EU kêu gọi đưa ông Kim Jong Un ra tòa án hình sự quốc tế
Hãng tin Yonhap ngày 9/10 dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết Dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền Triều Tiên do Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo có nội dung kêu gọi đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra trước Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).
Nguồn tin nói rằng hiện bản dự thảo đã được lưu hành trong nội bộ các phái đoàn ngoại giao tại Liên hợp quốc và mặc dù chỉ là bản dự thảo, song đây là lần đầu tiên một nghị quyết của Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền của Triều Tiên đề cập đến việc đưa nhà lãnh đạo nước này ra trước một tòa án quốc tế trên cơ sở các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, nguồn tin trên từ chối cung cấp thêm chi tiết về bản dự thảo. Nghị quyết thường niên về tình hình nhân quyền Triều Tiên sẽ được Đại hội đồng Liên hợp quốc đưa ra xem xét và thông qua.
Dự kiến, bản nghị quyết về nhân quyền của Triều Tiên sẽ được công bố ngay trong tháng này.
Triều Tiên vẫn luôn chỉ trích mạnh mẽ tất cả các cuộc thảo luận về tình hình nhân quyền của nước này, gọi đó là hành động thù địch do Mỹ đứng đầu nhằm lật đổ chế độ ở Triều Tiên.
Mới đây hôm 7/10, Vụ phó Vụ phụ trách các vấn đề Liên hợp quốc và nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ông Choe Myong Nam đã chỉ trích mạnh mẽ bản dự thảo nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên, đồng thời coi đó là "một sự đe dọa.
-----------------------
Quan chức triều Tiên thừa nhận có trại lao động khổ sai
Một quan chức Triều Tiên ngày 7/10 lần đầu công khai thừa nhận với cộng đồng quốc tế về sự tồn tại của những trại “cải tạo thông qua lao động”, phản pháo lại bản báo cáo nhân quyền của Liên hợp quốc hồi đầu năm.
Các nhà ngoại giao Triều Tiên cho biết, một lãnh đạo hàng đầu của nước này đã tới thăm trụ sở Liên minh châu Âu (EU) và thể hiện thiện chí đối thoại, với những thảo luận về nhân quyền dự kiến diễn ra trong năm tới.
Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ri Tong Il cho biết bí thư của đảng Lao động Triều Tiên đã tới thăm EU, và rằng “chúng tôi đang chuẩn bị mở cuộc đối thoại chính trị giữa hai phía vào cuối năm nay”. Các cuộc đối thoại về nhân quyền sẽ diễn ra sau đó.
Choe Myong Nam, một quan chức Bộ ngoại giao Triều Tiên phụ trách các vấn đề tại Liên Hợp Quốc và nhân quyền cho biết tại một buổi tiếp xúc phóng viên rằng, đất nước mình không có những trại giam giữ và, trên thực tế “không có nhà tù hay thứ gì giống vậy”.
Nhưng vị quan chức này đã đề cập tới những trại “cải tạo thông qua lao động”. “Cả trong luật pháp lẫn trong thực tế, chúng tôi có những trại giam giữ cải tạo thông qua lao động – không phải các trung tâm giam giữ. Đó là nơi mọi người cải thiện tinh thần và nhìn lại những sai trái đã làm”, ông Choe nói.
Những trại “tái giáo dục” này là để cho những người phạm tội thông thường và một số tù nhân chính trị. Nhưng hầu hết tù nhân chính trị bị giam tại những trại giam chính trị nghiêm khắc hơn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, vị quan chức Triều Tiên đã im lặng trước câu hỏi về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người đã không xuất hiện trước công chúng từ hôm 3/9 tới nay, và cũng không có mặt trong một sự kiện cấp cao mà ông thường góp mặt.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh nghị quyết mới nhất về Triều Tiên và vấn đề nhân quyền chuẩn bị được EU và Nhật đưa ra trước đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Theo ông Greg Scarlatoiu, giám đốc điều hành Ủy ban nhân quyền Triều Tiên tại Washington, sự thừa nhận công khai về các trại cải tạo cho thấy Triều Tiên nhận ra các cuộc bàn thảo về nhân quyền tại nước này sẽ không sớm chấm dứt.
-----------------------
IS xài vũ khí của Trung Quốc
Theo báo cáo từ nhóm Nghiên cứu Xung đột Vũ khí (Conflict Armament Research), hoạt động độc lập tại London, hiện nay một bộ phận lớn vũ khí các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang sử dụng là “gắn mác” Trung Quốc.
Tờ báo này cho hay, các nhóm khủng bố Hồi giáo IS đang sử dụng vũ khí và đạn dược được sản xuất tại ít nhất 21 quốc gia khác nhau bao gồm Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Hầu hết số vũ khí này bị tịch thu từ các lực lượng chính phủ Iraq và các nhóm nổi dậy ở Syria trên chiến trường.
Trong khi đó, 2 lực lượng này lại được “tiếp tế” đạn dược từ một nhà máy ở Missouri (Mỹ), vốn cũng là nguồn cung cấp đạn dược cho quân đội Iraq. Nhà nước Hồi giáo cũng có khả năng mua thêm vũ khí nước ngoài với tiền lời từ việc bán dầu.
Tuy nhiên, bản báo cáo cho rằng, hầu hết các loại vũ khí được sử dụng bởi Nhà nước Hồi giáo xuất xứ từ Nga, nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của chính quyền Syria. Nhà nước Hồi giáo có thể đã chiếm các kho vũ khí của Nga khi tấn công lực lượng chính phủ Syria. 472 quả đạn pháo của Nga đã được thu thập từ chiến trường.
Cũng theo báo cáo nghiên cứu này, Trung Quốc hiện là “cha đẻ” số vũ khí lớn thứ hai của Nhà nước Hồi giáo. Khoảng 1.700 hộp vũ khí và đạn dược đã được các nhà điều tra thu thập trong lúc làm việc cùng với các lực lượng người Kurd sau bốn trận chiến chống lại nhóm khủng bố.
Trong đó, khoảng 445 hộp có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mỹ “đóng góp” 323 hộp. Trong số đó còn có súng trường M16A4 sản xuất từ một xưởng vũ khí cung cấp 4 triệu viên đạn mỗi ngày cho quân đội Mỹ và đồng minh.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng 10% các hộp đạn được sản xuất từ năm 2010 đến năm 2014. Hết một nửa lô hàng mới này có nguồn gốc từ Trung Quốc và Bulgaria.
Ngày 8-10, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã lên tiếng chỉ trích nghiên cứu này “thiên vị” Mỹ và đổ vấy trách nhiệm cho Trung Quốc trong việc quản lý yếu kém hệ thống buôn bán vũ khí quốc tế.
-----------------------
Trung Quốc tiết kiệm 9 ti USD nhờ cắt giảm xe công
Theo Tân Hoa xã, Bắc Kinh cho biết đã cắt giảm chi tiêu cho các chuyến công du nước ngoài và tiệc tùng xa hoa của các quan chức chính phủ. Lượng xe công được mua mới cũng giảm mạnh. Do đó, chính phủ tiết kiêm được 9 tỉ USD.
Ước tính chi tiêu công của Trung Quốc cho xe công, tiệc tùng, công du nước ngoài đã giảm khoảng 30% so với một năm trước. Mới đây Bắc Kinh cũng cho biết đã sa thải 150.000 “công chức ma”, chỉ đến cơ quan nhà nước nhận lương mà không làm việc gì.
Trong thời gian qua, rất nhiều cơ quan nhà nước Trung Quốc bị chỉ trích vì chi tiền vô tội vạ cho các chuyến công du nước ngoài. Ví dụ, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình gây sóng gió dư luận khi tiết lộ 50% chi tiêu của cơ quan này phục vụ cho các chuyến công tác nước ngoài.
Trên mạng xã hội Weibo, rất nhiều người dân Trung Quốc đặt câu hỏi các quan chức Ủy ban này đi công du nước ngoài để làm gì và học hỏi được gì khi trên thế giới chỉ có một mình Trung Quốc áp dụng chính sách một con.
Tổ chức Chữ Thập đỏ Trung Quốc (RCSC) trực thuộc chính quyền Bắc Kinh cũng trở thành mục tiêu công kích khi công bố các khoản chi tiêu hàng trăm ngàn USD cho công du nước ngoài.
Một quan chức Tổ chức Chữ Thập đỏ ở Thượng Hải bị phát hiện chi tới 1.526 USD cho một bữa tối trong một nhà hàng sang trọng. Chi tiêu mua xe công cũng là nguồn gốc gây bức xúc lớn trong dư luận.
Theo Trung Quốc nhật báo, năm 2014 cơ quan chi nhiều tiền mua xe công nhất là Tổng cục Thuế với 221 triệu USD, xếp sau là Tổng cục Hải quan với 73 triệu USD.
Chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải hoàn tất việc cải tổ sử dụng phương tiện giao thông vào cuối năm nay để giảm số lượng xe công.
-----------------------
Nổ bom ở hộp đêm Malaysia, nhiều du khách bị thương
Một quả bom tự tạo nổ trước một hộp đêm trong khu vực nhộn nhịp của thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, sáng sớm nay khiến ít nhất 14 người bị thương.
Trong số những người bị thương có nhiều du khách Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Thông tấn xã Bernama của Malaysia đưa tin. Họ là khách hàng thường xuyên của quán và những du khách lưu trú tại các khách sạn gần đó, với độ tuổi từ 22 đến 40, trong đó có 2 phụ nữ.
Một trong số các nạn nhân bị thương rất nặng và ít nhất 4 xe hơi đỗ bên ngoài bị hư hỏng khi quả bom phát nổ lúc 4 giờ 20 phút sáng (giờ địa phương) trước một hộp đêm trong trung tâm thương mại Sun Complex trên đường Jalan Bukit Bintang, một con đường lớn của thủ đô.
Báo The Star cho hay 2 thiết bị nổ đã được ném xuống hiện trường từ tầng 2 của một tòa nhà cạnh đó, và một thiết bị, được tin là lựu đạn, đã không phát nổ. Báo này cũng trích lời phó phòng cảnh sát điều tra tội phạm của thủ đô Kuala Lumpur Khairi Ahrasa nói rằng đứng sau vụ này có thể là các băng đảng giang hồ bất đồng với nhau, và mục tiêu là cố tình gây thương vong.
Vụ án vì thế được xếp vào diện cố tình giết người theo Đạo luật về vũ khí của Malaysia, theo The Star. Channel News Asia (Singapore) cho hay phóng viên của họ và các báo khác được cảnh sát cảnh báo tránh xa hiện trường, đề phòng khả năng có vật liệu phát nổ nữa.