Tổng Thanh tra Chính phủ: Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa được cải thiện!
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định thực tế tham nhũng chưa được cải thiện, vẫn còn nghiêm trọng trong khu vực công, chúng ta cần nỗ lực hơn, cần nhiều giải pháp phòng ngừa hơn nữa. Vậy nên chúng ta chưa hài lòng với kết quả này…
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa được cải thiện, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa
Trước đó ngày 3.12, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.
Theo kết quả này, năm 2014 Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một điều đáng chú ý là điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong 3 năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Đặc biệt, trong khi Việt Nam không có thay đổi về điểm số thì các quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ. Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia và Myanmar. Đa số các quốc gia trong khu vực đều có cải thiện về mặt điểm số (tăng từ 1 đến 3 điểm), ngoại trừ Myanmar là nước cũng không có thay đổi nào về điểm số, Lào giảm 1 điểm và Singapore giảm 2 điểm.
Trao đổi với báo chí về kết quả công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng tại tọa đàm Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển do Thanh tra Chính phủ và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức sáng nay 9.12, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng có nhiều công cụ khác nhau để đánh giá tình hình, kết quả của công tác phòng chống tham nhũng cũng như có nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau tham gia đánh giá về việc này.
Tuy nhiên, nhận định cụ thể về chỉ số cảm nhận tham nhũng, ông Tranh nhận xét: “Đánh giá về tình hình tham nhũng tại Việt Nam của TI không tăng, không giảm trong 3 năm qua là phù hợp với đánh giá của chính Việt Nam, nghĩa là thực tế tham nhũng chưa được cải thiện, vẫn còn nghiêm trọng trong khu vực công, chúng ta cần nỗ lực hơn, cần nhiều giải pháp phòng ngừa hơn nữa. Vậy nên chúng ta chưa hài lòng với kết quả này”.
Nhận định thêm về vấn đề được nêu với người đứng đầu công tác phòng chống nham nhũng, ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định: “Việt Nam với 31/100 điểm ở nhóm nước không tăng không giảm trong 3 năm qua. Đánh giá của cá nhân tôi thì thấy rằng việc này phù hợp với những đánh giá của chúng ta. Chúng ta đã làm quyết liệt, một số lĩnh vực đã có chuyển biến nhưng người dân còn bức xúc, đặc biệt là tham nhũng vặt còn phổ biến trong lĩnh vực y tế, tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua gây thiệt hại lớn cho nhà nước, người dân và xã hội”.
-------------------------
TP.Hồ Chí Minh: Đề xuất thu phí sử dụng đường bộ với xe môtô
Đây là nội dung của 1 trong 10 tờ trình mà UBND TP.HCM trình HĐND TP khóa VIII tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP khóa VIII. Kỳ họp khai mạc sáng 9.12, kéo dài trong 3,5 ngày (từ ngày 9-12.12).
Theo tờ trình số 6123/TTr – UBND về Đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, các loại xe phải chịu phí bao gồm xe có dung tích xy lanh đến 100cm3, UBND TP đề xuất mức thu 50.000 đồng/xe/năm, loại xe có dung tích xy lanh từ 100cm3 đến 175cm3, UBND TP đề xuất thu 100.000 đồng/xe/năm, loại xe có dung tích xy lanh trên 175cm3, UBND TP đề xuất mức thu 150.000 đồng/xe/năm.
Các phương tiện xe mô tô bao gồm: xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy (không bao gồm xe máy điện) được đăng ký biển số tại TP.HCM hoặc đăng ký biển số tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại TP.HCM.Nếu đề án này được HĐND TP thông qua, thời gian để chủ phương tiện bắt đầu kê khai, nộp phí kể từ ngày 1.1.2015.
Ngoài ra, UBND TP đã trình HĐND TP tờ trình về điều chỉnh tăng mức thu phí tại trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc, Báo cáo quyết toán ngân sách thành phố năm 2013, ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2014 và dự toán thu chi ngân sách năm 2015. Tờ trình đề xuất một số mức chi cụ thể cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP.
Tờ trình về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn TP. Tờ trình về Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP. Tờ trình đề nghị công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo. Tờ trình về Chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ viên chức cho ngành y tế dự phòng của TP. Tờ trình về Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan tổ chức hành chính.
Tờ trình Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện “khu đất vàng” giữa các đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp (quận 1). Khu đất này có tổng diện tích 5.160, 3m², hiện trạng là khu nhà ở tư nhân kết hợp thương mại dịch vụ nhỏ lẻ. Khu vực dự án có 129 hộ dân (với tổng diện tích sử dụng 1.461m²) bị ảnh hưởng.
Vốn đầu tư dự kiến khoảng 70 triệu USD, trong đó vốn góp thực hiện dự án là 36 triệu USD. Hình thức đầu tư là 100 vốn ngoài ngân sách. Sau khi HĐND TPHCM thông qua chủ trương, UBND TPHCM sẽ tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
-------------------------
Bất cập trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể cũ ở Hà Nội
Trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có rất nhiều khu tập thể cũ, hiện đang xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, công tác cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể cũ của Hà Nội hiện còn nhiều lúng túng, bất cập.
Vướng mắc ngay từ cơ chế, chính sách
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội có 1.516 tập thể cũ cao từ 2 - 5 tầng, được xây dựng từ năm 1960 - 1990, tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ và quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Những tập thể này hầu hết đều đã bán nhà cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP. Đến nay, nhiều nhà tập thể cũ đã xuống cấp cần phải được cải tạo, xây dựng lại.
Trong thời gian qua, thực hiện các văn bản của T.Ư và UBND TP.Hà Nội, thành phố đã hoàn thành xây dựng lại 9 khu tập thể cũ, bao gồm tập thể B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I1, I2, I3 Thái Hà, P3 Phương Liệt, A6, C7 Giảng Võ; đồng thời, thành phố đang khởi công xây dựng 3 tập thể (TT) (B6, D2 Giảng Võ, C1 Thành Công) và một khối nhà N3 thuộc dự án thí điểm cải tạo tổng thể khu TT Nguyễn Công Trứ, đang tổ chức di dời 2 TT (148-150 Sơn Tây, C8 Giảng Võ). Bên cạnh đó, thành phố đã chi kinh phí kiểm định 162 TT cũ để xác định mức độ nguy hiểm; giao cho 62 nhà đầu tư thực hiện việc điều tra xã hội học, trong đó 21 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tại các khu TT cũ. Tuy nhiên, việc cải tạo xây dựng lại các khu TT cũ đến nay vẫn còn chậm.
Theo UBND TP.Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới việc cải tạo TT cũ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như phương thức đầu tư. Theo đó, tại quy hoạch chung thủ đô Hà Nội Thủ tướng phê duyệt định hướng dân số khu vực nội đô lịch sử phải giảm từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người, hạn chế xây dựng nhà ở cao tầng. Các TT cũ chủ yếu nằm trong khu vực nội đô lịch sử nên việc nhà đầu tư đề nghị tăng diện tích sàn xây dựng nhà ở bán để bù đắp chi phí sau khi hoàn trả diện tích nhà cho người đang sử dụng không thực hiện được.
Bên cạnh đó, về phương thức đầu tư thì việc cải tạo lại TT cũ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, Nhà nước không bố trí ngân sách đầu tư mà chỉ hỗ trợ về công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, hỗ trợ một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu và các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng. Do vậy nguồn lực chủ yếu là dựa vào việc cân đối tài chính của dự án.
Ngoài ra, việc xây dựng, cải tạo TT cũ theo quy định phải có sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng, chủ sở hữu hợp pháp, do vậy không có sự đồng thuận của đa số người dân thì dự án không thực hiện được, mặt khác chủ sở hữu căn hộ tầng 1 đòi hỏi nhiều về quyền lợi, không ủng hộ dự án.
Cần sớm ban hành cơ chế, chính sách cải tạo TT cũ
Theo UBND TP.Hà Nội, để việc quản lý TT cũ đạt hiệu quả cao, giải quyết được bài toán TT cũ, hiện Hà Nội đang tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng để sớm hoàn thiện, báo cáo với Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế, chính sách cải tạo TT cũ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng thêm chiều cao tầng khu vực cải tạo, xây dựng lại TT cũ trên cơ sở cân đối chỉ tiêu quy hoạch của khu vực phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô đảm bảo tính khả thi của dự án.
UBND TP xác định trước mắt phải tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành các TT cũ đang xây dựng (C7 Giảng Võ hoàn thành tháng 1.2015, N3 TT Nguyễn Công Trứ hoàn thành tháng 9.2015); tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án C1 Thành công, C8 Giảng Võ). Cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa cơ chế chính sách về cải tạo xây dựng TT cũ quy định tại Quyết định số 48/2008 thuộc thẩm quyền của TP cho phù hợp với thực tế để ban hành trong tháng 12.2014, đáp ứng ngay cho việc cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ ở cấp độ nguy hiểm.
-------------------------
TP.HCM chưa thông qua bảng giá đất năm 2015
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 16 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa VIII, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, khẳng định tại kỳ họp này sẽ không thông qua bảng giá đất năm 2015.
Lý giải về nguyên nhân trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng do Luật Đất đai (sửa đổi) vừa mới có hiệu lực từ 1.7.2014, thi hành chưa được bao lâu. Cạnh đó, nghị định về khung giá đất vẫn còn những quy định khá mới mẻ đối với việc xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất năm 2015. Do vậy, TP.HCM cần thêm thời gian để nghiên cứu, xây dựng bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự kiến vào ngày 30.12 tới, HĐND thành phố sẽ có một kỳ họp chuyên đề riêng về bảng giá đất. Tại đây, các đại biểu HĐND sẽ cùng thảo luận, cho ý kiến thống nhất về khung giá đất trên địa bàn để HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo vào đầu năm 2015.
Nhằm phản ảnh trung thực số liệu điều tra giá đất trên thị trường, làm cơ sở để điều chỉnh, xây dựng Bảng giá đất năm 2015 phù hợp trong điều kiện kinh tế - xã hội, trước đó UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án xây dựng Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố.
Trong đó, việc xây dựng Bảng giá các loại đất năm 2015 được thực hiện theo các bước: xác định vị trí đất, loại đất theo xã, phường, thị trấn; điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin giá thị trường, các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất; phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành; xây dựng Bảng giá đất và tờ trình về việc ban hành Bảng giá đất; xử lý Bảng giá đất trong khu vực giáp ranh theo quy định; hoàn thiện Bảng giá đất trình UBND thành phố; thẩm định dự thảo Bảng giá đất; trình HĐND cùng cấp thông qua Bảng giá đất; UBND thành phố quyết định ban hành Bảng giá đất.
Theo dự báo của các doanh nghiệp bất động sản thì bảng giá đất năm 2015 chắc chắn sẽ có sự biến động lớn theo hướng giá sẽ tăng cao. Điều này phản ánh đúng tình hình thực tế phát triển của TP.HCM. Tuy nhiên, để có sự chuẩn xác trong các tính toán theo đúng quy định, việc chưa thông qua bảng giá đất năm 2015 tại kỳ họp này là điều hợp lý. Tuy nhiên, không nên để quá lâu sẽ tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong giới đầu tư và người dân.
-------------------------