Hồng Kông càng biểu tình, Trung Quốc càng lợi
"Các nhà đầu tư Hồng Kông gần đây đã bán cổ phiếu họ sở hữu và chuyển sang Trung Quốc trong bối cảnh Thượng Hải là nơi liên tục tập hợp cổ phiếu đổ về", Alex Wong, Giám đốc Tập đoàn Tài chính Ample tại Hồng Kông nói với Reuters.
Chứng khoán Hồng Kông vừa hồi phục sau khi các đợt biểu tình tạm lắng do các thủ lĩnh tuyên bố đầu hàng, thì nay mọi thứ lại đứng trước nguy cơ rối tung trở lại. Trung Quốc đang hưởng lợi và có thể sẽ càng hưởng lợi hơn.
“Bất tuân” theo hướng mới
Benny Tai (Đới Diệu Đình), Phó Giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông và là người khởi xướng phong trào Chiếm Trung Hoàn tại Hồng Kông, đã ra sức kêu gọi những sinh viên – học sinh biểu tình trở lại với một cách đấu tranh khác.
“Hãy ngăn chặn chính quyền, điều này còn tốt hơn là đi chiếm mấy con phố”, Reuters dẫn nội dung Benny Tai trên The New York Times. “Không trả tiền thuế, không đóng tiền nhà thuê công cộng... và làm một số hành động bất hợp tác khác, sẽ khiến chính quyền khó khăn hơn”.
Bất chấp Benny Tai đã ký thỏa thuận đầu hàng, dẫn đến cảnh tan rã của phong trào đấu tranh dân chủ, lúc này vẫn còn rất nhiều người muốn trụ lại trên đường để đấu tranh.
"Sau hơn hai tháng ở đây, nhiều người đã xem đây là nhà của họ", một nhà hoạt động 20 tuổi Louis Tong cho biết. "Chúng tôi không rời đi vì chúng tôi vẫn chưa đạt được kết quả nào cả. Phong trào đã đánh thức những khát vọng dân chủ của cả một thế hệ người Hồng Kông. Ở khía cạnh này, chúng tôi đã đạt được nhiều hơn kỳ vọng”.
Trung Quốc được lợi
Việc thay đổi cách biểu tình có thể là bước ngoặt mới cho một phong trào đang dần lụi tắt, như cách Reuters đánh giá từ tình hình số lượng người tham gia biểu tình, số lượng lều trại ở Hồng Kông. Thế nhưng, nó đang tiềm ẩn sự nguy hiểm cho chính đặc khu hành chính này.
Trong bài báo ngày 4.12, Reuters cho biết thị trường chứng khoán Hồng Kông đã có dấu hiệu hồi phục với việc giá cổ phiếu tăng trong phiên giao dịch hôm thứ Năm. Và theo Reuters, đây là động thái bắt nguồn từ việc các nhà đầu tư “hy vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế từ Trung Quốc”.
Hồi 17.11 qua, Trung Quốc và Hồng Kông đã chính thức liên kết chứng khoán. Như vậy, những người đầu tư ở Thượng Hải và Hồng Kông có thể mua cổ phiếu của các công ty niêm yết trên 2 sàn giao dịch này.
Sự kiện trên dẫn tới hiện tượng các nhà đầu tư Hồng Kông ngay lập tức mua cổ phiếu của các công ty Trung Quốc. "Các nhà đầu tư Hồng Kông gần đây đã bán cổ phiếu họ sở hữu và chuyển sang Trung Quốc trong bối cảnh Thượng Hải là nơi liên tục tập hợp cổ phiếu đổ về", Alex Wong, giám đốc Tập đoàn Tài chính Ampletại Hồng Kông nói với Reuters.
Đây được hiểu là tâm lý chung của nhà đầu tư, vì họ sợ sự bất ổn chính trị do nhóm biểu tình gây ra sẽ ảnh hưởng tới việc làm ăn của các công ty Hồng Kông. Việc “mở cửa” cho sàn giao dịch Thượng Hải vì thế cũng đồng nghĩa số cổ phiếu sẽ đổ sang Trung Quốc.
Chứng khoán Hồng Kông khởi sắc cũng đồng thời với việc các thủ lĩnh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi chấm dứt biểu tình. Có điều với động thái của Benny Tai tới đây, nó hứa hẹn sẽ lấy đi cảm giác an tâm của các doanh nghiệp Hồng Kông.
-------------------------
Thủ lĩnh biểu tình Hồng Kông Joshua Wong ngưng tuyệt thực
Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), thủ lĩnh sinh viên biểu tình Hồng Kông ngày 6.12 tuyên bố ngừng tuyệt thực theo lời khuyên của bác sĩ, theo AFP.
"Trước khuyến cáo mạnh mẽ của các bác sĩ, tôi đã ngừng việc tuyệt thực", AFP dẫn tuyên bố của Joshua Wong trên trang Facebook của sinh viên này sau 108 giờ liên tiếp tuyệt thực.
Sinh viên 18 tuổi này nói rằng anh cảm thấy thể chất vô cùng không thoải mái, chóng mặt và mệt mỏi khắp chân tay. Tuy vậy, Joshua Wong cũng khẳng định rằng: “Ngay cả khi tôi ngừng tuyệt thực thì cũng không có nghĩa là chính quyền Hồng Kông có thể phớt lờ yêu cầu của chúng tôi”, theo AFP.
Trước đó, Joshua Wong và 4 thành viên khác trong nhóm sinh viên biểu tình này đã tuyên bố họ sẽ tuyệt thực đến khi chính quyền Hồng Kông chấp nhận đối thoại trở lại với người biểu tình.
Trong đêm 5.12, một sinh viên khác thuộc phong trào biểu tình đòi dân chủ là Lư Ngạn Tuệ cũng đã chính thức chấm dứt tuyệt thực do vấn đề về sức khỏe.
Ba thành viên còn lại trong nhóm 5 sinh viên tuyệt thực nhằm yêu cầu chính quyền nối lại đối thoại với người biểu tình, sẽ vẫn tiếp tục tuyệt thực nhưng sức khỏe của họ đều đang yếu đi, theo AFP.
--------------------------
Hồng Kông: Nhóm tuyệt thực hy vọng được đàm phán
Năm thành viên tuyệt thực của nhóm Học dân Tư triều (Scholarism) ở Hồng Kông hiện trong tình trạng ổn định dẫu rất yếu, bác sĩ cho biết.
Ba trong số họ đã không có một hột cơm bỏ bụng kể từ tối 1-12 với nỗ lực cố gắng kêu gọi chính quyền tái khởi động các cuộc đàm phán về cải cách chính trị giữa 2 bên. Người đứng đầu của đội ngũ y tế phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm”, Bác sĩ Âu Diệu Giai (Au Yiu-kai), ngày 5-12 nói với đài RTHK rằng ông đã khuyên các thành viên này cố gắng bảo toàn sức lực, nhất là trưởng nhóm Hoàng Chi Phong (Joshua Wong).
Sáng nay, một số nghị sĩ, trong đó có Điền Bắc Tuần (James Tien) - thành viên của Hội đồng Lập pháp, đã đến gặp gỡ với các thành viên người tuyệt thực ở khu Admiralty (Kim Chung). Khi đó, Joshua Wong kêu gọi các nhà lập pháp để giúp sắp xếp các cuộc đàm phán với chính quyền đặc khu. Sau buổi nói chuyện, nhóm tuyệt thực đã bày tỏ sự lạc quan.
Tuy nhiên, dường như, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh vẫn tỏ ra cứng rắn. Không thể có chuyện Phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” tiếp diễn mãi, ông Lương nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Thời báo Kinh tế Hồng Kông. Ông Lương nói rằng cảnh sát được triển khai với số lượng tối thiểu trong mọi hoạt động giải phóng mặt bằng, đồng thời khẳng định không hề muốn cả người biểu tình lẫn cảnh sát bị chấn thương.
-------------------------