Hơn 200 người bị điều tra vì biểu tình Hồng Kông
Hơn 200 người nằm trong danh sách điều tra vì đã xô xát với cảnh sát trong các đợt dọn dẹp lều trại của người biểu tình và những người bị cáo buộc “kích động hành vi bất hợp pháp”.
Ba người sáng lập nhóm Chiếm Trung Hoàn (OC) và phát động phong trào biểu tình tại Hồng Kông gồm các ông Đái Diệu Đình, Chu Diệu Minh và Trần Kiện Dân đã đến đồn cảnh sát trung tâm Hồng Kông để "đầu thú" vào trưa 3.12, nhưng chưa có lệnh bắt nào được phát ra, theo tờ South China Morning Post (SCMP - Hồng Kông).
Tuy nhiên, Đái Diệu Đình tin rằng sớm muộn gì họ cũng bị bắt lại sau khi một nguồn tin từ cảnh sát tiết lộ với SCMP rằng bộ ba sáng lập OC nằm trong danh sách điều tra cùng với hơn 200 cái tên khác. Các đối tượng này gồm những người đã xô xát với cảnh sát trong các đợt dọn dẹp lều trại của người biểu tình và những người bị cáo buộc “kích động hành vi bất hợp pháp”.
Các thủ lĩnh của OC tuyên bố họ “đầu hàng” vì muốn kết thúc phong trào biểu tình một cách hòa bình đồng thời kêu gọi rút lui vì tình hình “đã trở nên nguy hiểm” và cũng để dưỡng sức cho “cuộc chiến đòi cải cách mới”, theo SCMP. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hành động này thực chất là nhằm kích động lại tinh thần của phong trào biểu tình, vốn đang ngày càng xuống thấp sau một thời gian dài không đạt kết quả.
Quyết định của OC cũng được cho là bằng chứng của sự chia rẽ trong nội bộ phong trào biểu tình. Thủ lĩnh Tổng hội Sinh viên Hồng Kông Châu Vĩnh Khang tuyên bố sẽ theo chân OC và việc sinh viên rút lui “chỉ là vấn đề thời gian”.
Trong khi đó, nhóm hoạt động thanh niên Scholarism cương quyết bám trụ. SCMP ngày 3.12 dẫn lời thủ lĩnh nhóm này là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) khẳng định sẽ cùng 2 nữ sinh khác tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyệt thực từ ngày 1.12, để đòi chính quyền mở cuộc đối thoại về cải cách chính trị.
-------------------------
Lãnh đạo biểu tình Hồng Kông đầu thú nhưng không bị bắt
Ba nhà đồng sáng lập tổ chức Chiếm Trung Hoàn – nhóm khởi xướng phong trào bất tuân dân sự tại Hồng Kông – được tự do, không bị truy tố sau khi đến “nộp mình” cho cảnh sát, South China Morning Post ngày 3.12 đưa tin.
Chiều 3.12, các ông Đới Diệu Đình, Trần Kiện Dân và Chu Diệu Minh có mặt tại Sở Cảnh sát Trung Hoàn (Hồng Kông), mang theo một lá thư với chữ ký của cả ba.
Trong bức thư, ba nhà sáng lập Chiếm Trung Hoàn nói rằng mình đã tham gia vào cuộc tụ tập từ ngày 28.9 và có thể đã phạm phải các điều luật được quy định trong Sắc lệnh về Trật tự Công cộng, South China Morning Post (SCMP) đưa tin
Họ được hộ tống bởi Hồng y Joseph Zen, người từng là giám mục Công giáo đứng đầu tại Hồng Kong, và hàng chục người ủng hộ. Khoảng 60 người biểu tình khác cũng đã đưa ra một bản tuyên bố, trong đó liệt kê chi tiết việc tham gia phong trào cũng như thông tin cá nhân của họ.
Những thông tin này được nộp lên cảnh sát. Bên cạnh những người ủng hộ phong trào biểu tình tại Hồng Kông, những người ủng hộ chính quyền cũng có mặt. Họ mang theo hình biếm họa với gương mặt của các ông này ghép vào bộ quần áo tù nhân.
Ông Đới Diệu Đình cho biết sau khi họ đầu thú, cảnh sát đã đưa cho ba người sáng lập Chiếm Trung Hoàn một biểu mẫu để điền vào. “Trong đó có cả danh sách những tội mà chúng tôi có thể đã phạm phải”, “lời khuyên của chúng tôi cho những người tham gia là ghi rằng mình đã tụ tập trái phép”, SCMP trích lời ông Đới.
Đối với những tội khác, ông Đới nói rằng: “Chúng tôi sẽ đợi cảnh sát truy tố”. Tuy nhiên, sau đó cả 3 ông cùng những người ủng hộ đều được thả mà chưa phải nhận bất cứ cáo buộc nào.
Ông Đới Diệu Đình cũng nói rằng động thái của 3 nhà sáng lập ngày hôm nay đánh dấu sự kết thúc cho phong trào bất tuân dân sự mà tổ chức Chiếm Trung Hoàn khởi xướng, nhưng phong trào dân chủ của Hồng Kông sẽ tiếp tục.
Cùng ngày 3.12, ông Lý Phi, Chủ nhiệm Ủy ban Luật Cơ bản cho Hồng Kông của Bắc Kinh, nói rằng phong trào biểu tình đã khiến người dân Hồng Kông có cái nhìn đúng đắn hơn về tiến trình dân chủ của thành phố này.
Ông Lý cho rằng sau sự kiện biểu tình này, sẽ có ngày càng nhiều người Hồng Kông cảnh giác và ý thức rõ ràng hơn trong việc hiện thực hóa các quyền dân chủ của họ. “Họ nên biết rằng đâu là điều đúng đắn cho sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hồng Kông”, SCMP dẫn lời ông Lý.
-------------------------
Thủ lĩnh sinh viên Hong Kong cân nhắc dừng biểu tình
Ngày 4/12, các thủ lĩnh sinh viên biểu tình Hong Kong cho biết, họ đang cân nhắc khả năng rút khỏi đường phố sau hơn hai tháng biểu tình đòi dân chủ trong bối cảnh tình hình bạo lực ngày càng leo thang.
Theo AP, Liên đoàn Sinh viên Hong Kong và nhóm Scholarism (Học dân Tư triều), hai tổ chức sinh viên tiên phong trong cuộc biểu tình, đang cân nhắc khả năng về việc rút khỏi đường phố.
Trên một chương trình phát thanh địa phương, phát ngôn viên Yvonne Leung của Liên đoàn Sinh viên Hong Kong cho biết, họ đang xem xét khả năng "đi hay ở" và cả nhóm hy vọng đi đến một quyết định cuối cùng trong tuần tới.
"Rút hay ở lại. Bất kỳ chiến thuật hay bất kỳ phương pháp nào cũng sẽ được xem xét. Liên đoàn sẽ thảo luận về các bước tiếp theo trong kế hoạch... Tại thời điểm này, chưa có quyết định rõ ràng", Tommy Cheung, một thành viên của Liên đoàn Sinh viên, nói với các phóng viên.
Trong khi đó, thủ lĩnh 18 tuổi của Scholarism, Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) xác nhận trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng, Scholarism sẽ thảo luận và phối hợp các nhóm khác để đưa ra quyết định sớm nhất có thể.
Trước đó, Joshua Wong cùng hai thành viên khác của Scholarism là Isabella Lo (La Mai Quyên) và Prince Wong (Hoàng Tử Duyệt) tuyên bố tuyệt thực cho đến khi chính phủ tiếp tục đàm phán với các sinh viên biểu tình về cải cách dân chủ tại Hong Kong.
Chiều cùng ngày, 3 nhân vật sáng lập phong trào Chiếm Trung tâm là Đới Diệu Đình (Benny Tai), Trần Kiện Dân (Chan Kin-man) và Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming) tuyên bố "đầu hàng cảnh sát", và kêu gọi các sinh viên biểu tình rút khỏi đường phố khi "tình hình trở nên nguy hiểm hơn".
-------------------------