Chính quyền Hồng Kông bất ngờ hủy đàm phán với sinh viên
Chính quyền Hồng Kông vừa ra tuyên bố hủy đàm phán với các sinh viên đại diện cho người biểu tình đòi bầu cử tự do, vốn được lên kế hoạch vào ngày 10.10.
Theo South China Morning Post tối nay 9.10, động thái của chính quyền được đưa ra vài giờ sau khi Liên hội sinh viên Hồng Kông (nhóm đại diện người biểu tình tham gia đàm phán) kêu gọi thêm người tham gia chiếm đóng đường phố nếu cuộc đàm phán không đưa ra được những thay đổi đáng kể cho cuộc cải cách bầu cử ở Hồng Kông.
Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Chánh văn phòng đặc khu, quan chức số 2 của thành phố này, phát biểu ngay trước thềm cuộc đàm phán rằng: "Việc các sinh viên kêu gọi mở rộng những động thái bất hợp tác đã làm lung lay nền tảng tin tưởng dành cho cuộc gặp này. Vì thế, sẽ không thể có một cuộc đàm phán mang tính xây dựng", Reuters dẫn lời bà Carrie Lam.
Ngoài ra, bà Carrie Lam tuyên bố thêm trằng cuộc đàm phán nên được dựa trên đường lối của quyết định do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đưa ra, và việc đàm phán không liên quan đến cuộc biểu tình. Tuy nhiên, các sinh viên không chấp nhận điều kiện này.
Cùng ngày 9.10, Sở Tư pháp Hồng Kông đã nộp lên công tố viên điều tra khoản tiền 6,4 triệu USD được chuyển vào tài khoản Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh.
Trước đó, phiên đàm phán chính thức đầu tiên của chính quyền Hồng Kông, đại diện là bà Carrie Lam, và các lãnh đạo sinh viên dự kiến diễn ra vào 3 giờ chiều thứ 6, ngày 10.10 (giờ Việt Nam).
Phong trào Chiếm Trung Hoàn của người Hồng Kông nổ ra từ ngày 28.9, theo sau một tuần bãi khóa của sinh viên, để phản đối quy định của chính quyền trung ương Trung Quốc về việc bầu cử đặc khu trưởng Hồng Kông.
Theo đó, một hội đồng sẽ quyết định trước 2-3 ứng viên cho chức vụ này, trước khi người dân Hồng Kông bỏ phiếu.
Hàng ngàn người, có lúc hàng vạn, đã chiếm đóng các đường phố trung tâm của Hồng Kông để phản đối quyết định này. Đồng thời, họ yêu cầu Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức; tuy nhiên, ông Lương đã bác đề nghị này.
-----------------------
Đặc khu trưởng Hong Kong bị nghi tham nhũng
Báo South China Morning Post cho biết ngày 2-12-2011, ông Lương Chấn Anh và đại diện của công ty kỹ thuật UGL của Úc đã ký một hợp đồng, trong đó UGL sẽ trả số tiền trên cho ông Lương với điều kiện ông Lương không được thành lập công ty đối thủ và sẵn sàng làm cố vấn cho công ty này, trong hai năm 2012 và 2013.
Công chúng và giới nghị sĩ Hong Kong chỉ trích ông Lương về chuyện không được làm việc cho một công ty thương mại khi đang là đặc khu trưởng Hong Kong.
Theo báo South China Morning Post, thông tin trên xuất hiện khiến giới chức và người dân Hong Kong đặt nghi vấn về khả năng ông Lương Chấn Anh đã có hành vi sai trái của một quan chức đứng đầu đặc khu.
Tờ báo cho hay, thời điểm hợp đồng được ký diễn ra chỉ cách thời gian ông Lương Chấn Anh tuyên bố chạy đua vào chức đặc khu trưởng có 8 ngày.
Trong thời gian này UGL cũng đã mua lại công ty dịch vụ bất động sản DTZ mà ông Lương làm giám đốc kiêm chủ tịch đại diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Lương tuyên bố chạy đua vào chức đặc khu trưởng Hồng Kong vào ngày 24-11-2011 và rời công ty này vào ngày 4-12 cùng năm.
Văn phòng đặc khu trưởng bào chữa rằng đây là thỏa thuận từ chức được thành lập để phòng khả năng có thể ông Lương không đắc cử chức đặc khu trưởng.
“Ông Lương không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào cho UGL sau khi ký hợp đồng trên” - tuyên bố của văn phòng đặc khu trưởng biện hộ. Ông Lương Chấn Anh và đại diện UGL hôm 8-10 phản ứng rằng hợp đồng này là không sai luật.
Tuy nhiên, nhiều luật sư và nhà điều tra chống tham nhũng ở đặc khi Hồng Kong đang nghi ngờ về hợp đồng này khi cựu quan chức cấp cao của DTZ Tim Melville Ross khẳng định ông không hề biết thỏa thuận này.
Ông Lương cũng không báo cho chính quyền đặc khu rằng ông đã có thỏa thuận với UGL khi đã trở thành đặc khu trưởng Hồng Kong vào năm 2012.
Nghị sĩ Lương Kế Xương (Kenneth Leung) cho rằng hợp đồng này có thể khiến ông Lương Chấn Anh bị nghi ngờ có hành vi sai trái và cho thấy xung đột lợi ích khi ông Lương vừa là đặc khu trưởng vừa cộng tác với doanh nghiệp thương mại. Ông Tra Dị Ngã, cựu điều tra viên chống tham nhũng của Hong Kong nhận định ông Lương có thể đã vi phạm luật chống tham nhũng của đặc khu Hong Kong.
-----------------------
Hong Kong bước vào thỏa thuận các bên
"Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong sẽ có cuộc gặp chính thức với đại diện Tổ chức “Chiếm vùng Trung tâm” vào chiều thứ 6 (10-10) tới đây", một quan chức chính phủ vừa cho hay vào hôm 7-10 vừa qua.
Theo Tân Hoa Xã, việc ấn định ngày gặp chính thức đã được thống nhất tại cuộc hội đàm sơ bộ giữa lãnh đạo đặc khu Hong Kong và đại diện của tầng lớp sinh viên diễn ra vào hôm qua.
"Các bên" bắt đầu ngồi vào đàm phán
Thứ trưởng đặc trách những vấn đề liên quan đến hiến pháp là ông Lau Kong-wah (Lưu Giang Hoa) phát biểu sau buổi hội đàm rằng chính phủ và 3 đại diện sinh viên vừa thông qua đồng thuận về giờ giấc và địa điểm hẹn sẽ được thông báo sau.
Cũng theo ông Lưu, mỗi bên đều cử 5 thành viên đến dự cuộc họp. Nội dung xoay quanh việc thảo luận hai vấn đề chính, một là “việc cải tiến nền tảng được nêu trong hiến pháp” và hai là “việc cải thiện các điều khoản hợp pháp được nêu trong hiến pháp”.
Ngoài ra, toàn bộ diễn biến cuộc họp vào thứ sáu sẽ được công khai trước giới truyền thông và hai bên cũng dự kiến tiếp tục tiến đến thỏa thuận cuộc gặp đợt hai sau buổi nói chuyện sắp tới.
Anh: Can thiệp Hong Kong là "bất khả thi"
Ở một diễn biến khác, Charles Powell, trợ lý cũ của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã phát biểu trên kênh BBC Radio hôm Chủ Nhật (5-10): Trung Quốc sẽ không chấp nhận đàm phán với Anh về vấn đề Hong Kong, bởi lẽ vùng đất này đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của phương Tây kể từ khi tách ra vào thập niên 1980.
"Khả năng tự chủ hiện tại của Hong Kong rất lớn, lớn hơn nhiều so với những gì từng được nêu trong những hiệp định với phía Trung Quốc", ông Powell khẳng định trong cuộc phỏng vấn cuối tuần qua.
"Họ có nhiều điều kiện thuận lợi, kể cả về chính trị hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Quốc. Điểm mấu chốt nhất là: Hong Kong đã thuộc về Trung Quốc rồi", ông nhận định.
Ông cũng nói thêm rằng những người biểu tình ở Hong Kong đang “ảo tưởng quá mức”.
"Quy định về việc ứng cử vào các vị trí của bộ máy chính quyền đã được nêu rõ trong bộ luật năm 1990, và Trung Quốc sẽ không chấp nhận thay đổi điều này một cách dễ dàng", ông Powell cho biết.
"Khi Hong Kong trở về với Trung Quốc, một thỏa thuận đã được đưa ra dựa trên luật pháp nước này, nghĩa là việc tách Hong Kong ra lần nữa gần như là không thể.”
Sự thật là Hong Kong vẫn luôn thuộc về Trung Quốc, còn Anh chỉ “thuê” nó trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian đó không đủ để thể chế dân chủ tạo nên nhiều ảnh hưởng ở nơi đây.
Powell khuyến khích những công dân trẻ ở Hồng Kông nên “tận dụng triệt để” quyền dân chủ hiện có của họ, hơn là tiếp tục tổ chức biểu tình.
"Nếu tôi là một người trẻ tuổi ở Hong Kong, tôi sẽ tập trung vào việc làm sâu sắc thêm quyền dân chủ hiện tại: cơ hội tìm kiếm việc làm, tự do du lịch, tự do tìm việc ở nước ngoài, sự thịnh vượng và nền giáo dục tiên tiến...và tận hưởng tất cả những điều đó”, ông nói.
Ông Powell từng là cố vấn chính sách đối ngoại cho “người đàn bà thép” Margaret Thatcher vào thời điểm Hong Kong được trao trả về tay Trung Quốc.
----------------------
Hồng Kông: Doanh nhân muốn người biểu tình rút lui
Một nhóm cư dân ở khu Vượng Giác (Mong Kok) của Hồng Kông và các chủ doanh nghiệp ngày 7-10 phàn nàn rằng cuộc biểu tình đòi cải cách bầu cử đã ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày cũng như hoạt động kinh doanh.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, chủ một chuỗi nhà hàng họ Trương cho biết ông có vài nhà hàng ở vịnh Đồng La (Causeway Bay) và Vượng Giác nhưng doanh thu giảm 100.000 đô la Hồng Kông/ngày kể từ khi biểu tình bắt đầu 10 hôm trước.
“Trong thời gian ngắn, chúng tôi có thể cầm cự. Chúng tôi không định yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương để giảm thiệt hại” - ông Trương nói.
Nhóm đại diện cho khoảng 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ do nghị sĩ Đảng Tự do Felix Chung (Chung Quốc Bân) chiều 7-10 kêu gọi trước mắt, người biểu tình nên rút lui khỏi các khu mua sắm ở Vượng Giác và vịnh Đồng La.
Đài RTHK cho biết số người biểu tình ở các khu vực chính tại Kim Chung (Admiralty), vịnh Đồng La và Vượng Giác giảm dần những ngày gần đây.
Sáng cùng ngày, Phó Ban Các vấn đề về lập pháp và đại lục Lau Kong-wah (Lưu Giang Hoa) cho biết người biểu tình và chính quyền đã nhất trí đối thoại chính thức vào ngày 10-10. Địa điểm cuộc đối thoại chưa được quyết định song các sinh viên muốn cuộc gặp với Tổng Thư ký quản trị Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) diễn ra tại một trường ĐH, tốt nhất là Trường ĐH Hồng Kông.
Phiên đàm phán này chia làm hai phần, lần lượt bàn về cơ sở hiến pháp và cơ sở pháp lý của việc phát triển hiến pháp. Mỗi bên cử tối đa 5 người tham gia trong khi phóng viên được phép tường thuật.
Tuy nhiên, công chúng không được vào và việc hạn chế quy mô cuộc đàm phán khiến thủ lĩnh sinh viên Lester Shum (Sầm Ngao Huy) cảm thấy "giận dữ và thất vọng". Shum cũng khẳng định biểu tình sẽ tiếp diễn cho đến khi đạt được các biện pháp khả thi với chính quyền.
-----------------------
Người Hong Kong lưu luyến Occupy Central
Khi làn sóng biểu tình đòi Occupy Central có dấu hiệu lắng xuống, nhiều người Hong Kong bắt đầu nghĩ đến việc lưu giữ lại những hình ảnh và kỷ niệm về "Cách mạng Ô dù" trong nỗi lưu luyến rằng nó có thể sắp biến mất.
Hơn một tuần qua, phong trào biểu tình Occupy Central đã làm tê liệt nhiều khu vực của đặc khu hành chính Hong Kong, nhưng sau đó phong trào giảm nhiệt vào cuối tuần. Một nhóm người biểu tình cứng rắn có khả năng sẽ tiếp tục "cắm chốt" trên đường phố trong những ngày tới, kể cả khi đám đông không còn nữa. Trong khi đó, có những người bắt tay vào cứu vãn phong trào, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trước khi nó lụi tắt hoàn toàn.
Sinh viên Jason Wu, 20 tuổi, đã dành một buổi chiều để chụp lại cẩn thận khu vực biểu tình chính gần trụ sở chính quyền. "Chưa có điều gì giống như thế từng xảy ra ở Hong Kong trước đây", Wu nói. "Chúng ta phải ghi nhớ nó".
Suốt cả tuần, Wu đã miễn cưỡng hứa với bố mẹ rằng cậu sẽ không tham gia các cuộc biểu tình vào đêm khuya nữa vì lo sợ cảnh sát trấn áp. Do đó, khi đọc được trên mạng rằng các nhà sử học và học giả Hong Kong đang kêu gọi công chúng lưu giữ kỷ vật cho hậu thế, Wu quyết định hành động.
Những bức ảnh chụp lại các tấm biểu ngữ, tranh cổ động, những bài viết tâm huyết được dán trên các tòa nhà chính phủ, là cách mà cậu đóng góp cho Occupy Central vào những ngày cuối cùng của phong trào, Wu nói.
"Tôi muốn thế hệ sau biết mọi thứ đã được nói ra ở đây, những gì mà mọi người đã đứng lên và đấu tranh vì nó", Wu nói thêm.
Đêm 6/10 đám đông đã vãn đi đáng kể tại nhiều điểm biểu tình, dù các nhà tổ chức yêu cầu mọi người ở yên tại chỗ trong khi họ tiếp tục sắp xếp một cuộc đàm phán với các nhà chức trách về cải cách chính trị. Gần nửa đêm, Liên đoàn Sinh viên Hong Kong thông báo cuộc đàm phán có thể diễn ra vào cuối tuần này. Điều đó có nghĩa là giới chức sẽ không ra tay để giải tán người biểu tình khỏi đường phố như họ lo ngại.
Một số người đã thu lại các bài hát ra đời trong thời gian biểu tình. Các nhà làm phim tài liệu cũng đề xuất quay lại các đoạn phim để lưu trữ. Một tờ rơi được phát rộng rãi quảng cáo số điện thoại để người biểu tình có thể gọi đến đó thu lại những suy nghĩ, bài viết và những kỷ niệm đáng nhớ nhất về Occupy Central.
Một số người, sợ ảnh hưởng mưa, gió và thời gian, đã phủ các tấm nilon lên bức tường dán chi chít các mảnh giấy chứa thông điệp viết tay.
Sinh viên mỹ thuật Queenie Chan, 25 tuổi, dành hai tiếng để phác họa lại cảnh tượng của cuộc biểu tình đang tàn lụi. Khi cầm cây cọ vẽ trên tay, Chan nhớ lại khoảnh khắc nghe thấy thông tin về cuộc biểu tình khi cô đang đi nghỉ ở nước ngoài và vội vã trở về Hong Kong.
"Khi đến nơi, tôi muốn liều mạng giúp đỡ họ nhưng vẽ thực sự là tất cả những gì tôi biết", cô nói. Vì thế, Chan bắt đầu lang thang khắp các điểm biểu tình với tập giấy vẽ của mình.
Chan nói cô vẫn không chắc những bức vẽ này là dành cho ai hay chúng có thể làm được gì. "Đó chỉ là cách tôi khắc ghi, cảm xúc về nó, nó là gì và có ý nghĩa gì với tôi vào lúc đó", Chan nói.
Nhiều người khác cũng như Chan, bắt đầu tự cắt nghĩa xem chính xác những gì đã xảy ra, ý nghĩa của nó là gì và ảnh hưởng của nó đến tương lai của Hong Kong ra sao.
"Một số người có thể nói rằng vẫn không có gì thay đổi, nếu trưởng đặc khu không từ chức, nếu quá trình bỏ phiếu của Hong Kong vẫn được giữ nguyên", Hui Kwat Kong, 20 tuổi, người từng cắm trại trên phố, nói.
Nhưng Hui cho biết gần đây cậu bắt đầu nghiên cứu về Cách mạng Công nghiệp ở một lớp xã hội học. "Các cuộc cách mạng như thế không xảy ra chỉ trong một đêm", Hui nói. "Mọi thứ diễn ra và thay đổi dần dần".
Ảnh hưởng lớn nhất của "Cách mạng Ô dù" ở Hong Kong, theo Hui, không phải là về chính trị, bầu cử hay những chính trị gia được bầu ra vào những năm tới.
"Tất cả chúng tôi, những người đã đến đây và tham gia biểu tình, chúng tôi đều đã thay đổi", Hui nói, và điều đó sẽ còn âm vang ở Hong Kong nhiều thập kỷ tới.