Trộm đột nhập lấy 1 lượng vàng, để lại 5 chỉ cho khổ chủ
Một vụ mất trộm vừa xảy ra trên địa bàn thôn Hà My Đông A, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong chiều ngày 6.11.
Sau khi đi làm về, bà Đinh Thị An (trú ở địa chỉ trên) tá hoả khi tủ đồ trong nhà bị kẻ trộm mở khoá và lấy đi 1 lượng vàng và 7 triệu đồng tiền mặt. Ngay sau đó, bà An lập tức trình báo cơ quan công an sự việc.
Công an xã Điện Dương phối hợp cùng công an huyện Điện Bàn đã có mặt sau đó tại hiện trường để điều tra vụ trộm.
Ông Đinh Dũng, Trưởng công an khu vực Hà My Đông A xác nhận về vụ trộm và cho biết, tên trộm chỉ lấy đi 1 lượng vàng và 7 triệu đồng tiền mặt; 5 chỉ vàng còn lại tên trộm không lấy mà để lại cho chủ nhà.
Được biết, gia đình bà An có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hơn 20 năm nay, bà đi phơi cá bò cho một công ty tại địa phương để kiếm tiền nuôi con và trang trải cuộc sống trong nhà. Số tiền trên cũng chính là gia sản của cuộc đời bà dành dụm bao lâu để chờ đợi một ngày đi khám chữa bệnh tim và sỏi mật mà bà đang gánh phải.
-------------------------
Tài xế taxi trả lại nữ hành khách 110 triệu đồng bỏ quên
Xuống xe một hồi lâu, chị Nhi mới nhớ bịch tiền 110 triệu đồng vẫn còn nằm trên taxi. Chị gọi điện lên tổng đài taxi với hy vọng mong manh và thật may mắn, chỉ một lát sau chị đã nhận được tin vui từ anh tài xế taxi.
Khoảng 3 giờ chiều 7/11, chị Nguyễn Quốc Ái Nhi đón chiếc taxi Vinasun từ khu vực Hồ Con Rùa đến một tòa nhà trên đường Trần Nhật Duật (quận 1, TPHCM). Xuống xe được một lúc, chị Nhi mới nhớ bịch tiền có 110 triệu đồng vẫn còn trên xe. Không nhớ số xe hay số tài, chị gọi điện lên tổng đài taxi nhờ tìm kiếm với hy vọng mong manh.
Trong khi đó, sau khi đưa chị Nhi đến nơi, tài xế Lê Huy Quang tiếp tục chạy về hướng đường Nguyễn Đình Chiểu đón một vị khách người Nhật. Người khách Nhật này phát hiện bịch xốp trên băng ghế liền đưa cho anh Quang.
“Tôi nhận và cũng không biết trong đó có tiền. Khi đó, bộ đàm phát thông tin tìm xe phục vụ chị Ái Nhi. Đối chiếu lộ trình và thời gian đưa đón khách, tôi xác nhận mình đã tìm ra tài vật mà hành khách bỏ quên,”, anh Quang nhớ lại.
Sau khi trả khách, ngay lập tức anh Quang chạy về trụ sở công ty rồi tận tay trao trả số tiền 110 triệu đồng cho chị Ái Nhi.
-----------------------------
Kinh hãi bơm nước tăng trọng cho bò
Con bò bị bơm nhiều nước quỵ xuống đất, người đàn ông chọc ống sâu vào họng bò quậy cho nước trào ra, bò vừa đứng lên lại bơm tiếp...
Nhằm tăng trọng lượng bò trước khi giết mổ, một số lò mổ lân cận TP.HCM bơm nước vào bụng bò hết sức dã man. Để chứng minh, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cung cấp cho Pháp Luật TP.HCM một đoạn clip ghi hình hàng chục con bò đang bị ép uống nước đến nỗi lăn quay. Băng do một cộng tác viên của chi cục quay được cách đây không lâu.
“Đạp cho nó xịt nước đi!”
Đoạn clip được quay tại lò giết mổ gia súc Tuấn Cúc (Tiền Giang) vào buổi trưa. Lò giết mổ này khá rộng, kín cổng cao tường, chung quanh có nhiều cây cối um tùm. Hàng chục con bò bị nhốt trong chuồng. Nhiều con bị xỏ mõm bằng khoen sắt tròn rồi cột chặt vô trụ xi măng bằng dây thừng. Mặc dù đau đớn nhưng bò không thể kêu la, chỉ cố vùng vẫy.
Một người đàn ông ở trần, mặc quần đùi thọc ống nhựa dài hơn 1 m vô miệng bò, sau đó chọt sâu vô cổ họng. Tiếp theo, ông nối ống nhựa này với một ống nhựa khác được nối với nguồn nước rồi bắt đầu bơm vô bụng bò. Bị thọc quá sâu, con bò đau đớn quỵ cả hai chân trước xuống nền đất nhưng người đàn ông vẫn thản nhiên bơm.
Trong clip vang lên giọng một thanh niên: “Có một lò (lò giết mổ - PV) ở tỉnh Bến Tre làm hai vách tường, đút bò vô cho nhổng lỗ mũi để bơm nước cho dễ, bò khỏi vẫy. Lò của thằng Vũ đó”.
Đoạn clip còn ghi hình ảnh một con bò khác màu trắng bụng căng tròn, nằm thở phì phò dưới đất vì bị bơm quá nhiều nước. Một ông khác cũng ở trần, mặc quần đùi kéo gập đầu bò xuống đất, thọc ống nhựa vô sâu cổ họng rồi thụt ra thụt vào cho nước trào ra. Thụt ra thụt vào lần hai, quậy ống nhựa nước mới ọc ra.
Giọng một thanh niên rõ mồn một trong clip: “Ông Tám mướn anh Phụng đạp cho nó xịt nước đi”. Ngay sau đó, giọng một ông đứng tuổi cất lên: “Con bò nào yếu thì bơm nước ít thôi, bơm chi quá trời quá đất vậy”. Sau vài lần thọc bụng bò cho nước trào ra, một ông giật mạnh dây thừng để con bò đứng dậy.
Ọc cả máu
Ở một lò giết mổ khác, đoạn clip ghi được hình ảnh hàng chục con bò bị nhốt trong chuồng đầy phân đang chờ bơm nước. Lò giết mổ này cách xa khu dân cư, chung quanh nhiều cây cối.
Cũng với cách thức thọc ống nhựa vô bụng bò rồi nối ống nước, một thanh niên bơm nước vô bụng bò đúng một phút. Khi bò ọc nước vì bị bơm quá nhiều, người này rút ống ra. Thế nhưng chỉ vài giây sau, người này lại tiếp tục nối ống nước rồi bơm vô bụng bò. Lần bơm này kéo dài gần hai phút khiến bụng bò căng tròn. Do chịu không nổi nên bò vùng vẫy mạnh. Người thanh niên vừa rút ống, nước trong bụng bò có màu đỏ au trào ra ào ạt. Một phụ nữ cất giọng: “Bơm sao cho nước đừng trào ra thì bơm, bơm phải có kinh nghiệm chứ!”.
Bơm nước xong con bò trên, người thanh niên nhanh tay bơm những con còn lại.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết tình trạng bơm nước vào bò trước khi giết mổ xảy ra ở các tỉnh lân cận nên thuộc trách nhiệm của chi cục thú y các địa phương này. Chi cục Thú y TP.HCM đã cung cấp clip này, đề nghị các tỉnh lân cận làm rõ tình trạng này để tránh thực trạng thịt bò không đảm bảo chất lượng đưa vào tiêu thụ trên thị trường TP.HCM.
“Mặc dù các tỉnh có siết chặt quản lý nhưng thực trạng bơm nước bò vẫn tồn tại. Theo các địa phương, khi bị phát hiện ở điểm này thì chủ lò sẽ chuyển hoạt động qua điểm khác” - ông Thảo cho biết.
Cũng theo ông Thảo, mặc dù biết thịt bò bị bơm nước nhưng việc áp dụng biện pháp giữ hàng để theo dõi cho đến khi hết rỉ dịch mới cho phép kinh doanh chưa phải là biện pháp căn cơ và dễ phát sinh tranh chấp. “Hiện vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thịt để làm cơ sở đối chiếu, kết luận thịt bò bị bơm nước để áp dụng biện pháp xử lý theo quy định” - ông Thảo cho biết.
-------------------------
Doanh nghiệp "dài cổ" chờ ưu đãi vì các sở chưa đồng nhất
Dù tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định quy định hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức mới thành lập, nhưng do sự tắc trách của các sở và nhiều ngành tại địa phương này nên cá nhân, doanh nghiệp nơi đây mới chỉ nhận được hỗ trợ trên... giấy.
Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được thuận lợi trong việc thành lập mới hộ kinh doanh, doanh nghiệp, ngày 22/9/2014, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định số 63/2014/QĐ-UBND. Theo đó, từ các cá nhân, tổ chức thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp từ ngày quyết định trên có hiệu lực (1/11/2014) sẽ được hỗ trợ như: hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký kinh doanh, 100% phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, biển hiệu, thuế môn bài…
Quyết định này cũng nêu rõ, khi đến đăng ký doanh nghiệp, các cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức không phải nộp lệ phí đăng ký kinh doanh, phí công bố đăng ký doanh nghiệp.
Thế nhưng nhiều cá nhân, tổ chức hết sức bức xúc khi tiến hành đăng ký doang nghiệp không hề nhận được những ưu đãi này. Và bắt buộc họ phải nộp đầy đủ các khoản lệ phí mới được đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Q. đang chuẩn bị làm thủ tục để thành lập doanh nghiệp cho biết: “Công ty chúng tôi chuẩn bị thành lập có trụ sở đóng tại huyện Thạch Hà. Khi làm các thủ tục thì bên phía chi cục thuế Thạch Hà yêu cầu chúng tôi phải nộp đầy đủ các loại phí. Khi chúng tôi thắc mắc và trao đổi về quyết định 63 của UBND tỉnh thì được cán bộ giao dịch một cửa của thuế Thạch Hà nói là chưa nhận được văn bản, quyết định nào cả”.
Đó không chỉ riêng trường hợp của anh Q. ở huyện Thạch Hà mà tất cả các cá nhân, tổ chức thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp sau ngày quyết định của UBND tỉnh có hiệu lực đều không nhận được bất kỳ một ưu đãi nào!
Ông Trịnh Duy Phú, Chi cục trưởng Chi Cục thuế huyện Thạch Hà thừa nhận là đến thời điểm này, tức là hơn 1 tháng kể từ khi quyết định 63 của UBND tỉnh có hiệu lực thì các cá nhân, tổ chức thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn đang phải đóng các loại phí.
Lý giải về điều này ông Phú cho biết: “UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ về các loại phí…nhưng đến nay do bên phía Sở Tài Chính, Chi cục Thuế Hà Tĩnh vẫn chưa có sự thống nhất về phương thức hỗ trợ. Nên đến bây giờ chưa có một văn bản nào hướng dẫn về việc chi trả các khoản tiền hỗ trợ này”.
Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Mỹ, Trưởng phòng Tài chính, Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: “Vấn đề khó khăn nhất lúc này là trả theo phương thức nào? Trả thẳng cho các cá nhân, tổ chức thành lập hộ kinh doanh, doang nghiệp thì không được vì có nhiều khoản quá. Mà trả theo lĩnh vực thì cũng khó vì như vấn đề hỗ trợ khắc dấu thì phải rót tiền sang công an, phí đăng ký kinh doanh thì phải chuyển rót qua Sở Kế hoạch đầu tư…”.
Ông Mỹ cũng cho biết là tất cả các khoản phí bắt buộc các cá nhân, tổ chức phải nộp đầy đủ mới được thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Còn vấn đề trả lại thì đang gặp vướng mắc!.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành họp với Chi cục Thuế Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch đầu tư để tìm phương án cũng như phương thức trả lại các khoản phí hỗ trợ doanh nghiệp” - ông Mỹ nói.
--------------------------
Mập mờ hàng dán nhãn xuất khẩu
Hàng gọi là xuất khẩu nhưng thực ra là hàng nhái từ mẫu hàng xuất khẩu.
Người tiêu dùng thường chuộng hàng Việt xuất khẩu vì chất lượng tốt, mẫu mã hiện đại. Nắm bắt tâm lý này, các cửa hàng quần áo, giày dép, túi xách với dòng chữ Chuyên bán hàng xuất khẩu sỉ-lẻ mọc lên như nấm. Tuy nhiên, để mua được hàng xuất khẩu chính hiệu là chuyện hên xui vì chỉ có người bán mới biết. Phần lớn hàng được gọi là xuất khẩu do các cơ sở trong nước “tự lên”. Tỉ lệ quần áo Trung Quốc cũng chiếm một phần trong cái tên “hàng xuất khẩu” ấy.
Hiệu nào cũng có
Một cửa hàng trên đường Bàu Cát (Tân Bình) ghi rõ bảng hiệu “Chuyên bán hàng hiệu xuất khẩu sỉ và lẻ”. Ở đây, người mua tha hồ chọn cho mình từ áo đầm, quần soọc đến quần jean, áo khoác… Áo đầm với nhiều thương hiệu như Forever 21, Mango có giá khoảng 180.000 đồng/cái. Khi hỏi hàng xuất sang nước nào, người bán hàng cho biết hàng xuất đi Mỹ. “Cùng chất liệu nhưng nhãn hàng Forever 21 rẻ hơn Mango khoảng 10.000-15.000 đồng/cái” - chị này cho biết.
Tại một cửa hàng khác cũng ghi chuyên bán hàng xuất khẩu ở quận 3, giá một áo đầm chất liệu dạ len, trên mác ghi của Zara khoảng 200.000 đồng. Chủ cửa hàng bảo đây là hàng ở nhà con cháu đặt người ta lên kiểu, mình lấy về bán và “xuất” đi các nơi như Hà Nội!
Chị Lê Thị Yến, nhân viên kinh doanh, cũng mê hàng Việt Nam xuất khẩu kể, có lần chị mua 3-4 cái áo đầm về nhưng chỉ xài được một cái, những cái khác bị ra màu quá nhiều. Nút trên hai tay áo có cái còn cái mất. Mặc dù váy ghi nhãn hàng là Babara nhưng đường kim mũi chỉ không sắc sảo chút nào.
Một số người kinh doanh quần áo xuất khẩu cho biết áo thun nữ hiệu Mango, Forever 21 nhưng thực chất được các cơ sở trong nước mua nguyên liệu, rồi thiết kế mẫu mã. Ngoài ra, các cơ sở còn copy mẫu của hàng xuất khẩu đi Mỹ, Hàn Quốc, Canada với các nhãn hiệu Place, Old Navy, Gap baby dành cho trẻ em…
Chủ yếu là hàng nhái
Chị Trần T.H.O, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo xuất khẩu lâu năm ở quận 3, tiết lộ những năm trước, khi các công ty nước ngoài đặt hàng cho các công ty Việt Nam gia công, lúc đó hàng xuất khẩu bị tuồn bán ra ngoài mới tràn lan. Vài năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, các công ty phá sản nên việc tuồn hàng ra ngoài rất hiếm. Thế nên quần áo với mác xuất khẩu hiện tại ngoài thị trường chủ yếu là hàng Campuchia nhập về hoặc là hàng nhái kiểu dáng của hàng xuất khẩu.
Theo chị O., cửa hàng chị từng nhận được lời chào hàng áo khoác hiệu Puma. Áo trị giá khoảng 50 USD/cái nhưng nhân viên tuồn ra bán với giá chỉ 70.000-80.000 đồng/cái. Số lượng vài chục cái. Chị mua và bán ra thị trường chỉ hơn 100.000 đồng/cái.
Thắc mắc sao chị không bán với giá vài trăm ngàn đồng một cái, chị O. giải thích tâm lý người mua thích mác hàng xuất khẩu song chỉ chấp nhận mức giá rẻ. Mà bán với giá như vậy cũng đã có lời rồi. Cũng chính vì người tiêu dùng thích xài hàng xuất khẩu nhưng chỉ chấp nhận giá rẻ nên thị trường mới đầy áo quần nhái hàng xuất khẩu với giá rẻ.
Đại diện Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định cho biết các đơn hàng xuất khẩu được kiểm soát rất kỹ, không có lượng vải dôi ra nhiều để có thể sản xuất ăn theo mẫu mã của đơn hàng rồi bán ra thị trường. Chỉ có trường hợp bù hao. Ví dụ như đơn hàng 15.000 chiếc thì sản xuất thêm 1% nữa để bù hao những cái bị lỗi.
Bên cạnh đó trong hợp đồng cũng có một số điều khoản như không được chuyển mẫu mã cho bên thứ ba. Hàng có lỗi sau sáu tháng đến một năm mới được đưa ra thị trường nhưng phải cắt nhãn mác. Một số doanh nghiệp trong ngành may mặc cho rằng đa số là các cơ sở nhỏ, lẻ copy chỉnh sửa lại một chút từ những mẫu hàng xuất khẩu chính hiệu để thành mẫu mã của cơ sở họ. Với các thương hiệu nổi tiếng thì họ có thể mua mác để gắn vào. Cũng có trường hợp họ nhập hàng Trung Quốc về và gắn nhãn mác lên sản phẩm. Để phân biệt hàng Trung Quốc, hàng xuất khẩu chính hiệu, hay hàng các cơ sở nhỏ, lẻ của Việt Nam nhái hàng xuất khẩu đối với người tiêu dùng là rất khó. Chỉ có người chuyên buôn bán mới nhận biết được.
Giày dép nhái hàng xuất khẩu cũng tràn lan
Các doanh nghiệp Việt Nam gia công giày cho các thương hiệu như Nike, Buberry… Nếu có lỗi thì sản phẩm đó được cắt bỏ không được bán. Cũng có trường hợp đơn vị gia công được khách hàng tặng mẫu nhưng số lượng không nhiều. Hiện hiệp hội cũng chưa nắm được các sản phẩm bày bán ở cửa hàng xuất khẩu là hàng nhái, hàng Trung Quốc, hay hàng do các công ty Việt Nam tuồn bán ra ngoài. Các đối tác cho biết hàng nhái, hàng giả nhiều nên chúng tôi đang lo ngại họ sẽ cắt đơn hàng. Hiệp hội đang nhờ cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để đấu tranh chống lại vấn nạn này.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM
Hiện nay các cửa hàng trưng biển hiệu hàng xuất khẩu thì 90% quần áo ở đó là hàng lậu, hàng nhái. Còn hàng xuất khẩu chính hiệu loại B (không đạt chất lượng, tỉ lệ bị lỗi 2%-3%) có bán ở nội địa nhưng không nhiều. Hàng xuất khẩu theo nguyên tắc là không cho bán, không cho sử dụng (cả hàng loại B) ít nhất là hai năm sau xuất đi. Nếu bán ra thị trường phải cắt nhãn mác, đóng mộc hàng lỗi ở bên trong sản phẩm.
Thị trường vẫn có sản phẩm của Trung Quốc nhưng nếu để là hàng Trung Quốc thì người tiêu dùng không mua nên họ gắn mác made in Việt Nam. Hiệp hội hay doanh nghiệp có phát hiện, biết có hiện tượng như vậy nhưng chưa có thống kê là chiếm tỉ lệ bao nhiêu vì không ai làm, không có lực lượng để làm…
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM
--------------------------