Năm 2014, Việt Nam nhập gì từ Trung Quốc?
Nhiều năm liên tục Trung Quốc luôn là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất với đủ loại từ thượng vàng đến hạ cám.
Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua Trung Quốc đạt 13,5 tỉ USD nhưng phải tốn đến 39,9 tỉ USD để nhập lại các mặt hàng từ thị trường này. Kết quả trên đã làm tốc độ nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này tiếp tục tăng hơn 22,1% so với cùng kỳ năm trước với 26,4 tỉ USD.
Số liệu cụ thể được Tổng cục hải quan công bố, trong 10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã chi ra 403 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, hàng rau quả cũng “ngốn” hơn 337 triệu USD dù đây là mặt hàng Việt Nam sản xuất được, thậm chí dư thừa. Một số loại rau quả, trái cây Trung Quốc do bị người tiêu dùng quay lưng nên thường lập lờ gắn mác hàng Việt như khoai tây, bắp cải, lựu, hồng giòn, lê, táo, quýt… để tiếp cận được với khách hàng.
Trong danh mục nông thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc, có đến 798 triệu USD tiền nhập khẩu gạo (dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới); 76,2 triệu USD nhập khẩu cà phê; hơn 759 triệu USD nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn.
Với mặt hàng bánh kẹo, dù không còn là nước nhập khẩu hàng đầu vào Việt Nam nhưng các sản phẩm bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc từ Trung Quốc cũng chiếm 33,5 triệu USD.
Tuy nhiên, dẫn đầu trong các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phải kể đến nguyên phụ liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, máy vi tính các loại và linh kiện, các loại vải xơ sợi dệt… Trong đó, nhập khẩu xơ, sợi dệt các loại trị giá hơn 1 tỉ USD, hàng dệt may hơn 387 triệu USD, giày dép các loại là 426 triệu USD và nguyên phụ liệu dệt may da giày khoảng 95 triệu USD.
Trung Quốc được xem là “công xưởng nguyên phụ liệu của thế giới” trong lĩnh vực dệt may, da giày nên việc các doanh nghiệp trong nước đua nhau nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước này nhờ giá rẻ cũng là dễ hiểu khi mà nguyên phụ liệu nội không đủ đáp ứng nhu cầu. Gần đây, các doanh nghiệp dệt may, da giày đang nỗ lực chủ động một phần nguyên phụ liệu để tận dụng được các ưu đãi về thuế quan khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… nhưng xem ra vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tương tự, với các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam cũng tốn hơn 1,7 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Điện thoại các loại và linh kiện nhập khẩu trị giá 368 triệu USD. Điều này cũng dễ hiểu khi mà ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam thua xa các nước, trong khi các đại gia công nghệ như Samsung, LG... đang ngày càng mở rộng sản xuất ở Việt Nam, cần rất nhiều linh kiện, nguyên phụ liệu.
Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm từ chất dẻo, cao su, túi xách ví vali mũ ô dù, gỗ, giấy, sắt thép các loại, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng… trên thị trường cũng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong câu chuyện về nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc, phải tính cả lượng ngoại tệ bỏ ra để nhập hàng hóa theo đường biên mậu, rồi hàng lậu trốn thuế. Chẳng hạn, năm 2012, trong khi phía Việt Nam đưa ra số liệu về nhập hàng hóa từ Trung Quốc là 28,8 tỉ USD nhưng phía Trung Quốc công bố đến 34 tỉ USD. Con số chênh lệch này chính là lượng ngoại tệ nhập hàng qua đường tiểu ngạch, với đủ loại “thượng vàng hạ cám” từ cây tăm, cục xí muội, hàng tiêu dùng, quần áo…
Dù thời gian qua, các chính sách của nhà nước hướng đến việc đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu, tham gia hàng loạt các FTA nhưng theo các chuyên gia, bài toán nhập siêu từ Trung Quốc vẫn chưa có lời giải hiệu quả…
(Người Lao động)
-------------------------
Lãi khủng” từ gian lận thịt trâu nhập khẩu thành thịt bò
Những ngày qua, dư luận bất bình trước thông tin thịt trâu nhập ngoại được “đội lốt” thịt bò đánh lừa người tiêu dùng (NTD). Trong lúc cơ quan quản lý đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi sai phạm như: Vì sao thịt trâu được gắn nhãn mác “thịt bò”? Với khoảng hơn 10.000 tấn - đây là số lượng không nhỏ, tiêu thụ ở những đâu? Có hay không hiện tượng gian lận thương mại xuyên vùng?...
Tất cả những câu hỏi nêu trên đã bước đầu được lực lượng quản lý thị trường làm rõ. Một lượng lớn thịt trâu nhập lậu giả mạo thịt bò đã được đưa vào bếp ăn tập thể. Có hiện tượng gian lận thương mại xuyên vùng, khi đơn vị cung ứng nguồn hàng ở TPHCM phục vụ cho bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp ở Hà Nội.
Tuy nhiên, có tình trạng lấy hàng từ một tổng kho chuyển về các tỉnh, thành trên cả nước hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho cơ quan kiểm tra. Bước đầu, đơn vị cung ứng hàng đã giải trình về việc thịt trâu bị “gắn nhầm” mác thịt bò. Tuy nhiên, một vấn đề mà NTD và cơ quan quản lý đặt ra đó là số tiền “khủng” thu lợi bất chính từ việc giả mạo.
Số liệu từ cơ quan chức năng cho biết, thịt trâu nhập khẩu với giá 40.000đ/kg nhưng được bán cho đơn vị cung ứng bếp ăn tập thể với giá khoảng 200.000đ/kg. Giả sử cả 10.000 tấn được đưa cả vào các bếp ăn đem lại khoản tiền chênh lệch cả ngàn tỉ đồng.
Theo quy luật của thị trường, lợi nhuận không phải sinh ra từ khâu sản xuất, thì phải xuất hiện qua khâu trung gian trước khi đến khâu tiêu thụ cuối cùng. Nhưng trong sự việc này, khâu trung gian thay vì các siêu thị, trung tâm thương mại là nơi phải tiêu thụ mặt hàng thịt trâu không tham gia vào chuỗi cung ứng, điều này có nghĩa là khâu phân phối ở đây chính là các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp, với nhiều khả năng họ không biết đây là mặt hàng thịt trâu hoặc có biết mà làm ngơ vì giá chênh lệch quá cao, bất chấp cả sức khỏe của một lượng lớn người sử dụng…
Tất cả những vấn đề này cơ quan quản lý cần tiếp tục điều tra, để ngoài mặt hàng thịt trâu ra, liệu còn những mặt hàng nào khác đội lốt giả mạo được đưa ra để lừa người tiêu dùng hiện nay?
-------------------------
Ô tô vấp rào cản cũ
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc vì sao công nghiệp ô tô được chọn là 1 trong 6 ngành triển khai theo Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt kế hoạch hành động, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết riêng ngành này “kẹt” lại vì có nhiều giải pháp chưa thỏa đáng để đạt mục đích đề ra. Đến nay, Bộ Công Thương mới gửi dự thảo xin ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan của cả 2 phía Việt Nam và Nhật Bản.
Phân tích nguyên nhân sự chậm trễ này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết công nghiệp hóa ngành ô tô là lĩnh vực khó đối với Việt Nam vì trước đây đã có chiến lược phát triển nhưng sau 15 năm thực hiện không thành công, đặc biệt là đối với dòng xe 4 chỗ. Một trong những nguyên nhân thất bại là do công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu nên giá thành ô tô Việt Nam không cạnh tranh được với sản phẩm trong khu vực. Nguyên nhân quan trọng khác là nhu cầu sử dụng ô tô, vì nhiều lý do, chưa được khuyến khích thông qua luật thuế và các rào cản khiến sản lượng tiêu thụ không cao.
Khi xây dựng lại chiến lược phát triển công nghiệp ô tô mới, Bộ Công Thương lại vấp phải chính những vấn đề này. Trong đó, thuế có thể giảm được nhưng nhiều vấn đề khác còn rất khó. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Việt Nam chỉ còn thời hạn 3 năm vì đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN sẽ bằng 0, khi đó ô tô các nước tràn ngập thị trường.
Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2014 vừa diễn ra ở Hà Nội cho thấy năng lực sản xuất của các DN ô tô Việt Nam chỉ đạt khoảng 30% trên tổng công suất thiết kế là 500.000 xe/năm. Các DN cho rằng nguyên nhân quan trọng khiến giá ô tô Việt Nam cao hơn 20% so với các nước trong khu vực là do sản lượng quá nhỏ, đẩy chi phí sản xuất lên cao. Ngoài ra, giá ô tô cao còn do chính sách thuế cao, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trở lại buổi họp báo, phóng viên Nhật Bản đặt câu hỏi: “Vấn đề tham nhũng có được đưa vào giai đoạn 6 hay không?”. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada, cho biết chống tham nhũng liên quan tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Còn tại các dự án ODA phát hiện tham nhũng vào tháng 6-2013, Chính phủ Việt Nam đã xử lý rất nghiêm khắc, nhanh chóng.
Theo đại sứ Hiroshi Fukada, phía Nhật Bản cũng không chờ đến khi tòa án xét xử chính thức mà đã có những phản ứng sớm. “Hai Chính phủ đã trao đổi cơ chế kiểm tra, tăng cường quy chế để phòng tránh xảy ra lần thứ hai. Giai đoạn 6 sẽ xem xét giữa các nhóm và nội bộ Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản để có đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào hay không” - ông nói.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết ngay khi Chính phủ biết tin Nhật Bản bắt giữ một số lãnh đạo Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ, các cơ quan chức năng đã phản ứng rất nhanh nhạy, nhất là Bộ Giao thông Vận tải. Các đối tượng liên quan đã bị khởi tố, đang hoàn tất thủ tục để đưa ra xét xử. Ngoài xử lý cá nhân liên quan, Việt Nam và Nhật Bản đã đình chỉ hàng loạt dự án của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - chủ đầu tư; đồng thời rà soát mở rộng sang hàng loạt dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản và các dự án đầu tư hạ tầng khác.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông tin: Đây chỉ là giải pháp từ phần ngọn, quan trọng là hai bên đang phối hợp xây dựng quy định kiểm tra, kiểm toán nội bộ về việc sử dụng vốn ODA. Theo đó, Việt Nam được quyền thanh tra, kiểm tra chặt các nhà thầu dự án ODA, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp để các công đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà thầu được minh bạch.
“Gốc rễ của vấn đề là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Xử lý triệt để tham nhũng phải bằng cơ chế, không cho những kẻ tham nhũng có cơ hội và khi bị phát hiện phải xử lý nghiêm khắc. Chính phủ đang thực hiện hết sức quyết liệt vấn đề này” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
(Người Lao động)
-------------------------