Đàm phán chính thức về biểu tình Hồng Kông vào ngày 10.10
Theo South China Morning Post (SCMP), cuộc gặp trù bị thứ ba nhằm chuẩn bị cho phiên đàm phán chính thức giữa chính quyền và sinh viên Hồng Kông vừa diễn ra tối 7.10.
Các thủ lĩnh Liên hội Sinh viên Hồng Kông và ông Lau Kong-wah, Phó ban Các vấn đề Lập pháp và Đại lục, đã thống nhất phiên đàm phán chính thức đầu tiên giữa đại diện sinh viên, và bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Chánh văn phòng đặc khu, sẽ diễn ra vào 3 giờ chiều thứ 6, ngày 10.10 (giờ Việt Nam).
Phiên đàm phán này chia làm hai phần, với chủ đề bàn thảo lần lượt là cơ sở hiến pháp, và cơ sở pháp lý của việc phát triển hiến pháp. Mỗi bên sẽ cử tối đa 5 người tham gia cuộc đàm phán. Phóng viên được phép tường thuật diễn biến cuộc gặp, tuy nhiên công chúng không được vào, SCMP cho biết.
Ở cuộc gặp trù bị trước, các sinh viên đã đạt được thỏa thuận với ông Lau Kong-wah, rằng đàm phán sẽ diễn ra thành nhiều vòng, trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng. “Chúng tôi đã nhất trí sẽ bắt đầu đàm phán trong tuần này. Chúng tôi muốn rằng đó phải là một cuộc đàm phán nghiêm túc, thay vì gặp gỡ trò chuyện hoặc khuyên nhủ”, Lester Shum, người đại diện sinh viên nói.
Các sinh viên muốn cuộc gặp chính thức với bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Chánh văn phòng đặc khu, được diễn ra tại một trường đại học, tốt nhất là Đại học Hồng Kông. Trong khi đó, phát biểu với báo chí, ông Lau Kong-wah, nói rằng, nếu người biểu tình mong muốn cải cách hệ thống bầu cử bằng cách thức hợp pháp, Hồng Kông phải chấp nhận đường lối mà cơ quan lập pháp Trung Quốc đưa ra trước đó. Quyết định chính là khởi phát của cuộc biểu tình.
Đáp lại, Lester Shum cho rằng việc chính quyền Hồng Kông khăng khăng đi theo chủ trương bầu cử trên sẽ là “trở ngại” cho cuộc đàm phán mang tính xây dựng, SCMP dẫn lời.
Phong trào Chiếm Trung Hoàn của người dân Hồng Kông nổ ra từ ngày 28.9, theo sau một tuần bãi khóa của sinh viên, để phản đối quy định của chính quyền trung ương Trung Quốc về việc bầu cử đặc khu trưởng Hồng Kông. Theo đó, một hội đồng sẽ quyết định trước 2-3 ứng viên cho chức vụ này, trước khi người dân Hồng Kông bỏ phiếu.
Hàng ngàn người, có lúc hàng vạn, đã chiếm đóng các đường phố trung tâm của Hồng Kông để phản đối quyết định này, đồng thời yêu cầu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức. Tuy nhiên, ông Lương đã bác đề nghị này.
-----------------------
Sinh viên Hồng Kông cam kết biểu tình đòi dân chủ đến cùng
Sáng 7.10 chỉ còn vài trăm sinh viên cắm trại tại khu vực trung tâm thành phố Hồng Kông và cam kết tiếp tục theo đuổi phong chào “Chiếm trung tâm” đến cùng.
Một số đường phố trong trung tâm Hồng Kông, trong đó có văn phòng của các ngân hàng quốc tế, các trung tâm thương mại sang trọng, và các sàn chứng khoán tọa lạc vẫn bị chặn, chỉ có người đi bộ được tự do qua lại các khu vực này.
Cuối ngày hôm qua (6.10), một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết, các cuộc đàm phán chính thức để giải quyết những yêu cầu của người biểu tình và chấm dứt các cuộc biểu tình có thể diễn ra trong tuần này.
Sau các cuộc họp trù bị với các đại diện của sinh viên vào tối 6.10, ông Lau Kong-wah, Tổng thư ký cấc vấn đề hiến pháp, cho hay, cả hai bên đã nhất trí các nguyên tắc chung cho các cuộc đàm phán chính thức.
“Theo tôi, cuộc họp hôm nay đã thành công và có những tiến bộ nhất định. Cả hai bên hy vọng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt và mong rằng có thể bắt đầu trong tuần này”, ông Lau Kong-wah nói với báo giới.
Mặc dù tình hình có dấu hiệu lắng xuống, song các thủ lĩnh biểu tình hứa hẹn sẽ tiếp tục phong trào “Chiếm trung tâm” cho đến khi những yêu cầu của họ được đáp ứng.
“Trừ khi chúng tôi đạt được những thành quả đáng kể, nếu không chúng tôi sẽ không từ bỏ. Phong trào này chỉ kết thúc khi và chỉ khi chính phủ hứa hẹn một điều gì đó, nếu không sẽ thuyết phục được chúng tôi”, Alex Chow, lãnh đạo Liên đoàn sinh viên Hồng Kông tuyên bố.
Hôm 6.10, sinh viên đã dỡ bỏ một số rào chắn vào tòa nhà chính quyền để các công chức có thể vào tòa nhà làm việc mà không bị cản trở.
Gần 2 tuần qua, hàng chục ngàn người biểu tình yêu cầu Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh từ chức và Trung Quốc cho phép người dân Hồng Kông quyền được lựa chọn nhà lãnh đạo của họ trong cuộc bầu cử tổ chức vào năm 2017.
-----------------------
Người biểu tình Hong Kong đồng ý đàm phán với chính phủ
Nhiều người biểu tình vẫn kiên quyết bám trụ trên đường phố nhưng con số cao nhất chỉ còn vài trăm người ở các khu biểu tình chính Admiralty và Mong Kong - AFP ngày 7-10 mô tả.
Lực lượng biểu tình "bốc hơi" nhanh chóng đêm chủ nhật vừa qua sau khi lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh cảnh báo sẽ làm mọi biện pháp để lập lại trật tự.
Lãnh đạo sinh viên phủ nhận chiến dịch đòi bầu cử tự do của họ đã bị mất đà và tuyên bố họ sẽ tiếp tục xuống đường ngay cả khi các cuộc đàm phán với chính phủ sẽ diễn ra trong tuần này.
Chưa rõ ngày đàm phán cụ thể nhưng các lãnh đạo biểu tình cho biết đàm phán sẽ bị hủy bỏ nếu chính phủ dùng vũ lực giải tán biểu tình.
BBC đưa tin các cuộc đàm phán giữa đại diện biểu tình và quan chức chính quyền Hong Kong hôm qua đã đi đến thống nhất sẽ tiến hành đối thoại chính thức.
Sức ép lên phong trào biểu tình ngày một tăng khi lãnh đạo Lương Chấn Anh mới đây đã ra một cảnh báo khác yêu cầu người biểu tình giải tán khỏi các điểm nóng của Mong Kok “càng sớm càng tốt”.
“Để ngăn chặn tội phạm và giảm số người bị thương, cảnh sát sẽ có hành động vào đúng thời điểm” - ông Lương phát biểu trên truyền hình.
Ngoài ra, sự khó chịu bắt đầu gia tăng sau khi lực lượng biểu tình làm gián đoạn nhiều hoạt động tại đặc khu trong trong tuần qua dù rằng những đã tổ chức chiến dịch rất tốt và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
-----------------------
Biểu tình ở Hong Kong đã lắng dịu
Sáng 6-10, các trường học và cơ quan chính quyền ở quận Loan Tử và quận Trung Tây đã mở cửa trở lại. Báo South China Morning Post (Hong Kong) ghi nhận số người biểu tình đã giảm mạnh.
Tại khu hành chính Admiralty thuộc quận Trung Tây, chỉ còn khoảng 170 người biểu tình. Tại khu thương mại Mong Kok thuộc quận Du Tiêm Vượng còn khoảng 200 người. Khoảng 100 người tiếp tục bám trụ ở khu mua sắm Causeway Bay.
Liên đoàn Sinh viên Hong Kong cho biết sinh viên chưa quyết định chấm dứt biểu tình và đang chờ đàm phán với chính quyền. Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia Sudhir Shetty, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, nhận định biểu tình có thể làm tổn thương kinh tế đặc khu Hong Kong và thậm chí cả Trung Quốc. Mức độ tác động đến kinh tế lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tình hình bất ổn kéo dài bao lâu.
-----------------------
Hong Kong mất khách du lịch vì biểu tình
Vốn là một trong những mũi nhọn kinh tế của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), tuy nhiên thời gian gần đây ngành du lịch đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do các cuộc biểu tình “Chiếm Trung tâm”, một phong trào biểu tình bị coi là bất hợp pháp đã kéo dài hơn một tuần qua.
Hội đồng Du lịch Hong Kong mới đây xác nhận Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc đã ngừng cấp phép cho các tour du lịch theo nhóm từ Trung Quốc Đại lục sang Hong Kong vì lý do an ninh, trong bối cảnh các cuộc biểu tình căng thẳng tiếp diễn. Lệnh cấm này có thể khiến số lượng các tour du lịch thuộc diện này giảm một nửa trong năm nay, gây thiệt hại gần 13 triệu USD mỗi ngày cho 229 khách sạn của Hong Kong.
Hiện nay, các nước Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Italy, Đức, Australia và Singapore đều đã đưa ra những cảnh báo về việc đi lại ở Hong Kong, đồng thời hối thúc công dân của họ tránh xa các khu vực biểu tình.
Hiệp hội Điều hành tour du lịch nội địa Hong Kong cho biết có bằng chứng ngày càng rõ ràng rằng các cuộc biểu tình "Chiếm Trung tâm" đang gây ra thiệt hại kinh tế. Thống kê cho thấy du khách Trung Quốc Đại lục chiếm khoảng 2/3 tổng số du khách tới Hong Kong. Trước đây, Hong Kong đón khoảng 350 tour du lịch nhóm tới từ Trung Quốc mỗi ngày, với khoảng 35 du khách mỗi tour, song con số này hiện nay đã giảm đáng kể. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc từ ngày 1 - 7/10 hàng năm thường là cao điểm của mùa du lịch Hong Kong, song năm nay số du khách tới đây trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ đã giảm 7% so với năm ngoái. Tổng số du khách nói chung cũng giảm dần do lo ngại các cuộc biểu tình và chính phủ một số nước khuyến cáo công dân của mình không nên đến Hong Kong.
Ngành du lịch là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Hong Kong, chiếm khoảng 4,7% tổng giá trị sản phẩm nội địa (GDP) và tạo ra khoảng 250.000 việc làm trong các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng các cuộc biểu tình có thể gây hại đến tăng trưởng kinh tế của Hong Kong, và những sự kiện chính trị gần đây có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nhẹ mà kinh tế Hong Kong đạt được trong quý 3 vừa qua