Tàu ngầm Kilo thứ ba sẽ bàn giao cho VN cuối năm 2014
Đài Tiếng nói nước Nga ngày 1.11 cho biết tàu ngầm Kilo 636 thứ ba sẽ được chuyển giao cho lực lượng Hải quân Việt Nam trước thời điểm kết thúc năm 2014 .
Bản tin của Đài Tiếng nói nước Nga không nói rõ về thời điểm chuyển giao chính xác. Hồi tháng 3 năm nay, Đài Tiếng nói nước Nga từng đưa tin tàu ngầm Kilo thứ ba mà Việt Nam đặt mua đã thực hiện hơn 20 cuộc lặn trong thời gian thử nghiệm, và quy trình thực hành ven biển dành cho các thủy thủ Việt Nam bắt đầu trong nửa cuối tháng 5.2014.
Đài Tiếng nói nước Nga cũng từng cho biết dự kiến chiếc tàu ngầm thứ ba (HQ 184 mang tên Hải Phòng) sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam trong tháng 11.2014 và 3 chiếc Kilo còn lại sẽ lần lượt được bàn giao trong hai năm 2015 và 2016.
“Chiếc tàu ngầm thứ tư loại này sẽ được chuyển cho khách hàng vào năm tới”, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời một nguồn tin cao cấp trong ngành công nghiệp đóng tàu Nga ngày 1.11. Chiếc tàu ngầm thứ tư đóng cho Hải quân Việt Nam sẽ được kiểm tra và chạy thử nghiệm trước khi giao cho Việt Nam vào năm 2015, nguồn tin này cho biết thêm.
Tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (Canada) hồi năm 2013 từng đăng tải bài viết nhận định rằng Trung Quốc cũng có tàu ngầm Kilo, nhưng những tàu ngầm Kilo mà Nga đóng cho Việt Nam có thể tân tiến và "lợi hại" hơn của Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Thanh Niên Online, cho rằng: “Tất cả công nghệ, bao gồm cả hệ thống vũ khí của tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam hoàn toàn hiện đại hơn của Trung Quốc”.
Chuyên gia quân sự Mỹ Robert Farley, trong một bài viết trên website tạp chí The National Interest (Mỹ) ngày 12.7, cho hay mặc dù Trung Quốc từng cố gây áp lực khiến Nga giao chậm tàu ngầm và đạn dược cho Việt Nam, nhưng Moscow đã không làm theo.
Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm điện - diesel Kilo (Dự án 636 Varshavyanka) vào năm 2009. Hợp đồng này, bao gồm cả việc huấn huyện cho đội vận hành tàu ngầm Việt Nam, có thể trị giá đến 2 tỉ USD, theo hãng tin RIA Novosti (Nga). Việt Nam hiện sở hữu hai tàu ngầm Kilo 636 và Nga sẽ tiếp tục bàn giao 4 chiếc còn lại theo hợp đồng.
Tàu ngầm Kilo 636 mà Nga đóng cho Việt Nam là tàu ngầm thuộc thế hệ thứ 3, có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300 m, thủy thủ đoàn gồm 52 người. Tàu Kilo 636 còn được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533 mm, ngư lôi, thủy lôi và tổ hợp tên lửa đa năng 3M-54 Klub (hay còn gọi là Kalibr 3M54), có thể thực hiện các sứ mạng chống tàu và chống tàu ngầm trong những vùng nước nông, theo RIA Novosti.
-------------------------
Quốc hội sẽ thảo luận về dự án sân bay Long Thành
Hôm nay 3-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)...
Chiều mai 4-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, việc phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người...
-------------------------
Quốc hội sẽ bàn để giảm thêm 200 giờ nộp thuế
Tuần này, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận, góp ý về dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), luật sửa đổi một số điều của các luật thuế và chuẩn bị thảo luận 2 dự án luật rất quan trọng: luật Đầu tư (sửa đổi), luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong tuần kế tiếp.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đã trả lời phóng viên Thanh Niên xung quanh những vấn đề dư luận đang quan tâm này.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo môi trường kinh doanh năm nay, trong đó VN vẫn chưa thay đổi nhiều về thứ bậc xếp hạng. Những thay đổi về chính sách thuế, về kinh doanh và đầu tư trong luật Doanh nghiệp (DN) và luật Đầu tư lần này có thể sẽ có những thay đổi gì lớn để cải thiện vấn đề này, thưa ông?
Chúng ta cũng cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh bằng xây dựng một hệ thống chính sách thuế hấp dẫn. Quốc hội (QH) cũng đã thực hiện lộ trình cải cách thuế rất mạnh như thuế thu nhập DN trong 8 năm đã giảm từ 32% xuống còn 25%, 22% và sẽ chỉ còn 20%. Thuế GTGT của ta cũng thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, nay còn duy trì 2 mức 10% và 5% khi trong khu vực có nước còn 15 -17%. Đồng thời, chúng ta áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm thuế để thu hút đầu tư. Ngay kỳ họp lần này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm. Có lẽ họ (WB) lo ngại là về cải cách hành chính. Các thủ tục về đăng ký kinh doanh, cấp phép, thủ tục hải quan... còn có những khó khăn nhất định chứ nhìn chung là chính sách ta khá thông thoáng. Cho nên, trong các luật sửa đổi lần này, QH cũng có trách nhiệm sửa đổi chính sách, xử lý các vướng mắc đó. Ví dụ như về đầu tư, luật Đầu tư, luật về sử dụng vốn nhà nước sẽ chỉ ra, với nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực nào, tạo chính sách bình đẳng hơn để có dư địa đầu tư cho các thành phần kinh tế khác. Nhưng quan trọng nhất là chính sách của chúng ta phải ổn định. Ta phải có cam kết, những chính sách đã ban hành phải đảm bảo. Phải có đột phá trong cải cách thủ tục hành chính.
Việc sửa các luật về thuế sẽ có thay đổi lớn nào, thưa ông?
Sẽ phải cải thiện nhiều quy định, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, thuế… Ví dụ về cải cách thủ tục hành chính về thuế, thời gian DN nước ta phải kê khai là rất lớn, lên tới gần 900 giờ/năm. Chính phủ vừa qua đã buộc Bộ Tài chính giảm được khoảng 100 giờ làm thủ tục nhưng QH lần này có thể làm giảm 200 giờ nữa. Dù vậy cũng vẫn còn cao, còn tiếp tục phải rà soát, sửa đổi, giảm thủ tục trong các lĩnh vực khác như xuất nhập khẩu, rồi phải có chính sách để ngăn chặn ban hành giấy phép con. Ta có tình trạng chính sách chung thì thông thoáng nhưng đến các bộ, liên quan đến những vấn đề kỹ thuật thì thủ tục, quy định lại rườm rà.
Nhưng vẫn có không ít lo ngại khó có những cải cách lớn vì ngay trong các dự án luật DN (sửa đổi), luật Đầu tư (sửa đổi)... trình QH kỳ này vẫn có những quy định được cho là bảo thủ và một số bộ ngành vẫn cố gắng bảo lưu quyền ban hành những điều kiện kinh doanh, những giấy phép con có tính chất hạn chế kinh doanh?
Tôi biết là đang có những tranh luận về một số điều, khoản. Ví dụ như DN không được đặt tên trùng tên danh nhân. Nhưng chúng ta chưa có danh sách nào về danh nhân cả vì có danh nhân được nhà nước tôn vinh nhưng có những danh nhân do xã hội tôn vinh. Hay có những tranh cãi về việc đưa danh mục ngành nghề cấm hay hạn chế kinh doanh mà nhiều DN nói lẽ ra phải để ở luật DN thì lại đưa sang luật Đầu tư. Ta có điểm dở là nhiều luật chuyên ngành lại quy định quá chi tiết về ngành nghề kinh doanh. Cho nên cần phải đưa một số quy định trong luật chuyên ngành về luật xương sống như luật Đầu tư, nó sẽ bãi bỏ các quy định khác ở luật khác mà không phù hợp. Có những luật chủ đạo thì luật khác phải tuân thủ theo.
Tất nhiên là trong các dự án luật DN và luật Đầu tư vẫn còn những điểm có ý kiến khác nhau nhưng qua quá trình thảo luận của QH, sẽ thống nhất theo phương án tốt nhất. QH vẫn cố gắng cởi bỏ hết rào cản hạn chế quyền kinh doanh của DN theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Những gì pháp luật không cấm thì DN, người dân được phép làm.
-------------------------
Đảo du lịch nổi tiếng “khát” nước ngọt
Bình Ba là đảo du lịch nổi tiếng ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa nhưng hiện đảo này đang đối mặt tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho nhu cầu của du khách và người dân địa phương.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo đã diễn ra từ lâu nhưng vài năm trở lại đây trở nên trầm trọng hơn. Hiện nguồn nước người dân trên đảo đang sử dụng là nước giếng khoan, nhưng bị phèn lớ, mặn chát nên chỉ dùng để tắm, giặt. Tại thôn Bình Ba Đông, người dân hầu như không thể dùng nước giếng vì độ nhiễm mặn chẳng khác gì nước biển.
Vào các tháng mùa nắng, nguồn nước ngọt trên đảo rất eo hẹp, bức bí. Để đảm bảo đủ nước sinh hoạt, người dân đã sắm hàng loạt phuy nhựa thể tích lớn để hứng “nước trời”. Ông Bùi Văn Tuấn (48 tuổi, thôn Bình Ba Đông), cho biết cách đây vài năm, người dân được hỗ trợ cho vay ưu đãi để xây bể chứa nước ngọt. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tình tế, hiện giờ do nhu cầu tăng cao nên các bể chứa nước không đáp ứng được nhu cầu của người dân. “Mỗi ngày, gia đình tôi dùng 1 đôi nước 40 lít để ăn, uống nhưng vẫn không đủ. Mọi sinh hoạt khác phải dùng nước giếng nhưng nước biển mặn 10 thì nước giếng mặn 8”, ông Tuấn nói.
Bình Ba là một trong 2 đảo thuộc xã Cam Bình (TP Cam Ranh) có hơn 90% hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản. Vài năm trở lại đây, các ngành nghề chế biến thủy sản phát triển mạnh đã tiêu thụ một nguồn nước ngọt rất lớn. Mặt khác, dân số trên đảo không ngừng tăng cộng với việc du khách đến đảo tham quan đông đúc khiến nhu cầu nước ngọt tăng theo.
Vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, đảo Bình Ba thiếu nước ngọt do phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của du khách. Mọi du khách khi đến Bình Ba và thuê phòng nghỉ lại đều buộc phải sử dụng nước giếng nhiễm mặn cho các sinh hoạt cá nhân. Nước ngọt chỉ được cấp cho du khách 1 đến 2 xô (khoảng 10 lít) để sử dụng cho những việc thực sự cần thiết. Chúng tôi thuê một phòng nghỉ tại Bình Ba 2 ngày để ở lại tác nghiệp nhưng cảm thấy rất bức bối thì thiếu nước ngọt. Sau khi nhận phòng, chủ nhà dặn trước là phải xài nước tiết kiệm vì đảo đang thiếu nước. Chỉ đến khi tắm, chủ nhà mới “cấp” cho một xô nước ngọt để dội lại cho khỏi ngứa.
Theo người dân, không ít lần các đoàn chức năng đã về khảo sát, tìm phương án cải thiện nguồn nước trên đảo nhưng hiện chưa có chuyển biến gì đáng kể. “Chúng tôi chẳng mong gì to tát, chỉ mong có nước ngọt để dùng, phục vụ các hoạt động chế biến thủy sản, nhu cầu của du khách”, một người dân kiến nghị.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, cho biết việc người dân phản ánh thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và các hoạt động du lịch dịch vụ, chế biến thủy sản là có thật. Hiện nguồn nước trên đảo vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu sinh hoạt, tắm giặt của người dân. Tuy nhiên, ông Hóa dự báo vào năm tới, đảo Bình Ba sẽ thiếu nước nghiêm trọng do lượng khách du lịch “đổ” về đây tham quan, nghỉ mát.
Bình Ba là đảo du lịch nằm cách đất liền khoảng 7 hải lý về phía Đông, án ngữ trước quân cảng Cam Ranh. Bình Ba là một trong những nơi đón bình minh sớm của cả nước và có nhiều bãi biển nước trong veo, cát trắng hoang sơ. Để ra đảo, du khách phải đi đò hoặc ca nô siêu tốc. Xã Cam Bình có 2 đảo là Bình Ba và Bình Hưng cách nhau 3 hải lý với hơn 5.000 nhân khẩu.
Theo ông Hóa, hiện chương trình nước sạch cho đảo Bình Ba đã được các cấp trình trung ương nhưng hiện đang gặp một số vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện. Phương án cấp nước cho Bình Ba trong tương lai là kéo đường ống từ Vùng 4 hải quân (nơi gần đảo) ra đảo. “Đến năm 2015, nguồn nước tại chỗ trên đảo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và du khách. Khi đó, chỉ có cách là mua nước…”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Bình trăn trở.
Bình Ba, một hòn đảo du lịch mới nổi ở Nam Trung Bộ - trong tương lai khi có chương trình nước sạch, đảo này sẽ là điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách. Không những vậy, khi có đủ nước ngọt, các hoạt động kinh doanh, chế biến thủy hải sản sẽ phát triển bền vững…
-----------------------
Dân kêu cứu vì sống sát hai lò luyện phôi thép ô nhiễm
Không chịu nổi những ảnh hưởng từ hai lò luyện phôi thép ngay sát nhà, hàng chục hộ dân tại xóm Quy Chính II, xã Vân Diên (Nam Đàn, Nghệ An) đã đồng loạt gửi đơn đến các cơ quan chức năng mong sớm được “giải thoát”.
Lò luyện phôi thép nằm sát nhà dân
Trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng và PV Báo điện tử Dân trí các hộ dân ở xóm Quy Chính II, xã Vân Diên (Nam Đàn, Nghệ An) tỏ ra vô cùng bức xúc khi hai lò luyện phôi thép nằm ngay giữa khu dân cư. Hoạt động của hai lò luyện phôi thép này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe của của người dân.
Những người dân tại đây tỏ ra hoang mang khi mỗi ngày họ phải hít khói độc hại trong quá trình hoạt động của hai lò luyện phôi thép này thải ra môi trường. Thêm vào đó việc những cơ sở này chủ yếu hoạt động vào ban đêm khiến cuộc sống của người dân tại đây bị đảo lộn hoàn toàn. Cho rằng quá trình hoạt động của hai là luyện phôi thép này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn thân mình và gia đình, hàng chục hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng mong sớm được “giải thoát”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hương (SN 1969) - được xem là hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong quá trình hoạt động của hai lò luyện phôi thép này bức xúc: “Nhà chúng tôi nằm giữa hai lò luyện phôi thép này. Tường của hai xưởng thì sát vách với nhà chúng tôi. Mỗi khi xưởng hoạt động là khói đen mù mịt không thở được. Có hôm cả nhà tôi phải đóng bịt kín hết các cửa mà vẫn không thể chịu nổi. Thêm vào đó buổi tối khi gia đình đi ngủ thì xưởng họ lại hoạt động rầm rầm như thế thì ai mà chịu được. Chúng tôi đã gửi đơn thư, kêu cứu nhiều lần nhưng sự việc vẫn không được chính quyền giải quyết”.
Theo tìm hiểu được biết hai xưởng luyện phôi thép đang bị người dân kịch liệt lên án do ông Nguyễn Hữu Lục và ông Nguyễn Văn Phúc làm chủ. Hoạt động củ yếu của các xưởng này là thu mua sắt thép phế liệu sau đó chọn lọc rồi nấu thành phôi thép bán lại cho các nhà máy chế biến thép.
Xưởng phôi thép của ông Nguyễn Văn Phúc được UBND huyện Nam Đàn phê duyệt dự án vào năm 2002 với công suất 2340 tấn/1 năm. Sau cấp phép kinh doanh lần đầu vào năm 2006 với ngành nghề kinh doanh là: Nấu phế liệu và sắt thép. Cũng với ngành nghề kinh doanh tương tự xưởng luyện phôi thép của ông Nguyễn Hữu Lục tiếp tục về “đóng đô” tại địa bàn xóm Quy Chính II với công suất thiết kế 1200 tấn/năm. Hai xưởng này chủ yếu hoạt động nấu phôi thép vào ban đêm. Trong quá trình hoạt đồng hai xưởng cơ sở này vẫn thực hiện đầy đủ thủ tục quan trắc đánh giá tác động môi trường theo định kỳ của cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Hiền cơ sở luyện phôi thép Hiền Thục cho biết: “Chúng tôi hoạt động có đầy đủ giấy phép kinh doanh, thực hiện quan trắc đánh giá tác động môi trường đầy đủ không nguy hiểm đến đời sống người dân thì cơ quan chức năng mới cho chúng tôi tiếp tục hoạt động được chứ. Việc cơ sở của tôi nằm giữa khu dân cư là không phải do tôi chọn mà lúc đó khi tôi đăng ký kinh doanh nơi này vẫn chưa có dân cư. Tôi được UBND huyện giới thiệu và cho phép xây dựng xưởng tại đây. Trong quá trình hoạt động tôi cũng đã cố gắng để giảm thiểu tối đa để phần nào không gây ảnh hưởng đến bà con xung quanh rồi”.
Ô nhiễm là có thực nhưng khó xử lý
Theo quan sát của chúng tôi, hai xưởng luyện phôi thép này nằm giữa khu dân cư của xóm Quy Chính II. Mỗi lần các xưởng hoạt động, nếu trời có mưa hoặc sương mù nặng khói từ các ống dẫn không thể thoát được ra lên. Do đó khói bao trùm cả một vùng đen kịt. Khi các xưởng bắt đầu nấu phôi thép vào đêm khuya, bắt đầu từ 22 giờ đêm đến khoảng 4, 5 giờ sáng ngày hôm sau. Vì vậy tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là điều có thực.
Đã tồn tại gần chục năm nay nên công nghệ chế biến của hai lò luyện thép này còn khá lạc hậu. Hầu hết những công nhân lao động tại đây không được đảm bảo các yêu cầu an toàn lao động. Trước đó, qua kiểm tra tại xưởng luyện phôi thép Hiền Thục đã từng bị cơ quan chức năng huyện Nam Đàn xử phạt 8 triệu đồng do không đảm bảo các quy định về an toàn cháy nổ, công nhân lao động không được ký hợp đồng lao động, đảm bảo các chế độ chính sách…
Mới đây nhất là vào ngày 1/7/2014, tại xưởng luyện phôi thép Hiền Thục đã xảy ra một vụ tai nạn lao động vô cùng nghiêm trọng khiến 2 người lao động tử vong, 3 người khác bị thương nặng. Những người dân sống tại đây không khỏi hoang mang vì vụ nổ kinh hoàng nói trên. Liên quan đến vụ việc trên Công an huyện Nam Đàn đã có biên bản tạm đình chỉ hoạt động của luyện phôi thép Hiền Thục để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, trong thời gian này xưởng luyện phôi thép Hiền Thục vẫn tiếp tục hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Diên - cho biết: “Trong thời gian qua chúng tôi liên tục nhận được đơn thư phản ánh của người dân liên quan đến vấn đề ô nhiễm tại hai xưởng luyện phôi thép ở địa bàn xã xóm Quy Chính II. Trên thực tế hai xưởng này nằm lọt giữa khu vực dân cư nên việc ảnh hưởng, ô nhiễm là điều không tránh khỏi. Chúng tôi cũng đã làm việc nhiều lần với chủ doanh nghiệp và người dân và báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên việc giải quyết vấn đề tại đây là rất khó khăn”.
Sau khi tiếp nhận đơn thư của các hộ dân Phòng Công thương huyện Nam Đàn đã tổ chức kiểm tra tại hai xưởng thép trên. Sau khi đã kiến nghị UBND huyện Nam Đàn sớm có giải pháp di dời hai xưởng luyện phôi thép trên ra khỏi địa bàn khu dân cư tránh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Lục chủ doanh nghiệp cho biết: “Việc cơ sở của chúng tôi hoạt động nằm ngay giữa khu dân cư như thế này vấn đề ảnh hưởng đến bà con nhân dân là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Trong quá trình hoạt động tôi cũng đã chỉ đạo công nhân chọn lọc kỹ càng nguyên liệu. Ống khói của nhà xưởng cũng được nâng cao lên hơn so với tiêu chuẩn. Chúng tôi cũng mong muốn được di dời đến địa điểm mới để có thể yên tâm sản xuất”.
Tuy nhiên cũng theo ông Lục, việc di dời đến địa điểm mới là vô cùng tốn kém nếu không được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan chức năng thì doanh nghiệp không thể di dời. Nhưng nếu xưởng cứ hoạt động trong khu dân cư như hiện tại thì ảnh hường đến đời sống của nhân dân. Phía doanh nghiệp cũng không giám đầu tư mở rộng, yên tâm sản xuất được.
Thiết nghĩ UBND huyện Nam Đàn nên sớm có phương án tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuận lợi làm ăn và cuộc sống người dân cũng được đảm bảo.
------------------------