Công chức Hong Kong đi làm trở lại, quy mô biểu tình thu hẹp
Sáng ngày 6-10, giới công chức tại Hong Kong đã có thể quay trở về nhiệm sở làm việc bình thường. Những người biểu tình vẫn tiếp tục bao vây một phần lối vào khu nhà chính phủ. Tuy nhiên đã dỡ bỏ một phần nhỏ các chướng ngại vật trên tuyến đường chính để các công chức đến chỗ làm.
Theo quan sát từ giới truyền thông, hết hạn chót giải tán biểu tình mà ông Lương Chấn Anh đưa ra, số lượng người biểu tình đã giảm xuống.
Các nhân viên chính phủ đi vào khu nhà hành chính từ phía cảng của quận Tamar. Vài trăm người biểu tình vẫn còn đóng tại khu vực này, tuy nhiên đã sụt giảm đáng kể so với con số hàng ngàn người những ngày vừa qua.
Họ vẫn giữ các chướng ngại vật chặn lối ra vào khu nhà hành chính, tuy nhiên đã giải phóng một lối nhỏ để các công chức đi làm.
Trước các tin đồn và lo ngại cảnh sát sẽ sử dụng đến vũ lực để “tái lập trật tự”, đám đông biểu tình đã sụt giảm đến mức thấp nhất trong suốt 8 ngày vừa qua về phạm vi hoạt động và số lượng người tham gia.
---------------------------
Trước giờ G: 80 nhà khoa học từ 8 trường đại học vẫn ủng hộ sinh viên
Tờ Bưu điện Hoa Nam đang tường thuật khung cảnh "chiến vùng trung tâm" của đông đảo sinh viên Hong Kong. Khi mọi người đang "nín thở" chờ đợi những gì sẽ diễn ra sau 00h ngày 6-10, thì hơn 80 nhà khoa học đến từ tám trường đại học ở Hong Kong vừa đưa ra một thông cáo chung kêu gọi Chính phủ nên có những hành động thiết thực và cụ thể đối với những mong mỏi của các sinh viên.
Theo đó, thông cáo trên nêu rõ "Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực tàn bạo đối với các em sinh viên, những người vốn chỉ có ý định thuần túy là tìm kiếm một cuộc đối thoại hợp lý với chính phủ".
Thông cáo nhấn mạnh thêm rằng nếu thực sự chính quyền đang chuẩn bị bắt đầu cho một cuộc đàn áp tàn bạo, thì nó không chỉ dẫn đến việc duy trì sự bế tắc chính trị như hiện nay, mà còn sẽ khiến xung đột leo thang.
To Yiu-ming, giáo viên ngành Báo chí trường Đại học Baptist Hong Kong - TQ, một trong những người đã ký vào thông cáo nói trên đề xuất ít nhất chính phủ nên mở ra các cuộc thảo luận giữa những người trong nhóm "Chiếm vùng Trung tâm" với đặc khu trưởng Lương Chấn Anh.
Khi được hỏi liệu ông có tin rằng sinh viên sẽ rút lui (trước giờ G) hay không, ông To Yiu-ming nói: "Là giáo viên, tất nhiên tôi cũng rất lo lắng về sự an toàn của các em sinh viên. Tuy nhiên, tôi tôn trọng quyết định của các em. Bởi tôi chắc chắn rằng mọi hành động đều xuất phát từ những nguyên nhân lịch sử".
-----------------------
Sinh viên Hong Kong vẫn chưa đạt 'yêu sách 3 nguyên tắc'
Trước 00h ngày 6-10 (giờ Hong Kong), lãnh đạo sinh viên Lester Shum phát biểu trước báo chí rằng các thành viên thuộc Hội sinh viên Hong Kong vừa có một cuộc họp với Tổng thư ký các vấn đề hiến pháp Lau Kong Wah, trợ lý chính trị Ronald Chan Ngok-pang và một quan chức hành chính khác.
"Các quan chức không đồng ý với ba nguyên tắc của sinh viên. Vậy nên chúng tôi sẽ phải thảo luận một lần nữa về điều này trước khi bước vào cuộc đàm phán chính thức”, Shum cho biết.
Cuộc họp nói trên nhằm “lót đường” cho các cuộc đàm phán giữa nhóm Hội sinh viên Hong Kong cùng tổ chức “Chiếm vùng Trung tâm” với Đặc khu trưởng Lâm Chấn Anh và Bộ trưởng Tư pháp Rimsky Yuen.
Dù các quan chức nhà nước đã đồng đối xử cởi mở và tôn trọng đối với các sinh viên, nhưng Shum cho biết chính quyền vẫn không đồng ý ba nguyên tắc: i) Phải tổ chức nhiều vòng đàm phán thay vì một vòng duy nhất; ii) cả hai bên bước vào các vòng đàm phán đều bình đẳng; và iii) trong tương lai, chính phủ phải "thực hiện" cam kết đã đạt được khi kết thúc đàm phán.
"Chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán sẽ không chỉ đơn thuần là một cuộc trò chuyện hoặc tham khảo ý kiến lẫn nhau, mà còn đi đến một kết quả tích cực. Mục đích duy nhất của chúng tôi là giải quyết vấn đề nói trên thông qua giải pháp cải cách chính trị” Shum nói thêm.
Phát biểu tại Đại học Hong Kong, Shum cho biết sẽ không tiết lộ địa điểm của cuộc họp xuất phát từ yêu cầu của các quan chức.
-----------------------
Cảnh sát Hong Kong chuẩn bị tiến hành 'tái lập trật tự'?
Lãnh đạo của phong trào “Chiếm vùng Trung tâm” thông báo, lực lượng biểu tình sẽ rút khỏi một số khu vực thứ yếu để dồn về khu trung tâm trước quan ngại cảnh sát sẽ tiến hành “tái lập trật tự” vào đêm nay, khi hạn chót cho việc chấm dứt biểu tình mà đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đưa ra đến hết ngày 5-10 đang tới gần.
Đại diện các nhóm tổ chức cuộc biểu tình tại Hong Kong cho biết, lực lượng biểu tình sẽ rút dần khỏi một số “cứ điểm”. Tuy nhiên vẫn từ chối chấm dứt biểu tình bất chấp tối hậu thư của chính quyền thành phố đưa ra sẽ “đáo hạn” vào 12h00 đêm nay (5-10).
Bước sang ngày 6-10, cảnh sát sẽ tiến hành “dọn dẹp” đường phố để “trả lại sự bình yên và trật tự” cho Hong Kong, theo như phát biểu của ông Lương Chấn Anh vào trưa ngày 5-10.
Những người biểu tình sẽ rút khỏi các địa điểm “thứ yếu” như khu cảng Victoria và phố Mongkok và “chi viện” cho quận trung tâm Admiralty, cũng là khu vực chủ yếu của cuộc biểu tình.
Các rào chắn do người biểu tình dựng lên trên tuyến đường gần khu nhà chính phủ cũng sẽ được dỡ bỏ. Tổ chức Chiếm vùng Trung tâm cũng kêu gọi người biểu tình dừng “bao vây” nhà riêng của ông Lương Chấn Anh và đổ về khu trung tâm.
Tuy nhiên, quyết định này không được nhóm sinh viên tham gia biểu tình hưởng ứng. Lực lượng sinh viên học sinh tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục trụ lại khu vực Mongkok bất chấp yêu cầu cùa chính quyền và nhóm “Chiếm vùng Trung tâm”.
Hội sinh viên Hong Kong và tổ chức “Chiếm vùng Trung tâm” là 2 nhóm chính tổ chức cuộc biểu tình kéo dài suốt 8 ngày qua tại khu trung tâm thành phố.
Lãnh đạo nhóm sinh viên cho biết, hiện cảnh sát Hong Kong đã đươc huy động một lực lượng đáng kể đến các khu biểu tình để “duy trì trật tự”, bảo vệ an toàn cho cả người biểu tình và những người phản đối biểu tình.
-----------------------
Người biểu tình Hong Kong kiên quyết không rút lui
Một nhóm lãnh đạo phong trào đòi cải cách bầu cử ở Hong Kong hôm nay tuyên bố rút lui tại một khu vực biểu tình chính, tuy nhiên, nhiều người không hưởng ứng quyết định này.
Một nhóm tổ chức cuộc biểu tình hôm nay thông báo trên Twitter rằng đám đông sẽ rời khu vực mua sắm sầm uất Mongkok để tập trung tại Admiralty, nơi đặt trụ sở của nhiều tòa nhà chính quyền và doanh nghiệp.
Đồng thời, những người biểu tình cũng được cho là đã biểu quyết và thống nhất ngừng phong tỏa con đường dẫn vào trụ sở chính quyền Hong Kong
Tuy nhiên, thông báo rút lui khỏi Mongkok không được các sinh viên biểu tình hưởng ứng. Theo South China Morning Post, đám đông tại đây vẫn giữ nguyên vị trí. Nhiều tình nguyện viên mới tham gia phong trào, thế chỗ những người đã rời đi.
"Các nhà lãnh đạo phong trào cũng là những người dân bình thường. Chúng tôi đang dẫn đầu phong trào, chứ không phải họ", AP dẫn lời Roy Wong, 21 tuổi, nhận xét về lời kêu gọi rút lui của một số lãnh đạo biểu tình.
Quyết định dừng phong tỏa đường Lung Wo, gần văn phòng của Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh cũng chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn. Theo ước tính của phóng viên hiện trường từ South China Morning Post, hàng trăm người biểu tình đã tái chiếm con đường.
Phong trào biểu tình đòi cải cách cuộc bầu cử lãnh đạo Hong Kong vào năm 2017 nổ ra vào hôm 22/9, với đợt bãi khóa của hàng nghìn sinh viên và lên tới đỉnh điểm hôm 28/9, khi hàng chục nghìn người phong tỏa tuyến phố chính gần trụ sở chính quyền Hong Kong. Trưởng đặc khu hành chính yêu cầu đám đông biểu tình phải giải tán và trả lại cuộc sống bình thường cho thành phố.
-----------------------
Hồng Kông: Đám đông rút khỏi khu vực biểu tình
Những người ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông hôm 5-10 cho biết họ sẽ rút khỏi một khu vực biểu tình thứ 2 và gỡ rào chắn khỏi một tuyến đường gần các trụ sở chính của chính quyền đặc khu trước thời hạn giải tán khỏi các đường phố.
Đại diện phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” cho biết các tuyến đường dẫn đến các văn phòng của lãnh đạo đặc khu Hồng Kông sẽ được mở lại.
Tuy nhiên, những người biểu tình tại Mong Kok (Vượng Giác) cho biết sẽ tham gia tuần hành tại khu vực biểu tình chính ở quận Admiralty, xung quanh các văn phòng chính quyền. Trong khi đám đông biểu tình đồng ý rút khỏi Admiralty, một số khác lại không chịu rời đi.
Ben Liu Chi-fung (20 tuổi) nói: “Chúng tôi sẽ kiên trì ở đây. Chúng tôi không rút khỏi khu vực này mà không có bất kỳ quyết định ủng hộ nào từ chính quyền".
Tanson Tsui, một sinh viên, cho rằng: “Văn phòng của trưởng đặc khu là một khu vực quan trọng. Chúng ta không thể từ bỏ nguyên tắc cơ bản là thúc ép chính quyền dỡ bỏ khuôn khổ cuộc cải cách bầu cử không công bằng”.
Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền Hồng Kông khẳng định sẽ mở cuộc đàm thoại với các thủ lĩnh sinh viên về cải cách hiến pháp nếu các rào chắn được dỡ bỏ khỏi các con đường.
Trong một tuyên bố, giới chức Hồng Kông kêu gọi thông thoáng lại những con đường chính ở Admiralty và cây cầu nối các văn phòng chính quyền đến những tuyến đường xung quanh được mở lại để các nhân viên có thể vào các tòa nhà ở khu vực này.
Trước đó, hôm 4-10, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh cảnh báo phong trào “chiếm lĩnh trung tâm” có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho an ninh và trật tự công cộng.
Ông Lương cho biết điều cấp thiết nhất là dọn lối ra vào cho các trụ sở chính quyền vào ngày 6-10 để 3.000 nhân viên chính quyền có thể đi làm phục vụ nhân dân bình thường trở lại.
-----------------------
Lãnh đạo Hong Kong: Cảnh sát sẽ làm mọi việc để vãn hồi trật tự
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 4/10, lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh cảnh báo những người biểu tình rằng, cảnh sát sẽ làm mọi việc để đảm bảo rằng, các trụ sở chính quyền và trường học mở cửa trở lại vào thứ Hai tới.
“Chính quyền và cảnh sát có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện mọi hành động cần thiết để vãn hồi trật tự xã hội, để chính quyền và tất cả 7 triệu người dân trở lại công việc và cuộc sống bình thường”, ông Lương nói.
Trước đó, ẩu đả ở trung tâm Hong Kong giữa những người biểu tình đòi dân chủ và những người ủng hộ Bắc Kinh dẫn tới việc hoãn đàm phán giữa những người biểu tình và chính quyền đặc khu. Hôm 3/10, một nhóm người ném chai lọ và đấm đá đám sinh viên biểu tình đòi dân chủ. Chính phủ Hong Kong ngày 4/10 bác bỏ cáo buộc rằng cảnh sát làm ngơ, thậm chí đồng lõa cho đám “xã hội đen” đánh người biểu tình.
Hôm qua, cảnh sát Hong Kong nói rằng, họ đã bắt giữ 19 người liên quan vụ ẩu đả trên phố ngày 3/10, trong đó có 8 người có liên quan băng nhóm tội phạm Hội Tam hoàng. Ngoài buôn bán ma túy, điều hành mại dâm, bảo kê…, Hội Tam hoàng những năm gần đây còn tham gia các lĩnh vực hợp pháp như tài chính, bất động sản