Hội Tam Hoàng – thế lực ngầm ám ảnh dân Hồng Kông
Hội Tam Hoàng, tổ chức bí ẩn có lịch sử 400 năm, có mặt trong nhiều ngóc ngách của đời sống tại Hồng Kông, bị cáo buộc là nhóm đứng sau những vụ tấn công người biểu tình tại thành phố này những ngày qua.
Cảnh sát Hồng Kông hôm 4.10 cho biết đã bắt giữ 19 người, trong đó có 8 nghi can là thành viên của Hội Tam Hoàng với cáo buộc tấn công những người biểu tình, theo tờ South China Morning Post. Cảnh sát bị chỉ trích đã dung túng cho những người phản đối sử dụng bạo lực lên nhóm biểu tình, nhưng kịch liệt phản đối cáo buộc này.
Theo Los Angeles Times, tên của Hội Tam Hoàng được lấy từ ba thế lực Trời, Đất và Người. Sự ảnh hưởng của Hội Tam Hoàng len lỏi vào khắp các cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới, chuyên buôn lậu, tống tiền, tổ chức cờ bạc, mại dâm,…
Theo một bài viết của tác giả Dan Levin trên New York Times, Hội Tam Hoàng được bén rễ từ thế kỷ 17, vốn là một tổ chức ái quốc lập ra để lật đổ nhà Thanh. Hội này cũng đóng góp vào thành công của Cách mạng Tân Hợi, lật đổ vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa và lập nên Trung Hoa Dân quốc.
Thế nhưng, lòng ái quốc của Hội Tam Hoàng sau đó lại chệch hướng. Trong Thế chiến II, nhóm này hợp tác với quân đội Nhật Bản trong vai trò tình báo và an ninh, New York Times dẫn thông tin từ Ko-lin Chin viết trong cuốn Văn hóa phi chính thống và tội phạm của Trung Hoa: Những nhóm tội phạm chưa từng xuất hiện tại Hoa Kỳ. Đổi lại, người Nhật tiêu hủy các hồ sơ tội phạm và cho phép nhóm này vận hành các tụ điểm bài bạc và thuốc phiện, theo bài viết trên.
Khi những người cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, Hội Tam Hoàng chạy trốn đến Hồng Kông. Một sĩ quan cảnh sát từng cho biết trong số 3 triệu dân ở Hồng Kông, cứ 6 người thì có 1 thành viên Hội Tam Hoàng.
Tuy nhiên, về sau, có một số giả thiết cho rằng Bắc Kinh có liên hệ với Hội Tam Hoàng. Cũng theo bài báo trên New York Times, năm 1993, 4 năm trước khi Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tao Siju từng phát biểu rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Hội Tam Hoàng nếu tổ chức này “bày tỏ lòng ái quốc và quan tâm đến sự ổn định, thịnh vượng của Hồng Kông”. Các thành viên của Sun Yee On (một phân nhánh Hội Tam Hoàng) cũng được cho đã đến Bắc Kinh gặp gỡ ông Tao, New York Times dẫn lại nguồn từ South China Morning Post.
Theo Thought Catalog, Hội Tam Hoàng hiện gồm 4 nhánh chính, Wo Hop To, Wo Shing Wo, Sun Yee On và 14K. Sun Yee On được cho là nhánh quy mô nhất, với khoảng 55.000 thành viên trên toàn thế giới, trong khi đó Wo Hop To là phân nhánh cực kỳ có ảnh hưởng tại Hồng Kông.
Cũng theo Thought Catalog, có tin đồn nhánh Sun Yee On đầu tư rất tích cực vào ngành công nghiệp phim ảnh của Hồng Kông, và đó là lý do tại sao hình ảnh bang nhóm này thường được lãng mạn hóa trong phim Hồng Kông. Trong rất nhiều tin đồn quanh cái chết của Lý Tiểu Long, có cả giả thiết ông bị Hội Tam Hoàng ám sát vì từ chối trả tiền bảo kê, theo Taipei Times.
Theo TIME, trong một thời gian dài Hội Tam Hoàng có vẻ đã im hơi lặng tiếng, không còn hoạt động công khai tại Hồng Kông như trước năm 1997. Tạp chí này dẫn lời Sharon Kwok, một nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về Hội Tam Hoàng tại Đại học Thành thị Hồng Kông, cho biết:
“Giờ thì họ không đến trước mặt mọi người và nói rằng mình là thành viên bang 14K rồi đòi tiền nữa. Một số người chuyển sang kinh doanh những ngành nghề hợp pháp hơn. Họ không di cư đi đâu cả, đơn giản là mạng lưới đã thay hình đổi dạng”.
Thế nhưng, tháng 2.2014, việc cựu Tổng biên tập tờ Minh Báo, Hồng Kông, nổi tiếng vì những bài báo chỉ trích chính quyền, bị đâm trí mạng bằng một con dao chặt thịt đã gợi lại nỗi ám ảnh của người dân về Hội Tam Hoàng. Truyền thông miêu tả cuộc tấn công ông Lau được thực hiện “đúng cách Hội Tam Hoàng”, theo New York Times.
----------------------
Hồng Kông: Người biểu tình nhượng bộ, công sở mở cửa trở lại
Vào sáng 6/10, một đám đông biểu tình vẫn chặn lối vào trụ sở chính quyền Hồng Kông bằng các chướng ngại vật, nhưng để một lối đi hẹp cho phép các công chức đi qua.
“Tôi vui khi người biểu tình mở các hàng rào chướng ngại vật vào hôm nay. Tôi cần phải làm việc”, một nữ công chức cho biết.
Hàng chục nghìn người đã đổ xuống các đường phố trong suốt tuần qua, nhưng tới sáng nay chỉ còn khoảng 100 người biểu tình trụ lại bên ngoài các tòa nhà chính quyền tại khu vực biểu tình chính ở quận Admiralty và chỉ 10 người ngồi bên ngoài văn phòng lãnh đạo Hồng Kông, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng.
Khoảng 200 người vẫn bám trụ tại khu Mong Kok, bất chấp những lời kêu gọi của các nhà tổ chức biểu tình nhằm rút lui khỏi địa điểm này, sau các vụ xô xát với các nhóm phản đối biểu tình vào cuối tuần qua.
Vào đêm qua, một số người biểu tình tại khu vực trung tâm đã tháo dỡ các chướng ngại vật và dọn dẹp dường xá để công chức có thể vào khu tòa nhà chính quyền làm việc.
Chính quyền Hồng Kông đã buộc phải đóng cửa trụ sở hôm 3/10, khiến 3.000 công chức phải nghỉ ở nhà, do các đám đông biểu tình chặn đường xá.
Lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh trước đó đã khẳng định rằng công sở và các trường học phải mở cửa vào hôm nay, đồng thời cảnh báo sẽ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để lập lại trật tự xã hội.
Mặc dù số người biểu tình đã giảm mạnh tại các địa điểm biểu tính chính, nhiều người tuyên bố họ sẽ trở lại vào cuối ngày hôm nay để nối lại chiến dịch kêu gọi bầu cử tự do.
Các nhà hoạt động khẳng định chiến dịch của họ sẽ vẫn tiếp tục.
“Chúng tôi sẽ ở đây cho tới khi chúng tôi nhận được phản hồi từ chính phủ. Chúng tôi phải ở lại đây. Đó là vì tương lai của chúng tôi”, Jurkin Wong, một sinh viên 20 tuổi, tuyên bố.
“Tôi sẽ trở về nhà để nghỉ ngơi và sẽ quay trở lại đây để tiếp tục biểu tình”, Thomas Chan, 20 tuổi, nói.
Hai cuộc họp lập pháp tại trụ sở chính quyền Hồng Kông đã bị hủy bỏ vào hôm nay nhưng một phát ngôn viên chính quyền không cho biết lý do.
Làn sóng biểu tình đã nổ ra tại Hồng Kông nhằm phản đối các quy định bầu cử mới của Bắc Kinh. Chính phủ trung ương Trung Quốc hồi cuối tháng 8 đã ra quy định nói rằng chỉ các ứng viên được Bắc Kinh phê chuẩn mới được phép tranh cử.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nói rằng quy định mới của Bắc Kinh là đi ngược với cam kết với lời hứa của chính quyền trung ương Trung Quốc nhằm cho phép người Hồng Kông được tự do bầu trực tiếp lãnh đạo vào năm 2017.
-----------------------
Hong Kong: Dọa nhảy cầu nếu không dừng biểu tình
Hôm 5-10, một người đàn ông tự xưng là Yau, khoảng 30 tuổi, đã leo lên một cầu vượt dành cho người đi bộ tại quận Admiralty (Hong Kong) suốt 5 tiếng đồng hồ, đe dọa người biểu tình giải tán, bằng không ông sẽ nhảy khỏi cầu. Người ta còn thấy ông mang theo một con dao bên mình.
Sau khi được cảnh sát đưa cho một chiếc loa tay, ông tuyên bố mình rất giận dữ khi con mình không được đi học do các trường học đều phải đóng cửa vì cuộc biểu tình. Thế nên ông mới quyết định đi ra quận trung tâm để leo lên cầu, đe dọa và yêu cầu giải tán. Ông nói rằng: “Tôi không ủng hộ chính phủ hay người biểu tình. Tôi chỉ là một bậc phụ huynh yêu cầu các người dừng biểu tình, trả lại đường phố để 3 đứa con của tôi được đi học”.
Cảnh sát phải giải tán một phần khu vực và chuẩn bị đệm hơi trong trường hợp người đàn ông lạ mặt rơi xuống (Bưu điện Hoa Nam)
Được biết, tuyến đường nối giữa khu vực hành chính và khu mua sắm của Hong Kong cũng là tuyến đường chính của thành phố. Việc người biểu tình chiếm tuyến đường này đã khiến cho giao thông công cộng bị tắc nghẽn và nhiều trường học quyết định đóng cửa.
Người đàn ông này quyết không đi đâu cả đến khi mình được đài CNN và BBC ghi hình trực tiếp. Sau đó ông đòi các thủ lĩnh sinh viên học sinh của cuộc biểu tình là Joshua Wong và Alex Chow đến “lắng nghe nguyện vọng” của ông. Tuy nhiên, tờ báo mạng độc lập Apple Daily quả quyết người đàn ông này thật ra là một “diễn viên đóng thế chuyên nghiệp” được thuê để “gây rối cuộc biểu tình”.
Cuối cùng, sau khi các nhà thương thuyết của cảnh sát Hong Kong đến hiện trường thuyết phục, người đàn ông tên Yau cũng rời khỏi hiện trường rồi bặt vô âm tín. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, trước cảnh tượng này, đám đông người biểu tình lại cười nhiều hơn là lo sợ.
-----------------------
Công chức Hồng Kông trở lại làm việc khi biểu tình tạm lắng xuống
Các công chức trở lại làm việc tại trụ sở chính quyền Hồng Kông vào sáng ngày 6.10 khi những cuộc biểu tình, làm tê liệt khu vực này trong suốt hơn một tuần qua, có dấu hiệu tạm lắng xuống trước thềm hạn chót phải giải tán.
Hàng chục công chức quay trở lại làm việc trong khi vài trăm người biểu tình vẫn còn tập trung quanh trụ sở chính quyền Hồng Kông, nhưng con số người biểu tình đã giảm đi so với những ngày trước đó, theo ghi nhận của AFP.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh trước đó cảnh báo ông sẽ “áp dụng tất cả biện pháp cần thiết để tái thiết lập trật tự xã hội”.
Ông Lương buộc phải cho đóng cửa trụ sở và các văn phòng chính quyền Hồng Kông vào ngày 3.10, khiến 3.000 công chức phải nghỉ việc ở nhà.
Chính quyền Hồng Kông ra thời hạn là vào ngày 6.10, những người biểu tình phải giải tán khỏi các con đường mà họ cố thủ suốt trên một tuần qua.
Mặc dù con số người biểu tình tập trung trước trụ sở văn phòng chính quyền Hồng Kông giảm xuống dưới 1.000, nhưng một số người biểu tình khẳng định họ không có ý định về nhà, theo ghi nhận của AFP.
AFP cho biết những người biểu tình đang bị chia rẽ trước quyết định họ nên tiếp tục cố thủ hay giải tán trước thời hạn chính quyền Hồng Kông đưa ra.
“Nếu có bạo lực xảy ra, tôi nghĩ tôi có thể về nhà”, luật sư 27 tuổi Chan Wang-Ingai, một trong những người tham gia biểu tình, cho AFP biết.
Một người biểu tình khác tên Oscar Ng khẳng định: “Chúng tôi sẽ không giải tán trước khi đạt được những gì chúng tôi muốn. Thậm chí họ có bắn chúng tôi bằng đạn cao su”.
Những người biểu tình đề nghị được tự do chọn ứng cử viên cho chức Đặc khu trưởng trong cuộc bầu cử vào năm 2017, sau khi Trung Quốc hồi tháng 8.2014 khẳng định chỉ cho phép cư dân đặc khu này chọn lựa trong số các ứng viên mà Bắc Kinh đã định sẵn.
-----------------------
Hồng Kông: Chậm chạp khởi động tiến trình đàm phán
Các cuộc thảo luận sơ bộ để chuẩn bị cho cuộc đàm phán với Tổng Thư ký quản trị Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) và người biểu tình bắt đầu song tiến độ rất chậm.
Lãnh đạo sinh viên Sầm Ngao Huy (Lester Shum) đã có cuộc gặp với các quan chức cấp cao để bàn thảo các điều điện cho một cuộc gặp giữa hai bên. Đại diện lãnh đạo sinh viên cho biết hai bên thống nhất tổ chức đàm phán trực tiếp, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên, Sầm Ngao Huy cho biết cuộc đàm phán sẽ bị hủy bỏ nếu cảnh sát dùng vũ lực đối với người biểu tình trong ngày 6-10. Các cuộc đối thoại ban đầu được lên kế hoạch ngày 4-10 nhưng phe biểu tình đã hủy bỏ sau các vụ tấn công nhằm vào người biểu tình vào tối trước đó, khiến nhiều người bị thương.
Các phương tiện giao thông vào sáng 6-10 tránh những nơi người biểu tình chiếm đóng hơn 1 tuần qua như Vịnh Đồng La (Causeway Bay) và khu vực Kim Chung (Admiralty).
Các nhóm biểu tình vào đêm qua không còn chặn lối vào các tòa nhà chính quyền và khẳng định các viên chức có thể trở lại làm việc mà không bị cản trở. Các đám đông bên ngoài văn phòng Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh đã giảm xuống còn khoảng 50 người vào sáng sớm nay.
Nhân viên bắt đầu quay trở lại nhiệm sở ở các cơ quan chính quyền tại khu vực Thiêm Mã (Tamar), trong khi người biểu tình đồng ý mở lối đi cho nhân viên.
Theo tường thuật của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, có khoảng 100 người ở khu Kim Chung (Admiralty), 100 người không có ý định rời đi tại Vịnh Đồng La (Causeway Bay) và tầm 200 người tiếp tục bám trụ ở khu vực Vượng Giác (Mong Kok).
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh ngày 4-10 đã yêu cầu cảnh sát phải dọn dẹp các đường phố để công sở và các trường học mở cửa trở lại vào sáng 6-10.
Các trường trung học ở quận Loan Tử (Wan Chai), quận Trung và quận Tây đã mở cửa lại, trừ các trường tiểu học và mẫu giáo.
Tính đến nay, cảnh sát bắt giữ 30 người biểu tình tại Vượng Giác (Mong Kok). 20 người bị bắt trước đó đã được thả. Hôm qua (5-10), một người đàn ông bị bắt vì cố tự thiêu trước văn phòng ông Lương Chấn Anh, đòi được nói chuyện với bà Carrie Lam.