Tổng thống Pháp khuyên Putin 'nên nhìn về tương lai’
Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin nên nhìn về tương lai để giúp giảm căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine, theo Reuters ngày 5.12.
Trong bài diễn văn ngày 4.12, Tổng thống Putin đã nhắc lại những bài học lịch sử về “Bức màn sắt” (một biên giới chia cắt châu Âu làm 2 phần, 2 liên minh kinh tế và quân sự, vào thế kỷ 20) nhằm quy trách nhiệm về nhiều vấn đề của Nga là do phương Tây. Ông Putin tố cáo “những kẻ thù của ngày hôm qua” đang cố gắng tạo một “bức màn sắt” mới quanh nước Nga, theo Reuters.
“Tuy rằng ông Putin đã nhắc đến quá khứ trong bài diễn văn của mình, chúng ta nên tập trung vào tương lai, trong khi không quên những bài học quá khứ”, Tổng thống Francois Hollande nói tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm thủ đô Astana (Kazakhstan).
Ông Hollande cho biết căng thẳng và áp lực tại thời điểm này không thể giúp giải quyết những vấn đề. Đồng thời gợi ý về một cuộc họp giữa ông, Tổng thống Nga Putin, người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm cùng nhau giảm bớt căng thẳng, theo Reuters.
Ông Hollande cho biết những đề xuất nhằm chấm dứt bạo lực tại Ukraine nên dựa trên các quy tắc trong thỏa thuận ngừng bắn được ký vào ngày 5.9. Tổng thống Hollande tháng trước đã hủy dự án giao 2 tàu sân bay chở trực thăng lớp Mistral cho Nga vì xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, một đồng minh của ông Putin, cho biết các lệnh trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga sẽ chỉ gây ra những tác động hạn chế. “Người ta không nên đánh giá thấp sức mạnh của Nga. Đó là nước lớn nhất thế giới về diện tích và là quốc gia giàu nhất”, Reuters dẫn lời Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 5.12 chỉ trích phương Tây vì đã buộc tội Nga dính líu đến cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Moscow không liên quan đến cuộc xung đột này.
Hơn 4.300 người chết tại miền đông Ukraine từ khi lực lượng ly khai nổi lên vào tháng 4, theo Reuters.
-------------------------
Cảnh báo đáng lo về Trung Quốc
Chuyên gia Mỹ nhận định việc Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu thanh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng
Tư lệnh không quân Ấn Độ Arup Raha cảnh cáo đến năm 2050, Trung Quốc sẽ sáp nhập Đài Loan, bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, những vùng lãnh thổ mà Nga và Mông Cổ tuyên bố chủ quyền cũng như chiếm trọn biển Đông.
“Tình hình hiện nay không hề ổn định bởi việc kêu gọi Trung Quốc thiết lập nền hòa bình chỉ là giấc mơ xa vời. Thái độ lấn tới của Trung Quốc được thể hiện qua việc đầu tư mạnh cho quân sự, nhất là năng lực hàng không vũ trụ, đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hải phận quốc tế, trên các quần đảo và không phận thuộc biển Đông và Hoa Đông” - hãng tin Indo-Asian News Service (IANS) của Ấn Độ dẫn lời ông Raha. Ông này cho rằng “không còn lựa chọn nào khác là chuẩn bị tinh thần để đối phó với thách thức này trong tương lai gần”.
Tuy nhiên, ông Hàn Húc Đông, Trường ĐH Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc, gọi những lời của ông Raha trong buổi thuyết trình hôm 29-11 là “cường điệu hóa” mối đe dọa từ Trung Quốc nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của không quân Ấn Độ và che mắt việc New Delhi tăng ngân sách quốc phòng.
Những lời lẽ trên của ông Hàn không đủ xoa dịu quan ngại của các nước láng giềng về một Trung Quốc trỗi dậy quá mức. Phát biểu tại cuộc họp của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong ngày 3 và 4-12, Chủ tịch Tập Cận Bình còn kêu gọi phát triển nhanh chóng các thiết bị quân sự tiên tiến mới để xây dựng quân đội hùng mạnh. Theo Reuters, Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa chống vệ tinh, đưa tàu sân bay vào hoạt động và lập nhiều kế hoạch quân sự tham vọng hơn. Để đáp ứng mục tiêu trên, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không ngừng tăng mạnh.
Trong bước đi mới nhất thể hiện tham vọng trên, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm vũ khí siêu thanh (có tên WU-14) lần thứ ba hôm 2-12. Loại vũ khí này có độ chính xác cao và nhanh gấp 8 lần tốc độ âm thanh. Trang tin The Washington Free Beacon dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho biết cuộc thử nghiệm là một phần trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược mới của Bắc Kinh nhằm đối phó Washington. Hai vụ thử vũ khí siêu thanh trước đó của Trung Quốc diễn ra ngày 5-1 và 7-8 năm nay, tất cả đều được các cơ quan tình báo Mỹ giám sát chặt chẽ.
Ông Lora Saalman, chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie, cho biết vụ thử nghiệm Wu-14 lần thứ ba trong năm nay cho thấy một xu hướng quân sự hóa mới đang diễn ra. Trong khi đó, ông Mark Schneider, cựu chuyên gia lực lượng chiến lược Lầu Năm Góc - nhận định với đài RT rằng việc Trung Quốc thử nghiệm vũ khí tấn công siêu thanh là một mối đe dọa nghiêm trọng.
-------------------------
Hàn Quốc tìm “đường hầm Triều Tiên” gần Seoul
Giới chức Hàn Quốc ngày 5-12 cho biết quân đội nước này không phát hiện dấu hiệu của những đường hầm bị cáo buộc là do Triều Tiên đào ở 2 khu vực gần thủ đô Seoul.
Nhiều nhóm dân sự bảo thủ ở Hàn Quốc trước đó tuyên bố đã phát hiện ít nhất 12 đường hầm dưới lòng đất, bao gồm 6 cái ở thành phố miền bắc Yangju và 6 cái còn lại ở TP Namyangju kế cận. Họ khẳng định đây là những đường hầm mà Triều Tiên đào để xâm nhập Hàn Quốc.
“Nhằm đánh tan những ngờ vực, quân đội đã lùng sục các khu vực này trong 4 ngày từ ngày 1-12, huy động hơn 100 binh sĩ và nhân viên dân sự cùng 26 bộ thiết bị” - quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết.
Theo ông này, lực lượng tìm kiếm đã khoan hàng chục lỗ ở các khu vực khả nghi và tiến hành nhiều cuộc phân tích khác nhau, bao gồm khảo sát sóng âm và nghiên cứu thành phần đất đá. “Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy những đường hầm như thế tồn tại” - quan chức trên nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Hàn Quốc phản ứng với thông tin do các nhóm dân sự đưa ra về sự tồn tại của những đường hầm được cho là do Triều Tiên đào gần Seoul.
Tháng trước, nhiều nhóm dân sự đã tổ chức một cuộc họp báo ở Namyangju để thông tin việc họ phát hiện một đường hầm “của Triều Tiên”. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lập tức ra tuyên bố coi phát hiện này là “không có cơ sở”.
Hôm 5-12, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc những người tung tin sai sự thật. “Việc liên tục đưa ra những cáo buộc vô căn cứ không chỉ dẫn đến lãng phí ngân sách quân sự mà còn gây bất an trong nhân dân. Chúng tôi sẽ xử lý mạnh mẽ những người này theo pháp luật”.
Trong khoảng thời gian từ năm 1974 - 1990, Hàn Quốc phát hiện 4 đường hầm bí mật được cho là do Triều Tiên đào nhằm tung những đòn tấn công bất ngờ vào Seoul. Kể từ đó đến nay, không có đường hầm nào khác được tìm thấy.
-------------------------
Liên Hiệp Quốc hủy cơ sở vũ khí hóa học ở Syria
Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ bắt đầu phá hủy 12 cơ sở vũ khí hóa học ở Syria vào cuối tháng và kết thúc vào tháng 6.2015, New Zealand Herald ngày 4.12 dẫn lời đại diện ngoại giao Liên Hiệp Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bày tỏ mối lo ngại về phía Syria khi không kê khai đầy đủ các nơi lưu trữ vũ khí hóa học để phối hợp cùng quốc tế trong nỗ lực loại bỏ các chương trình vũ khí hóa học nguy hiểm, theo AP ngày 3.12.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng các tay súng của Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đang chiếm nhiều vùng lãnh thổ Syria sẽ càng khó đối phó hơn nếu tổ chức này thu giữ được các kho vũ khí hóa học mà Syria vẫn còn cố ý giấu. Nhưng đại diện Syria bác bỏ ngay nghi ngờ của Mỹ và khẳng định không còn chương trình vũ khí hóa học nào ở nước họ.
Liên Hiệp Quốc có vai trò thống kê lại số lượng vũ khí hóa học cũng như nơi lưu trữ từ các báo cáo của các nước. Tuy nhiên, các thành viên của Liên Hiệp Quốc đã sửng sốt khi Syria kê khai thiếu 4 nhà máy vũ khí hóa học, trước đó chỉ báo cáo 8 nhà máy cho Hội đồng.
Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm phá hủy các cơ sở và vũ khí khổng lồ này. Có tất cả 1.300 tấn vũ khí hóa học ở Syria đã được gỡ bỏ và 97% trong số chúng đã được tiêu hủy, AP dẫn thông tin từ OPCW và Liên Hiệp Quốc.
Năm ngoái, Liên Hiệp Quốc đã khá khó khăn để đạt được thỏa thuận chấp nhận phá hủy vũ khí hóa học của chính phủ Syria. Thỏa thuận đạt được dưới sự đe dọa của Mỹ sau khi hình ảnh hàng trăm nạn nhân của các cuộc tấn công gây sốc quốc tế hôm 21.8 ở Damascus, Ghouta. Tổng thống Syria Bashar Assad bác bỏ trách nhiệm và đổ lỗi phiến quân.
-------------------------