Lợi dụng hội nghị để khám bệnh, bán thuốc
Ngày 2.11, ông Trần Hiếu Hùng, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Cà Mau kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc tổ chức khám chữa bệnh của Công ty CP đầu tư và tư vấn quốc tế Việt Mỹ (gọi tắt là Công ty Việt Mỹ - Q.Hoàng Mai, Hà Nội)”.
Trước đó, Công ty Việt Mỹ được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau cấp “giấy xác nhận hồ sơ đăng ký hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm”. Từ giấy phép đó, người của Công ty Việt Mỹ xuống nhiều địa phương trong tỉnh “nhờ” chính quyền các xã, ấp đi vận động người dân tham gia.
Theo đó, thư mời có nội dung: Hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện sẽ được kiểm tra sức khỏe miễn phí, được đo huyết áp, đo lượng mỡ cơ thể, mức mỡ nội tạng, tỷ lệ cơ xương, được thử nước tiểu để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, được giới thiệu cách phòng, chống và phương pháp điều trị... Chị Võ Thị Thảo (ngụ ấp 1, xã Khánh Thuận) kể: “Sau khi được khám bệnh và thử nước tiểu bằng que test nhanh, tôi được phát một phiếu theo dõi sức khỏe cá nhân... Cầm phiếu này, tôi được hướng dẫn qua bàn kế bên và được nhân viên chỉ định dùng 1 trong 2 lọ, mọi người đều hiểu là thuốc trị bệnh, hoặc phải cả 2 lọ với giá một lọ trị xương khớp 380.000 đồng, lọ trị bệnh huyết áp 420.000 đồng”.
Chị Thảo tiếp lời: “Thấy chính quyền giới thiệu, tôi tin nên đến tham gia. Đến khi về, nghe anh em họ hàng nói đây là thực phẩm chức năng tôi mới té ngửa biết mình bị gạt”. Còn chị Giãn Thị Phấn (ngụ ấp 1, xã Khánh Thuận) cho biết: “Bây giờ nghe nói thực phẩm chức năng tôi mới biết. Chứ từ hôm khám đến giờ tôi nghĩ là thuốc…”.
Trước đó, ông Trần Bé Ngoan, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, thông tin: “Chúng tôi cấp phép đúng theo quy định, nhưng Công ty Việt Mỹ đã thực hiện vượt quá quy định cho phép là khám bệnh nên chúng tôi cũng đã có thông báo đề nghị công ty ngưng các hoạt động trên tại các địa phương trong tỉnh”.
-------------------------
Khổ vì bị mượn danh!
Hàng loạt doanh nghiệp (DN) có thương hiệu trong lĩnh vực du lịch đang bị nhái tên, mượn danh để thu hút khách hàng nhưng không dễ xử lý.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, cho biết đến nay, có ít nhất 6 DN dùng thương hiệu Lửa Việt để hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đó chỉ là những đơn vị mà công ty biết được thông qua bạn bè, đồng nghiệp hoặc chính khách hàng phản ánh. “Số lượng DN mượn danh Lửa Việt có thể nhiều hơn nhưng công ty không thể biết được và đến giờ cũng không còn sức đi kiện, có khi chưa thắng được “ông cổ phần Lửa Việt” đã xuất hiện thêm 2-3 “ông thương mại hoặc tư nhân Lửa Việt” khác” - ông Mỹ chua chát.
Cách đây mấy năm, lần đầu tiên phát hiện Công ty CP Thương mại Lửa Việt (trụ sở ở phía Bắc) chào mời khách mua tour, lãnh đạo Công ty Dã ngoại Lửa Việt đã cho người ra tận nơi để điều tra, tìm hiểu thông tin, phản ánh đến cơ quan chức năng và thậm chí có ý định khởi kiện ra tòa để đòi công bằng. Kết quả, Lửa Việt “cổ phần” đòi... kiện ngược, yêu cầu Lửa Việt “dã ngoại” phải xin lỗi vì cho rằng mình bị vu cáo!
Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hòa Bình, cũng cho biết thương hiệu của công ty bà bị nhái một thời gian dài nhưng cứ xử lý chỗ này lại “mọc” chỗ khác. “Chúng tôi là Công ty Du lịch Hòa Bình, lập tức xuất hiện Công ty Du lịch Hòa Bình B. Đến khi bị khiếu nại yêu cầu ngừng hoạt động thì DN này chuyển địa điểm xuống Bình Dương và lập Công ty Du lịch Hòa Bình C.!” - bà Lệ dẫn chứng.
Điều đáng nói là việc nhái tên, mượn danh những đơn vị có uy tín trên thị trường đang được pháp luật cho phép nên DN chỉ biết đứng nhìn công sức xây dựng thương hiệu nhiều năm bị người khác sử dụng miễn phí. Theo Hiệp hội Du lịch TP HCM, Nghị định 43 của Chính phủ ra đời năm 2010 cho phép những trường hợp tên trùng có thể thêm địa danh, địa phương hoặc tên miền... khiến DN làm ăn chân chính bị lợi dụng và tình trạng “nhái” thương hiệu DN có uy tín bắt đầu nở rộ.
“Ở các nước, cùng một ngành nghề thì không được trùng tên. Việt Nam đã hội nhập toàn cầu thì cũng nên theo thông lệ này” - bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, đề xuất.
-------------------------
Kỷ luật Đảng hai phó giám đốc sở đánh nhau
Ngày 2-11, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước cho biết Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã ra quyết định thi hành kỷ luật về mặt Đảng đối với ông Bùi Quốc Khánh (40 tuổi, đảng viên, phó giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Phước) và ông Phạm Thành Chung (52 tuổi, Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ 2, phó giám đốc Sở Nội vụ) trong vụ hai ông này “choảng” nhau tại một quán karaoke trong giờ làm việc.
Theo đó, PGĐ Sở Ngoại vụ Bùi Quốc Khánh (người cầm ly bia đập vào đầu PGĐ Sở Nội vụ) bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, còn PGĐ Sở Nội vụ Phạm Thành Chung bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Theo các quyết định kỷ luật, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy ông Bùi Quốc Khánh với cương vị là đảng viên, phó giám đốc Sở Ngoại vụ nhưng trong lúc đi hát karaoke đã uống rượu, bia và từ những lời nói không đúng mực của ông Phạm Thành Chung (PGĐ Sở Nội vụ) làm ông Khánh thiếu kiềm chế dẫn đến có hành vi gây thương tích cho ông Chung.
Tương tự, mặc dù là Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ 2, phó giám đốc Sở Nội vụ nhưng khi đi hát karaoke, ông Phạm Thành Chung đã có những lời lẽ không đúng mực khiến ông Bùi Quốc Khánh bức xúc, thiếu kiềm chế và dẫn tới vụ việc nói trên. Hành vi của ông Khánh và ông Chung vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước, khi sự việc xảy ra, cả ông Khánh và ông Chung đã cung cấp thông tin cho báo chí sai sự thật, làm ảnh hưởng đến tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.
Như đã thông tin, khoảng 14g ngày 12-8, sau buổi tổng kết khóa học chuyên viên chính dành cho các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, ông Khánh và ông Chung có đến một quán karaoke ở thị xã Đồng Xoài cùng tiếp một đoàn khách.
Tại đây, trong lúc hát karaoke, ông Khánh cầm ly bia đi mời các thực khách nhưng không mời ông Chung khiến ông Chung bực bội. Sau khi đoàn khách rời quán, ông Chung nói ông Khánh ở lại để “nói chuyện”. Trong lúc lời qua tiếng lại, ông Khánh lấy chiếc ly sành đầy bia hất làm ướt người ông Chung rồi tiếp tục dùng ly “choảng” vào đầu, tai ông Chung.
Thấy trong phòng karaoke ồn ào, một số nhân viên chạy vào thì thấy máu me be bét trên đầu, tai ông Chung nên đã gọi người đưa ông Chung đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Phước. Các y bác sỹ đã phải may nhiều mũi ở sau gáy cho ông Chung. Đến tối cùng ngày, ông Chung được bệnh viện cho xuất viện về nhà tiếp tục điều trị.
Ngay sau đó một ngày, vào ngày 13-8, ông Khánh và ông Chung đã tự tìm đến nhau xin lỗi, bắt tay giải hòa. Tuy nhiên , vào ngày 25-8-2014 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã tạm đình chỉ công tác trong thời hạn 30 ngày đối với ông Khánh và ông Chung để làm rõ hành vi vi phạm của hai ông.
Đến nay, cả hai PGĐ Sở này đều đã đi làm trở lại.
-------------------------
Điều tra bổ sung vụ buôn lậu gỗ hơn 63 tỉ đồng
Chiều 31-10, TAND TP Đà Nẵng đã quyết định hoãn phiên tòa, tuyên hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án buôn lậu gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) có liên quan đến nhóm cán bộ Cục Hải quan Quảng Trị và Đà Nẵng.
Theo hội đồng xét xử, vụ án có quá nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa được làm rõ trong đó có nguồn gốc lô hàng bởi quá trình điều tra vẫn chưa làm rõ, mâu thuẫn giữa hai bản giám định của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật và làm rõ dấu búa của kiểm lâm.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm có: bị cáo Trương Huy Liệu (phó giám đốc) và vợ là Trần Thị Dung (giám đốc) Công ty Ngọc Hưng bị truy tố tội buôn lậu.
Ba bị cáo Đỗ Lý Nhi (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo) và Đỗ Danh Thắng (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong phiên xử sáng hôm qua 31-10, tất cả các bị cáo đều nói mình không phạm tội, cho rằng cáo trạng truy tố không có cơ sở.
Phiên tòa cũng nóng lên khi hội đồng xét xử thẩm vấn về việc cơ quan điều tra ra quyết định bán vật chứng của vụ án này là lô gỗ trắc lậu với trị giá hơn 63 tỉ đồng khi vụ án chưa được xét xử xong.
Theo các luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) và luật sư Phạm Xuân Tích (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) tham gia vào chữa trong vụ án này thì việc cơ quan điều tra cho bán lô gỗ trên là trái qui định bởi vật chứng của vụ án chỉ được xử lý khi có phán quyết của tòa.
Cả 2 vị luật sư cho rằng hành vi bán lô gỗ là vật chứng của vụ án với trị giá hơn 63 tỉ đồng khi phiên tòa chưa xử là nhằm phi tang vật chứng. Nếu trường hợp tòa tuyên các bị cáo vô tội thì xử lý thế nào?
Khi trả lời HĐXX, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng Đỗ Danh Thắng cho rằng việc bị cáo ra quyết định tạm giữ lô hàng là làm theo các công văn chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Đà Nẵng.
Trong khi đó, đại diện Cục Hải quan Đà Nẵng và Quảng Trị có mặt tại tòa cho rằng hậu quả thực tế của vụ án này chưa xảy ra.
Đại diện Cục Hải quan Quảng Trị cho rằng việc kiểm tra hàng hóa của công chức Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành là "đúng qui định pháp luật"
Trong công văn gửi cho hội đồng xét xử, ông Lê Văn Tới (cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị) còn khẳng định rằng: Lô hàng gỗ trắc nhập khẩu và xuất khẩu nguyên lô theo tờ khai là đúng qui định pháp luật.
Hành vi khai sai số lượng, chuẩn loại của doanh nghiệp nhập khẩu chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu mà chỉ xử lý hành vi vi phạm hành chính.
Theo ông Tới: “Hành vi nhập khẩu, xuất khẩu lô hàng gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng không gây hậu quả về trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, không gây thất thu ngân sách.
Ông Tới cho rằng kết luận điều tra, điều tra bổ sung và cáo trạng chưa chứng minh được hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm của các hải quan.
Diễn tiến vụ buôn lậu 614m3 gỗ quý
Theo hồ sơ vụ án, ngày 17-12-2011 Công ty Ngọc Hưng nhập lô gỗ 614m3 từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, nguyên lô gỗ được xuất sang Trung Quốc được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt.
Tuy nhiên, khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan nên đã giao cho Chi cục Hải cửa khẩu cảng Đà Nẵng.
Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an.
Sau đó, C46 có công văn kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”. Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, sau đó hồ sơ lại được chuyển sang Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an.
Cuối cùng C44 đã ra quyết định khởi tố các bị can trên.
-------------------------
Kỷ luật 5 cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng
Ngày 31-10, Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa TP Đà Nẵng Phạm Ngọc Sự đã ký quyết định thi hành kỷ luật đối với 3 cán bộ, nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông do không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Cùng ngày, ông Đặng Phương Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa cũng cho biết: Hội đồng kỷ luật của Hạt đã ra quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức khiển trách đối với hai kiểm lâm địa bàn vì thiếu trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ.
Trước đó, từ ngày 6 đến 12-10, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, phát hiện ở khu vực giáp ranh của hai địa phương, lâm tặc cất giấu hơn 45m3 gỗ quý như kiền kiền, gõ…
-------------------------