Ăn “xén” tiền xử phạt để... nhậu, nguyên trưởng công an xã bị tù
Khi còn đương chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, Lợi nhiều lần chiếm đoạt tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự để bỏ túi riêng.
Ngày 6/10, TAND huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Lê Văn Lợi (nguyên Trưởng công an xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) 1 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng của VKSND, khi còn đương chức, lợi dùng chức vụ quyền hạn, Lợi nhiều lần chiếm đoạt tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự để bỏ túi riêng.
Sự việc được phát hiện vào ngày 7/4/2012, Lợi thu tiền xử phạt hành chính 3 triệu đồng của một số đối tượng tại địa phương do có hành vi đánh nhau, nhưng chỉ ghi biên lai là 420.000 đồng; Tiếp đến ngày 21/10/2012, Lợi thu 1,5 triệu đồng tiền xử phạt hành chính đối với một người khác, rồi để lại 1 triệu để ăn nhậu.
-------------------------
Nhiệt độ nơi bán bia không quá 30 độ C
Bộ Công thương vừa tiếp tục công bố dự thảo Nghị định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia với những quy định khá chặt về điều kiện an toàn.
Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu các cơ sở kinh doanh bia ngoài việc tuân thủ các quy định của Bộ Y tế nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, các cơ sở kinh doanh bia phải đáp ứng thêm: có hệ thống thông gió, chống nóng để bảo đảm nhiệt độ nơi kinh doanh không quá 30 độ C.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu sản phẩm bia phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 15cm, cách tường tối thiểu 30cm và cách trần tối thiểu 50cm.
Cơ sở kinh doanh bia phải có quy trình vệ sinh cơ sở và ghi nhật ký vệ sinh; các sản phẩm tẩy rửa, sát trùng dụng cụ kinh doanh và rửa tay phải an toàn cho kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với các cơ sở kinh doanh bia hơi, Bộ Công thương yêu cầu trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải được thiết kế và lắp đặt nhằm duy trì điều kiện bảo quản lạnh liên tục 24/24 giờ.
-------------------------
Không thể đưa người nghiện đi cai, tội phạm TP HCM đang tăng
Trước tình trạng TP HCM không đưa được người nghiện đi cai, nạn trộm cắp gia tăng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ sớm yêu cầu các cơ quan tháo gỡ vướng mắc.
Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP HCM chiều 6/10, Phó giám đốc Công an TP HCM Phan Anh Minh cho biết, thành phố hiện có hơn 19.000 người nghiện, tăng hơn 7.000 so với năm trước. Do không được đưa đi cai, người nghiện tụ tập thành băng nhóm, tổ chức các vụ trộm cắp.
Từ đầu năm đến nay, thành phố không đưa được người nào đi cai do vướng Luật xử lý vi phạm hành chính (ban hành ngày 1/1/2014). Theo văn bản này, để đưa người nghiện đi cai phải thông qua nhiều cửa gồm: y tế, công an, lao động và cuối cùng tòa án sẽ lập hồ sơ quyết định. Cơ sở y tế chứng nhận làm chứng nhận cho người nghiện phải có chứng chỉ riêng của Chính phủ. Nhưng theo ông Minh, hiện cả TP HCM không có cơ sở y tế nào đạt tiêu chuẩn như vậy.
“Vừa rồi công an quận 9 lập 5 bộ hồ sơ đưa người nghiện đi cai, nhưng rốt cuộc bị tòa án trả về hết vì sai biểu mẫu”, ông Minh nói và cho biết từ những hạn chế của Luật, một bộ phận công an cấp phường có dấu hiệu làm ngơ, lơ là trách nhiệm trong việc người nghiện hút chích công khai ở nơi công cộng.
Trung tướng Triệu Văn Đạt, Tổng cục phó Cảnh sát phòng chống tội phạm cũng cho hay, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, phức tạp hơn tại TP HCM. Nguyên nhân nổi cộm là số người nghiện ma túy tăng nhanh. “Nghiện hút lang thang nhiều ngoài cộng đồng sẽ làm gia tăng các băng nhóm, tình trạng trộm cắp vặt diễn ra nhiều hơn”, ông Đạt nói.
Về vấn đề Luật xử lý vi phạm hành chính, ông Đạt cho rằng, phải đề xuất sửa đổi vì "luật làm ra là để triển khai chứ không phải làm bó tay các cơ quan chức năng".
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, tình trạng sử dụng ma túy công khai ở ngay trung tâm TP HCM rất đáng lo ngại. “Ngày mai về, tôi sẽ ký văn bản yêu cầu xem xét sửa đổi các vướng mắc trong Luật xử lý vi phạm hành chính để đưa người nghiện đi cai. Đáng lý ra TP HCM phải đề xuất sớm hơn chứ không đợi đến lúc này”, ông Phúc nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng thông báo sẽ gửi văn bản đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu có biện pháp xử lý người nghiện dưới 18 tuổi. “Tôn trọng dân chủ nhưng các đối tượng sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp quậy phá, gây rối mất trật tự công cộng phải kiên quyết xử lý”, ông Phúc nói.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp cũng như chỉ đạo của Phó thủ tướng và cam kết từ nay đến cuối năm sẽ đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm trên mọi lĩnh vực.
Cũng trong buổi làm việc, Phó thủ tướng đã phê bình các cơ quan ban ngành thành phố thiếu liên kết, phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm pháp luập. Đặc biệt, ông yêu cầu TP HCM xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, hàng giả, nhất là buôn lậu thuốc lá tại các huyện vùng ven.
-------------------------
Chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cho vay lãi suất cao
Chỉ vì hám lời, nhẹ dạ cả tin mà nhiều gia đình ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã rơi vào cảnh “trắng tay” khi cho vay tiền hưởng lãi suất cao.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa gần đây trên địa bàn các xã Thiệu Đô, Thiệu Thịnh, Thiệu Vận và thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa xảy ra hai vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua hình thức cho vay với lãi suất cao.
Cụ thể, bằng thủ đoạn vay tiền với lãi suất cao, Lê Thị Hương (SN 1980), trú tại xã Thiệu Thịnh đã lừa nhiều nông dân để vay tới 10 tỷ đồng rồi trốn khỏi địa phương. Để người dân tin và cho vay tiền, Hương đã đưa ra mức lãi suất hấp dẫn từ 30 đến 36%/năm.
Trước khi vay, để tạo lòng tin và thiện cảm, khi thấy gia đình nhà nào có việc hiếu, hỷ, Hương đến mừng, phúng viếng thăm hỏi với số tiền lớn hơn mức bình thường, rồi sau đó hỏi vay tiền.
Mỗi lần trả tiền lãi hằng tháng, hằng quý, Hương trả rất sòng phẳng. Hương còn khoe có người thân làm giám đốc công ty lớn, có nhiều công trình xây dựng cả ở trong tỉnh và tỉnh ngoài với tài sản lớn hàng chục tỷ đồng, Hương chỉ đứng ra vay cho giám đốc công ty này.
Để vay được nhiều người, Hương không quên nhắc nhở những người cho Hương vay phải bí mật không được nói với ai chuyện cho vay. Chỉ đến khi sự việc bị vỡ lở, mọi người mới tá hỏa biết mình bị lừa. Cũng vì hám lời mà nhiều người còn đi vay mượn của anh em, bạn bè và hàng xóm dồn lại cho Hương để kiếm chênh lệch. Đến tháng 9/2013, Hương trốn khỏi địa phương, ôm theo 10 tỷ đồng vay được của gần 30 hộ dân.
Cũng với phương thức, thủ đoạn như vậy, Ngô Thị Lan Anh (SN 1981) ở xã Thiệu Đô cũng khiến cho hàng chục hộ dân ở xã Thiệu Vận và Thiệu Đô lâm vào cảnh “trắng tay” khi ôm gọn số tiền gần 2 tỷ đồng bỏ trốn.
Qua xác minh của cơ quan công an thì hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ, người già neo đơn, thậm chí ngay cả anh em, họ hàng của Hương và Lan Anh cũng bị lừa. Người cho Hương vay nhiều nhất là 2,4 tỷ đồng và 2 cây vàng, các hộ còn lại từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Hiện nay, Công an huyện Thiệu Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Lan Anh về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Riêng hồ sơ về Lê Thị Hương đã được chuyển cho phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thanh Hóa tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
-------------------------
Đất có giấy đỏ, ủy ban vẫn giải quyết tranh chấp
Tòa án hai cấp sơ, phúc thẩm vẫn công nhận quyết định của ủy ban dù trái quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai.
Ông Bùi Văn Tẩu, ngụ xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) vừa làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm trong một vụ kiện hành chính gửi chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao. Ông Tẩu cho rằng UBND huyện giải quyết tranh chấp có liên quan tới ông sai thẩm quyền nhưng tòa án hai cấp sơ, phúc thẩm lại bỏ qua khi xem xét quyết định của ủy ban.
Cụ thể, năm 1987, ông Tẩu khai phá được hơn 64.000 m2 đất tại xã Sông Phan, hai năm sau ông được UBND huyện Hàm Tân cấp giấy đỏ. Tháng 3-2009 (sau khi ông Tẩu đã được cấp giấy đỏ), một hộ dân tranh chấp yêu cầu ông Tẩu trả đất và khiếu nại đến UBND huyện. Hơn ba năm sau, UBND huyện Hàm Tân ra quyết định thu hồi, giảm diện tích hơn 10.000 m2 đất đã cấp giấy đỏ cho ông Tẩu với lý do trước đó cấp chồng lên đất của người khiếu nại.
Đầu năm 2013, ông Tẩu đã khởi kiện yêu cầu TAND huyện Hàm Tân hủy bỏ quyết định trên của UBND huyện, trả lại toàn bộ diện tích đất ban đầu cho ông. Đầu năm 2014, TAND huyện xử sơ thẩm đã bác đơn kiện của ông nên ông kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bình Thuận đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo ông Tẩu, đất tranh chấp trong vụ việc của ông có giấy đỏ nên theo quy định hiện hành thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải thuộc tòa án (khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai). Việc UBND huyện Hàm Tân đứng ra giải quyết tranh chấp là sai thẩm quyền. Do vậy, việc tòa hai cấp sơ, phúc thẩm công nhận quyết định của UBND huyện là sai pháp luật.