Khi cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông nổ ra, nhiều người đã nghĩ đến khả năng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc có mặt tại Hồng Kông sẽ được lệnh trấn áp phong trào này. Cho đến giờ, sự việc đã không diễn ra như vậy. Trong lúc biểu tình có dấu hiệu thoái trào, những gì người ta lo sợ về một Thiên An Môn thứ hai đã không xảy ra. Dưới đây là góc nhìn của Reuters.
Ý nghĩa biểu tượng của PLA
Thực tế chính trị, pháp lý và chiến lược đã khiến cho sự can thiệp của PLA rất khó xảy ra. Hơn nữa, lực lượng cảnh sát 27 nghìn người của Hồng Kông vẫn đang trong tình trạng sẵn sàng túc trực.
Các nhà lãnh đạo ở cả Hồng Kông và Bắc Kinh đều hiểu cái giá chính trị to lớn của việc ra lệnh cho quân đội TQ can thiệp, sẽ bất ngờ chấm dứt nền cai trị dưới công thức “một quốc gia hai chế độ” vốn được ca tụng ở Hồng Kông.
Giới ngoại giao nước ngoài quan sát các diễn biến ở Hồng Kông rất chặt chẽ, nhất là những động thái nâng cấp cơ sở vật chất của PLA ở Hồng Kông trong vài tháng qua. Ngoài ra có những thông tin chưa được khẳng định về các cuộc diễn tập chống bạo động đã được tiến hành ở cả ngoại ô và thành thị.
Một đơn vị đồn trú gồm từ 8.000 đến 10.000 quân, chủ yếu là bộ binh, đã dàn ra ở các căn cứ dọc theo biên giới ở Thâm Quyến và Hồng Kông. Ngoài ra có cả những đơn vị hải quân và không quân nhỏ cũng được triển khai.
“Tôi cho rằng các nhà lập pháp Hồng Kông ở cấp cao nhất hoàn toàn ý thức được rằng, nếu PLA triển khai, thì trong cách nhìn của thế giới, đó sẽ là sự chấm dứt của quy chế một quốc gia hai chế độ,” bà Regina Ip – cố vấn của nhà lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh, cựu quan chức an ninh đứng đầu Hồng Kông, phát biểu với Reuters, “điều đó sẽ gây ra những tổn hại to lớn”
Bà cũng nhấn mạnh việc chính quyền Hồng Kông đã nhắc đi nhắc lại rằng cảnh sát Hồng Kông, với các đơn vị bán quân sự và chống bạo động, hoàn toàn có thể giải quyết tình hình phát sinh.
Một Học giả về an ninh đại lục ở Hồng Kông đề nghị giấu tên, nói, ông tin rằng TQ cũng hoàn toàn nhận thức được nguy cơ và cái giá chính trị của việc sử dụng quân đội ở Hồng Kông. “Vì thế, sự có mặt của PLA ở Hồng Kông chủ yếu là sự hiện diện mang tính biểu tượng”.
Gia tăng hoạt động
Các nhà ngoại giao nước ngoài vẫn chưa chắc chắn về ngưỡng chính trị chính xác để Bắc Kinh ra lệnh triển khai quân. Sự có mặt của PLA ở Hồng Kông vẫn được xem là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất của việc chuyển giao Hồng Kông từ tay nước Anh về cho TQ, nhất là khi sự kiện Thiên An Môn năm 1989 vẫn được kỷ niệm hàng năm tại Hồng Kông.
Quân đội TQ đóng tại 19 khu vực nông thôn và thành thị của Hồng Kông sau khi chuyển giao. Các căn cứ này được bố trí một cách chiến lược khắp Hương Cảng, Cửu Long và Tân Giới – các khu vực chính ở Hồng Kông, kể cả trụ sở của Lực lượng Hải ngoại Anh quốc trước đây ở quận Admiralty, giờ nằm sát văn phòng mới của chính quyền Hồng Kông và là trung tâm của cuộc biểu tình này.
Các nhà ngoại giao Châu Á và Châu Âu cho biết, họ đã nhận thấy có nhiều hoạt động hơn cả ở khu vực trụ sở chính quyền và các khu vực khác từ năm ngoái. Những chiếc xe SUV màu đen mang biển quân sự giờ là hình ảnh phổ biến trên đường phố Hồng Kông.
“Chúng tôi chỉ không chắc các hoạt động này liên quan đến tình hình Hồng Kông, hay phản ánh việc TQ củng cố quân sự mạnh mẽ hơn,” một nhà ngoại giao Châu Á phát biểu.
Quân đồn trú biệt lập
Sự có mặt của quân đội TQ ở đây được kiểm soát bằng một “tiểu hiến pháp” của Hồng Kông, hay còn gọi là Bộ Luật Cơ bản, trong đó tuyên bố rằng quân đồn trú không được can thiệp vào tình hình Hồng Kông, nhưng lãnh đạo Hồng Kông có thể yêu cầu sự giúp đỡ của lực lượng này để giữ trật tự hoặc giải quyết thảm họa.
Lực lượng này phải tuân thủ luật lệ của Hồng Kông dưới sự quản trị của một bộ máy tư pháp độc lập – ngược với hệ thống pháp lý của đại lục.
Các điều khoản khác trong Luật Cơ bản cũng giống như luật của đại lục, có vẻ cho phép ủy ban thường trực của quốc hội TQ (NPC) triển khai đơn vị đồn trú nếu tình trạng chiến tranh hoặc khẩn cấp được tuyên bố ở Hồng Kông.
Theo Luật Cơ bản, NPC phải biết chắc rằng bất ổn đủ gây nguy hiểm đến “sự thống nhất hoặc an ninh quốc gia” và “vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền Hồng Kông”.
“Tôi cho rằng phải đến mức cùng cực mới phải viện đến những điều khoản này và kêu gọi đơn vị đồn trú,” giáo sư luật Simon Young của Đại học Hồng Kông nói. Ông cho rằng như vậy có nghĩa là chính quyền Hồng Kông hoàn toàn mất kiểm soát hoặc nội chiến xảy ra.
Luật của đại lục về quân đồn trú không cho phép binh lính ở Hồng Kông thuộc về một tổ chức chính trị, xã hội hoặc tôn giáo nào. Cũng không ai được tuyển mộ tại chỗ. Họ khá biệt lập với xã hội và báo chí Hồng Kông, có ít sự tương tác giữa PLA với cộng đồng Hồng Kông.
Bộ chỉ huy của PLA xa cách chính quyền Hồng Kông, hai bên liên lạc qua văn phòng an ninh dân sự của Hồng Kông. Không có một đơn vị hoạt động chung nào giữa cảnh sát và quân đội .
Các nhà ngoại giao nước ngoài nhận ra rằng, đơn vị đồn trú có vẻ đã được lên dây cót vì vấn đề an ninh nội bộ hơn là để đẩy lùi ngoại xâm.
Trung tướng Tan Benhong, người đứng đầu lực lượng quân đội TQ tại Hồng Kông, cũng đã nhấn mạnh vấn đề an ninh nội bộ trong buổi tiệc với các nhà ngoại giao nước ngoài, các quan chức và cảnh sát địa phương và quan chức đại lục, giới doanh nhân trong ngày kỷ niệm 87 năm thành lập PLA tổ chức tại Hồng Kông hôm 31.7.
Trung tướng Tan là một nhân vật dày dạn, mới tới Hồng Kông sau khi chỉ huy lực lượng quân sự ở đảo Hải Nam, và trước đó ông từng phục vụ trong bộ chỉ huy đơn vị pháo binh số 2 tinh nhuệ vốn kiểm soát dàn tên lửa thường và tên lửa hạt nhân của TQ, và cũng từng là tư lệnh đơn vị đồn trú ở Hồng Kông. "PLA có truyền thống lâu đời bảo đảm an ninh và ổn định nội bộ của TQ" – ông phát biểu tại buổi tiệc, mà theo như một quan sát viên thì đó la một phát biểu rất thẳng thừng và ngắn gọn.