Nhà hàng Trung Quốc trộn vỏ cây thuốc phiện vào thức ăn
Báo China.org.cn (Trung Quốc) hôm 2-11 đăng tin nhiều nhà hàng ở Trung Quốc bị phát hiện sử dụng vỏ cây thuốc phiện trong thực phẩm.
Vỏ cây thuốc phiện vốn được Bộ Y tế Trung Quốc liệt vào danh sách những thành phần không thể ăn được hồi năm 2008. Tuy nhiên, cơ quan điều tra Trung Quốc mới đây phát hiện nhiều nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh ở tỉnh Thiểm Tây, Tứ Xuyên và Thượng Hải đã thêm thành phần cấm này vào các món ăn để gây nghiện người dùng.
Hồi tháng 9, một số người dân đã có kết quả dương tính với ma túy sau khi ăn những thực phẩm tại các nhà hàng ở địa phương.
Liu Ying, một quan chức tại Cục Thực phẩm và Ma túy ở thị trấn Diên An, tỉnh Thiểm Tây, cho biết rất khó để phát hiện ra các nhà hàng sử dụng vỏ cây thuốc phiện trong thức ăn. “Chủ nhà hàng đã pha trộn bột vỏ cây thuốc phiện vào các gia vị khác khiến chúng tôi rất khó tìm ra bằng chứng” - quan chức này nói.
Zhao Lan, bác sĩ tại một bệnh viện Thành Đô, cho biết vỏ cây thuốc phiện chứa alkaloid, hợp chất gây nghiện và làm tổn hại hệ thống thần kinh đối với người khi sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, vỏ cây thuốc phiện lại có thể dễ dàng mua được trên thị trường chợ đen hoặc mạng trực tuyến. Một chủ cửa hàng ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết vỏ cây thuốc phiện có giá hơn 65 USD/kg và thường được bán dưới những tên gọi bí mật như “mi qiao" hay “bột yingshu”.
Theo quy định của Trung Quốc, bất kỳ ai buôn bán, tàng trữ hoặc sử dụng vỏ cây thuốc phiện sẽ bị bắt giữ từ 10 đến 15 ngày và bị phạt hơn 490 USD.
Phó giáo sư Hu Yinglian tại trường Hành chính Quốc gia Trung Quốc nhận định tình trạng sử dụng và kinh doanh vỏ cây thuốc phiện vẫn diễn ra cho thấy sự thiếu hụt trong công tác giám sát và quản lý an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
-------------------------
Ấn Độ quyết thu hồi “tiền đen” ở nước ngoài
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 2-11 cam kết sẽ thu hồi số tiền gửi trái phép tại các ngân hàng nước ngoài để trốn thuế, còn được gọi là “tiền đen”. Trong bài phát biểu thứ hai được phát trên đài phát thanh kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5, ông Modi tuyên bố số tiền cất giấu bất hợp pháp tại nước ngoài thuộc về người nghèo Ấn Độ.
Ông Modi cho biết chính phủ sẽ thay đổi luật pháp hoặc thực hiện những biện pháp mới nhằm thu hồi dòng tiền bất hợp pháp nêu trên. Để thực hiện lời hứa, ông Modi đã bổ nhiệm một ủy ban điều tra về vấn đề này ngay khi lên nắm quyền. Chính phủ Ấn Độ gần đây cũng trình lên Tòa án Tối cao danh sách những cá nhân bị cáo buộc có tài khoản bất hợp pháp ở ngân hàng nước ngoài. “Dựa trên những gì tôi biết và những thông tin có được, tôi muốn nói với người dân rằng chúng ta đang đi đúng hướng” - ông Modi khẳng định.
Theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Ấn Độ thừa nhận ông không biết rõ bao nhiêu “tiền đen” đã được gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, tổ chức nghiên cứu Global Financial Integrity, trụ sở tại thủ đô Washington - Mỹ, ước tính khoảng 344 tỉ USD đã được đưa trái phép ra khỏi Ấn Độ trong giai đoạn 2002-2011.
-------------------------
Triều Tiên dọa cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc
Nguồn tin quân đội và chính phủ Hàn Quốc hôm 2-11 tiết lộ Triều Tiên đã hạ thủy một tàu ngầm mới có khả năng bắn tên lửa đạn đạo. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), đây là một tàu ngầm diesel lớp Golf có từ thời Xô Viết được Triều Tiên nhập khẩu và cải tiến.
Chiếc tàu ngầm này dài 67 m, rộng 6,6 m và tải trọng 3.500 tấn. Tàu có khả năng mang loại tên lửa R-21 có đầu đạn nặng 1.180 kg và tầm bắn tối đa lên đến 1.420 km.
Dù quân đội Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên vẫn chưa nắm được công nghệ sản xuất tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nhưng diễn biến nêu trên vẫn làm gia tăng sự lo ngại về mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc cho biết lấy làm tiếc khi Triều Tiên đe dọa chấm dứt mọi liên lạc giữa 2 miền vì hành động rải truyền đơn qua biên giới của các nhà hoạt động chống Bình Nhưỡng. Trước đó, Triều Tiên đã bác bỏ đề nghị của Hàn Quốc về việc tổ chức hội đàm cấp cao hôm 30-10. Ông Lim Byeong-cheol, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phản ứng: “Thật đáng tiếc khi Triều Tiên bày tỏ ý định kết thúc các cuộc thảo luận liên Triều với tuyên bố sai lầm cho rằng chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ chiến dịch rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng”. Theo ông Lim Byeong-cheol, các cuộc đàm phán sắp tới có diễn ra hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Bình Nhưỡng.
-------------------------
Đài Loan theo đuổi 'giấc mơ' tự đóng tàu ngầm
Đài Loan có những tàu ngầm thuộc hàng 'đồ cổ' đang theo đuổi 'giấc mơ' tự đóng tàu ngầm nội địa tân tiến, do không nước nào chịu bán tàu ngầm hiện đại cho Đài Loan vì e ngại Trung Quốc, theo AFP.
Hai tàu ngầm "già nua" của Đài Loan. Hai tàu ngầm này do Đức đóng trong thập niện 1980 - Ảnh: AFP
AFP ngày 2.11 cho biết bên cạnh hai tàu ngầm “già nua” được đóng từ thập niên 1940 (mua của Mỹ), Đài Loan vẫn đang vận hành hai tàu ngầm do Đức đóng hồi cuối thập niên 1980. Mặc dù đã hơn 70 năm tuổi, nhưng tàu ngầm Hai Pao thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 mà Đài Loan mua từ Mỹ chưa nằm trong viện bảo tàng và vẫn còn tiếp tục phục vụ cho lực lượng hải quân Đài Loan.
Ông Liu Si-wei, thuyền trưởng Hai Pao, từng tham gia chương trình huấn luyện về tàu ngầm ở Mỹ vào năm 2013, và một số người bạn học cùng lớp ông hiện trở thành thuyền trưởng các tàu ngầm hạt nhân. Ông Liu cho biết những người bạn Mỹ hết sức ngạc nhiên khi biết Đài Loan vẫn còn sử dụng các tàu ngầm “cổ”.
“Những người bạn cùng lớp nói với tôi rằng nếu được phép, họ rất muốn được tận mắt nhìn thấy những tàu ngầm cổ của Đài Loan”, ông Liu trả lời AFP khi đang ở trong tàu ngầm Hai Pao.
Trung Quốc lâu nay luôn phản đối bất kỳ nước nào bán vũ khí cho Đài Loan. Và không có nước nào muốn bán tàu ngầm cho Đài Loan vì lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc, nên Đài Loan đang nỗ lực theo đuổi “giấc mơ” tự đóng tàu ngầm.
Bán tàu ngầm cho Đài Loan cũng là vấn đề nhạy cảm đối với Mỹ, và thỏa thuận bán cho Đài Loan 8 chiếc tàu ngầm diesel-điện mặc dù được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush phê chuẩn nhưng đã bị trì hoãn kể từ năm 2001, bởi vì Washington lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung.
Đức và Tây Ban Nha, hai trong số ít những quốc gia xuất khẩu tàu ngầm trên thế giới, cũng đã từ chối bán tàu ngầm cho Đài Loan vì e ngại Trung Quốc.
Mỹ từng tuyên bố sẽ giúp Đài Loan đóng tàu ngầm ở các quốc gia khác, nhưng đến nay cũng không có quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm đến việc đóng tàu ngầm cho Đài Loan, mặc dù hợp đồng đóng tàu ngầm rất “béo bở”, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn lời các chuyên gia quốc phòng cho biết.
Chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie cho rằng ngoại trừ Nhật Bản, không có quốc gia nào muốn giúp Mỹ chuyển công nghệ đóng tàu ngầm cho Đài Loan vì e ngại Trung Quốc.
Nhưng ông Lin Yu-fang, một quan chức thuộc cơ quan quốc phòng Đài Loan, cho AFP biết chính quyền Đài Loan có khả năng sẽ phê chuẩn dự án đóng tàu ngầm nội địa và nhờ Mỹ hỗ trợ đóng tàu ngầm. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan sẽ chọc giận Trung Quốc.
Theo AFP, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đài Loan. Đài Loan đã tự sản xuất 130 chiến đấu cơ nội địa nhờ vào hỗ trợ công nghệ từ Mỹ trong thập niên 1990. Washington đã chuyển sang hỗ trợ công nghệ, không bán chiến đấu cơ cho Đài Loan vì bị Bắc Kinh gây áp lực.
Ông Lin cho biết thêm một nhóm quan chức Đài Loan gần đây đã đến thủ đô Washington để thảo luận về vấn đề hợp tác đóng tàu ngầm và phía Mỹ có vẻ “cởi mở” hơn về vấn đề này. Đài Loan cũng lên kế hoạch chi trên 26,35 triệu USD để bảo trì một trong số những tàu ngầm cũ kỹ vào năm tới, theo AFP.
-------------------------
Hàn Quốc thiệt hại hơn 1 tỉ USD vì nạn đánh bắt trái phép
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang đau đầu trước thực trạng tàu cá từ Trung Quốc khai thác hải sản trái phép trong vùng biển hai nước này.
Ngày 2.11, Viện Chính sách thủy sản Hàn Quốc ra báo cáo cho thấy hành vi đánh bắt trái phép của các tàu cá Trung Quốc gây tổn thất cho nước này hơn 1 tỉ USD/năm. Yonhap trích nội dung báo cáo nói rõ rằng lượng thủy sản do các tàu Trung Quốc khai thác lậu trong vùng biển Hàn Quốc năm 2012 là hơn 675.000 tấn. Con số trên tương đương 61,9% tổng sản lượng đánh bắt mỗi năm của ngư dân Hàn Quốc trong lãnh hải nước này và gây tổn thất trực tiếp cho ngành thủy sản tới 1.350 tỉ won (1,26 tỉ USD).
Báo cáo còn khẳng định con số thật cao hơn nhiều nếu cộng thêm tất cả thiệt hại gián tiếp như chi phí cho cảnh sát biển tuần tra, ngăn chặn tàu Trung Quốc. Cũng theo báo cáo, gần phân nửa trong số 3.000 tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng đánh bắt chung giữa hai nước luôn có xu hướng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc.
Nghiêm trọng hơn, theo Yonhap, tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc thường chống trả quyết liệt mỗi khi bị chặn bắt. Ngư dân trên tàu liên tục bị cáo buộc dùng dao, gậy và vỏ chai tấn công nhân viên tuần duyên Hàn Quốc, dẫn tới thiệt hại nhân mạng cho cả hai bên. Đơn cử là vụ một binh sĩ Hàn Quốc bị đâm chết hồi năm 2011 trong khi vào ngày 10.10.2014, một thuyền trưởng Trung Quốc thiệt mạng do dính đạn của tuần duyên Hàn Quốc. Seoul khẳng định nguồn cơn sâu xa của vụ việc là do tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép và chống trả lực lượng chức năng bằng bạo lực.
Cũng trong ngày 2.11, tờ Asahi Shimbun đưa tin chỉ nội trong ngày 1.11, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) đã phát hiện 120 tàu cá được cho là của Trung Quốc khai thác trộm san hô xung quanh quần đảo Izu, cách Tokyo khoảng 600 km về phía nam.
Hồi giữa tuần trước, JCG cũng phải quần thảo với 164 tàu Trung Quốc hoạt động ở Izu và 212 tàu nước này gần quần đảo Ogasawara, cách Tokyo khoảng 1.000 km. Trước tình trạng trên, JCG quyết định triển khai thêm nhiều tàu tuần tra đến Izu và Ogasawara, theo tờ Yomiuri Shimbun.
-------------------------