Trung Quốc toan tính gì khi gửi quân đến châu Phi?
Trung Quốc hồi tháng 9 thông báo sẽ điều một tiểu đoàn 700 binh sĩ bộ binh hỗ trợ Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) - một động thái chưa từng có làm tăng gấp 3 quân số Trung Quốc gửi cho lực lượng này.
Tuy nhiên, tạp chí chính trị uy tín Foreign Policy (Mỹ) cho rằng động thái này của Trung Quốc là nhằm bảo vệ các mỏ dầu tại Nam Sudan, nơi Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn nhất. Reuters cho biết cả UNMISS và Bộ ngoại giao Trung Quốc đều đã lên tiếng phủ nhận nghi ngờ này.
Lượng dầu nhập khẩu tại Trung Quốc đã liên tục tăng nhằm đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ trong nước và theo thống kê hồi năm 2013 của Hiệp hội Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới.
Các tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc đã trở thành các nhà đầu tư quốc tế tại hơn 40 quốc gia kể từ sau khi cất bước ra nước ngoài 2 thập kỷ trước đây, trang tin Business Insider (Mỹ) cho hay.
Các tập đoàn này đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi bỏ tiền đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ tại các quốc gia bất ổn về chính trị, chẳng hạn như Iran, Sudan, Nam Sudan và Venezuela, vì các thị trường ổn định đều đã bị thống trị bởi các cường quốc phương Tây, theo Business Insider.
Vì lẽ đó nên khi đầu tư mạnh tay vào Libya, quốc gia vẫn đang chìm trong bất ổn kể từ sau khi cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi bùng lên hồi năm 2012, Trung Quốc đã chịu thiệt hại nặng đến 20 tỉ USD.
Business Insider nhận định lợi ích chủ yếu của Trung Quốc tại Nam Sudan là ngành công nghiệp dầu mỏ và các tập đoàn Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ đang thống trị ngành này tại quốc gia châu Phi.
Diêm Học Thông, người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế Thời đại thuộc trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nhận định rằng sau thiệt hại tại Libya, Trung Quốc nên có nhiều trách nhiệm quốc tế hơn nữa. “Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy rằng trách nhiệm quốc tế chủ yếu được định nghĩa qua các phản ứng chính trị dành cho các cuộc khủng hoảng quốc tể, đặc biệt là các khủng hoảng về an ninh”, ông này bình luận.
-------------------------
Nga cho Pháp hoàn tiền nếu không giao 2 tàu Mistral
Pháp có thể hoàn lại tiền nếu không muốn giao các tàu chiến lớp Mistral cho Nga nhằm giải quyết căng thẳng giữa 2 bên, Reuters dẫn nguồn tin cấp cao từ Moscow.
Nga chấp nhận cho Pháp hoàn lại số tiền Moscow đã đặt cọc nếu Paris không muốn giao 2 tàu chiến lớp Mistral theo hợp đồng giữa 2 bên, Reuters dẫn thông báo từ Kremlin ngày 8.12.
“Nếu không giao tàu, Pháp có thể trả lại tiền”, Yuri Ushakov, Trợ lý về chính sách ngoại giao của điện Kremlin phát biểu, 2 ngày sau cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande ở một sân bay gần Moscow.
Vào cuối tháng 11, Tổng thống Hollande từng tuyên bố sẽ không để Nga tạo áp lực trong việc tuân thủ hợp đồng giao tàu chiến, nhằm phản đối những hành động của Nga tại Ukraine.
Vài ngày trước, đến lượt ông Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, đe dọa rằng 2 tàu Mistral kể trên có thể sẽ không bao giờ đến Nga chừng nào Moscow “chưa ý thức được về những điều sai trái mà họ đã gây ra”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng phát biểu rằng ông “đã quá mệt mỏi vì vấn đề này”, và khẳng định “nó sẽ không ảnh hưởng tới Nga, mà là danh tiếng của Pháp”.
-------------------------
Sống sót sau 5 tháng trôi dạt trên Thái Bình Dương
Hai người Papua Tân Guinea đã trải qua 5 tháng trôi dạt ở Thái Bình Dương trên một chiếc thuyền nhỏ, và đã cầm cự nhờ uống nước mưa, ăn cá sống trước khi được một chiếc tàu cá phát hiện ở vị trí cách điểm xuất phát khoảng 1.600 km.
Đài phát thanh Radio New Zealand dẫn lời Michael Bolong, 54 tuổi, và Ambros Wavut, 28 tuổi, kể lại rằng họ ra khơi từ một hòn đảo thuộc tỉnh New Ireland của Papua Tân Guinea hồi tháng 6. Họ định tiến hành một chuyến đi đánh cá ngắn ngày tại khu vực nằm giữa các quần đảo lân cận, nhưng chiếc thuyền của họ cạn nhiên liệu và đã bị một cơn bão cuốn đi.
Theo lời kể của 2 ngư dân sống sót, ban đầu có tổng cộng 3 người trên tàu. Ngư dân thứ 3, Francis Dimansol, 48 tuổi, đã tử vong vì lâm trọng bệnh. Cả 3 đã phải chịu đói khát, bão tố và nắng nóng như thiêu đốt trên Thái Bình Dương trong khi chờ đợi một cách tuyệt vọng tàu thuyền nào đó đi ngang giải cứu.
“Họ có trông thấy tàu thuyền băng ngang nhưng không thể kêu cứu”, một quan chức liên bang Micronesia, tây Thái Bình Dương, nơi 2 người sống sót được tìm thấy, thuật lại với tờ Daily Mail (Anh).
Cuối cùng, một chiếc tàu mang cờ Micronesia đã phát hiện chiếc thuyền của ngư dân Papua Tân Guinea nằm cách khu vực phía nam đảo Kapingamarangi khoảng 200 km, và đã đưa họ vào bệnh viện, nơi họ chủ yếu được chữa trị những vết bỏng nắng nghiêm trọng.
Chuyện ngư dân bị lạc tại tây Thái Bình Dương không có gì lạ, nhưng các quan chức Micronesia cho biết 5 tháng trôi giạt trên biển là một khoảng thời gian dài hiếm gặp. Những người sống sót hiện đang chờ được đưa trở về Papua Tân Gunea, và phía Micronesia cho biết điều này nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tuần tới, theo Radio New Zealand.
------------------------
Putin xem lệnh trừng phạt lên Nga là động lực phát triển
"Thách thức từ bên ngoài đang để lại một dấu hiệu tích cực, tạo cho nước Nga động lực mạnh mẽ để phát triển khoa học và kĩ thuật”, Tổng thống Putin nói về lệnh trừng phạt phương Tây đang áp đặt lên Nga trong cuộc họp chính phủ.
“Tình hình hiện nay không thật sự tốt. Nhiều hạn chế đang đặt ra trước mắt chúng ta trong việc tiếp nhận khoa học kĩ thuật hiện đại. Song, chúng ta có thể giải quyết được nó. Thách thức từ bên ngoài đang để lại một dấu hiệu tích cực, tạo cho nước Nga một động lực mạnh mẽ để phát triển khoa học và kĩ thuật”, Itar Tass dẫn lời Tổng thống Putin trong cuộc họp chính phủ hôm 8.12.
Theo Tổng thống Nga, phát triển khoa học kĩ thuật sẽ giúp Nga chống đỡ với các lệnh trừng phạt mà nước này đang chịu. Lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Nga bao gồm việc cấm cấp visa, đóng băng tài khoản ngoại quốc của công dân Nga và hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ khoan - thứ mà Nga rất cần để tiếp cận được với nguồn dầu mỏ và khí đốt tại vùng Bắc cực - của nước này, theo Reuters.
Washington cũng cấm xuất khẩu các thiết bị khoa học kĩ thuật cao trong lĩnh vực dầu khí vào Nga và đặt ra lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu khí nước này. Các công ty phương Tây bị cấm hỗ trợ các hoạt động thăm dò hoặc sản xuất tại các vùng nước sâu, vùng Bắc cực của những công ty dầu khí lớn của Nga như Rosneft, Lukoil và Gazpromneft.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Trữ lượng dầu ở vùng Bắc cực và đá phiến là những nguồn chủ yếu duy trì sản lượng dầu của nước này trong tầm 10.5 triệu thùng mỗi ngày.
Giá dầu giảm liên tiếp, xuống dưới 70 USD/thùng tính đến ngày 5.12, làm đồng Rúp rớt giá và kinh tế Nga đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lớn, theo Reuters. Dù vậy, Moscow vẫn tuyên bố nước Nga sẽ không cắt giảm quỹ đầu tư cho khoa học, kĩ thuật, giữ nó ở mức khoảng 15.56 tỉ USD cho đến năm 2020.
“Kiến thức nền tảng và các thành tựu khoa học là những nguồn quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. Và Nga phải tận dụng điều đó một cách hiệu quả”, ông Putin nói thêm.
-----------------------
Philippines quyết kiện Trung Quốc đến cùng
Philippines sẽ có những bước đi tiếp theo nếu phía Trung Quốc không nộp các tài liệu pháp lý lên tòa án trọng tài về vấn đề tranh chấp trên biển Đông, The Philippine Star ngày 9.12 dẫn lời Phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines Abigail Valte nói rằng Manila đã biết được lập trường của Trung Quốc đưa ra về vấn đề trọng tài phân xử mà Philippines đề xuất. Bà Valte cho biết Chính phủ Philippines muốn nhắc lại với mọi người rằng lập trường của Philippines đã rất rõ ràng và được tái khẳng định trong những tài liệu pháp lý mà Philippines trình lên tòa án hồi tháng 3.
Bà cho biết Philippines sẽ có những bước đi tiếp theo nếu phía Trung Quốc không nộp các tài liệu pháp lý của Bắc Kinh lên tòa, theo The Philippine Star.
Trước đó, ngày 8.12, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã phản ứng lại tuyên bố mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng: “Trọng tài phân xử là con đường duy nhất giải quyết tranh chấp trên biển Đông”, theo Reuters.
Ông Del Rosario cũng nói thêm, sự phản đối của Trung Quốc chỉ làm đẩy nhanh tiến độ Philippines kiện nước này và quyết định có thể sẽ được thông qua vào quý 1 năm 2016, theo Reuters.
Ngày 7.12, Bắc Kinh cho rằng Manila đang gây áp lực chính trị khi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Nước này nhất quyết không chấp nhận hay tham gia vào việc phân xử ở tòa đồng thời cho rằng toà án trọng tài không có quyền tài phán để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông.
---------------------------
Israel tán đồng giải tán quốc hội
Đại biểu Israel bỏ phiếu tán thành việc giải tán quốc hội trong cuộc họp chính phủ giữa lúc căng thẳng chính trị vẫn chưa thuyên giảm, theo CNN ngày 9.12.
Dự luật giải tán 120 ghế lập pháp đã thông qua với 93 số phiếu tán thành và không một phiếu chống vào ngày 8.12, theo CNN.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kêu gọi giải tán khi ông sa thải hai quan chức cấp cao thân hữu vì những chỉ trích liên quan đến sách lược của chính phủ. Hai thành viên bị sa thải gồm Bộ trưởng Tài chính Yair Lapid và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Tzipi Livni, vốn đều thuộc các đảng đối lập trong Quốc hội Israel.
“Suốt các tuần qua và đặc biệt là những ngày gần đây, các bộ trưởng đã căng thẳng công kích chính phủ mà tôi đang lãnh đạo”, ông Benjamin Netanyahu nói. “…Tôi sẽ không khoan nhương đối với hành động tấn công của hai bộ trưởng nhằm vào chính sách của chính phủ và người đứng đầu”.
Tuần trước, người phát ngôn của ủy ban lập pháp cho biết việc tổ chức bầu cử sẽ diễn ra vào 17.3.2015, điều này đồng nghĩa mọi hoạt chính trị của Israel sẽ bị "treo" cho đến khi có nội các mới.
Tuy nhiên, thủ tướng và nội các sẽ có cơ hội lắng nghe nguyện vọng của nhân dân để thảo ra nhiệm vụ cần thiết cho việc cầm quyền, theo Deutsche Welle.
"Như vậy, dự luật ngày 8.12 khiến nhiệm kỳ quốc hội lần thứ 19 của Israel kéo dài chỉ 22 tháng, và được ghi nhận thời gian hoạt động ngắn nhất trong các kỳ quốc hội trong 66 năm qua của Israel", Natan Sachs, chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Trung tâm Tổ chức Brookings về vấn đề chính sách Trung Đông ở Washington (Mỹ) nhận định trên CNN.
-----------------------