Chỉ trong 4 ngày, 3 vụ truy sát ở trung tâm TP Biên Hòa
Ngày 2-11, Công an phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa đang điều tra làm rõ một vụ truy sát xảy ra trên đường Hà Huy Giáp khiến một người bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 11 giờ, ngày 1-11, ông Hồ Quốc Tuấn (51 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) vừa từ quán cà phê C. (đường Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng) ra được hơn 50m thì bị hai thanh niên đi xe máy áp sát bất ngờ dùng dao đâm liên tiếp vào đùi rồi rổ ga bỏ chạy.
Ông Tuấn gục tại chỗ, được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, đứt động mạch. Tỉnh lại trong bệnh viện, nạn nhân cho rằng mình không có mâu thuẫn với ai và đây có thể là một vụ đâm nhầm.
Cùng ngày, Công an phường Thống Nhất, TP Biên Hòa cũng cho biết vừa nhận đơn tố cáo của anh Phạm Ngọc Anh Huy (22 tuổi, ngụ phường Tân Biên, TP Biên Hòa) về việc anh bị một nhóm người chém bị thương khi đi chơi tại quán bar.
Theo đó, khoảng 22 giờ ngày 30-10, Huy cùng một số người bạn đang chơi tại bar M. (trên đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất), có 2 người bước vào gọi anh ra ngoài nói chuyện.
Khi Huy vừa bước ra, bất ngờ bị một nhóm người bao vây; hai người đã gọi anh ra rút dao chém tới tấp. Huy bị thương ở tay, vai nhưng vùng thoát ra được.
Theo trình bày của Huy, hai người vung dao chém anh một người tên thường gọi là Nguyên Tâm, một người thường gọi là Cậu Chó.
Trước đó, ngày 29-10, tại shop thời trang Tuấn Kiệt, đường Vũ Hồng Phô, phường Bình Đa, TP Biên Hòa cũng xảy ra một vụ truy sát. Được cho là vì vụ cãi nhau trước đó, 4 người đàn ông đã xông vào tiệm chém trọng thương hai anh em chủ tiệm thời trang.
-------------------------
TP.HCM còn hàng ngàn án dân sự chưa thi hành
Tại chương trình truyền hình trực tiếp Lắng nghe và trao đổi tháng 11-2014 với chủ đề “thi hành án dân sự - thực trạng và giải pháp”, do Thường trực HĐND TP.HCM và Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 2-11, nhận định như vậy về hệ quả của tình trạng chậm thi hành án dân sự, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh “nói một tiếng chậm nhưng đó là một sự thiệt thòi rất lớn của người dân được thi hành án phải chờ đợi trong nhiều năm”.
Theo bà Tâm, thi hành án dân sự chậm, kéo dài rất nhiều, không phải chậm 1-2 năm, mà chậm đến 5-7 năm, hơn 10 năm…
Nhiều nguyên nhân được các ngành liên quan phân tích, trong đó có đề cập đến các nguyên nhân như ngành tòa án chậm chuyển hồ sơ, bản án để thi hành; án tuyên không rõ, khó thi hành…
Phó chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang nhìn nhận “đây là vấn đề lớn” và ông hứa sắp tới sẽ cùng với Ban Nội chính Thành ủy TP làm việc với ngành Tòa án TP về vấn đề này để giải quyết rốt ráo.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP vì sao có tình trạng chậm này, ông Cang nói có ba nguyên nhân: số vụ việc, vụ án đưa ra xét xử ở TP là rất lớn, nên khi tuyên án xong, khâu hoàn thiện bản án để phát hành sẽ dẫn đến chậm; hồ sơ, vụ việc phức tạp, khi tuyên án xong cần làm chặt chẽ, biên tập bản án; khâu phối hợp giữa các cơ quan vẫn bằng thủ công, thiếu liên kết qua mạng.
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Nguyễn Nhật Nam cho biết ngành tòa án chậm trả lời yêu cầu giải thích các bản án chiếm 80%; đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật, tòa án chuyển sang cơ quan thi hành án không đúng thời hạn là 83%...
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Phạm Văn Bá nêu ra con số giật mình, theo đó, qua giám sát cho thấy những vụ việc có điều kiện thi hành án dân sự nhưng chưa thi hành, đã kéo dài từ ba năm trở lên, thì ở TP còn đến hơn 2.200 vụ việc.
Cũng theo ông Bá, tình trạng án (dân sự) tuyên không rõ, khó thi hành, sơ bộ nắm được là hơn 200 vụ, chưa được ngành tòa án giải thích bản án.
-------------------------
Dân bức xúc đơn vị thi công lấp luôn hàng chục ngôi mộ
Thực hiện thi công tuyến kênh N621 đoạn qua khu định cư 19 (thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi), đơn vị thi công đã "lỡ" san lấp hàng chục ngôi mộ của gia đình người dân địa phương.
Hộ ông Đinh Thiên Ngọc (KDC 19) bức xúc nói: “Vào chiều ngày 29/10 vừa qua, 2 vợ chồng tôi đi về quê dọn dẹp nhà cửa, vườn tược của ông bà. Khi ra sau vườn để thắp hương mộ tổ tiên, tôi vô cùng hoảng hốt khi 3 ngôi mộ của dòng họ nằm trong khuôn viên vườn nhà không còn. Sau đó, tôi dò hỏi thì mới biết Công ty Thành Đạt thi công tuyến cống đã san ủi mồ mả”.
Qua ngày 31/10, ông Đinh Thiên Ngọc cùng nhiều người dân khác có mồ mả bị san ủi kéo đến trụ sở UBND xã Nghĩa Hà yêu cầu can thiệp. Tuy nhiên, không có cán bộ nào đứng ra giải thích và hỗ trợ người dân giải quyết sự việc.
Ông Ngọc cho biết thêm: “Vì lợi ích chung cho người dân, gia đình tôi tự nguyện hiến một phần đất để làm mương dẫn nước mà không có bất kỳ đòi hỏi gì. Vậy mà khi thi công, họ không thèm thông báo để gia đình tôi bảo vệ mồ mả. Giờ thì làm sao mà biết phần mộ tổ tiên nằm ở vị trí nào đây?”.
Trả lời PV Dân trí trưa ngày 1/11, ông Trần Thanh Trạng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết: “Dự án kênh N621 do xã làm chủ đầu tư, chiều dài 1,2km với tổng kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng. Trước khi triển khai, địa phương cũng đã có họp và thông báo cho người dân biết. Khi đơn vị thực hiện thi công, ở khu vực thi công có một số ngôi mộ nằm khuất trong cây cối nên cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời,
dẫn đến sự việc trên. Một phần lỗi thuộc địa phương do không giám sát chặt chẽ”.
Qua thống kê, Công ty Xây dựng Thành Đạt – đơn vị thi công đã san ủi 13 ngôi mộ, trong đó có 7 ngôi mộ đã xác định được chủ. Trước sự việc này, xã Nghĩa Hà đang phối hợp với đơn vị thi công làm việc với các hộ dân có mồ mả bị san ủi, hư hại để tìm phương hướng giải quyết.
Do không xác định vị trí các ngôi mộ, nhiều hộ dân lập nhiều bàn thờ, thắp hương và khấn vái quanh khu vực trước đây đã chôn cất ông bà, người thân
----------------------
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2014
Bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất; không hạn chế mức giảm, số lần giảm giá xăng dầu; quy định mới về mức thu phí đường bộ; miễn thuế nhập khẩu linh kiện y tế;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2014.
Bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, việc thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán phải đảm bảo các nguyên tắc: Hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn.
Việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ thực hiện sau khi bán đấu giá không thành công (không có hoặc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá) hoặc không bán hết số cổ phần, phần vốn nhà nước chào bán qua đấu giá, trừ trường hợp bán thỏa thuận các cổ phiếu đã niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom với giá bán thỏa thuận quy định. Trường hợp bán thỏa thuận không thành công thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại...
Quyết định có hiệu lực từ 1/11/2014.
Không hạn chế mức giảm, số lần giảm giá xăng dầu
Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1/11/2014, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn tối đa 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Thu hút chuyên gia nước ngoài hoạt động KHCN tại Việt Nam
Theo Nghị định quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam có hiệu lực từ 10/11/2014, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam sẽ được hưởng các chính sách thu hút về xuất nhập cảnh và cư trú, về tuyển dụng, lao động, học tập, về lương, nhà ở, tiếp cận thông tin, chính sách về khen thưởng, vinh danh và một số chính sách khác nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Miễn thuế nhập khẩu linh kiện y tế
Theo quy định tại Quyết định 54/2014/QĐ-TTg, hàng hóa là linh kiện nhập khẩu cho dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày dự án bắt đầu sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế.
Hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu theo quy định trên phải là linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo của các dự án đầu tư được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo theo quy định; và là linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.
Quyết định có hiệu lực từ 15/11/2014.
Từ 15/11/2014 áp dụng nhiều quy định mới về thuế GTGT
Từ 15/11/2014, nhiều quy định mới về thuế giá trị gia tăng sẽ được thực hiện theo Thông tư 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính mới ban hành hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.
Trong đó, đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hoá, dịch vụ mua từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hoá, dịch vụ bằng văn bản, hoá đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ).
Quy định mới về mức thu phí đường bộ
Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC thay thế Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, có hiệu lực thi hành từ 1/11/2014, mức thu phí đối với xe mô tô (không bao gồm xe đạp điện) như sau: Tối đa là 100.000 đồng/năm đối với loại có dung tích xy lanh đến 100 cm³; tối đa là 150.000 đồng/năm đối với loại có dung tích xy lanh trên 100 cm³.
Căn cứ mức thu phí đối với xe mô tô nêu trên, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thông tư cũng đã quy định cụ thể mức thu phí đối với ô tô.
Hướng dẫn chế độ luân phiên của thầy thuốc
Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (người hành nghề), người hành nghề thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 6 tháng được quy đổi bằng 132 ngày làm việc; tối đa 12 tháng được quy đổi là 264 ngày làm việc.
Chế độ trợ cấp đặc thù hàng tháng bằng 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) được tính theo số ngày thực tế làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên trong tháng và được chi trả cùng kỳ lương tháng kế tiếp.
Thông tư có hiệu lực từ 10/11/2014.
--------------------------
Nhà hàng “nuốt” di tích, chính quyền bất lực?
Nếu không được những người có tâm huyết chỉ dẫn, chúng tôi không thể nhận ra đây là Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh. Nó chỉ còn là một khối đá đơn thuần bởi toàn bộ thông tin trên đó đã bị xóa sạch.
Thời gian qua, một số cựu chiến binh xã Khai Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) gửi đơn khắp nơi kêu cứu cho một di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đó là Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh được dựng trên địa bàn xã Khai Sơn. Theo phản ánh của các cựu chiến binh, thời gian vừa qua, với sự thông thương thuận lợi trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các nhà hàng kinh doanh ăn uống bắt đầu mọc lên. Tuy nhiên, một số nhà hàng đã ngang nhiên lấn chiếm hành lang giao thông, xâm phạm di tích lịch sử quốc gia để buôn bán.
Để minh chứng cho tố cáo của mình, các cựu chiến binh đã dẫn chúng tôi đến mục sở thị di tích bị xâm hại. Quả thật, nếu không có những người tâm huyết với cung đường huyền thoại này dẫn đường và được chính họ cho xem bức ảnh chụp mốc di tích ngày mới khánh thành, chúng tôi khó lòng mà tin được khối bê tông đen sì kia là mốc di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trước mặt chúng tôi là khối bê tông cao 1,5m, rộng 1m. Toàn bộ thông tin ghi trên bia đã bị xóa sạch, mặt bia bây giờ chỉ là những đường nét nguệch ngoạc do vật cứng tác động để “cạo” hết thông tin ghi trên đó. Khối bê tông đã từng là di tích lịch sử khiêm tốn nằm ép dưới mái tôn của một nhà hàng, phần chân đế đã bị tường rào bằng sắt của nhà hàng lấn chiếm. Chỉ còn thiếu mỗi một điều là người ta chưa đập bỏ nó đi.
Theo chúng tôi được biết, nhà hàng đang “bức tử” mốc di tích lịch sử quốc gia này do vợ chồng ông Nguyễn Hữu Canh và bà Nguyễn Thị Khoa làm chủ. Nhà hàng này được dựng lên từ cuối năm 2013 và mở rộng từ đó đến nay, ngang nhiên lấn chiếm vào khu vực dựng mốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Khai Sơn cho hay việc Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh bị xâm phạm là đúng. Ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận đây là trách nhiệm của chính quyền xã. Ngay từ khi ông Nguyễn Hữu Canh có đơn gửi UBND xã Khai Sơn xin thuê đất ở khu vực sát Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh để dựng nhà hàng, nhận thấy khu vực này là hàng lang giao thông, UBND xã không có đủ thẩm quyền để cho thuê nên không giải quyết cho ông Canh.
Tuy nhiên, cuối cùng, chính lãnh đạo UBND xã lại ký quyết định cho vợ chồng ông Canh, bà Khoa thuê mảnh đất này vì theo ông Chủ tịch xã là do “phải chịu quá nhiều sức ép”. Trong hợp đồng kinh tế giữa UBND xã Khai Sơn và ông Nguyễn Hữu Canh thì phần diện tích cho thuê là 24m2 đất thuộc hành lang đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 7A, với giá 4.000 đồng/1m2. Hợp đồng cho thuê đất có thời hạn đến hết năm 2016 thì bên thuê đất chỉ được phép dựng hàng quán tạm để kinh doanh.
Sau khi được UBND xã Khai Sơn cho thuê 24m2 đất để dựng hàng quán tạm kinh doanh, gia đình ông Canh, bà Khoa đã đổ đất lấn chiếm hành lang giao thông và không gian Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh để xây dựng công trình nhà hàng, phòng nghỉ kiên cố.
Ngày 7/5/2014, khi phát hiện gia đình ông Nguyễn Hữu Canh và bà Nguyễn Thị Khoa có hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình kiên cố trên đất hành làng giao thông, UBND xã Khai Sơn đã lập biên bản đình chỉ thi công. Ngày 11/5/2014, Công ty CP quản lý và XD giao thông 487 đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu gia đình ông Nguyễn Hữu Canh phải tháo dỡ công trình vi phạm.
Các bên liên quan cũng đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 15/5/2014. Tại cuộc họp này, Chi cục Quản lý đường bộ II và Hạt quản lý đường bộ Khai Sơn có quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu gia đình ông Canh phải trả lại hiện trạng ban đầu đối với đất hành lang giao thông cũng như không gian Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh.
Vậy nhưng trên thực tế, việc hoàn trả lại mặt bằng dất hành lang giao thông không được thực hiện mà nhà hàng Canh Khoa lại được tiếp tục mở rộng diện tích. Đến thời điểm cuối tháng 10/2014, nhà hàng này đã được xây dựng kiên cố và có thêm 7 phòng trọ cho thuê được xây dựng trên phần diện tíc 144m2 đất hành lang giao thông và không gian Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh.
Trao đổi với Pv Dân trí, bà Võ Thị Hồng Lam – Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn - thừa nhận có việc Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh “bị lấn chiếm khá nhiều không gian”. Bà Chủ tịch cũng cho biết thông tin ghi trên bia mốc bị tẩy xóa đã xảy ra trước đó khá lâu. “Chúng tôi đã cho công an và phòng công thương xuống kiểm tra. Huyện cũng chỉ đạo Phòng công thương phối hợp Ban quản lý đường mòn để sửa lại cột mốc”, bà Lam cho biết. Riêng đối với việc gia đình bà Khoa xây dựng công trình lấn chiếm hành lang giao thông và xâm phạm không gian di tích lịch sử, bà Lam cho rằng do UBND xã Khai Sơn cho thuê đất, lúc nào hết thời gian thuê sẽ tháo dỡ mà không được đền bù.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Khoa là người có công tố cáo và đưa ra ánh sáng một số sai phạm của lãnh đạo huyện Anh Sơn, trong đó có ông Phó Chủ tịch UBND huyện. Sau khi đoàn kiểm tra tỉnh ủy vào cuộc đã kết luận UBND huyện Anh Sơn có nhiều sai phạm trong việc giao đất cho 41 hộ dân. Liên quan đến việc này, những người có trách nhiệm cũng đã bị xử lý kỷ luật.
Điều dư luận hết sức băn khoăn là việc ông Nguyễn Hữu Canh và bà Nguyễn Thị Khoa lấn chiếm hành lang giao thông, xâm phạm không gian Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh diễn ra ngang nhiên nhưng các cơ quan chức năng lại thiếu quyết liệt trong việc xử lý. Phải chăng phía sau tồn tại này có những “vùng tối” không thể nói ra?
----------------------------