Biểu tình ở Hồng Kông lộ rõ khoảng cách thế hệ
Trước thái độ kiên cường bám trụ biểu tình của các sinh viên, không loại trừ khả năng cảnh sát Hồng Kông sẽ mở một cuộc trấn áp mới...
Một ngày sau khi kêu gọi sinh viên chấm dứt biểu tình mà không đem lại kết quả, ba nhà sáng lập của phong trào Chiếm trung tâm Hồng Kông (Occupy Central with Love and Peace) hôm qua (3/12) đã đầu hàng cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông từ chối bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình này.
Theo tờ Wall Street Journal, ba nhà sáng lập của phong trào Occupy gồm Benny Tai, Chan Kin-man và Chu Yiu-Ming đã tới đầu hàng tại một đồn cảnh sát vào chiều qua, cùng với một số nhân vật ủng hộ phong trào đòi dân chủ khác.
Theo thông tin từ cơ quan cảnh sát, đã có 65 người xin đầu hàng và thừa nhận đã “tụ tập trái phép”, nhưng không ai trong số này bị bắt giữ.
Trong khi đó, các sinh viên biểu tình vẫn chưa phát tín hiệu nào cho thấy sẽ rút lui khỏi đường phố hay đầu hàng trước nhà chức trách. Điều này cho thấy khoảng cách thế hệ ngày càng lớn giữa những người biểu tình trẻ trên đường phố và những nhà hoạt động dân chủ lâu năm ở Hồng Kông.
Tính đến hôm qua, ba sinh viên, trong đó có thủ lĩnh nhóm Scholarism Joshua Wong, đã tuyệt thực hai ngày liên tiếp trong nỗ lực gây sức ép với chính quyền nhằm nối lại đàm phán.
“Chúng tôi sẽ tuyệt thực cho tới khi nào Trưởng đặc khu hành chính đồng ý đàm phán với sinh viên”, Joshua Wong nói. Tối qua, có thêm hai thành viên khác của Scholarism tuyên bố sẽ tham gia vào cuộc tuyệt thực.
Joshua Wong đã gửi một thư ngỏ lên Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đề nghị đàm phán. Hồi tháng 10, chính quyền và đại diện sinh viên Hồng Kông đã một lần ngồi vào lần đàm phán nhưng không đem lại kết quả gì.
Trong một tuyên bố phát đi vào tối qua, ông Lương Chấn Anh nói: “Việc bày tỏ quan điểm về cải cách hiến pháp bằng các biện pháp bất hợp pháp và đối đầu sẽ không đem lại kết quả gì. Chúng tôi hy vọng các sinh viên đang tuyệt thực quan tâm tới sức khỏe của mình”.
Trước thái độ kiên cường bám trụ biểu tình của các sinh viên, không loại trừ khả năng cảnh sát Hồng Kông sẽ mở một cuộc trấn áp mới nhằm vào khu lều trại biểu tình ở quận hành chính Admiralty trong những ngày tới. Một chiến dịch trấn áp biểu tình mới đi cùng với khả năng các cuộc đụng độ và bạo lực tăng mạnh như những gì đã xảy ra mấy ngày gần đây.
Tại quận Admiralty hiện có khoảng hơn 1.000 căn lều trại do người biểu tình dựng lên, nhưng chỉ có khoảng vài trăm người còn bám trụ liên tục tại khu lều trại này.
Tuần trước, cảnh sát Hồng Kông đã giải tỏa khu Mong Kok theo lệnh của tòa án. Ngoài khu Admiralty, hiện còn có một khu biểu tình nhỏ hơn khác ở quận mua sắm Causeway Bay.
Cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông nhằm mục đích đạt tới một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do vào năm 2017. Phong trào nổ ra sau khi Bắc Kinh quyết định rằng, ứng cử viên cho cuộc bầu cử Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông tiếp theo sẽ do một ủy ban sàng lọc. Ủy ban này được cho là bao gồm các nhân vật thân cận với Chính phủ Trung Quốc đại lục.
(Theo VNeconomy)
-------------------------
Sinh viên Hồng Kông tuyên bố không dừng biểu tình
“Không rút lui vào lúc này là quyết định mà chúng tôi đưa ra”, phát ngôn viên của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) tuyên bố...
Sinh viên Hồng Kông hôm qua (8/12) tuyên bố đã quyết định sẽ bám trụ đường phố, thay vì kết thúc cuộc biểu tình đã kéo dài hơn hai tháng. Động thái này cho thấy sự quyết tâm đương đầu với chính quyền của các sinh viên trong bối cảnh các nhà chức trách thể hiện ý chí giải tỏa các khu vực biểu tình còn lại.
“Không rút lui vào lúc này là quyết định mà chúng tôi đưa ra”, Yvonne Leung, 21 tuổi, phát ngôn viên của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) tuyên bố.
Tuần trước, HKFS và nhóm Scholarism do Joshua Wong, 18 tuổi, làm thủ lĩnh vẫn tuyên bố đang nghiêm túc cân nhắc khả năng chấm dứt cuộc biểu tình đòi dân chủ bắt đầu từ đầu tháng 9.
“Chúng tôi chỉ hy vọng chính quyền sẽ lại đối thoại với sinh viên. Tại sao chính quyền lại trốn tránh điều này?”, Wong nói với báo chí ngày 8/12.
Cuối tuần vừa rồi, Wong đã kết thúc cuộc tuyệt thực kéo dài 4 ngày theo tư vấn của bác sỹ. Wong cũng nói người biểu tình nên duy trì hòa bình nếu chính quyền tìm cách giải tỏa khu vực biểu tình chính ở quận Admiralty vào tuần này.
Theo tờ Wall Street Journal, quyết định trên của các sinh viên có nguy cơ sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát. Lực lượng cảnh sát Hồng Kông hiện đang có kế hoạch giải tỏa khu vực biểu tình chính, nơi có hàng trăm căn lều trại được dựng lên dọc theo các con đường chính của thành phố.
Mấy tuần gần đây, cảnh sát Hồng Kông ngày càng mạnh tay trong trấn áp biểu tình và đã bắt giữ nhiều người.
Cuối tuần vừa rồi, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh nói sẽ thông báo khi nào phù hợp về thời điểm cảnh sát hành động để giải tỏa khu vực biểu tình ở quận Admiralty và một khu vực biểu tình nhỏ hơn ở khu Causeway Bay. Trong mấy tuần gần đây, chính quyền Hồng Kông hạn chế phát ngôn trước công chúng, thay vào đó cử cảnh sát tới giải tỏa các khu biểu tình theo lệnh của tòa án.
Vào tháng 10, sinh viên Hồng Kông đã có cuộc đàm phán với chính quyền, nhưng không đem lại kết quả.
“Chúng tôi biết là cuộc biểu tình bất hợp pháp này đang tới hồi kết, vì thế những người vẫn còn biểu tình sẽ ngày càng trở nên cực đoan hơn. Có thể xảy ra sự kháng cự mạnh từ người biểu tình khi việc giải tỏa được thực hiện. Bởi vậy, tôi kêu gọi những người trẻ tuổi, nhất là sinh viên, nên rời đi sớm nhất có thể”, ông Lương Chấn Anh nói.
Trong khi đó, một thủ lĩnh sinh viên nói: “Nếu chúng tôi rút lui, tình hình sẽ càng trở nên bạo lực vì khi đó sẽ chỉ còn có một tiếng nói”. Anh này cũng nói rằng, nếu cảnh sát tới giải tỏa khu biểu tình, các sinh viên sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống bị bắt giữ trong hòa bình.
Suốt từ đầu cuộc biểu tình, sinh viên Hồng Kông đã phải đối mặt với sự xuất hiện của nhiều luồng quan điểm khác nhau, đặc biệt có những nhóm muốn áp dụng chiến thuật mạnh và bạo lực để đương đầu với chính phủ.
“Chúng tôi đề nghị người biểu tình không kháng cự mạnh lực lượng cảnh sát khi cảnh sát tới, vì mục tiêu an toàn”, Oscar Lai, phát ngôn viên nhóm Scholarism, nói. Theo Lai, nếu cần thiết, nhóm của anh sẽ rút lui tới một khu vực ở quận Admiralty không nằm trong lệnh giải tỏa của tòa án và duy trì chiếm giữ ở đó.
“Vấn đề chính là liệu người biểu tình có thể kiềm chế hay không. Nếu người biểu tình gây hấn với cảnh sát, cảnh sát sẽ có lý do để quét sạch toàn bộ khu vực”, Lai nói.
Người biểu tình ở Hồng Kông muốn có quyền tự lựa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính vào năm 2017. Trong khi đó, Bắc Kinh đã quyết định rằng ứng cử viên cho cuộc bầu cử này sẽ do một ủy ban sàng lọc.
(Theo VNeconomy)
-------------------------
Biểu tình tại Hong Kong sắp kết thúc?
Tòa Tối cao Hong Kong đã ra lệnh dẹp các địa điểm biểu tình, AP ngày 9/12 đưa tin. Xem ra, sau hơn hai tháng, cuộc biểu biểu tình do phong trào "Chiếm trung tâm" phát động ở xứ Cảng Thơm sắp kết thúc.
Theo AP, chính quyền đã nhận lệnh giải tỏa các rào chắn, lều bạt và các vật cản khác của người biểu tình ở quận trung tâm Admiralty (Kim Chung).
Theo đó, các công nhân sẽ dẹp ba khu vực tại địa điểm biểu tình chính ở Admiralty vào ngày 11 và 12/12. Đồng thời, khoảng 7.000 cảnh sát Hong Kong cũng được triển khai tham gia các hoạt động dọn dẹp.
Mặc dù lệnh của tòa chỉ áp dụng đối với khu vực Admiralty nhưng một nguồn tin cho biết, cảnh sát sẽ dẹp các địa điểm còn lại trong tuần này, kể cả địa điểm biểu tình nhỏ ở quận mua sắm Causeway Bay.
Quyết định của Tòa án được đưa ra sau khi một công ty xe buýt gửi đơn kiện chống lại người biểu tình do cản trở giao thông ở các đường phố trung tâm.
"Công nhân sẽ tháo dỡ các lều, bạt của người biểu tình bắt đầu vào lúc 9 giờ ngày 11/12", Paul Tse, luật sư đại diện cho công ty xe buýt nói với truyền hình địa phương.
Theo AP, mới đầu, cuộc biểu tình thu hút khoảng 200.000 người tham gia, nhưng con số này đã giảm đi đáng kể sau gần 2 tháng kéo dài không hiệu quả.
-------------------------