nói công tác cán bộ là công tác của Đảng. Còn khuyết điểm của ai thì cũng phải xem xét, đánh giá đúng mức cả khách quan, lẫn chủ quan dẫn đến chuyện đó.
Như tôi đã nói việc từ chức tốt nhất là cá nhân tự thấy mình không hoàn thành, không xứng đáng thì nên từ chức để cho người khác làm. Còn đưa cụ thể vấn đề này vào trong luật thì nó cũng khó.
Xin cảm ơn ông!
--------------------------------
Bộ trưởng Xây dựng: Nhà xưởng, nhà trọ đang biến công nhân trẻ thành… máy
Gạt bỏ quan điểm siết quản lý công nhân thuê trọ tại nhà dân, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề, không thể để người phải bỏ tiền thuê nhà lại không có quyền gì trong chỗ ở hợp pháp của mình, hết giờ làm chỉ biết về nhà trọ để ngủ.
Ngày 7/11, Bộ trưởng Xây dựng có chuyến đi thị sát việc đầu tư nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Yên Bình, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - khu vực có nhà máy lớn của Samsung tại Việt Nam.
Người thuê nhà sống cảnh… ăn nhờ ở đậu
Tại khu nhà trọ của bà Trần Thị Thúy (xóm An Bình, xã Yên Bình), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng ghi nhận mô hình người dân đầu tư xây nhà kiên cố, đảm bảo an toàn cho công nhân thuê.
Trên khu đất 300m2, bà Thuý xây 2 dãy nhà 3 tầng với tổng cộng 42 căn phòng, diện tích khoảng 15-16m2/phòng, có khu vệ sinh khép kín.
Cô gái thuê trọ tên Chu Thị Loan (SN 1993, quê ở Tuyên Quang) vừa tan ca làm đêm về đến căn phòng trọ cho biết cô chung phòng với 2 chị em khác. Mới dọn đến ở, căn phòng của 3 nữ công nhân khá giản đơn với 1 chiếc giường đôi cũng đủ chỗ ngủ vì 3 người làm lệch ca nhau. Mức giá tiền thuê nhà tính ra khoảng 350.000 đồng/tháng, với nữ công nhân trẻ là hợp lý, chấp nhận được.
Lương tháng 5,5 triệu đồng, gần như đủ cả 3 bữa đã ăn tại công ty, cô chỉ nấu ăn cùng các chị em tại nhà trọ vào ngày chủ nhật mỗi tuần, chi phí 1 tháng tính ra khoảng 1 triệu đồng, còn giữ lại được 4 – 4,5 triệu đồng gửi về quê cho chồng con.
Đánh giá đây là khu nhà trọ tốt cho công nhân so với nhiều nơi chỉ là nhà cấp 4, mái tôn xập xệ, không đảm bảo nhưng Bộ trưởng Xây dựng vẫn đề nghị thiết kế mẫu nhà với diện tích rộng hơn đôi chút (thêm 1-2m2) để ngoài khu phụ, chỗ ngủ, người thuê trọ thu xếp được một góc phòng rộng rãi, thoáng hơn làm nơi nấu ăn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng hỏi cặn kẽ giá điện, nước cung cấp cho người ở trọ. Bà chủ khu nhà cho biết tiền điện vẫn tính theo giá kinh doanh, dịch vụ với mức 3.000 đồng/kwh, 25.000 đồng tiền nước sinh hoạt/người/tháng. Bà Thuý giải thích, chưa có điện bán trực tiếp đến các phòng trọ, bà vẫn phải kéo đường điện từ gia đình mình ở lô đất gần đó sang. Nước sinh hoạt là nước giếng khoan, bà chủ xác định, dù đã khoan sâu 60m nhưng chính gia đình sử dụng, bà Thuý cũng sợ chất lượng nước không đảm bảo vì vẫn có mùi.
Bộ trưởng Xây dựng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên quan tâm, chỉ đạo thêm để điện, nước sớm đưa về khu vực này. Đại diện chính quyền địa phương thông tin, hệ thống đường ống cấp nước sạch đã xây dựng đầy đủ, chỉ chờ đấu nối đầu nguồn, khu vực sẽ sớm được cấp nước. Đường điện cũng đang được đốc thúc kéo về xóm An Bình.
Đại diện lãnh đạo tỉnh nêu thêm yêu cầu chủ nhà trọ phải cam kết giữ an ninh trật tự trong khu vực, quản lý chặt người thuê trọ, tránh để tình trạng công nhân đưa bạn bè đến tụ tập, sinh hoạt thiếu lành mạnh, gây phức tạp tình hình…
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh, chỉ cần yêu cầu người đến ở làm thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng để quản lý tại địa phương đúng như quy định của pháp luật nhưng không được quá khắt khe với người thuê nhà.
“Không thể để người dân đến bỏ tiền thuê nhà để ở mà lại thành ra không có quyền gì cả. Mỗi người phải được toàn quyền tự do trong chỗ ở mình đã thuê một cách hợp pháp. Quan điểm chung cũng là làm sao để đảm bảo những nhu cầu cơ bản của công nhân, được đi lại, sinh hoạt, tham gia hoạt động, môi trường cộng đồng… Coi họ như những người ăn nhờ ở đậu là không được” – ông Dũng cương quyết.
Bộ trưởng Xây dựng cũng phân tích thêm, công nhân đều là những thanh niên trẻ, phải tạo điều kiện cho lực lượng lao động này có cuộc sống phù hợp với độ tuổi, không biến mỗi cá nhân thành máy móc, chỉ biết hết giờ làm việc là về ngủ, hôm sau lại vào nhà máy.
Khuyến khích người xây nhà trọ vay tiền gói 30.000 tỷ đồng
Làm việc với lãnh đạo Công ty điện tử Samsung Việt Nam sau đó, Bộ trưởng Xây dựng cũng ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng ký túc xá cho công nhân.
Sau khi đi vào sản xuất từ tháng 3/2014 đến nay, Samsung đã hoàn thành 9 toà nhà, cung cấp chỗ ở cho 8.000 lao động, sang năm sau, thêm nhiều nhà nữa sẽ được đưa vào khai thác, đảm bảo nơi ở cho thêm 6.000 lao động.
Tuy nhiên, theo báo cáo của doanh nghiệp, dự kiến đến 2016, nhà máy vận hành đầy đủ sẽ thu hút khoảng 58.000 lao động. Ngoài 13.000 chỗ trong ký túc xá (ưu tiên cho khu vực lao động trực tiếp sản xuất, đứng dây chuyền tại nhà máy) và 23.000 chỗ trọ tại chỗ cũng như các địa bàn lân cận do người dân làm, vẫn còn thiếu khoảng 20.000 chỗ ở nữa cho công nhân. Lãnh đạo Samsung Thái Nguyên đề nghị Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm hướng giải quyết vấn đề.
Tại cuộc họp nhanh tại Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đình Phách cũng thông tin, việc phát triển khu công nghiệp Yên Bình tại huyện Phổ Yên tạo ra vấn đề phát sinh đột biến nhất là yêu cầu về nhà ở cho công nhân lao động. Ông Phách lo ngại, đến giữa năm sau, việc thiếu hụt 20.000 chỗ ở cho công nhân tại đây sẽ gây áp lực chính sách xã hội rất lớn.
Mô hình người dân đầu tư xây nhà kiên cố, đảm bảo để cho công nhân thuê như ở xóm An Bình cũng không nhiều. Chỉ khu vực này, bà con nông dân bị giải toả đất mới có được khoản vốn lớn, có điều kiện để xây dựng nhà như thế, còn hầu hết khu vực lân cận vẫn chỉ là nhà cấp 4 tạm bợ cho thuê.
Chia sẻ với những thách thức Thái Nguyên phải đối mặt trong cơ hội chuyển đổi đột phá, năng động hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân xây dựng nhà ở cho công nhân với nguồn vốn vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Xây dựng, chính quyền cần vận động tới từng hộ dân có đất, có chủ trương chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp sang làm dịch vụ làm hồ sơ để vay tiền đầu tư xây nhà trọ, triệt để không thu tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, thuế VAT… cho những hộ kinh doanh phòng trọ này.
Trở lại vấn đề đảm bảo điều kiện sống cho công nhân thuê trọ, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh thách thức về cơ cấu giới tính trong khu công nghiệp vì đến 80% số lao động tại đây là nữ.
“Chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm vấn đề này vì nếu không cân bằng được yếu tố giới tính ở đây, hệ quả xã hội phải giải quyết sau này sẽ rất lớn. Chúng tôi đã có những bài học lớn khi còn ở địa phương (Bộ trưởng Xây dựng nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc – PV)” – ông Dũng nhấn mạnh, cần tính ngay việc phần lớn số nữ công nhân hiện nay ít năm tới đều có nhu cầu lập gia đình, có chồng con để lo quỹ nhà không chỉ để cho thuê mà còn để bán cho các gia đình trẻ, đầu tư hạ tầng như trường học, bệnh viện… để phục vụ nhu cầu của lực lượng lao động này.
--------------------------