Hồng Kông: Sinh viên biểu tình sắp rút lui?
Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) ngày 4-12 cân nhắc việc chấm dứt cuộc biểu tình hơn 2 tháng qua. “Một số người muốn ở lại đến phút cuối cùng và chúng tôi tôn trọng điều đó. Thế nhưng, chúng tôi không thể phong tỏa đường phố một khi việc đó không còn ý nghĩa. Chúng tôi sẽ quyết định ở lại hay rút lui trong tuần tới” - Lương Lệ Quắc (Yvonne Leung), người phát ngôn HKFS, nói với đài phát thanh địa phương.
Thủ lĩnh nhóm Học Dân Tư triều Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) tuyên bố tiếp tục tuyệt thực bất chấp những lo lắng về sức khỏe. Wong xuất hiện khá yếu vào sáng 4-12 và phải uống glucose theo lời khuyên của nhân viên y tế do bị tụt đường huyết. Tờ Minh báo dẫn lời xin lỗi của Wong vì đã làm trái lời hứa chỉ uống nước.
Có lẽ với Wong, sức khỏe bản thân không quan trọng bằng việc “nợ mẹ một bữa cơm mừng sinh nhật” như chia sẻ trong thư gửi mẹ đăng trên trang mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, Wong cũng đề nghị Trường ĐH Mở Hồng Kông (OUHK) - nơi cậu đang theo học - giúp sức để tiến hành đối thoại với chính quyền đặc khu. Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal nhận định không loại trừ khả năng cảnh sát sẽ mở cuộc trấn áp mới ở quận Kim Chung (Admiralty) nếu sinh viên, học sinh vẫn làm căng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4-12 tiếp tục phản đối “các nước khác gây rối ở Hồng Kông” sau khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cảnh báo thế giới đang theo dõi cách Bắc Kinh xử lý vấn đề Hồng Kông. Một ngày trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố sau Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 về Hồng Kông, Anh không còn quyền cai trị đối với đặc khu này.
-------------------------
Sinh viên Hong Kong vẫn biểu tình bất chấp lãnh đạo đầu hàng
Ngày 3-12, ba nhà sáng lập phong trào biểu tình Hong Kong “Chiếm trung tâm” đã ra đầu thú cảnh sát. Tuy nhiên các sinh viên biểu tình khẳng định sẽ không rút lui.
Theo Reuters, các ông Benny Tai, Chan Kin Man và Chu Yiu Ming đều đến trình diện ở trụ sở đồn cảnh sát trung ương Hong Kong. Trước đó, hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại đây để chờ đón họ, miệng hô vang “Chúng tôi muốn có dân chủ thật sự”.
Sau đó, đến lượt Hồng y Hong Kong Joseph Zen Ze-Kiun, người từng công khai ủng hộ cuộc biểu tình, cũng đến đồn cảnh sát trung ương để trình diện. Ngoài lực lượng biểu tình, hàng chục người phản đối phong trào "Chiếm trung tâm" cũng xuất hiện và hò reo: ”Bắt giữ bọn chúng đi”.
Trước đó các lãnh đạo phong trào "Chiếm trung tâm" giải thích quyết định ra trình diện trước cảnh sát để ngăn chặn bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát. Ông Benny Tai đã lên tiếng kêu gọi lực lượng sinh viên rút khỏi các địa điểm biểu tình để tránh nguy cơ đụng độ.
Tuy nhiên hôm nay hàng trăm sinh viên đang tập trung ở khu Admiralty khẳng định sẽ không rút lui. Thủ lĩnh học sinh Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), hiện đang tuyệt thực, công bố lá thư ngỏ gửi đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh.
“Xin đừng yêu cầu chúng tôi ngừng tuyệt thực. Xin hãy xóa nỗi đau bị chèn ép của người dân Hong Kong. Chính phủ không thể trả được cái giá đắt vì đánh mất cả một thế hệ thanh niên đâu” - lá thư khẳng định.
-------------------------
Lãnh đạo biểu tình Hong Kong trình diện cảnh sát
Ba nhà đồng sáng lập phong trào “Chiếm trung tâm” đã đến Sở Cảnh sát Hong Kong trình diện vào chiều 3-12.
http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2014/12/04/ZK9xZwda.jpg
Các lãnh đạo Benny Tai, Chan Kin-man và Chu Yiu-ming trước đồn cảnh sát chiều 3-12 - Ảnh: Reuters
Khoảng 40 người đã tập trung trước đồn cảnh sát trung tâm ở Sheung Wan để chờ gặp mặt ba thủ lĩnh là Benny Tai Yiu-ting, mục sư Chu Yiu-ming và Chan Kin-man.
Ba người này đến đồn cảnh sát và mang theo một lá thư, trong đó cùng ký tên xác nhận họ đã tham gia một cuộc tuần hành từ ngày 28-9 và có khả năng vi phạm sắc lệnh trật tự công cộng ở Hong Kong.
Đi cùng với các nhà sáng lập này còn có hồng y Joseph Zen Ze-kiun, các thành viên của Đảng Dân chủ Hong Kong Cheung Man-kwong, Yeung Sum và Wu Chi-wai cùng hàng chục người ủng hộ phong trào chiếm đóng.
Thừa nhận thất bại
Trả lời trong chương trình phát thanh của đài RTHK sáng 3-12, ông Tai Yiu-ting cho biết đã có ý định nộp mình cho cảnh sát một ngày trước đó, ngay sau khi các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra vào hai ngày 30-11 và 1-12 ở quận Kim Chung (Admiralty).
Ông cùng hai nhà sáng lập khác hi vọng bằng động thái “đầu hàng” của họ có thể kết thúc biểu tình một cách ôn hòa. Họ cũng đã kêu gọi những sinh viên tham gia biểu tình hãy quay về nhà vì lý do an toàn.
“Trong tâm thức, tôi vẫn sẽ làm những việc như thế. Tôi không hối tiếc về những gì mình đã làm. Phong trào chiếm đóng nổ ra hai tháng trước đã mở ra một chương mới cho cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Hong Kong dù phong trào này đã thất bại” - ông Tai khẳng định, dù đang đối mặt với những cáo buộc tổ chức tụ tập trái luật và những tội danh khác.
Ông cũng thừa nhận đã có một số người biểu tình có hành vi bạo lực nhưng ông cáo buộc cảnh sát đã dùng “vũ lực” quá mức để giải tán người biểu tình, đây là lý do khiến bạo lực leo thang.
Benny Tai Yiu-ting, giáo sư luật của ĐH Hong Kong, đã đưa ra sáng kiến thiết lập cuộc biểu tình “Chiếm đóng trung tâm” hồi tháng 1-2013 nhằm gây áp lực cho chính quyền đặc khu Hong Kong cải cách chính trị. Rất nhanh sau đó, sáng kiến này được Chan Kin-man, giáo sư xã hội học của ĐH Trung Quốc ở Hong Kong và mục sư Chu Yiu-ming ủng hộ.
Báo South China Morning Post mô tả một nhóm ủng hộ chính quyền do lãnh đạo Liên minh công lý Leticia Lee See-yin dẫn đầu, cũng đã xuất hiện vào chiều qua để phản đối các thủ lĩnh biểu tình. Nhóm này cáo buộc ba nhà sáng lập phong trào “Chiếm trung tâm” đã chia cắt xã hội và phá hủy cuộc sống thường nhật của người dân Hong Kong.
Chưa bị bắt
Sau một giờ ở trong đồn, ba ông Tai, Chan và Chu xuất hiện trước đám đông và tuyên bố họ chưa bị bắt dù đã thừa nhận “tham gia tụ tập trái luật” trước cảnh sát Hong Kong.
“Chúng tôi chưa bị bắt, vì thế chúng tôi được phép ra về và không bị giới hạn quyền tự do. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề của chúng tôi không được giải quyết lúc này mà có thể sau này chúng tôi sẽ bị bắt và thậm chí còn bị khởi tố. Chúng ta phải đợi xem” - ông Tai cho biết.
Tờ Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời giới chuyên gia ngành luật Hong Kong cho biết ba người này có thể đối mặt với nhiều tội danh và có thể sẽ bị tù 5 năm nếu bị buộc tội.
Theo South China Morning Post, các lãnh đạo biểu tình sinh viên vẫn chưa loại trừ khả năng đầu hàng dù vào tối 2-12, lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Alex Chow Yong Kang khẳng định chuyện đầu hàng chỉ là vấn đề thời gian vì hiệp hội còn bàn luận với người biểu tình cách kết thúc chiến dịch này như thế nào.
Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình sinh viên Joshua Wong cùng hai bạn học khác tuyên bố họ sẽ tiếp tục tuyệt thực để phản đối chính quyền.
Báo South China Morning Post dẫn nguồn tin giấu tên từ cảnh sát Hong Kong cho biết cùng ngày cảnh sát được lệnh theo dõi hơn 200 người ủng hộ phong trào “Chiếm trung tâm” vì họ liên đới trong các cuộc đụng độ với cảnh sát từ ngày chính quyền thực hiện dọn dẹp lều trại và rào chắn ở các khu biểu tình.
Đến nay, chính quyền đặc khu Hong Kong và Trung Quốc vẫn cáo buộc các cuộc biểu tình ở đặc khu này là trái luật. Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm ứng cử viên trong các cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu Hong Kong phải được một ủy ban thuộc Chính phủ Trung Quốc xem xét kỹ càng.
-------------------------
Cảm động thư Joshua Wong gửi mẹ xin khất bữa cơm mừng sinh nhật
Thủ lĩnh học sinh Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) ngày 4-12 nói rằng sẽ tiếp tục tuyệt thực bất chấp những lo lắng về sức khỏe.
Joshua Wong xuất hiện khá yếu vào sáng 4-12 với lượng đường huyết rớt xuống mức 2.7. Do đó, cậu đã tiếp glucose theo lời khuyên của nhân viên y tế. Tờ Minh báo dẫn lời xin lỗi của Joshua Wong vì đã làm trái lời hứa chỉ uống nước.
Phát biểu trước báo giới, Wong cho biết sẽ tiếp tục tuyệt thực bất chấp tình hình sức khỏe. Có lẽ, với Joshua Wong, sức khỏe bản thân giờ không là mối lo lắng bằng việc “nợ mẹ một bữa cơm mừng sinh nhật”.
Đó là nỗi day dứt bao phủ toàn bộ lá thư gửi mẹ 20 giờ sau khi tuyệt thực.
“Chủ nhật (ngày 30-11) là sinh nhật mẹ. Trước ngày đó, con nói rằng “Mẹ ơi, con xin lỗi vì không thể ăn mừng sinh nhật mẹ đúng ngày được. Con phải trực cả đêm ở khu Kim Chung (Admiralty), không thể về nhà. Mình dời bữa cơm sinh nhật đến ngày 1-12 nhé”. Thế rồi, vì quyết định tuyệt thực, bữa cơm mừng sinh nhật mẹ lại phải lùi nữa.
Kể từ khi Phong trào dù bắt đầu cho đến nay, số lần được về nhà thật hiếm hoi. Những căn lều tại Kim Chung trở thành căn nhà thứ hai của con, còn nhà mình lại trở nên xa lạ. Những lúc về nhà thay đồ, bố mẹ hoặc đã ngủ say hoặc đang đi làm. Ngay cả khi gặp nhau, cũng chỉ kịp nói đôi ba câu vì con đã quá mệt, chỉ lăn ra ngủ. Cả nhà đành phải trò chuyện, cập nhật thông tin qua What'sApp. Nhớ đến thắt lòng những tối được ăn đêm, uống trà sữa với cả nhà, cả khi gia đình mình quây quần bên bàn ăn.
Vì thế, khi mọi người bàn chuyện ai tham gia tuyệt thực, điều duy nhất khiến con ngần nại là bữa cơm mừng sinh nhật mẹ. Con lo nếu lỡ hẹn với mẹ lần này thì không biết khi nào mẹ con mình mới được ngồi ăn chung bàn. Mệt mỏi, đói khát vì tuyệt thực, con không màng, chỉ e quyết định tuyệt thực làm quan hệ gia đình nhạt dần.
Tuy nhiên, con vẫn quyết tâm tuyệt thực cùng Prince Wong và Isabella Lo, bởi một mặt đây là trách nhiệm của người phát động phong trào, mặt khác cũng không thể chỉ để 2 bạn nữ tuyệt thực. Quan trọng hơn cả đó là sự không cam tâm của con với phong trào.
Con biết rõ tác động của việc tuyệt thực là không lớn, cũng không thể làm rúng động chính quyền, càng không thể buộc Quốc hội thu hồi quyết định nhưng con không cam chịu thực tế rằng phong trào phải chấm dứt mà không đi đến đâu. Con không có ý định tiến hành chiếm lĩnh vô thời hạn song trong lúc ý kiến yêu cầu chấm dứt ngày càng lớn, con chỉ có thể trả cái giá là thân thể mình để kêu gọi những người bạn cùng sát cánh hãy nhớ lại mục đích ban đầu, để kêu gọi chính phủ trở lại bàn đàm phán.
Đối thoại giữa chính quyền và nhân dân về việc lập tức khởi động cải cách không phải là một cái giá trên trời, cũng không vi phạm Luật Cơ bản. Chúng con chỉ muốn giới quan chức thông qua khởi động cải cách nhìn thẳng vào vấn đề của Hồng Kông, chứ không phải lấy cái cớ quyết định của Quốc hội để ngăn trở yêu cầu công dân có quyền trực tiếp đề cử và yêu cầu loại bỏ các nhóm ngành nghề. Chỉ khi thay đổi hình thức tư vấn, quyết định và trình tự cũ, thì phong trào mới có hy vọng tìm thấy lối thoát.
Được đối thoại chỉ là một yêu cầu nhỏ nhoi, tuyệt thực cũng chỉ là cách để giành thành quả cho phong trào. Con mong mẹ hiểu cho quyết định của con. Con còn nhớ khi gọi điện thoại thông báo với mẹ về quyết định tuyệt thực, mẹ không phê phán, cũng không chất vấn, mà chỉ nhẹ nhàng nói: “Mẹ hiểu. Mẹ đợi con về ăn bữa cơm sinh nhật mẹ”.
Cảm giác ăn năn ứ nghẹn, con chỉ biết nói xin lỗi mẹ. Con biết mẹ vẫn hay dặn con ít lên mạng, tranh thủ nghỉ ngơi, nhưng con vẫn muốn công khai cảm ơn sự khoan dung và ủng hộ của bố mẹ. Con muốn nói với mẹ rằng: "Con yêu mẹ", dù đây là điều mà một người lý tính như con không thường xuyên mở lời.
Ngày mà ông Lương Chấn Anh đồng ý đối thoại với sinh viên cũng là ngày con bù lại cho mẹ bữa ăn sinh nhật. Con sẽ nhớ kỹ lời dặn của mẹ, tranh thủ nghỉ ngơi và cầu nguyện trong thời gian tuyệt thực. Con muốn gửi mẹ lời này: “Con cảm ơn và tự hào là con của bố mẹ”.
-------------------------