Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ giám sát chặt các giao dịch sở hữu, đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Tại văn bản trả lời chất vấn đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) về tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa được công bố, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian tới sẽ kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm. Cơ quan này đồng thời sẽ thanh tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định giới hạn sở hữu cổ phần.
Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan điều tra nhằm xác minh các trường hợp vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý. Cơ quan này cũng kết hợp với Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Theo Thông tư 36 có hiệu lực từ 1/2/2015, các ngân hàng chỉ được nắm cổ phiếu tối đa tại 2 tổ chức tín dụng khác và tỷ lệ sở hữu tại một tổ chức không được vượt quá 5%.
Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng còn chậm chạp, trong khi đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra những vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Tại văn bản trả lời chất vấn, Thống đốc cũng thừa nhận nhiều sai phạm trong cấp tín dụng xuất phát từ sở hữu chéo.
Cụ thể, một số tổ chức hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan. Các khoản cho vay, đầu tư đối với cổ đông lớn và người có liên quan thường rất lớn, vượt giới hạn an toàn và rủi ro cao.
Ngoài ra, vị tư lệnh ngành đánh giá kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm nên sẽ rất dễ gây hấp dẫn đối với các loại tội phạm, cám dỗ các cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, dẫn tới hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật.
"Trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước", Thống đốc nhận định.
Với những sai phạm bị phát hiện, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý các cá nhân vi phạm theo đúng pháp luật. Những vụ việc có dấu hiệu hình sự được chuyển hồ sơ sang Cơ quan công an để xử lý. "Việc xử lý các vụ việc vi phạm tuân thủ nguyên tắc bảo đảm thu hồi tối đa tài sản cho tổ chức tín dụng, Nhà nước và nhân dân", Thống đốc khẳng định.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm vi phạm pháp luật, nhờ vậy phát hiện và xử lý các vụ việc xảy ra tại Công ty tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNBC), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank)...
Thời gian tới, Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, quy định về công khai, minh bạch... phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý các sai phạm.
-------------------------
Tăng trưởng thanh toán bằng thẻ ATM có thực chất?
Theo thông tin từ Văn phòng Banknet.vn tại TPHCM, đến hết năm 2013, Việt Nam có hơn 72 triệu thẻ ATM đã phát hành (đến 31.8.2014 đạt trên 74 triệu thẻ, trong đó thẻ ghi nợ chiếm gần 92%, còn lại là thẻ tín dụng gần 4% và thẻ trả trước trên 4%). Đây là con số tăng trưởng tương đối khả quan, song có nhiều ý kiến cho rằng chưa thực chất.
Thời gian vừa qua, hệ thống các NH đã có nhiều bước tiến trong chuyển đổi hình thức thanh toán tiền mặt sang hình thức thanh toán điện tử, chẳng hạn như thanh toán tiền điện, nước, Internet, điện thoại, mua sắm tiêu dùng... Theo thống kê, năm 2013 có trên 28 triệu giao dịch và trên 120.700 tỉ đồng, tương ứng tăng 34% và 26% so với năm 2012, riêng giao dịch thanh toán hàng hóa và dịch vụ chiếm trên 91%; số lượng thẻ phát hành đạt trên 66 triệu thẻ (tăng 22% so với cuối năm 2012 và tăng 60% so với cuối năm 2011); số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng lần lượt 25% và 43% so với năm 2012; tổng số ví điện tử phát hành đạt trên 1,84 triệu; lượng giao dịch đạt 45,3 triệu với giá trị 23.350 tỉ đồng.
“Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước phát triển khả quan về thanh toán không tiền mặt nhờ vào những nỗ lực của các bên trên nhiều phương diện khác nhau, đặc biệt là việc gia tăng mạng lưới chấp nhận thẻ. Với tỉ lệ tiếp cận thương mại điện tử thông qua việc phổ cập Internet và sự phổ biến của điện thoại thông minh trong thời gian qua, thanh toán không tiền mặt sẽ là một nhu cầu không thể thiếu đối với mọi người dân. MasterCard luôn đánh giá Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và cũng là một trong những thị trường triển vọng nhất trong khu vực” - ông Mathew Driver - Chủ tịch MasterCard khu vực Đông Nam Á - cho biết tại Hội nghị khách hàng thường niên MasterCard năm 2014 diễn ra mới đây.
Tuy nhiên, không phải NH nào đạt mức tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm ở mảng dịch vụ thẻ là thực chất. Trên thực tế, không ít ngân hàng để tăng số lượng, đã áp dụng các hình thức như giao chỉ tiêu thẻ cho nhân viên, áp dụng tặng, mở thẻ cho khách hàng vào các dịp lễ, tết nhằm đạt được chỉ tiêu về số lượng. Chính vì vậy số lượng thẻ thời gian qua tăng lên nhanh chóng, nhưng thực tế chỉ có 50% số thẻ này có người sử dụng thực. Đây cũng là cảnh báo của chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu - về tình trạng “thẻ ảo” khi các ngân hàng đẩy mạnh phát triển số lượng nhanh và nóng vừa qua.
Thanh minh cho thực trạng này, lãnh đạo một NHTM có trụ sở tại TPHCM cho rằng, số thẻ thực dùng tại ngân hàng khá cao, còn lượng thẻ đã mở nhưng chưa kích hoạt hoặc là đã kích hoạt nhưng chỉ dùng trong thời gian ngắn rồi tạm dừng thì chiếm tỉ lệ không đáng kể. Ngân hàng sẽ cố gắng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để khuyến khích người dân sử dụng thẻ.
Như vậy, có thể thấy, để tăng trưởng thị phần thẻ trở nên thực chất, nên chăng cần thay đổi ngay từ gốc thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ của các ngân hàng, hạn chế tình trạng “đi mỏi chân mới kiếm được một cây ATM nhưng lại hết tiền hoặc cây ATM hỏng”!
-------------------------
Tốn tới 38 triệu USD để nhập giống lúa
Dù đã chủ động được phần lớn giống lúa, nhưng Việt Nam vẫn phải chi gần 38 triệu USD để nhập giống lúa lai, trong đó phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã chi gần 38 triệu USD để nhập khẩu hơn 11.200 tấn hạt giống lúa lai, gieo trồng khoảng 400 nghìn ha lúa. Phần lớn lúa lai được nhập từ Trung Quốc và các Cty đa quốc gia. Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, với tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,8 triệu ha, con số 400 nghìn ha lúa lai không phải là con số lớn. Hiện, nguồn cung giống lúa lai phục vụ sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 30%, khoảng 70% còn lại phải nhập khẩu.
Vừa qua, có thông tin cho rằng “70% giống lúa của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc” là chưa chính xác. Thực tế, con số nhập khoảng 70% giống nói trên là phần lúa lai, chiếm diện tích không lớn trong tổng diện tích lúa cả nước.
Theo ông Định, việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 rất khó, do phải đáp ứng nhiều điều kiện kỹ thuật, tùy thuộc điều kiện thời tiết, nên giá thành lẫn rủi ro cao. “Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã hứa trước Quốc hội là sẽ chủ động được giống lúa lai, phải chủ động sản xuất 70% giống lúa lai, 30% còn lại nhập khẩu”, ông Định nói.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 260 giống lúa đã được chấp nhận đơn bảo hộ quyền tác giả, trong đó 91 giống đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện Việt Nam có quá nhiều loại giống, nhưng chất lượng không cao; tình trạng làm giống giả, nhái, kém chất lượng tràn lan. Thời gian qua, qua thanh kiểm tra, có trên 210 mẫu giống lúa có một hoặc một số chỉ tiêu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; phát hiện sai phạm tại gần 140 cửa hàng, xử lý vi phạm 94 cửa hàng.
-------------------------
Ba tập đoàn Nhật đầu tư vào Sen Đỏ
3 tập đoàn này dự kiến sẽ giúp Sen Đỏ tiếp cận với mạng lưới khách hàng và đối tác trên toàn cầu, đồng thời mở rộng danh mục hàng hóa, nhân lực.
Ngày 5/12 tại TP HCM, Công ty cổ phần Sen Đỏ, trực thuộc Tập đoàn FPT đã công bố thương vụ hợp tác đầu tư chiến lược với 3 tập đoàn dịch vụ internet hàng đầu Nhật Bản, bao gồm: SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS. Theo đó, 3 tập đoàn này sẽ nắm giữ 33% cổ phần tại Sen Đỏ.
Không tiết lộ cụ thể về số tiền đầu tư nhưng ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Công ty Sen Đỏ cho hay, sau khi trở thành đối tác chiến lược, 3 tập đoàn trên sẽ giúp Sen Đỏ tiếp cận với mạng lưới khách hàng và đối tác của 3 đơn vị này trên toàn cầu. Đồng thời, hỗ trợ Công ty nâng cao năng lực quản lý thông qua chính sách đào tạo mạng lưới bán hàng, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng danh mục hàng hóa.
Bên cạnh đó, 2 thành viên của 3 tập đoàn này sẽ tham gia vào Hội đồng quản trị của Công ty là ông Ryosuke Hayasshi, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng kinh doanh nước ngoài của tập đoàn SBI Holdings và ông Teruhide Sato, Chủ tịch kiêm CEO Công ty BEENOS.
Sen Đỏ ra đời năm 2012, đang cung cấp 2 triệu sản phẩm từ 70.000 gian hàng trên Sendo.vn và 123mua.vn. Trong khi đó, tại Nhật Bản, SBI Holdings là tập đoàn tài chính internet lớn nhất với 18 triệu khách hàng trên toàn hệ thống. Còn Econtext ASIA là nhà cung cấp hàng đầu các dịch vụ thanh toán trực tuyến và các giải pháp thương mại điện tử. BEENOS cũng là một công ty lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử với việc đầu tư và hỗ trợ 80 công ty dịch vụ internet tại Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ...
-------------------------